Âm nhạc - nụ cười và nước mắt
Người Nhật trong con mắt tôi nói chung là kiên định, nghiêm trang, kín đáo, giỏi kiềm chế, nhất là những người lớn tuổi nên ít khi thấy họ bốc đồng vì quá vui hay khóc lóc vì quá buồn.
Thế mới biết sức mạnh của âm nhạc, nó khiến con người ta, kể cả các vị giáo sư cao niên bỗng khóc khóc cười cười như trẻ thơ, nó khiến con người ta cảm thấy tin yêu nhau dù mới lần đầu gặp gỡ.
Rào cản ngôn ngữ và phép tắc xã giao nhanh chóng đổ nhào khi hai "đối tác" chuyển sang cuộc đối thoại bằng âm nhạc một cách rất ngẫu hứng mà có lẽ chỉ có được ở giới nghệ sĩ. Nào là Trống cơm, Ru con..., nào là quốc ca Việt rồi quốc ca Nhật - một ca khúc quá trẻ so với một bài hát đã có tới cả nghìn năm tuổi.
Họ nồng nhiệt hát vang như đang đứng trên sân khấu lớn, vỗ tay bôm bốp theo tiết tấu và cười hết cỡ.
Từ trái sang: Isao Matsushita, Miyata
Rồi họ khóc, khóc không kìm nén và không giấu giếm.
Dễ gì mà lấy được nước mắt của người Nhật kiên cường.
Ấy thế mà họ đã nhạt nhòa nước mắt khi nghe "Gửi lời yêu thương" của Đỗ Hồng Quân viết cho nước Nhật trong những ngày xảy ra thảm họa sóng thần năm 2011.
Dù không hiểu lời ca, họ đòi nghe lại, và... lại khóc.
Người đàn ông khóc ướt hết cả giỏ khăn giấy mếu máo ôm lấy tác giả ca khúc mà thú nhận:
"Tôi rất ít khóc, trong cả cuộc đời 69 tuổi của mình có lẽ chỉ đôi ba lần tôi để rơi nước mắt. Thế mà tôi đang khóc sướt mướt. Và tôi không xấu hổ vì đã khóc trước mặt những người bạn vừa mới gặp lần đầu, bởi đây là nước mắt của hạnh phúc, nước mắt của niềm vui...".
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và ngài Miyata - chủ tịch Đại học Nghệ thuật Tokyo
30-6-2014
Nghe ca khúc Gửi lời yêu thương - nhạc: Đỗ Hồng Quân, thơ: Vũ Mão