Âm nhạc và những nỗi lo không của riêng ai

29/06/2017

Nghe nhạc là biết được nước thịnh hay suy…

Người xưa thậm xưng hay là ta hiểu âm nhạc chưa đủ sâu sắc để dám nhìn nhận âm nhạc ở vị trí đặc biệt như thế, để có thể gắn âm nhạc với sự tồn vong của một quốc gia như thế?

Có điều chắc chắn rằng nền âm nhạc của một đất nước luôn phản chiếu bộ mặt văn hóa đất nước ấy. Và không chỉ làm chiếc gương in bóng tâm hồn một dân tộc, âm nhạc còn là loại hình nghệ thuật tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất vào đời sống xã hội đương thời.

Nền nhạc mới của ta tuy còn quá trẻ nhưng cũng đủ để minh chứng cho điều đó. Thế nên gia tài tám mươi năm nhạc mới vẫn được ví như cuốn biên niên sử âm thanh của công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.

Bài hát, như một vũ khí tinh thần không gì thay thế được, đã đóng vai trò thể loại xung kích trong suốt những tháng năm chiến tranh. Có bài ca sinh ra trong ngục tù. Có câu hát bật lên trong nhịp bước của dòng người nổi dậy cướp chính quyền. Có ca khúc ra đời trong chiến hào trước giờ xung trận. Có giai điệu cất lên bên hố bom, nơi mới đó còn là căn nhà góc phố thân thương. Âm nhạc đã chứng tỏ sức mạnh của một thời tiếng hát át tiếng bom. Âm nhạc theo tuổi trẻ xuống đường “hát cho đồng bào tôi nghe”. Và âm nhạc lại cùng toàn dân cất tiếng ca khải hoàn niềm vui Nam Bắc một nhà.

Hết chiến tranh, âm nhạc vẫn luôn đồng hành với mọi buồn vui thời cuộc. Nhìn vào âm nhạc có thể thấy được rất nhiều đổi thay: những bước chuyển mình của đất nước, cũng như sự chuyển giao giữa các thế hệ. Chức năng âm nhạc mở rộng hơn, không chỉ giáo dục, động viên, cổ vũ như thời chiến, mà còn thiên về nhu cầu giải trí; và đã là giải trí thì âm nhạc không thể tách khỏi thị hiếu số đông với những nhu cầu rất khác xưa.

Trong không gian rộng mở hơn, phức tạp hơn sau các thời điểm “mở cửa”, hội nhập, đặc biệt từ khi có sự trợ giúp thần kì của internet và công nghệ tin học trong việc soạn nhạc và tiếp cận kho tàng âm nhạc thế giới, sản phẩm âm nhạc ngày càng trở nên đa dạng, mới mẻ, tự nhiên và phá cách hơn về hình thức trình bày, nội dung đề tài, ngôn ngữ biểu hiện và phong cách diễn tấu.

Thành quả của nhiều thế hệ nhạc sĩ nối tiếp là niềm tự hào to lớn hẳn nhiên luôn được nói đến nhiều hơn là những gì thuộc mặt trái. Để gây dựng một nền âm nhạc thực sự vững vàng, một gương mặt không nhạt nhòa trên nhạc trường quốc tế thời văn hóa toàn cầu, thì không thể chỉ ghi nhận cái được, mà rất cần lưu tâm kịp thời đến những cái chưa được. Đã đến lúc cần dành nhiều hơn sự chú ý đến những điều đáng băn khoăn, đến những hiện tượng tưởng như không đáng kể, bởi dù ta có lờ đi thì chúng vẫn cứ còn đó và có thể biến thành thảm họa trong tương lai không xa.

 

Mất cân đối

Chính thời bình lại là lúc đời sống âm nhạc gặp nhiều sóng gió hơn cả. Liên tiếp những biến động, bắt đầu từ các cơn sốt “nhạc nhẹ”, nhạc tiền chiến, nhạc hải ngoại, rồi đến sự du nhập liên tiếp các loại nhạc giải trí pop, rock, blues, jaz, R&B, rap, hip-hop… Nhạc Việt nương theo âm điệu nhạc Tây, rồi lại tới nhạc Hoa, Nhật, Hàn… Sự xâm nhập và lan tỏa của những gì được coi là nhạc nhẹ, nhạc trẻ đã mau chóng lấn lướt các loại hình có bề dày lịch sử; và truyền thống phát triển lâu đời chưa đủ để cứu nhạc giao hưởng thính phòng và nhạc cổ dân tộc ra khỏi tình trạng thất thế trong đời sống âm nhạc.

Sự mất cân đối luôn hiện hữu giữa thanh nhạc và khí nhạc, giữa số lượng ít ỏi nhạc sĩ sáng tác nhạc đàn chuyên nghiệp với con số khó kiểm soát hết của đội quân sáng tác ca khúc quần chúng. Số lượng tác phẩm khí nhạc được dàn dựng lại càng nhỏ nhoi so với bạt ngàn ca khúc phổ thông trên thị trường âm nhạc, trên sân khấu ca nhạc và các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt trên internet.

Ngay trong thanh nhạc cũng có sự chênh lệch rõ rệt. Ca khúc phổ thông không có phần đệm lấn át romance và các thể loại lớn hơn ca khúc, như hợp xướng, thanh xướng kịch (oratorio), nhạc kịch (opéra).

Riêng trong mảng ca khúc phổ thông cũng có tình trạng thiếu cân bằng. Ca khúc thị trường chèn ép ca khúc chính thống. Tình khúc “soái ngôi” hành khúc từng thịnh hành trong thời chiến, còn hài khúc và những bài ca sinh hoạt tập thể vốn đã thiếu nay càng thiếu. Điều này kéo theo sự mất cân đối trong nội dung đề tài: tình yêu đôi lứa từ chỗ khủng hoảng thiếu nhảy sang khủng hoảng thừa và đánh bạt những mảng đề tài khác.

“Nhạc trẻ lên ngôi”, nhưng nhạc cho thiếu niên nhi đồng là lực lượng trẻ trong nay mai lại chẳng nhận được sự chú tâm tương xứng. Số tác giả chuyên viết cho thiếu nhi trong mấy năm gần đây giảm nhanh chóng, tác phẩm bớt đi về số lượng và yếu hơn về chất lượng. Bài hát khô cứng, sáo mòn, không hấp dẫn, không phù hợp lứa tuổi vừa chơi vừa học. Thiếu hơn cả là bài hát cho tuổi nhà trẻ và tuổi lỡ cỡ mới lớn nhưng chưa thực sự trưởng thành. Các bé mẫu giáo phải mượn bài của các bé nhi đồng, các bé “choai choai” thì hát tạm bài của người lớn, cũng “anh anh - em em”, cũng “đời tôi cô đơn” như ai.

Quảng bá âm nhạc luôn bị chi phối bởi đồng tiền nên buộc phải ưu tiên nhạc ăn khách. Chương trình nhạc nghiêm túc không được phát sóng vào giờ vàng. Sự phát triển tự phát, chạy theo thị hiếu số đông, theo nguyên tắc “có cung có cầu” đang khiến cho bức tranh âm nhạc thiếu hài hòa, biến dạng, lệch lạc, méo mó cả về nhận thức. Không có gì lạ khi phần lớn công chúng ngộ nhận rằng ca khúc phổ thông là đại diện duy nhất cho nền âm nhạc nước nhà.

Cũng không có gì lạ về cách nhìn nhận chưa hợp lí vị thế các thành viên trong làng ca nhạc. Luôn có sự cách biệt một trời một vực giữa cat-xê của “sao” ca nhạc so với thù lao cho nghệ sĩ biểu diễn giao hưởng thính phòng và nghệ nhân nhạc cổ truyền, cũng như sự chênh lệch bất hợp lí giữa cái giá trả ca sĩ với thù lao cho tác giả. Dường như thù lao luôn tỉ lệ nghịch với chất xám. Bài hát phổ thông giản đơn không đòi hỏi nhiều công sức vẫn có giá hơn tiểu luận phê bình dày công nghiên cứu. Giá trị giải thưởng công trình lí luận nghiên cứu chẳng thấm vào đâu so với sáng tác ca khúc quần chúng.

Trong bối cảnh chung coi rẻ chất xám, phê bình âm nhạc chuyên nghiệp ít được khích lệ cứ thế mà teo tóp, có cũng như không. Bình luận âm nhạc gần như thuộc độc quyền của báo giới. Báo chí từ chối những bài phân tích tác phẩm nghiêm túc vì không câu khách, trong khi đó lại liên tục buôn chuyện giật gân, ai để lộ hàng, ai cặp giai lạ…

Một khi thông tin luôn nhiễu loạn và trong nhận thức có những biểu hiện lệch lạc như vậy, thì nguy cơ đảo lộn giá trị thực giả, lệch chuẩn, mất chuẩn là có thực. Một khi phê bình đã buông lơi vai trò đồng hành với sáng tác, biểu diễn và thưởng thức, thì tính nghiệp dư đang tràn lan trong tất cả mọi hoạt động âm nhạc cũng là có thực.

 

Thiếu chuyên nghiệp

Cho đến nay, giới nhạc vẫn không ngừng tranh cãi về tình trạng nghiệp dư trong sáng tác, liên quan đến khái niệm nhạc sĩ và nhà soạn nhạc. Thuở ban đầu là do hoàn cảnh lịch sử, rồi sau trở thành thói quen, đa phần nhạc sĩ viết ca khúc vẫn tự giới hạn công việc sáng tạo của mình ở giai điệu không phần đệm, còn phần hòa âm phối khí hoàn toàn phó thác cho những người âm thầm sống bằng nghề “bè bối hóa” cho những tác phẩm duy nhất một bè.  

Tư duy đơn âm tiếp tục bao trùm lên sáng tác khí nhạc. Không ít tác phẩm nhạc đàn thực chất không thoát khỏi hình thức và cấu trúc ca khúc. Có lẽ kiểu nhạc đàn chẳng khác “bài hát lược bỏ phần lời” như thế được coi là phù hợp với khả năng của người viết và trình độ cảm nhận của người nghe ở ta.

Đôi khi tác phẩm khí nhạc không có tổng phổ, phân phổ, chẳng có gì ngoài giai điệu kèm kí hiệu công năng để nhạc công cứ theo đó mà trình tấu. Thậm chí chẳng cần nhờ đến nhạc công nào cả, chỉ một mình tác giả tự thu thanh mà vẫn đủ âm sắc của cả dàn nhạc giao hưởng với sự trợ giúp của âm thanh điện tử và kĩ thuật số.

Kiểu nhạc sĩ tay ngang phải nhờ người khác ghi nốt nhạc và phối khí đã xưa rồi. Dù mù nhạc nhưng thạo vi tính, các tác giả nhạc teen ngày nay chuyên sử dụng những phần mềm có sẵn các kiểu hòa âm, dựa vào đó mà chế ra giai điệu sao cho lọt tai, thế là xong, thế là thành nhạc sĩ, có khi còn nổi danh nữa.

Phần nhạc thì thế, còn lời ra sao? Đây, thử xem con cháu chúng ta tự chế món ăn tinh thần thế nào:

Tỏ tình: “Em sẽ yêu mỗi anh giống như chuột kia yêu gạo vậy thôi” (Chuột yêu gạo);

Yêu đương: “Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ/ Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi” (Thỏ con chiên bánh);

Chia sẻ: “Nói nghe nè, là ngày hôm qua đó tôi nằm mơ thấy con cầy cắn tui, chó nhỏ 11 chiều nay nó sẽ ra, bạn hãy đánh bao lô 11 đi, ôi thôi rồi 11 ra ngay chóc...” (Kiếp đánh đề);

Buôn chuyện : "Con trai bây giờ í hả? 100 đứa thì 99 đứa không đàng hoàng, còn một đứa đàng hoàng là gay, à ha" (Con gái thời nay)…

Cho dù ngôn ngữ vỉa hè, tầm thường, tùy tiện, lủng củng, gây sốc, và nói theo “giọng teen” là “bệnh” (bệnh ngay từ cái tên bài: Kiếp đàn ông thân xác đàn bà, Bất ngờ anh yêu người cùng phái…), song các cháu tuổi teen vẫn thích xài nhạc teen tự tạo hơn sản phẩm của các bác nhạc sĩ chuyên nghiệp. Vì sao? Đó là điều không thể không suy nghĩ.

Nhạc giải trí không chỉ để nghe mà nhìn là chính, vì thế tính quyết định khả năng ăn khách của tác phẩm không còn là chất lượng sáng tác, mà thuộc về ca sĩ. Yếu tố quyết định trong biểu diễn lại không phải giọng ca và nghệ thuật thể hiện. Những thiếu hụt của chất giọng và khả năng ca hát được bù lại bằng vẻ ngoài bắt mắt hoặc gây sốc, là những yếu tố “ngoài âm nhạc” cộng với kĩ thuật âm thanh. Mọi khiếm khuyết giọng ca đều có thể được chỉnh sửa bằng máy móc trong phòng thu, ca sĩ tập hát đớp sao cho “ngon” trước công chúng là thắng. Hát nhép (lipsync) đang bị lạm dụng, làm méo mó hình ảnh người biểu diễn và hạ thấp tính chuyên nghiệp của nghề biểu diễn.

Tính nghiệp dư trong sáng tác và biểu diễn thường được biện hộ là do trình độ cảm thụ của công chúng quá thấp, vì có người tiêu thụ thì vẫn còn những sản phẩm đại trà kém chất lượng. Song không thể đổ hết lỗi cho công chúng, bởi họ đâu được hưởng một môi trường âm nhạc tốt lành. Giáo dục âm nhạc học đường bất cập, nghèo nàn, nhàm chán không thể là khởi đầu tốt nếu như ta thực sự muốn đào tạo người nghe nhạc.

Nói đến giáo dục cảm thụ âm nhạc là lại lần nữa đụng chạm đến giới phê bình. Ở ta không có đào tạo chuyên ngành phê bình. Các nhà lí luận âm nhạc chuyên nghiệp chỉ thích hợp với nghề giảng dạy hoặc nghiên cứu, họ gần như xa cách với sinh hoạt ca nhạc đại chúng. Dần dà giới lí luận chuyên ngành tụt hậu với đời sống âm nhạc, thảy luôn mảng bình luận âm nhạc cho phóng viên, nhà báo, và các nhà phê bình tự phong tự xưng danh, cho dù những cây bút này chưa được trang bị đủ kiến thức âm nhạc cần thiết.

Thiếu hiểu biết chuyên ngành âm nhạc, lối bình luận mang tính báo chí nặng về khai thác tin nóng và quá chú trọng yếu tố ăn khách đôi khi gây ra hậu quả khó lường. Báo chí biến thành công cụ đắc lực cho công nghệ quảng cáo lăng-xê có chủ ý bởi một ông bầu sẵn tiền nào đó. Đưa tin thiên lệch, quá liều lượng, làm rùm beng những thứ rác rưởi, vô hình trung báo chí đã quảng cáo, tiếp tay cho các hiện tượng biến thái quái dị, như “nhạc té ghế” - thứ nhạc có thể biến mấy đứa trẻ chín - mười tuổi thành những ca sĩ rởm, ăn mặc tóc tai kinh dị, nhảy nhót nhố nhăng, hát hò nhảm nhí toàn những lời bạc tình, xấu xa.

Nói đi cũng phải nói lại về sự đóng góp của ngành báo trong sinh hoạt âm nhạc, đặc biệt trong việc tổ chức các cuộc thi sáng tác và chương trình quảng bá nhạc chính thống. Đáng chú ý là hai chương trình Bài hát Việt của tòa báo hình VTV (Truyền hình Việt Nam) và Điều còn lại của báo điện tử Vietnam Net nhằm tôn vinh không chỉ ca khúc mà cả hợp xướng, thính phòng, giao hưởng. Vì nhà tổ chức chương trình là “dân ngoại đạo” nên đương nhiên khó tránh khỏi những băn khoăn cho giới nhạc chuyên nghiệp. Chẳng hạn, có thực ổn không khi lấy tiêu chí tìm kiếm bài hát Việt mà lại dựa vào khuôn mẫu các dòng nhạc phổ thông của Mĩ - Âu?

Rất khó khắc phục tình trạng nghiệp dư trong mọi khâu (sáng tác, biểu diễn, thưởng thức, sản xuất băng đĩa, tổ chức chương trình…), nếu như không cải thiện được tình trạng thiếu chuyên nghiệp ngay trong quản lí âm nhạc. Quá khứ để lại bài học về những lúng túng trong quản lí, để rồi dắt dây cả chuỗi hậu quả đáng buồn. Những cái chưa được hiện nay đều có mầm mống từ những biểu hiện có thể nhận thấy trước. Cơn khát tình ca thời hậu chiến tất phải dẫn đến cơn sốt tình ca, bội thực tình ca, rồi ngộ độc tình ca. Các chiêu làm hàng chợ, hàng giả, hàng mì ăn liền, hàng fast food ắt đẻ ra các sản phẩm như ta đã biết: nhạc nhái, nhạc chế, nhạc rác, nhạc té ghế, thảm họa V-pop…

Thời nay quản lí cũng phải có nghề mới tránh được thế bị động. Người tổng chỉ huy có tầm nhìn xa trông rộng hẳn sẽ lường trước được mặt trái của xu thế xã hội hóa. Một bàn tay cầm chịch biết nghề hẳn sẽ đỡ bị rơi vào cảnh luống cuống chữa cháy bằng những giải pháp tình thế, bằng những quyết định cấm đoán hoặc cho phép khi sự đã rồi.

Sự cấm đoán không phải cách làm hay cho các nhà quản lí thời a-còng. Chỉ còn một cách duy nhất nhưng không dễ làm, bởi nó đòi hỏi người quản lí phải có bản lĩnh và niềm tin, đó là dám đầu tư xứng đáng cho nhạc sạch để có một môi trường âm nhạc trong lành, nói đơn giản là loại trừ cái dở bằng cách tìm ra cái hay thay thế.

Lúc thăng lúc giáng, khi bổng khi trầm, khúc thuận khúc nghịch… – âm nhạc vốn là vậy, đời sống âm nhạc cũng vậy. Đối mặt với mọi chìm nổi bấp bênh không phải để bi quan quá mức, mà để các nhà quản lí âm nhạc vững tay lái hơn, tránh tối đa những va đập gây tổn thất không đáng có.

Xin trở lại với lời luận bàn về âm nhạc của Tuân Tử làm câu kết. Nhà tư tưởng trước Công nguyên này từng nói đại ý: thanh âm là từ lòng người mà sinh ra, âm nhạc không dấu được ai. Bởi vậy, cứ lấy âm nhạc mà nghiệm được ra một nước như thế nào. Và, nhạc có hòa, thì mới chỉnh đốn được mọi sự trong nhân gian. 

20-5-2012

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...