LÝ LUẬN PHÊ BÌNH ÂM NHẠC: CÂU CHUYỆN ĐÀO TẠO VÀ SỬ DỤNG NHÂN LỰC

23/03/2018

 

Lý luận phê bình âm nhạc cho đến giờ vẫn bị coi là yếu kém nhất trong thế kiềng ba chân sáng tác - biểu diễn - lý luận. Cũng là lẽ thường tình, bởi lý luận luôn đi sau sáng tác (và đương nhiên cũng sau cả biểu diễn). Tác phẩm được viết ra, được vang lên thì mới có phân tích và đánh giá, có phê và có bình. Sinh sau đẻ muộn thì lớn sau cũng phải thôi. Song vấn đề là đã lớn đến mức nào, đảm đương được vai trò đồng hành với sáng tác chưa, và hơn nữa còn có thêm trách nhiệm dự báo?

Muốn có một nền lý luận phê bình văn học nghệ thuật vững chãi không thể xem nhẹ các khâu: đào tạo và sử dụng nhân lực, tài lực. Với đặc thù của nghệ thuật âm nhạc, lý luận phê bình âm nhạc còn có những điểm riêng biệt trong đào tạo và hoạt động mà không nói ra không phải ai cũng biết. Xin được chia sẻ đôi điều “không giống ai” mà tôi từng nói hơn một lần.

Đào tạo lý luận phê bình âm nhạc

Để có được đội ngũ phê bình trước hết phải có đào tạo.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang kỷ niệm 60 năm thành lập. Theo nghị định Bộ Nội vụ đã ký vào 12/1957, hai hội âm nhạc lúc đó hợp thành một đại gia đình âm nhạc Việt Nam: Hội Nhạc sĩ sáng tác cùng Hội Nhạc sĩ biểu diễn và huấn luyện. Hoàn toàn không có lý luận âm nhạc!

Tới thập niên 60 thế kỷ XX mới có vài nhạc sĩ được cử ra nước ngoài học chuyên ngành lý luận để sau đó giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Từng có một nhận định không thành văn: ai “mất cơ bản” (trong đó đa phần là cán bộ đi học theo chế độ ưu tiên đã “quá già” để xếp vào hệ chính quy - 7 năm sơ cấp cộng 4 năm trung cấp biểu diễn nhạc cụ) và ai xem chừng ít triển vọng trong biểu diễn hoặc sáng tác thì cứ… “tống” sang lý luận! Vì thế học sinh lý luận thời đó so với các khoa biểu diễn nhạc cụ luôn “cứng” tuổi hơn, cái tuổi tiếp thu rõ ràng chậm hơn, học thường đuối hơn bọn trẻ. Định kiến này không dễ gì xóa bỏ, khiến cho nghề lý luận trong nhiều năm bị xem nhẹ ngay trong “lò” đào tạo.

Thực tế, đào tạo lý luận âm nhạc không như lý luận các chuyên ngành văn học nghệ thuật khác ở chỗ cần tốn nhiều thời gian hơn. Chưa hề học nhạc, chỉ tốt nghiệp phổ thông thôi thì không thể “nhảy bổ” vào Đại học Lý luận âm nhạc được. Tôi được gửi sang Nga học lý luận âm nhạc khi đã hết năm thứ 2 Đại học chính quy chuyên ngành piano. Vẫn chưa đủ. Trước khi vào Đại học Lý luận, các bạn Nga chẳng những chơi piano giỏi, mà còn được trang bị trình độ Trung cấp Lý luận âm nhạc. Họ nắm vững những môn lý thuyết cơ bản, dễ dàng thực hiện các bài tập hòa thanh phức tạp trên đàn, thị tấu tổng phổ (đọc và đánh ngay bản nhạc nhiều bè), chuyển tổng phổ dàn nhạc sang hai dòng cho piano hoặc ngược lại… Kể sơ sơ vậy để dễ hình dung hơn những yêu cầu bắt buộc của đào tạo lý luận âm nhạc. Điều này cũng giải thích vì sao những cây bút bình luận âm nhạc thuộc báo giới hoặc các nhà phê bình âm nhạc tự phong toàn tán dựa lời ca, không thể phân tích tác phẩm và hoàn toàn “bó tay” với nhạc không lời, nhất là những bản nhạc chưa được vang lên.

Hiện nay, đào tạo chuyên ngành Lý luận âm nhạc mang tính chuyên nghiệp hơn và không chỉ có ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, mà cả Nhạc viện TPHCM, Học viện Âm nhạc Huế, cùng nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc khác. Song đầu ra vẫn chỉ cung cấp nhân lực cho cho lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy, chứ chưa một ai theo nghề phê bình âm nhạc chuyên nghiệp. Cho đến giờ phê bình âm nhạc vẫn chưa có mã ngành đào tạo. Môn phê bình mới được thử nghiệm tại Học viện Quốc gia trong vài năm gần đây chưa thể nói là đã trang bị cho sinh viên đủ kỹ năng để tự tin làm nghề này sau tốt nghiệp. Muốn “hành nghề” phê bình, các nhà lý luận trẻ vẫn phải mất vài ba năm tự học trong “trường đời”. Vì thế, đội ngũ lý luận chuyên nghiệp tuy không nhỏ nhưng chủ yếu vẫn là cán bộ nghiên cứu thôi. Chính giới nhạc vẫn khẳng định với nhau: ở ta làm gì có đội ngũ phê bình chuyên nghiệp!

Về chất lượng đào tạo lý luận âm nhạc, không thể bỏ qua một điều đáng lo ngại mà tưởng như chẳng có gì liên quan: đó là cách dạy văn theo kiểu “đạo văn, đạo ý tưởng”. Từ tiểu học đến hết phổ thông đều tập làm văn theo mẫu, con trẻ buộc phải thuộc lòng dàn ý, thậm chí câu cú có sẵn, không được viết theo ý mình hay tập biểu hiện cảm nhận của riêng mình theo cách của mình. Tóm lại, học trò không được khuyến khích tư duy độc lập từ nhỏ, lên đại học cũng vẫn vậy. Lẽ ra phải được học trước tiên nguyên tắc đạo đức của người làm khoa học (cũng như sáng tạo nghệ thuật!), thì sinh viên lại được hướng dẫn làm luận văn theo kiểu copy - paste, thậm chí không hề chú thích trích dẫn từ đâu. Đáng buồn, đào tạo lý luận âm nhạc không ngoại lệ. Nhiều luận văn và tiểu luận mà tôi được đọc không khác mấy món xào xáo thập cẩm, cứ mong tìm được chút gì đó thôi thuộc cái tôi tác giả mà chưa thấy.

Do yêu cầu đào tạo dài lâu, phần lớn sinh viên lý luận được học nhạc từ bé. Trò còn nhỏ nên mối quan hệ thầy trò thường có gì đó giống như gia đình, nhất là với các nhạc sĩ tiền bối thì bọn trẻ đã quen coi như các bậc cha chú. Phân tích tác phẩm của các bác các chú chủ yếu mang tính bình giảng chứ ai mà dám phê bình. Quen thế rồi, ra trường nhiều người chọn nghề dạy học hoặc nghiên cứu cho an toàn, nghiên cứu nhạc cổ truyền toàn tác giả vô danh đỡ phiền toái, chứ “động” vào nhạc mới ắt phải “dính” tới phê bình rồi.

Ở trường chú trọng kỹ năng nghiên cứu nhiều hơn phê bình, đối tượng nghiên cứu luôn là nhạc hàn lâm nên có một khoảng cách không nhỏ giữa đào tạo kiểu tháp ngà với đời sống xã hội hiện chỉ nặng về nhạc giải trí, nó khiến các nhà lý luận chuyên nghiệp rất khó nhập cuộc. Muốn bài vở được đăng tải thì phải hiểu thấu về sinh hoạt âm nhạc đại chúng cộng thêm lối viết câu khách. Về khoản này “dân” lý luận âm nhạc thua xa báo giới.

Chuyên ngành lý luận phê bình âm nhạc quả thực có nhiều bất cập trong việc học, còn trong “hành” thì sao?

Hoạt động lý luận phê bình âm nhạc

Ngoài những điều kể trên còn vài lý do khác khiến các nhà lý luận âm nhạc chuyên nghiệp không muốn “dây dưa” với phê bình. Môi trường chính của hoạt động lý luận phê bình là báo chí, vậy mà mối quan hệ giữa báo chí với lý luận âm nhạc rất thiếu tương tác. Báo chí chỉ cần sự nhanh nhạy đưa tin trước sự kiện và hoàn toàn quay lưng với những bài đánh giá chất lượng nghệ thuật sau sự kiện, có nghĩa là vai trò của phóng viên đắc dụng hơn nhà lý luận chuyên nghiệp.

Còn một điều khiến giới lý luận dị ứng với báo chí: không có kiến thức sơ đẳng về âm nhạc, biên tập nhiều tờ báo luôn chỉnh sửa thêm bớt sai lệch cả nội dung những bài phân tích công phu, thậm chí tệ hơn: từ chối đăng bài với lý do “không phù hợp”, sau đó “chế biến” lại đôi chút rồi đứng tên người khác (chắc để khỏi trả nhuận bút cho tác giả).

Với thiện chí hợp tác liên ngành, Hội Nhạc sĩ và Hội Nhà báo đã đồng tổ chức Câu lạc bộ Âm nhạc và báo chí từ năm 2011, nhằm nâng cao chất lượng bình luận âm nhạc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếc rằng Câu lạc bộ mau chóng biến thành “cổng thông tin một chiều” để các nhà báo săn tin, tới phần trao đổi kiến thức chuyên ngành âm nhạc thì họ lục tục bỏ về. Mong muốn “học hỏi lẫn nhau”, chia sẻ kinh nghiệm làm báo trong âm nhạc và quảng bá âm nhạc trên báo chí đã sớm tan thành mây khói.

Tóm lại, tiếng nói của lý luận âm nhạc, nhất là phê bình âm nhạc chuyên nghiệp bị lấn át hoàn toàn trong các chuyên mục âm nhạc trên báo chí - cả báo viết, báo tiếng và báo hình. Bài viết của các nhà lý luận âm nhạc đành chỉ âm thầm “đi đêm” trong các tạp chí chuyên ngành: tập san Nghiên cứu âm nhạc (Viện Âm nhạc), tạp chí Âm nhạc (Hội Nhạc sĩ), một số tập san có vai trò thông báo khoa học của các cơ sở đào tạo như Học viện Âm nhạc Quốc gia, Học viện Âm nhạc Huế, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương…

Vì báo chuyên ngành là sản phẩm “cho không biếu không” nên bài lý luận phê bình dù đầu tư nhiều chất xám và thời gian, nhưng nhuận bút rất khiêm tốn. Đối tượng đọc hạn hẹp, hiệu quả xã hội không thấy rõ, lý luận phê bình âm nhạc luôn bị mang tiếng “mất đài, mất điện, tắt tiếng”.

Lý luận phê bình âm nhạc có thật sự tắt tiếng không?

Một món quà tuyệt vời cho các nhà lý luận phê bình âm nhạc mà thế giới công nghệ thông tin mang lại chính là diễn đàn ảo - ảo mà thật, thật về hiệu quả quảng bá kịp thời và lưu trữ lâu dài cho các bài lý luận phê bình âm nhạc vốn kén người đọc. Trong mấy năm gần đây, website Hội Nhạc sĩ Việt Nam là nơi đăng tải nhiều nhất những bài lý luận phê bình, trong đó có những chuyên luận bị báo giấy từ chối vì quá dài, quá học thuật và quá… nhạy cảm. Chẳng hạn có bài viết công phu về quốc nạn đạo văn trong âm nhạc bị báo giấy từ chối đăng vì lý do tế nhị: đối tượng bị phê phán vẫn đương chức(!). Nếu không có báo mạng thì những bài phê bình quả cảm với đúng tinh thần khoa học như thế chẳng có cơ hội được biết đến.

Còn một diễn đàn nữa tuy âm thầm nhưng mang giá trị dài lâu: sách! Đây là “vật chứng” giấy trắng mực đen đầy thuyết phục cho nhận định: chưa bao giờ lý luận phê bình âm nhạc được mùa như thập niên đầu thế kỷ XXI. Đáng kể nhất là những bộ sách lớn có sự hợp lực của nhiều tác giả: Âm nhạc mới Việt Nam - Tiến trình và thành tựu (2000), Tân nhạc Hà Nội - Từ đầu thế kỷ XX đến 1945 - Hình thành và phát triển (2002), bộ sách 5 tập (7 cuốn) Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu - lý luận - phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX (2003), bộ sách 5 cuốn Âm nhạc Việt Nam - tác giả tác phẩm (2006-2009), Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI (2010), bộ sách 5 cuốn 1000 năm âm nhạc Thăng Long - Hà Nội (2010).

Có lẽ xuất bản sách là niềm an ủi đối với các nhà lý luận phê bình âm nhạc chuyên nghiệp trong thời buổi hoàn toàn không có diễn đàn riêng cho phê bình âm nhạc. Song niềm an ủi này cũng không trọn vẹn, bởi sách rất khó đến tay đối tượng cần đọc do khâu quảng bá kém. Chưa kể với mức lương nghiên cứu quá khiêm tốn, với thù lao chất xám quá èo ọt, không phải ai cũng có khả năng tự in ấn sách, nhất là loại sách không kinh doanh được. Riêng tôi xếp xó mấy năm nay hai tập bản thảo (mỗi tập trên 300 trang A4): Nhà phê bình âm nhạc, anh ở đâu? Âm nhạc Việt Nam - nhìn lại để suy ngẫm, cho nên cuốn thứ ba Phê bình âm nhạc - đạo và đời viết được nửa chừng tôi đã thấy nản không muốn “cày” tiếp nữa.

Xin đưa vài dẫn chứng cụ thể vậy để nhấn mạnh thêm điều này thay cho lời kết:

Dù có đào tạo số lượng nhiều mà không biết sử dụng nhân lực tài lực, thì rất khó nói đến chất lượng đội ngũ phê bình âm nhạc. Dù nỗ lực cá nhân mỗi người cầm bút không nhỏ, nhưng thiếu sự khích lệ tinh thần, thiếu hỗ trợ kinh phí kịp thời và xứng đáng thì phê bình âm nhạc thật khó có hiệu quả xã hội như mong muốn.

                                                                                                 Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

                                                                                                                 24-12-2017

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...