GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT

14/07/2017

 

Có tác phẩm âm nhạc được đánh giá cao và luôn được đưa vào chương trình nghệ thuật hoành tráng bởi giá trị lịch sử của nó.
Có tác phẩm trong nhiều năm bị quy là “có vấn đề”, thậm chí bị ngăn cấm sử dụng mà vẫn cứ sống trong nhân gian bởi giá trị nghệ thuật của nó.
Vậy cái gì mang lại giá trị lâu bền cho sáng tác âm nhạc - ý nghĩa lịch sử hay tính nghệ thuật?

Trong một chương trình giới thiệu tác phẩm, đồng nghiệp hỏi tôi nghĩ gì về năm tác phẩm thanh nhạc được xếp vào diện “bài ca đi cùng năm tháng” của năm tác giả khác nhau được viết vào những thời điểm khác nhau: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng của Phong Nhã, Ba Đình nắng của Bùi Công Kỳ (thơ: Vũ Hoàng Địch), Ca ngợi Tổ quốc của Hồ Bắc, Hồi tưởng của Hoàng Vân và Từ Radơlip tới Pác Bó của Phan Long. Nghĩ gì ư? Lập tức tôi bị kéo trở lại với câu hỏi từng làm bận tâm không ít người trong giới nhạc cũng như công chúng yêu nhạc: “Cái gì quyết định sức sống của tác phẩm?”. 

Có những yếu tố thường bị gán vào các giá trị mâu thuẫn nhau, nhưng may mắn trong thực tế vẫn có thể gặp chúng trong cùng một tác phẩm, đấy là các khái niệm: tốt và hay, tính thời sự và độ bền lâu, hiệu quả xã hội nhất thời và giá trị nghệ thuật trường tồn.

Không đặt những khái niệm trên vào vị trí các cặp phạm trù triết học đối lập để luận giải hoặc cổ xúy cho sự lựa chọn cực đoan một trong hai, chỉ là nhân nhắc đến năm ca khúc và hợp xướng đã có một đời sống xã hội trên dưới nửa thế kỷ, tôi muốn thử nhìn qua các góc độ lịch sử và nghệ thuật trong giới hạn mấy bài đó mà thôi.

Tính thời sự và giá trị lịch sử 

Điểm chung dễ thấy nhất là năm tác phẩm kể trên đều ra đời vào thời điểm lịch sử hoặc có nội dung gắn với sự kiện và nhân vật lịch sử. Vì phản ánh thời điểm và con người đã đi vào lịch sử nên tính thời sự ngày trước lại có ý nghĩa lịch sử đối với ngày nay và ngày sau.

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng được viết vào năm 1945 ngay sau Ngày Tuyên ngôn độc lập. Bài hát khởi nguồn từ cảm xúc trong chính ngày 2-9 năm đó: khi dẫn đoàn thiếu nhi đến dự lễ mít tinh tại quảng trường Ba Đình, anh phụ trách Phong Nhã lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy Hồ Chủ tịch. Đọng mãi trong tâm trí người phụ trách trẻ tuổi ấy là hình ảnh vị Chủ tịch nước nhoài người ra khỏi cửa xe đưa cả hai tay vẫy các cháu. Trong buổi sinh hoạt Đội sau đó anh phụ trách đã hỏi các em: “Ai yêu Bác Hồ nhất?”. “Nhi đồng!” - tất cả đồng thanh đáp lại. “Tại sao không phải là bộ đội, hay phụ nữ, hay các cụ bô lão…, họ cũng yêu Bác Hồ lắm chứ?”. Các em lại nhao nhao: “Không ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng!”. Thế là đoạn mở đầu ca khúc đã hình thành với câu khẳng định được lặp lại nhiều lần: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng”. Sau này cụm từ “chúng em” được tác giả chỉnh lại thành “thiếu niên”, mở rộng “chủ thể yêu” cho công bằng với các bé ở tuổi nhỉnh hơn một chút.

Bốn tác phẩm còn lại cũng có mối liên quan trực tiếp tới sự kiện lịch sử. 

Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ không có cái may được tham dự Lễ Tuyên ngôn độc lập như tác giả bài thơ mà ông phổ nhạc, nhưng ông từng tâm sự rằng ông “vẫn cứ tưởng tượng ra như mình đang bay trên bầu trời hôm đó. Mình đang cầm bút vẽ, đang cầm máy thu âm, đang cầm máy ảnh… ghi lại được diễn biến và toàn bộ khung cảnh một ngày vui lớn của cả nước” .
Nếu Ba Đình nắng (1947) là bức tranh cổ động đặc tả Ngày Tuyên ngôn độc lập, thì Ca ngợi Tổ quốc (1960) và Hồi tưởng (1965) mở ra toàn cảnh đất nước tựa như tấm panorama chào mừng kỷ niệm Quốc khánh.

Nhạc sĩ Hồ Bắc kể rằng ông cùng các nhạc sĩ đài Tiếng nói Việt Nam gồm Phạm Tuyên, Lưu Cầu, Lê Lôi rủ nhau cùng làm một tác phẩm thật ý nghĩa chào mừng 15 năm ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Hồi đó trong giới sáng tác đang dấy lên phong trào quyết “phá xiềng ca khúc, âm nhạc phải có tác phẩm hợp xướng, giao hưởng” nên họ đã quyết định mỗi người viết một chương cho bản đại hợp xướng bốn chương. “Quê hương yêu dấu có những người dân cần lao yêu thương/ Đã bao máu xương đổ xuống quê hương cho đồng tươi tốt” - đắm mình trong khúc hát ấy, tác giả đã “không kìm được xúc động, những giọt nước mắt tràn cả xuống tờ giấy chép nhạc”, vừa viết vừa lau nước mắt và “khi viết đến nốt nhạc cuối cùng thì ông cũng lả đi vì kiệt sức” . Nhạc sĩ đã rút ruột nhả tơ để có một bản Ca ngợi Tổ quốc như thế đó.

Tương tự như vậy, Hồi tưởng của Hoàng Vân là một chương trong tác phẩm tổng hợp của bốn nhạc sĩ (mỗi người viết một chương) nhân kỷ niệm 20 năm lập nước. Sau buổi công diễn năm 1965, Hồi tưởng cũng như hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc luôn được trình diễn như một tác phẩm độc lập.  

Từ Radơlip đến Pác Bó (1977) ra đời vào dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Đây là bức tranh phong cảnh ở nơi gắn với những tháng ngày hoạt động bí mật của hai nhà hoạt động cách mạng vô sản Lenin và Hồ Chí Minh.

Nét riêng của một thời đọng lại trong tác phẩm tạo nên dấu ấn giai đoạn, đôi khi ý nghĩa lịch sử cũng chính là ở đó. Sự ngợi ca, niềm tin, tinh thần lạc quan luôn bao trùm lên các tác phẩm được dán nhãn mác “nhạc đỏ”. Không phải chuyện lạ khi bắt gặp những câu khẩu hiệu trong bài hát của giai đoạn coi chức năng tuyên truyền, ngợi ca là tiêu chí chính yếu của sáng tác nghệ thuật. Lời ca cho trẻ nhỏ cũng có những câu rất chính trị: “Đời đời ghi nhớ ơn Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi lời thành Đảng Cộng sản Việt Nam), nhớ ơn Cách mạng và Bác Hồ” (Hồi tưởng). 

Lời ca như chỉ rõ thời điểm ra đời của tác phẩm. Rất nhiều câu hát cho thiếu nhi thời đó - thời mà chúng tôi còn là con nít vẫn hát làu làu mà không hiểu hết ý nghĩa lời ca - đã khiến chúng tôi sau này lúng túng không biết giải thích sao cho con cháu mình. Điều này chứng tỏ sự gắn bó của tác phẩm với thời đại sinh ra nó, và cũng là dấu ấn lịch sử rất đậm nét của những tác phẩm âm nhạc cách mạng thuộc giai đoạn cái chung đại diện cho cái riêng, cái ta bao trùm lên cái tôi. 

Tính giai đoạn in đậm không chỉ ở lời ca mà cả trong âm nhạc. Thấy rõ ở đây sự giản đơn, kể cả hợp xướng nhiều bè cũng được viết theo tư duy đơn âm. Các bè đều hát chung lời ca, cùng âm hình tiết tấu và gần như chung đường nét giai điệu. Trong Ca ngợi Tổ quốc các bè thường đúp nhau theo kiểu hòa thanh cột dọc hoặc một giọng ca lĩnh xướng trên nền vocal của các bè khác, nghĩa là vẫn chỉ một bè chính cộng thêm phần đệm (homophonie), chứ chưa tận dụng sự phát triển chiều ngang giữa các bè độc lập và có vai trò tương đương nhau (polyphonie). Tác phẩm nhiều bè nhìn chung không khác ca khúc, bởi như thế dễ viết, dễ hát, dễ dựng, dễ nghe, dễ hiểu - phù hợp với người sáng tác, người biểu diễn cũng như người thưởng thức lúc đó. Đây là dấu ấn lịch sử đầu thập niên 60 - khởi đầu nghệ thuật âm nhạc nhiều bè ở Việt Nam. Đây cũng là dấu ấn thời đại của giai đoạn ưu tiên tính quần chúng, tính đồng nhất, chưa phải lúc đề cao tính học thuật cao siêu và sự lạ lẫm khó hiểu. 

Những sáng tác gắn với thời cuộc sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình liệu còn được yêu thích nữa không và nếu còn thì vì cái gì?

Trước hết, bên cạnh chức năng tuyên truyền ngợi ca còn có một chức năng nữa cũng luôn được đề cao, đó là giáo dục.  

Có thể đến lúc nào đó, vai trò hô hào cổ vũ không còn quan trọng nữa, nhưng những bài học lịch sử vẫn còn đó, và thế hệ sau vẫn có thể tìm thấy trong tác phẩm âm nhạc những thông tin thú vị và đôi điều học hỏi từ quá khứ.

Thêm nữa, tính thời sự là lát cắt dọc tại một thời điểm, ví như trục tung, còn sức sống lâu bền theo thời gian giống như trục hoành. Tác phẩm “đi cùng năm tháng” chỉ có thể là những sáng tác không chỉ đơn thuần mang tính tụng ca, cổ động, tuyên truyền cho mục tiêu chính trị nhất thời, mà phải có giá trị nghệ thuật đích thực để đủ sức thuyết phục và hấp dẫn công chúng thế hệ sau. 

Tính bền lâu và giá trị nghệ thuật

Yếu tố quyết định trước tiên là tác phẩm được sinh ra từ cảm xúc thật, từ cái tâm cái tình. Và làm sao để cái tâm cái tình của một người bắt đúng tần số rung động của nhiều người, ấy là nhờ cái tài cái khéo của người sáng tạo.

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh như đã nói trên, gắn với kỷ niệm xúc động đến trào nước mắt của riêng tác giả. Năm 1946, lần đầu tiên bài hát được thiếu nhi trình bày trong Phủ Chủ tịch, nghe câu “Bác nay tuy đã già rồi”, Bác cười: “Bác đã già đâu”. Năm đó Bác mới 56 tuổi! Đến câu “râu hơi dài”, Bác lại bật cười… Đó, không thần thánh hóa lãnh tụ, bài ca phác họa không phải hình tượng vĩ nhân, mà là hình ảnh gần gũi thân thương như một ông bác trong gia đình. Tính thuyết phục nhờ thế mà mạnh hơn, nhất là đối với trẻ thơ.

Cũng bình dị như thế, câu nói chân tình “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” của “Cha già dân tộc” với bộ kaki bạc màu sương gió đã đi vào âm nhạc trong Ba Đình nắng. Niềm tin lấp lánh trong hình ảnh những con người vô danh rất đỗi bình thường: anh thương binh trong chiều vàng, đoàn thiếu nhi đang tưng bừng ca hát…

Không rơi vào lối ngợi ca chung chung, khuôn sáo, Từ Radơlip đến Pác Bó đã khéo vẽ phong cảnh nên thơ với túp lều cỏ bên hồ và hang đá bên suối để từ đó tôn vinh hình ảnh hai vị lãnh tụ của Cách mạng tháng Mười Nga và Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam.

Ngợi ca cái đẹp bằng bức tranh thiên nhiên dễ đi vào lòng người hơn những câu tuyên truyền khô cứng. Nhạc sĩ Hồ Bắc dùng hình ảnh đất nước một dải với núi - biển - sông: “Hồng Hà - Cửu Long nước hòa chung vào biển Đông” để khái quát mục tiêu Bắc Nam thống nhất một nhà.

Nhạc sĩ Hoàng Vân mượn con mắt trẻ thơ tận hưởng cái đẹp đất trời thanh bình: bầu trời, mặt nước, cành lá, bầy chim, đàn bướm.... Các từ cuối câu - trong xanh, long lanh, xanh xanh - đều có vần “anh”, dễ nhớ dễ hát như đồng dao vậy. Các điệp từ “long lanh, xanh xanh, rung rinh” ứng với những âm trùng rất tự nhiên trong mối quan hệ chặt chẽ giữa nhạc với lời.
Ngay nửa đầu thập niên 60, còn xa mới đến thời điểm “mở cửa” năm 1986 cho những quan điểm đổi mới, mà trong cả hai hợp xướng đều xuất hiện từ “đổi mới”, tuy chỉ mang ý nghĩa ngợi ca những đổi thay bên ngoài: “Quê nghèo tăm tối, nay đổi mới” (Ca ngợi Tổ quốc) và “Mùa xuân đã đến, nhìn đất nước đổi mới muôn nơi” (Hồi tưởng). Vào lúc này đây, khi nỗi khát khao đổi thay thực sự và toàn diện đang cháy bỏng hơn bao giờ hết, thì từ “đổi mới” tình cờ lại có gì đó tựa như dự cảm, có gì đó gần với tâm trạng xã hội hôm nay, khiến tác phẩm theo nghĩa nào đó dường như vẫn còn mang hơi hướng thời sự. 
Về phần nhạc của các tác phẩm này cũng có những điểm chung, đó là sự giản dị, tính giai điệu cao, cấu trúc vuông vắn cân đối. Với giai điệu trong sáng, nhí nhảnh, truyền cảm, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, hợp xướng thiếu nhi “Trời cao trong xanh” trong Hồi tưởng Từ Razolip đến Pác Bó luôn có mặt trong danh sách những bài hát thiếu nhi hay nhất. Có lẽ tính nghệ thuật đáng ghi nhận ở đây chính là sự bình dị, hồn nhiên. 

Ngoài ra, với riêng Hồi tưởng còn có thể nói thêm về tính học thuật. Tác phẩm này chứng tỏ thập niên 60 là giai đoạn tràn đầy tinh thần học hỏi kĩ năng sáng tác khí nhạc và hợp xướng nghệ thuật của giới nhạc chuyên nghiệp. Ngôn ngữ biểu hiện phong phú và hấp dẫn với thành phần trình diễn phức hợp gồm hai hợp xướng (hợp xướng bốn bè, hợp xướng thiếu nhi) và dàn nhạc giao hưởng, với cấu trúc nhiều đoạn tương phản về tính cách (ABCDEA’ - có gì đó linh hoạt như cấu trúc nhiều trổ của nhạc cổ truyền dân tộc). Tác phẩm dễ gần với công chúng bởi cách vận dụng ca khúc quen thuộc khơi gợi không gian quá khứ hào hùng: Cùng nhau đi hồng binh, Hồn tử sĩ. Dàn nhạc không chỉ đơn thuần làm nền hỗ trợ giọng hát, mà còn tạo tình huống, tính kịch và đối thoại với hợp xướng. 

Tôi rất thích đoạn mở đầu trong bản phối dàn nhạc giao hưởng (chứ không phải phần đệm làm hàng kiểu đại trà vẫn dùng trong các chương trình văn nghệ thiếu nhi hiện nay): giai điệu tươi vui nhảy nhót trên những âm trùng ở cuối câu (“Trời cao trong xanh/ Sương sớm long lanh/ Mặt nước xanh xanh/ Cành lá rung rinh”) được nối tiếp cũng bằng hai âm trùng thánh thót ở nhạc cụ gỗ và dây như tiếng hót chim chóc đáp lại giọng hát trẻ thơ.

Đặc biệt ấn tượng là thủ pháp phức điệu lồng hai chủ đề âm nhạc của hai dàn hợp xướng ở đoạn kết. Nghe nhiều rồi mà lần nào tôi cũng thấy xúc động như lần đầu. Vẫn là “Trời cao trong xanh”, nhưng hợp xướng thiếu nhi được lồng vào hợp xướng người lớn “Ta đi tới”, tựa như thế hệ nối tiếp thế hệ, và tuổi măng non được nâng đỡ bằng cả một bề dày lịch sử truyền thống đất nước. Đoạn Coda huy hoàng này là một thí dụ hay về giá trị nghệ thuật, một trong những yếu tố giúp tác phẩm có sức sống bền lâu. Đã nhiều thập niên trôi qua, Hồi tưởng luôn có mặt ở nhiều chương trình lớn nhỏ và sẽ còn được trình diễn trong các sự kiện âm nhạc như các liên hoan, kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam. 

Từ các tác phẩm trên làm thí dụ cụ thể để hướng tới một vấn đề khái quát, ta có thể ghi nhận giá trị nghệ thuật và tính thời đại là những yếu tố quan trọng trong sự sống còn của tác phẩm. Khởi nguồn từ rung cảm chân thực thông qua sáng tạo cá nhân để có được sự đồng cảm của cộng đồng, nói cách khác, nảy sinh từ yếu tố thời sự như cú hích ban đầu, được cộng hưởng bởi yếu tố lịch sử và những dự cảm tương lai để có được tính thời đại không chỉ trong một thời đại - đó là hành trình của những tác phẩm sống cùng năm tháng.

Ngoài ra còn một yếu tố nữa không phụ thuộc vào tác giả, nhưng đôi khi lại can thiệp quyết liệt vào số phận tác phẩm, đấy là điều kiện thiên thời địa lợi. Tác phẩm xuất hiện đúng thời điểm không, có đến được với công chúng không? 

Có người tài mà không may mắn gặp thời, tác phẩm cũng vậy. Tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật nhưng cũng cần gặp thời để có cơ hội vang lên và không bị bất kỳ tác động khách quan nào đẩy vào tình trạng quên lãng.

Và rồi, tác phẩm vĩnh cửu hay không, bền lâu đến mức nào - ta không thể trả lời chắc chắn, quyền trả lời thuộc về thời gian, mà thời gian thì thuộc về công chúng thế hệ tương lai, vậy nên hãy để con cháu của các con cháu ta, chắt chít của các chắt chít ta sẽ thay ta tìm ra câu giải đáp cho điều này. 
                                                                                                                                                                      12-02-2017

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...