Âm nhạc và nhân cách

22/08/2014

Âm nhạc có thể khiến ta khóc rồi cười, yêu đời hay chán đời, phấn khích hoặc tĩnh tâm.

Âm nhạc có thể trải lòng của một người trước mọi người, giúp một người nói hộ cái tâm cái tình của nhiều người.

Âm nhạc có thể kết nối triệu-triệu người thành một khối đồng nhất đồng tâm đồng lòng.

Âm nhạc có thể đại diện cho bộ mặt văn hóa của một thời đại, một đất nước, một dân tộc.

Âm nhạc có thể đi từ trái tim đến trái tim, bất chấp mọi rào cản ngôn ngữ, mọi biên giới quốc gia, mọi khoảng cách địa lí.

Âm nhạc có thể nới sự hữu hạn một đời người tới cái vô biên muôn đời và trường tồn như một tài sản chung của nhân loại.

Chừng ấy cái “có thể” đã đủ để ta tin rằng NHẠC chính là NHÂN?

Âm nhạc khởi nguồn từ cảm xúc và hình thành bởi kĩ năng sáng tác của người viết, rồi vang lên nhờ khả năng trình tấu của người diễn. Nghe nhạc là cảm nhận được cái tâm, cái tình, cái tài của người viết nhạc và người chơi nhạc. Tác phẩm mang dấu ấn nhân cách người làm nhạc và môi trường xã hội nuôi dưỡng người làm nhạc. Người ấy, trong hoàn cảnh ấy tất làm ra nhạc ấy, và rồi đến lượt nhạc ấy lại tác động trở lại tới môi trường xã hội bao quanh nó, tới nhân cách người thưởng thức nó.

Từ mối tác động qua lại Người - Nhạc và Nhạc - Người lại càng dễ nhận thấy: nhạc là người! Mà đã “là người” thì đương nhiên âm nhạc liên quan tới những gì thuộc về tính cách, nhân phẩm, nhân sinh quan, đối nhân sử thế, thẩm mĩ, tầm hiểu biết văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng của người tạo ra và hưởng thụ âm nhạc.

Phải nói về mối tác động qua lại giữa âm nhạc với nhân cách trong xã hội đương đại, mà tôi lại cứ muốn được bắt đầu từ nhạc cổ truyền, vì đây là một kho tàng không những về giá trị nghệ thuật, mà còn về mối tương quan giữa Nhạc - Người và Người - Nhạc.

Còn một lẽ nữa khiến tôi thấy cần đi từ cội nguồn: ngày nay muốn làm tốt nhạc mới trước hết phải học cách quý trọng vốn cổ.

Nhìn từ góc độ nhạc cổ

Người xưa không có người bạn đồng hành nào thủy chung đi trọn cả một vòng đời sinh tử như âm nhạc. Từ ngàn đời trước con người ta đã dùng lời ca tiếng hát làm phương tiện nói thay lời muốn nói: lời ông bà cha mẹ truyền cho con cháu qua hát ru, lời chàng trai cô gái trao cho người yêu qua hát giao duyên, lời con cháu cầu khấn tổ tiên thần thánh qua nhạc lễ hát thờ, lời người sống tiễn biệt người chết qua hát đưa ma..., và cả lời tự sự “ta với ta”.

Đáng tiếc, viên ngọc vô giá được đúc kết gọt giũa qua nhiều đời lại có nguy cơ mất giá sau nhiều thập niên bị ghẻ lạnh cấm đoán lãng quên (ở nửa sau thế kỉ XX), rồi lại bị biến thái với mục đích “làm hàng” kinh doanh dẫn đến lẫn lộn thật giả (vào thập niên đầu thế kỉ XXI).

Như vậy, nhìn từ khía cạnh đạo đức, có hai thách thức mà giới nhạc đã và đang phải đối mặt: thứ nhất - sự đánh mất, thứ hai - sự lạm dụng.

Sự thể sẽ còn tệ hơn nếu chính ta tiếp tục không nhận biết mình đã mất những gì.

Với thể loại hát ru, mục đích chính là dùng câu ca điệu nhạc dỗ dành em bé vào giấc ngủ. Song không phải vô cớ mà nhiều nhạc sĩ đã coi hát ru là bài học âm nhạc đầu tiên và mẹ chính là người thầy đầu tiên của mình trong lĩnh vực âm nhạc. Bé ngủ rồi, mẹ vẫn ru để gửi vào câu hát những tâm tư không biết nói cùng ai, kèm theo đôi lời răn dạy tựa như bài học luân lí đầu tiên cho em bé. Thời nay chẳng còn mấy ai hát ru con nữa, bài học âm nhạc và luân lí thuở đầu đời của con trẻ xem như đã bị tước đoạt không thương tiếc.

Cũng bị tan biến trong thời hiện đại là những bài đồng dao ngộ nghĩnh theo tinh thần “chơi mà học”. Chơi đấy mà còn là luyện trí nhớ, óc quan sát, sự khéo léo linh hoạt, là cách khơi gợi trong con trẻ khả năng cảm nhận tiết tấu và âm vần ngôn từ. Chơi đấy mà ngấm dần vào tâm hồn trẻ thơ những bài học sơ đẳng về kĩ năng sống, sự hòa nhập vào môi trường sống và tinh thần đồng đội. Cứ chơi chơi qua con mắt trẻ thơ với lí lẽ tưởng chừng ngô nghê mà hiệu quả lớn hơn nhiều bài học sơ cứng ở lớp mẫu giáo và tiểu học. Thí dụ, bài học trong sách giáo khoa của các con tôi về cách xưng hô rắc rối theo quan hệ họ hàng của người Việt, về tên các loài chim khác nhau tôi thấy không dễ nhớ và hấp dẫn trẻ con bằng bài đồng dao quay vòng còn truyền đến thời chúng tôi:

Chim ri là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú
Tu hú là chú bồ nông
Bồ nông là ông bồ các
Bồ các là bác chim ri
Chim ri là...

Chẳng cứ trẻ con, ngay cả người lớn cũng nhận được những bài học kinh nghiệm sống và lao động. Từ dự đoán thời tiết, cách làm nghề đến đạo làm người; từ những lề lối diễn xướng mang đậm truyền thống văn hóa đến những câu chuyện gắn với lịch sử dựng nước giữ nước... - rất nhiều điều bổ ích được đúc kết, được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác qua các thể loại âm nhạc dân gian, như hò, lí, ví, dặm, hát thơ...

Nói đến đạo lý trước tổ tiên, làm sao có thể bỏ qua bài học quá khứ vì ngu muội ấu trĩ mà lên án, bài trừ triệt để nhiều thể loại nhạc cổ: nhã nhạc bị coi là phục vụ giai cấp bóc lột thời phong kiến; ca trù là sản phẩm ăn chơi sa đọa; quan họ là đàn đúm gái giai; nhạc tài tử bi quan, hoài cổ, thiếu khí thế; hát bài chòi cổ xúy chơi bài đánh bạc; xẩm là đám nhếch nhác ngửa nón xin tiền, bêu riếu chế độ; còn nhiều thể loại bị quy là sản phẩm mê tín dị đoan, cổ hủ, như then, xoan, chầu văn, hầu đồng...

Để các “sản phẩm của chế độ cũ” đó phù hợp với thái độ chính trị và tinh thần thời đại mới thì cần chấn chỉnh bằng phương châm “bình cũ rượu mới”, tức hình thức là làn điệu cổ làm nền cho nội dung là lời ca mới (tạm chưa bàn đến tại sao lại coi nhạc chỉ là hình thức!).

Ai mà không biết câu hát tình tứ của Thị Màu:
Chàng như táo rụng sân đình
Em như gái dở đi rình của chua.
Giai điệu chèo duyên dáng nổi tiếng ấy đã từng được khoác chiếc áo mới cho đúng lập trường:
Ngày xuân tấp nập đường làng
Đường trên ngõ dưới rộn ràng thi đua.
Câu “Niệm nam mô a di đà Phật” của Thị Kính thì bị “cưỡng chế” thành: “Nguyện cùng nhau sớm khuya một dạ” 1(!).

Ta đang lên án nhạc chế ngày nay là thiếu đạo đức, là vi phạm quyền tác giả. Vậy còn cách “ép duyên” làn điệu dân ca với lời lẽ ngô nghê, thô thiển, sáo rỗng thì sao? Phải chăng những sản phẩm nực cười như thế không chỉ là biểu hiện của trình độ thẩm mĩ thấp, mà còn là thiếu tôn trọng, là xúc phạm di sản dân tộc.

Thế kỉ XX đã đẩy nhiều thể loại, nhiều bài bản cổ truyền lâm vào nguy cơ thất truyền. Sang thế kỉ XXI, khi lập hồ sơ đệ trình UNESCO để một số thể loại nhạc cổ của ta được tôn vinh là di sản chung của nhân loại thì mới giật mình, ôi thôi, ta đã để rơi rụng biết bao nhiêu rồi!

Nhạc cổ truyền được phục hồi đến đâu tùy thuộc vào cái cách ta sử dụng và biết trân trọng gìn giữ với từng thể loại ra sao. So với mấy thập niên trước đây, chúng ta đã và đang làm được không ít việc nhằm cứu vãn di sản tổ tiên: 1/các nhà sưu tầm nghiên cứu dần dần đã ý thức được hai phương thức cần tồn tại song song và không thể thay thế nhau là bảo tồn - phát huy và kế thừa - phát triển; 2/người dân địa phương sở hữu di sản bắt đầu biết quý cái mình từng có, tích cực khôi phục và truyền lại cho con cháu; 3/công chúng, nhất là giới trẻ, không còn hoàn toàn thờ ơ với vốn cổ như vài thập niên trước.

Nhìn chung là vậy. Song đó mới là bước khởi đầu, trong thực tế không phải mọi chuyện đều suôn sẻ. Đây đó vẫn vấp phải những chuyện dở khóc dở cười, chứng tỏ vai trò của nhạc cổ trong sự hình thành nhân cách vẫn còn bị xem nhẹ.

Coi thường, bỏ qua, rồi để mất dần...
Bên cạnh đó cũng tai hại ghê gớm là hiện tượng xài sai, phục hiện không đúng cách. Lợi nhuận và cái danh trước mắt đang dẫn tới sự lạm dụng vốn cổ theo kiểu phá nhiều hơn là giữ. Vô cùng hỉ hả mỗi lần UNESCO công nhận thể loại nhạc cổ nào đó là di sản nhân loại, rồi sau đó thì sao, các chủ nhân ông đã đối xử với các di sản được thế giới vinh danh như thế nào? Đánh tráo giá trị thật - giả, dù do thiếu trung thực hay thiếu hiểu biết, đều là có với lỗi quá khứ và có tội với tương lai.

Còn đối với các nghệ nhân - cầu nối giữa hiện tại với quá khứ - thì sao? Tuổi cao sức yếu, đời sống chật vật, các báu vật sống đang theo nhau mang vốn cổ về cõi trời. Chính sách đãi ngộ nghệ nhân luôn chậm trễ, trong khi chi phí đổ vào lễ lạt hội hè lại quá phí phạm. Mới đây thôi dư luận rất bất bình vì các vụ việc như tốn hàng trăm tỉ đồng vào mặt bằng cơ sở cho Liên hoan đờn ca tài tử Bạc Liêu, hoặc 10 ngàn tỉ cho dự án xây nhà hát... Nếu không quá nệ hình thức và chạy theo thành tích, mà ưu tiên trước hết là con người, là hỗ trợ các nghệ nhân đủ điều kiện sống để họ có thể chú tâm truyền lại những giá trị phi vật thể cho lớp trẻ, thì đồng tiền chi ra mang ý nghĩa nhân văn hơn nhiều.

Đó là nói về bảo tồn - phát huy. Còn kế thừa - phát triển vốn cổ thế nào cho phải đạo cũng chưa hết lúng túng, chủ yếu vẫn mạnh ai nấy làm. Trong lúc hiện tượng đạo nhạc từ tác phẩm cụ thể, của tác giả cụ thể luôn bị kiện cáo và bị lên án là “ăn cắp”, thì hiện tượng ăn sẵn từ vốn cổ, của tác giả vô danh chế thành tác phẩm đứng tên mình lại được khích lệ và ngợi khen đậm đà bản sắc dân tộc. Sự nhìn nhận khác nhau cùng một hành vi, chỉ khác đối tượng bị “đạo” có lẽ xuất phát từ thói quen coi nhạc cổ như đồ của “chùa” muốn xài sao cũng được, chẳng việc gì phải cắn rứt lương tâm.

Vậy đó, trong cách ứng xử đối với gia tài tổ tiên, bên cạnh cái tài cái tầm còn đòi hỏi cái tâm của tất cả thành phần trong giới nhạc (từ sáng tác - biểu diễn - đào tạo, đến sưu tầm - nghiên cứu - phê bình), của các nhà giáo dục và các cấp quản lí văn hóa nghệ thuật. Đó chẳng phải là vấn đề đạo đức hay sao!

Nhìn vào lĩnh vực nhạc mới

Hai dòng nhạc chính từ thuở bình minh của tân nhạc (theo cách phân chia của các nhà sử nhạc) là dòng lãng mạn và dòng cách mạng đều bắt nguồn từ cái tình. Ca khúc thời nay cũng vậy, nhạc đại chúng hay nhạc mang tính chuyên nghiệp, nhạc thương mại thị trường hay nhạc chính thống, tất thảy đều phụng sự một chữ “tình”. Chỉ khác nhau ở chỗ là tình riêng hay tình chung mà thôi.

Bài ca lãng mạn xoay quanh cái tôi và tình tôi (sau này được nối tiếp bởi tình ca), đương nhiên thuộc chủ đề tình riêng.

Bài ca yêu nước và ca khúc cách mạng (sau này được nối tiếp bởi hành khúc, chính ca, lãnh tụ ca, địa phương ca, ngành ca...) với nội dung ngợi ca quê hương, đất nước, giống nòi, truyền thống dân tộc, anh hùng liệt sĩ, con người mới... được xếp vào chủ điểm tình chung.

Cái chung thay thế cái riêng, nội dung tư tưởng thay thế giá trị nghệ thuật - tiêu chí này được đặt ra từ thời chiến do hoàn cảnh đòi hỏi và vẫn tiếp tục duy trì ở thời bình như một truyền thống khó từ bỏ.

Có những ca khúc khéo lồng cảm xúc riêng vào cái chung, nhờ thế chẳng những tạo được hiệu quả xã hội vào thời điểm ra đời, mà còn giữ được sức sống lâu bền dù giai đoạn lịch sử của nó đã qua đi. Nhìn từ góc độ nhân văn thì đây là điểm cộng cho người sáng tác đã thể hiện trách nhiệm công dân kịp thời bằng tài năng và cảm xúc thực sự để làm nên “bài ca đi cùng năm tháng”.

Lại có không ít tình ca không hợp thời nên bị phê phán, có khi chỉ vì đôi ba từ “nhạy cảm” mà bị luận tội và cấm hát. May mắn thì sau nhiều năm lận đận, những bài hát sinh nhầm thời điểm đó lại được chính thức công nhận bằng văn bản cấp phép, còn không may thì cứ sống ngoài luồng hoặc rơi vào quên lãng trước khi đến được với công chúng. Điều này quả thực đã góp phần làm nghèo đi tài sản chung của nền nhạc mới, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tài năng và số phận riêng của người sáng tác. Nhìn từ góc độ nhân văn thì đây là điểm trừ cho người quản lí văn hóa nghệ thuật.

Sự cố gắng định hướng của nhà quản lí văn hóa nghệ thuật được thấy rõ ở các cuộc vận động sáng tác theo chủ đề. Các phong trào sáng tác mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Mặt tích cực ở đây là hiệu ứng đám đông và số lượng tác phẩm, là sự cộng hưởng của tập thể sáng tác và sự phát huy tối đa hiệu quả cổ vũ tinh thần quần chúng trước sự kiện nào đó.

Với tinh thần công dân, các nhạc sĩ khi cùng hướng tới một sự kiện nóng cũng tạo nên phong trào sáng tác không cần tới một cuộc phát động chính thức nào cả. Một thí dụ gần đây nhất: trong suốt hơn hai tháng giàn khoan của Trung Quốc cắm trong thềm lục địa Việt Nam (5-7/2014) đã xuất hiện hàng trăm bài hát về chủ đề bảo vệ biển đảo, và chỉ sau một tháng xảy ra sự kiện này (6/2014), Hội Nhạc sĩ đã kịp thời xuất bản cuốn Dậy sóng biển Đông.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết với nhau rằng dù bội thu đến đâu thì số lượng tác phẩm vẫn không nói lên điều gì về chất lượng nghệ thuật. Thực tế cho thấy các phong trào sáng tác khó tránh được hàng loạt sản phẩm cổ động hô hào một cách sáo mòn, đơn điệu, khô cứng, có thể đạt yêu cầu nội dung nhất thời mà không có giá trị âm nhạc lâu dài.

Để báo cáo thành tích thì số lượng là dễ thấy nhất.
Để tác phẩm được đánh giá tốt thì phải đảm bảo nội dung tư tưởng tốt.
Chất lượng nghệ thuật kém có thể hủy hoại dần thẩm mĩ công chúng, song tác dụng tuyên truyền nhất thời luôn được đặt lên trên tác hại lâu dài.
Đó có luôn là lựa chọn của người làm nghệ thuật có tâm không?

Đời sống càng khó khăn, con người ta càng muốn giữ lấy và dựa vào những gì tốt đẹp để tin để sống. Cũng chính vì mong muốn ngày càng có thêm nhiều điều tốt đẹp thực sự, ta không thể chỉ nhìn vào số lượng để khuếch trương thành tựu mà tránh né nói đến những yếu kém. Nói cho cùng, chỉ thống kê và thổi phồng thành tích cũng là chạy theo lối sống đạo đức giả. Bàn về đạo đức xã hội trong âm nhạc, sẽ thiết thực hơn nếu dành thời gian ưu tiên cho việc nhặt sạn, đặc biệt trong mảng ca nhạc giải trí vẫn đang chiếm đa phần sinh hoạt âm nhạc, có tác động mạnh và nhanh nhất tới công chúng trẻ.

Trong thập niên gần đây liên tiếp xuất hiện các hiện tượng gây tác hại cho thẩm mĩ và tư cách con người, nhất là tuổi mới lớn: nào là nhạc nhái, nhạc rác, nhạc chế, nhạc thảm họa, nhạc té ghế; nào là lời ca nhạt nhẽo, nhảm nhí, đồi bại, kích động bạo lực; nào là hát nhép, ăn mặc “lộ hàng”, tác phong phản cảm, phát ngôn hớ hênh...

Ở thời đại công nghệ thông tin, đạo nhạc không chỉ là sao chép giai điệu, mà còn nhái hòa âm hoặc đánh cắp nhạc nền có sẵn. Khái niệm “sáng tác” dễ bị bóp méo bởi sáng tạo thời nay thường bị thay thế bằng sự lạm dụng kĩ thuật. Khái niệm “bản quyền” thì mơ hồ và không thống nhất. Hiện giờ báo chí vẫn đang tranh cãi “đạo hay không?” về hiện tượng viết giai điệu bài hát dựa trên bản beat tải trên mạng. Vẫn có người bênh vực: thế giới người ta vẫn làm đầy ra đấy, từ xa xưa Gounod từng viết giai điệu trên Prélude C-dur của Bach để có được tác phẩm kinh điển Ave Maria đồng tác giả Bach - Gounod đó thôi! Nhiều người khác phản bác: nhạc sĩ chuyên nghiệp phải đảm đương cả phần đệm ca khúc, với lòng tự trọng của người sáng tác, anh không thể vô tư ăn cắp toàn bộ nhạc nền có sẵn, kể cả đó là phần background được lập trình bởi tác giả vô danh, thì anh vẫn vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Chung quy câu chuyện này vẫn xuất phát từ bản lĩnh, ý thức và lương tâm người sáng tác.

Người biểu diễn cũng không đứng ngoài hiện tượng “nhái”. Ca sĩ non nớt thường cố trở thành bản sao của thần tượng nào đó: nhái giọng ca, điệu nhảy, phong cách, hình thức, trang phục... Đây không phải là cách để trở thành nghệ sĩ thực thụ, nhưng lại vẫn là lựa chọn của các công chúa hoàng tử V-pop trong một môi trường đang dung túng cho “nghệ thuật nhái”.

Các loại nhạc với tên gọi nhạc rap, nhạc đường phố, nhạc underground đang có ảnh hưởng không nhỏ đến các nhạc sĩ trẻ trong mảng nhạc giải trí. Cái gì cũng có hai mặt, bên cạnh những bài hát mang hơi thở mới lạ của thời đại còn nảy sinh những sản phẩm lệch lạc, tục tĩu, trái với thuần phong mĩ tục Việt Nam và có thể gây tác hại đến sự hình thành nhân cách ở tuổi chưa định hình nhân cách. Báo chí vào cuộc mà không lường trước được tác dụng ngược khi đưa tin ầm ĩ đến mức vô tình lại quảng bá cho nhạc thảm họa, cho nhạc rác và ca sĩ rởm. Không ít người vốn chẳng biết đến, cũng chẳng quan tâm bỗng dưng cũng thấy tò mò với những thứ rác rưởi. Cứ thế qua báo chí và internet, thứ âm nhạc phản âm nhạc lại được cộng đồng mạng biết đến nhiều hơn cả âm nhạc đích thực.

Rõ ràng là báo chí, các phương tiện truyền thông phát thanh truyền hình và mạng xã hội tác động ghê gớm đến mối quan hệ giữa âm nhạc và nhân cách. Những nơi mà lẽ ra cần đến tiếng nói của các nhà chuyên môn thì lại gần như hoàn toàn chỉ thuộc quyền tung quyền tác của những người ngoài ngành nhạc. Các chương trình âm nhạc quá lệ thuộc vào đơn vị tài trợ, chất lượng nghệ thuật đương nhiên thường chịu lép vế trước mục tiêu giải trí và thương mại. Trong lúc tiếng nói của lí luận âm nhạc chuyên nghiệp bị chìm nghỉm, thì sự thiếu hụt kiến thức âm nhạc của những người chuyên trách mục âm nhạc trên báo chí và truyền hình là một trong những nguyên nhân khiến thị hiếu đại chúng đã thấp lại càng thêm thấp. Nếu xét về đạo đức làm nghề thì điểm trừ bội phần nhiều hơn điểm cộng dành cho giới bình luận và biên tập âm nhạc hiện nay.

Song quy lỗi cho ai chỉ là phần ngọn, còn cái gốc là do đâu? Trong thời buổi đồng tiền chi phối mọi thứ, báo cần bán chạy, bài cần câu khách, chẳng có gì lạ khi trên mặt báo không ngày nào thiếu những câu chuyện làm quà về đời tư sao này, vòng 1 vòng 3 sao nọ, nói về âm nhạc mà toàn những thông tin “ngoài âm nhạc”. Vì đâu báo giới hào phóng tung hô ca sĩ ăn khách bằng các mĩ từ và danh hiệu siêu sao, diva, nữ hoàng..., thậm chí để câu khách còn gọi luôn cả những người không biết hát là ca sĩ? Vì đâu nhiều vụ việc bị đám kền kền săn tin “bé xé ra to”, đưa đẩy câu chuyện đi quá đà, nói qua nói lại cố tình gây hiềm khích giữa người này người kia, bóp méo câu nói của đối tượng được phỏng vấn, chẳng cần biết đến sự tổn thương của người trong cuộc? Và vì sao có nhà lí luận âm nhạc luôn cương quyết từ chối trả lời phỏng vấn của báo chí và truyền hình, vì sao có nhạc sĩ phải năn nỉ “tôi già rồi, xin hãy để tôi được yên ổn”?

Để lần tới cái gốc, xin trở lại với hành vi “đạo”.

Đạo nhạc đã đành, đạo văn trong âm nhạc cũng đang hủy hoại nhân cách người làm nhạc. Bài báo cóp nhặt chắp nối chỗ này chỗ kia mà không hề chú thích nguồn trích dẫn. Lời bình chân dung âm nhạc của đài truyền hình “đạo” từ bài viết hoặc phần trả lời phỏng vấn của các nhà chuyên môn cũng không kèm theo chú thích trích nguồn. Chuyện vi phạm luật báo chí như thế đã thành cơm bữa lâu rồi!

Điều đáng lo hơn là ngay cả chuyên luận, luận văn, sách nghiên cứu của các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư cũng có không ít hiện tượng “đạo” ngang nhiên. Giới nghiên cứu đã phong chức danh “đạo tặc khoa học” cho những ai chuyên làm công trình theo kiểu vay mượn ý tưởng, cắt dán và lắp ghép các đoạn văn từ công trình của người khác. Dẫn chứng không thiếu, nhưng bới ra thật phiền vì động chạm đến cả người đương chức trong ngành văn hóa nghệ thuật.

Lỗi này đâu của riêng ai, vì hành vi “đạo” vẫn đang diễn ra ngày ngày. Học sinh từ tuổi còn thơ rất hiếm khi được khích lệ tư duy độc lập, tập làm văn mà cứ phải chép y xì văn mẫu mới được điểm tốt. Đi học quen sao chép rồi, ra đời cứ hồn nhiên sao chép thôi. Cả một quá trình giáo dục và đào tạo kĩ năng vay mượn chắp vá tất dẫn đến những thành tích ảo, chất lượng ảo và nhiều cái danh ảo. Sự nhập nhằng chất lượng thật - giả về bằng cấp, chức danh hết sức bất công cho những nhà chuyên môn thực tâm thực tài.

Những gì kể trên (và có thế kể thêm cả buổi cũng chưa hết), như tôi đã nói, vẫn chỉ là một phần của cái ngọn. Một khi lỗi chẳng của riêng ai thì thành ra huề, các thành viên xã hội đành chấp nhận và quen dần với những vi phạm nguyên tắc sơ đẳng của luân lí đạo đức. Vẫn biết giới nhạc không thiếu những người làm nghề rất có tâm, nhưng nỗ lực của những cá nhân lẻ loi làm sao giải quyết một cách hiệu quả những vấn đề mang tính cộng đồng. Khắc phục những vấn nạn thuộc phạm trù đạo đức cần đến sự hợp lực của nhiều người, nhiều giới, nhiều ngành - từ các chuyên ngành sáng tác, biểu diễn, lí luận trong âm nhạc cho đến các ngành liên quan trong tổng thể văn hóa nghệ thuật, giáo dục đào tạo, báo chí truyền thông, xuất bản sách đĩa... Để tất cả cùng phối hợp đồng bộ và hài hòa như một dàn nhạc chuyên nghiệp, thì trước hết phải có được bàn tay điều phối của một nhạc trưởng chuyên nghiệp, đó là nhà quản lí.

Nhà quản lí đủ tầm đủ tâm là người dám đầu tư thích đáng cho sự sáng tạo, dám đặt lòng tin vào người sáng tạo để có được tác phẩm hay - nhiều cái hay ra đời là cách hữu hiệu nhất loại trừ cái dở.

Nhà quản lí đủ tầm đủ tài là người biết gây dựng môi trường âm nhạc đúng nghĩa. Môi trường âm nhạc có giá trị nghệ thuật và nhân văn thực sự là điều kiện tốt cho sự phát triển nhân cách và tính hướng thiện trong con người, những người biết tự chọn lọc điều hay - dở, biết tự bảo vệ mình trước mọi nhiễu loạn thông tin và biêt tận dụng những ưu việt của thời công nghệ thông tin.

Tóm lại, tất cả khởi nguồn từ nhân cách - nhân cách tốt hình thành trong môi trường nhân văn, môi trường nhân văn được gây dựng trước hết bởi nhà quản lí có nhân cách.

Cái gốc là ở đấy!

__________________________________

1. Dẫn theo nhạc sĩ Lê Lôi: Dân ca lời mới. Văn nghệ, số 20, 1987.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...