Lãng quên

23/05/2014

Ở châu Âu từng có một Đạo luật về bóng đá mang tên cầu thủ người Bỉ Jean-Marc Bosman. Như chúng biết, nhiều luật trên thế giới hình thành từ những sáng kiến cá nhân, cơ quan lập pháp hay tổ chức dân biểu, nói chung xuất phát bởi nhiều nguồn. Điều đáng nói ở đây là họ ghi danh người sáng tạo, xác nhận chủ sở hữu trí tuệ ngay trên sản phẩm. Ở nước ta, chừng như văn hóa khuyết danh vẫn kéo dài từ truyền thống tới hiện tại. Văn hóa lãng quên, vô ơn khá phổ biến trong xã hội. Nhìn vào lịch sử để nhận thức rõ hơn về những hạn chế, từ đó viết nên một lịch sử khác, không tiếp tục rơi vào “vết xe đổ” với nhiều sai lầm trong quá khứ.

Thói quen lãng quên, bỏ quên những nhân tố, yếu tố quan trọng làm nên phần cốt lõi của sự thực đã làm hao tổn biết bao giấy mực, công sức của người viết sử nói riêng và người có nhu cầu tìm hiểu quá khứ nói chung. Sử trở thành kết quả của quá trình suy diễn theo chiều hướng đi tìm thời gian đã mất thông qua phương pháp tái hiện. Mặc dù có nhiều sự vật, hiện tượng chỉ cần ghi chép, cẩn trọng, tỉ mỉ với nhân chứng, vật chứng đang còn hiện hữu sẽ bổ túc, khắc phục được khá nhiều cho thực trạng này.

Văn bia tưởng niệm dựng lên ở nhiều địa phương nhằm kỷ niệm sự kiện lịch sử thường quên khắc tên người viết (văn bia) trên tấm bia. Ở đó hầu như chỉ thấy ghi tên đơn vị đứng ra tổ chức lập bia. Nhiều sự kiện gây nhiễu loạn trên dư luận với thời gian lùi sâu vào quá khứ nếu được ghi chép chi tiết, cẩn thận, đặc biệt qua nghiên cứu hồi cố chắc đã góp phần rọi sáng, soi tỏ nhiều nghi án ẩn khuất. Song, văn hóa nước ta chưa hình thành phổ biến thói quen ghi chép trung thực cho sự thật lên tiếng. Hậu quả xảy ra khi các nhân chứng lần lượt ra đi sang thế giới bên kia, khi ấy công việc phục dựng càng trở nên khó khăn, đồng thời càng dễ dàng phóng tác theo chiều hướng chủ quan qua màn đêm phủ đầy bóng tối của lịch sử. Nhiều sản phẩm, hàng hóa trên thị trường đều bắt buộc ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ. Còn đối với những Đường lối, chủ trương lớn, luật, chính sách quốc gia, tác phẩm văn hóa… hầu như vắng tên người sáng tạo. Chủ sở hữu trí tuệ của những sản phẩm này thường dấu mặt, dấu tên, chấp bút âm thầm để đời sau mãi đi tìm những sự thật hiển nhiên. Cuối tác phẩm điện ảnh nước ngoài bắt gặp dòng tít dài miên man, chạy mệt mỏi, thậm chí chiếm thời lượng bằng cả chương nhạc Giao hưởng để tri ân những người góp phần làm nên tác phẩm. Ở đó tập trung công lao, công sức của cả một tập thể hùng hậu. Nhiều phim phát trên Đài truyền hình nước ta phía cuối chỉ chen dòng chữ: “Phim có sử dụng tư liệu của các đồng nghiệp”, nhiều trang web bệ y nguyên bài viết của tác giả khác, nhưng lại ghi: “Tổng hợp tư liệu từ nhiều nguồn”... “Các đồng nghiệp” hay “nguồn” trở thành căn cứ vô danh ghi nhận hành vi lãng quên, bên cạnh mục đích ngoại phạm vấn đề tác quyền.

Việc sử dụng danh từ riêng chỉ những con người chung chung từ lâu đã phổ biến trong xã hội. Nó cho thấy cơ tầng văn hóa dân gian làng xã vẫn tiếp tục phát tác trong bối cảnh của thời đại mà vai trò chủ thể sáng tạo, cũng như nhận thực về quyền sở hữu trí tuệ đã được đề cao. Tương phản với hiện tượng bùng nổ thông tin diễn ra trên các phương tiện truyền thông thì trên nhiều sản phẩm vẫn thấy nhan nhản bóng dáng những chỉ tù mù, thiếu rõ ràng. Băng đĩa xuất bản hiếm khi có hướng dẫn mang tính khai sáng cho người nghe hiểu về tác phẩm, tác giả và người biểu diễn. Trò chơi âm nhạc phát trên truyền hình mặc nhiên tước đi quyền tác giả khi đề cập tên tác phẩm. Nó cũng giống như âm nhạc dân gian, phát triển trong môi trường làng xã truyền thống, lan tỏa theo con đường “truyền khẩu” không thông qua hệ thống giám sát nào.

Nhìn lại lịch sử nghệ thuật ba khu vực cổ đại trên thế giới, có lẽ chỉ có văn minh Hy Lạp sớm hình thành tư duy định tính cho những sản phẩm văn hóa. Từ thời kỳ Phục hưng các tác phẩm đã dần dần được soi sáng bởi chủ thể là những cá thể sáng tạo, . không còn bị Thượng đế, thần thánh hay các vị hoàng đế tước mất bản quyền. Ở phương Đông thời Cổ, ánh sáng của các vị thần che lấp hầu hết các hoạt động sáng tạo. Cả hai trung tâm Trung Hoa và Ấn Độ đều chìm trong thế giới thần linh, bí hiểm. Phục Hy sáng tạo ra đàn Cầm, đàn Sắt, Hoàng Đế sai Lịnh Luân chế định Luật lã, thậm chí đến thời Đường khá văn minh, tiến bộ mà tuyệt phẩm “Nghê thường vũ y” vẫn phải trao quyền sáng tạo cho vị vua quyền uy Đường Minh Hoàng. Tại Ấn Độ, không có tác phẩm Cổ đại nào thống thuộc quyền sáng tạo con người. Đàn Vina do Mahadev hóa thân của thần Shiva sáng tạo, thần Krisna chủ nhân của những điệu sáo thần tình. Ở Việt Nam ta, cây đàn Đáy cũng do tiên truyền dạy cho Đinh Lễ (hay Đinh Dự) cách thức chế tác. Cây đàn bầu một dây thổ sinh thổ dưỡng, quốc hồn quốc túy của dân tộc tương truyền cũng do tiên ban tặng cho người vợ thủy chung, nhân hậu của chàng Trương Viên… Tất cả những sản phẩm trên đều có tính phi định vị về thời gian. Nó ra đời dao động cách nay từ mấy trăm năm đến hàng nghìn năm? Vì, các vị thần cùng có chung một đặc điểm bất tử như nhau.

Từ chuyện Tây, Tàu, Ấn sang xứ ta giữa thời đại văn minh, bản quyền trí tuệ được xác lập như một giá trị trong nền kinh tế tri thức mà lẽ ra, đối với những sản phẩm đong đầy giá trị nhân văn, dấu ấn sáng tạo cá nhân lại sản sinh trong bối cảnh tù mù, thiếu thốn thông tin trầm trọng. Hầu như rất ít sản phẩm nghệ thuật có ghi chép, phân tích tỉ mỉ những tri thức liên quan và không có những chỉ dẫn âm thầm này, khó thể mong trình độ thưởng thức của công chúng được nâng lên. Sự hậu thuẫn của văn hóa thông qua hàng loạt tiện ích trung gian đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó tiếp sức cho chiều kích giáo dục nhằm huy động tổng hợp nguồn lực văn hóa. Trong vòng kiềm tỏa tù mù của văn hóa lãng quên, các giá trị Chân Thiện Mỹ đích thực sẽ vấp phải vô vàn khó khăn, chướng ngại...

Đĩa CD ngày càng chạy theo xu hướng giản tiện, thậm chí chỉ còn ghi tên ca sĩ, người phối khí bị lãng quên đã đành, mà ngay cả người sáng tác cũng rơi mất tên, biến tác phẩm thành khuyết danh, vô danh. Nhiều nhà sản xuất đứng ra đóng vai trò trung gian điều tiết các nhu cầu, bên cạnh việc hưởng lợi cho mục đích cá nhân, còn có cả hành vi tước quyền sáng tạo nhiều đóng góp không thuộc về mình nhờ thói quen văn hóa. Trường hợp người phối khí bị đánh cắp tên, không được ghi trên sản phẩm đã không còn xa lạ gì. Người Mixer cũng lâm vào tình cảnh tương tự bởi sự thống thuộc của nhiều cơ sở kinh doanh, Studio và hiếm thấy có tên trên băng đĩa.

Thói quen lãng quên, bỏ quên không chỉ phổ biến trong hành vi ứng xử, mà lan sang cả môi trường giáo dục, địa hạt nghiên cứu... Lấy ví dụ những bản luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ, nơi thể hiện lòng tri ân của người viết nằm ở Lời cảm ơn cũng phơi bày thói vô ơn. Rất nhiều người không gửi lời cảm ơn đến đúng địa chỉ, mà thường ghi tên những “Cây đa cây đề” có tác dụng bảo hiểm cho thành quả của mình. Trong nghiên cứu điền dã, người viết dễ dàng lãng quên công lao người đưa tin, nghệ nhân… mà nhờ vào họ, nhiều người mới có được thành quả nghiên cứu, sự nghiệp, thậm chí cả tên tuổi lẫn địa vị… Có người sau khi nổi danh bắt đầu viết văn về sự nghiệp lãng quên của mình bằng cách khẳng định tài năng, công trạng cá nhân. Nhiều “kẻ sĩ” “viết thuê, làm mướn, lần mò kiếm miếng ăn” phải chấp nhận bán sỉ và lẻ thành phẩm thông qua việc đổi trác tên tuổi. Ở đây cần khu biệt giữa quyền lợi và sự thật. Mặc dù người viết phải ký hợp đồng với những điều khoản quy định: “Bên B không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào”, vì họ chỉ quan tâm tới công việc và mức thù lao, song tên - sở hữu trí tuệ - vẫn phải được xác nhận, vì đó chính là sự thật.

Nhiều Hội thảo khoa học bấy lâu nay cũng có sự nhập nhằng giữa người viết và đọc Đề dẫn. Trên thực tế, danh tính thường lấy tên người đọc, mà người viết (nếu là người khác) bị lãng quên bằng cách lo lót quyền lợi vật chất. Sách nghiên cứu xuất bản trong nhiều trường hợp cũng không khu biệt giữa Chủ biên thực sự (người biên chính) và Chủ nhiệm. Từ đó, Lời nói đầu sách hay công trình nghiên cứu dễ dàng trao tên cho Chủ nhiệm đề tài, người đứng ra tổ chức thực hiện, chứ không tham gia biên soạn. Trong trường hợp này, không hiếm Chủ nhiệm đóng vai trò bán thầu, Cò dự án, nắm giữ nguồn lực tài chính, cũng như đứng ra tổ chức tập kết nguồn lực để thực hiện theo băng nhóm, vây cánh…. Bởi vậy, người làm nghiên cứu có cách định nghĩa về Chủ biên rằng: “Chủ biên là người không biên chữ nào, nhưng đứng tên đầu sách”. Tất nhiên, ở đây không cố ý “Vơ đũa cả nắm”, vì sự hiện hữu của nhiều Chủ biên danh chính ngôn thuận. Còn loại Chủ biên trên danh nghĩa thường lại có sở trường “lách” qua rừng vây nguyên tắc trùng trùng làm cản trở tiến trình thực hiện đề tài.

Việc pháp chế hóa quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả có cơ sở pháp lý cho phép chuyện mua bán quyền tác quyền hay nói cách khác, chuyển nhượng quyền sử dụng sản phẩm trí tuệ, nhưng không nên lẫn lộn giữa mua bán sản phẩm và việc sang tên, đồi chủ. Sang tên, đổi chủ chỉ diễn ra đối với sản phẩm thông thường. Đối với sản phẩm văn hóa, hành vi đó sẽ làm sai lệch, méo mó sự thật. Di tích văn hóa, lịch sử, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật có thể xảy ra tình trạng chuyển đổi cơ quan quản lý, chủ sở hữu, nhưng không có chuyện đổi chủ sở hữu trí tuệ vốn thuộc về hành vi sáng tạo. Sự thật phải luôn được coi trọng, đề cao, nếu thay đổi, biến dạng, lịch sử sẽ bị tái hiện theo đường cong không khớp với những gì đã xảy ra.

Có thể nói, tình trạng sa sút từ tâm thuật đến học thuật đã tấn công vào giường cột đạo đức của nền văn hóa nước nhà. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du trả lời phóng viên báo Tuổi trẻ ngày 26 tháng 8 năm 2013 có đề cập tới thói “đổ thừa” trong văn hóa nước ta. Thói quen đó có cội rễ từ nhiều nguồn, quan trọng nhất là chưa xác lập được trách nhiệm, quyền lợi cá nhân trong mọi hành vi. Vấn đề quy thuộc trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ và sự thừa nhận cá nhân như một đơn vị xã hội góp phần đẩy lùi nguy cơ suy thoái đạo đức, cũng như tránh được tình trạng phái sinh.

Văn hóa bao trùm lên mọi hoạt động sáng tạo. Nước ta bấy lâu nay rơi vào tình trạng chính trị chi phối, tác động sâu rộng lên đời sống văn hóa. Nhiều cơ quan tổ chức điều hành theo tiêu chí “quen biết”, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ xa rời chuẩn mực Tài và Đức mang giá trị cốt lõi, coi trọng “Lý lịch” như “Lá số tử vi”, vây bè kéo cánh, chưa tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, từ đó làm lãng phí nhiều nhân tố tích cực, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa. Trong sự lãng phí về nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài lực, vật lực, thời gian… thì lãng phí con người gây tổn thất nghiêm trọng nhất. Nó đẩy một bộ phận không nhỏ ra ngoài xã hội để tạo nên mạng lưới quan hệ mang tính băng nhóm, bè phái, vây cánh làm thay đổi bộ mặt xã hội. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, câu nói được trích dẫn khá nhiều trong văn bản chính thống, gần đây được phát biểu trên phương tiện truyền thông như thể hiện quyết tâm cao độ nhằm thay đổi quan niệm của người quản lý đất nước. Song, nhìn vào thực tế, cả tài nguyên lẫn nguyên khí quốc gia đang có nguy cơ thất thoát, lãng phí. Không hiếm hiền tài quốc gia lưu lạc nơi xứ người cũng như trên chính quê hương mình, nhiều nhân tài chỉ biết lặng lẽ tỏa sáng bên đời hưu quạnh. Và điều này sẽ ảnh hưởng tới vận nước như một hệ quả tất yếu.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...