Xuân về nghe hát giao duyên miền Tây Bắc

15/02/2016

Mùa xuân, mùa tình yêu, Tây Bắc và những câu hát giao duyên cháy lòng người, như bừng lên ngọn lửa đam mê khao khát...

Mùa xuân, mùa tình yêu, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa của các lễ hội và mùa của những câu hát giao duyên. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc có những giai điệu, lời hát riêng của mình. Đặc biệt, nơi rừng núi Tây Bắc, những làn điệu giao duyên của người Tày, Thái, Dao, Mường, H’Mông, Nùng…không chỉ làm đắm say người nghe mà còn là những khám phá thú vị về nét văn hóa bản địa rất đặc sắc.

Tây Bắc- Mường Tiên, được thiên nhiên ban tặng cho non nước Việt, với những dãy núi trập trùng ẩn hiện trong mây, những thác suối quanh năm tấu khúc nhạc róc rách nhiều cung bậc, hòa cùng tiếng gió thổi qua đại ngàn du dương như hàng vạn cây vĩ cầm hòa điệu, tiếng chim rừng trầm bổng ngân xa như một bản giao hưởng bất tận.

Điểm xuyết vào bức tranh sơn thủy kỳ vĩ là những thảm xanh mượt của lúa, ngô trên những thửa ruộng bậc thang, là màu hoa mận trắng, hoa ban phơn phớt hồng và màu váy áo rực rỡ…

Khi mùa xuân đến, vạn vật cùng hoan ca hòa sắc, hòa âm tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp, và như để cho tình người say đắm hơn, ấm áp nồng nàn hơn, khắp các bản, mường Tây Bắc vang lên những điệu hát giao duyên của trai gái người dân tộc Thái, Tày, Dao, Nùng, Mường, H’Mông, Hà Nhì…

Trong các lễ hội mùa xuân, những giai điệu như dòng mật ngọt nóng bỏng luồn lách vào mỗi trái tim, rung lên nhịp xốn xang xao động, để rồi trói buộc những đôi tình nhân trong tình yêu hoang sơ, bỏng cháy mãi mãi như mây ngàn, gió núi, như thác cao, suối sâu, như cây lá đại ngàn.

Trong tiếng cồng chiêng, sáo, khèn, kèn lá, đàn môi, tính tẩu và hàng chục loại nhạc cụ khác của các dân tộc miền Tây Bắc, vượt lên và thu hút mọi ánh mắt, đôi môi, nụ cười là những câu hát giao duyên của trai gái dân tộc với nhiều sắc thái, giai điệu khác nhau của mỗi dân tộc, mang bản sắc độc đáo của riêng mình.

Hát “Lượn”- Một kiểu hát giao duyên của người Tày, thường dùng những câu thơ, đọan thơ dân gian, gồm 3 lọai: Lượn cọi, lượn slương, lượn Nàng Hai. Lượn cọi, lượn Nàng Hai sử dụng vần lưng để kéo dài khổ thơ, kéo dài câu hát. Lượn slương chỉ dùng những câu thơ thất ngôn tứ tuyệt (7 chữ, 4 câu). Đặc biệt lượn slương, tiếng Tày là “lượn” thưởng, nên câu hát, giai điệu da diết, thể hiện nỗi nhớ, niềm yêu, ngày mong, đêm đợi.

Lượn slương thiên về diễn tả một tình yêu nặng sâu chứ không phải tình yêu mới chớm hé. Cách diễn đạt mang đậm sắc màu độc thọai. Một cuộc lượn slương có nhiều chặng, như nguyên cớ, mời chào, đáp lời, đến mời trầu nước, hút thuốc, rồi lượn cam- lượn kẻ- lượn đối- lượn đáp… mãi sau mới là lượn slương, hát bày tỏ tâm tình người mình yêu: “Thương nhau nước đựng sàng không lọt/Không thương nước đựng thau còn chảy/ Thương nhau mười ngày đường cũng tới/ Không thương nhau nhà dưới cũng xa…”.

Chặng cuối cùng của cuộc lượn slương là hát tạm biệt, những câu hát nhắn nhủ, hò hẹn, quyến luyến, tha thiết tiễn bạn, trao vật kỷ niệm làm tin, ghi lời hẹn trúc mai tái ngộ ngày sau: “Đôi lời nhắn bạn, ta về quê/Vườn đào chốn đây ta phải lìa/Nhạn nhắn én, nhạn bay về chốn/Hẹn mùa hoa thắm bướm trở về…”.

Dân tộc Tày còn có điệu hát giao duyên Phuối pác, lời ca có vần điệu thường là những lời ướm hỏi trêu ghẹo tình tứ, những dặn dò nghĩa tình ấm áp: “Chàng ơi, nón cọ hay nón bạc/Nón chàng đội hai người được không/Đội được em xin đi cùng đường…”.

Phuối pác mang nhiều cung bậc tình cảm, từ gặp gỡ giao duyên, đến nỗi buồn xa cách, từ ước ao gặp mặt đến thề thốt sắt son, những câu hát được trau chuốt vần điệu ngôn ngữ, nên kiểu hát này tồn tại như một chỉnh thể văn học trọn vẹn nói lên cảm xúc lứa đôi: “Yêu nhau yêu cho nặng/Đố nhau đố cho lâu/Ngày nào hươu lìa rừng mới thôi/ Khi nào trâu lìa cỏ mới bỏ/Khi nào múc nước đầy sọt mới lìa/Ngày nào khỉ lìa quả xanh/ Thì anh mới bỏ em ngày ấy…”.

Hát Sli, lối hát giao duyên của người Nùng khá đặc biệt, cứ như một dòng suối giai điệu mượt mà chảy mãi chảy mãi, thấm sâu vào trái tim những đôi trai gái. Sli có nhiều cách hát phong phú tùy theo nhánh. Nùng Giang có Sli Giang, Nùng Cháo có Sli Sình lăng, Nùng Phàn Sình có Sli Nhì hau, Sli Soong hau… Sli được hát từ những bài văn vần, mỗi câu 7 chữ, mỗi bài có từ 1-8 câu hoặc dài tới vài trăm câu.

Sli chia thành 2 lọai: Sli cuộc, sli mời . Vào hội đầu xuân, tốp con trai hoặc con gái nghỉ đêm tại bản lạ, được mời sli, đáp lời, chủ khách đối đáp, từ đố nhau, rồi từ từ kết bạn giao duyên, sli yêu, sli kết, sli nhắn nhủ, sli giã biệt…

Những câu đối đáp ý nhị, tình tứ, tràn đầy cảm xúc thương mến nhau: “Hoa guột nở bên đường xanh biếc/Ta đây định vài lời chào trước/Chẳng biết bạn có đáp lời hay không/Hay bạn muốn để ta phải chào xuông…/ Thời hoa với nguyệt chẳng lâu gì/Xuân sắc đương thì được mấy khi/Xuân sắc đương thì hãy kết bạn/Hoa tàn xuân vãn đời còn chi…”.

Ngoài ra còn có một kiểu hát Sli bốc, một cặp nam hát đối đáp với một cặp nữ, không hát đồng giọng mà chia hai bè trầm- bổng, hòa quyện vào nhau rất êm ái.


Hát giao duyên miền Tây Bắc

Hạn khuống, lối hát giao duyên của người Thái có trình độ nghệ thuật khá cao. Để hát, phải có “sàn hoa Hạn khuống”. Sàn hoa cao khoảng 1,5m, dài 5-6m, lan can tre nứa xung quanh đan hoa văn rất đẹp. Một cây nêu dựng ở giữa, 4 góc 4 cây khác, trên nêu treo chim muông, ve sầu và dây xích đan bằng dây tre mềm nhuộm ngũ sắc, những đốt cây được tiện gọt sơn phết cầu kỳ.

Các góc sàn được bắc cầu thang lên xuống bằng ống bương ghép lại. Điều khiển Hạn khuống là 5 thiếu nữ xinh đẹp khéo léo, 4 cô điều khiển 4 cây “lắc xáy” ở 4 góc, gọi là “sao lắc xáy”, một cô đảm nhiệm ở giữa “lắc xáy cốc” gọi là “sao tổn khuống”. Trước cuộc hát Hạn khuống là một hồi trống, chiêng, chũm chọe rung lên, rồi người đánh trống đổi tư thế nhún nhảy, những người khác nhảy múa uyển chuyển mềm mại.

Mở đầu”sao tổn khuống” mời một cụ già uy tín nhất lên sàn, ”sao lắc xáy” ngồi xung quanh bếp lửa Hạn khuống, thang được rút lên, các chàng trai đến hát phải thắng các “sao lắc xáy’ mới được lên sàn, khi lên các chàng trai còn phải hát đối đáp để được mời ngồi, mời nước, mời thuốc, sau đó mới có thể hát với “sao tổn khuống”.

Những người chứng kiến chia 2 phe, người nhắc bài cho “sao”, người giúp các chàng trai đối đáp… Hạn khuống có thể kéo dài ngày này qua ngày khác. Những câu hát trong Hạn khuống rất tình tứ, lời ý dẹp, trau chuốt từng câu chữ: “Tôi ở xa nhìn thấy lửa/Ở xa nhìn thấy nước/Nhìn thấy vực nông sâu../Nhìn thấy người má hồng muốn hỏi thăm/ Thấy đôi mắt long lanh lòng càng muốn liếc/ Nhìn thấy Hạn khuống rực rỡ lại muốn quấy quả chơi/ Xin lên sàn rồng bay/ xin lên sàn phượng múa…. Vòng bạc đang thương ai đó/ Vòng bạc của quý ai kia/người yêu ai, đất của quý ai kia… Bạn tình ai, người đẹp của ai/ Hoa trắng nơi vườn dưa/ Hoa đỏ nơi vườn mía…”. Và cứ thế Hạn khuống đắm đuối trong mắt nhau, câu hát ấn vít cuộn vào nhau dài mãi như duyên tình không thể rời xa…

Người Sán Dìu có lối hát Sọong cô tương tự như Sli của người Tày, nhưng không chỉ hát bài có sẵn mà còn ứng tác theo ngẫu hứng hoàn cảnh cũng như tình cảm tới hồi dâng tràn. Hát Sọong cô thường là hát giao duyên giữa trai gái hai làng khác nhau. Mỗi tốp 5-7 người, có khi đông hơn, hát làm quen, rồi thổ lộ tình yêu, đơn sơ nhưng đằm thắm, tha thiết.

Lời Sọong cô thường là thơ 7 chữ: “Trông vừa núi thẳm với rừng xanh/Khuất bóng người đi trong sắc xanh/ Xanh núi xanh rừng xanh tuyệt đẹp/Có bạn tình chăng hỡi cô mình”. Cuộc hát có khi kéo dài tới 5-7 đêm mà tuyệt ở chỗ không hề bị lặp lại hay trùng lặp với các đêm trước.

Dân tộc Hà Nhì lại có lối hát giao duyên rất duyên dáng vì có kèm theo đàn, múa gọi là hát Ống. Đội hình nam nữ quay mặt vào nhau, nắm tay nhau dập dìu trong tiếng nhạc ”hót tờ ơ”, đi ngược chiều kim đồng hồ và hát: “Anh từ rừng xa đến/Không hẹn mà gặp em trong ngày hội/Ước gì chúng mình được chung chăn/ Chung một bếp lửa hồng..”. Và họ cứ nắm tay nhau say sưa hát quên cả thời gian.

Hát Xường là kiểu hát phổ biến của người Mường. Con trai, con gái Mường lớn lên mà không biết Xường thì sẽ bị chê và rất xấu hổ. Mỗi cuộc Xường, là một buổi sinh hoạt thơ ca dân gian, lý thú hấp dẫn. Khi hát, nữ ở nhà trong, nam ở nhà ngoài, cuộc hát chỉ diễn ra về đêm, đêm nay chưa đủ gắn bó để phân thắng thua thì tiếp tục các đêm sau.

Mở đầu bài hát bao giờ cũng có câu: “Thương thiết, thương nồng”, nghe rất tình cảm. Khúc hát có quy tắc, trình tự hẳn hoi: Hát mở đầu, hát nối, hát chào. Xường , tiếng Mường là thương yêu, hát Xường là hát lời thương: “Thương thương thiệt thương nhiều/ Lâu năm không ra sông nhớ thuyền nhớ bến/ Gội đầu nhớ lá cây chua/Xa ruộng xưa nhớ người cấy hái/ Tình yêu trai gái nhớ đến chỗ ngồi…. Anh sẵn lòng khen cơm anh phải đi cho đến mẹ/ Anh sẵn lòng khen cá anh phải đi đến khe/ Anh sẵn lòng khen trai xinh gái đẹp anh phải đi cho tới làng…”.

Lễ hội Gầu Tào mùa xuân của người H’Mông không thể thiếu hát giao duyên Gầu plềnh- hát tình ca. Đặc biệt nam nữ H’Mông trước khi hát với nhau, thường tìm tới đối tượng tỏ tình của mình bằng tiếng khèn, sáo, kèn lá, pílè, giai điệu thiết tha mời gọi, vừa mềm mại vừa da diết như lời thủ thỉ van lơn, có khi lại réo rắt thôi thúc, chinh phục trái tim cô gái.

Và rồi khi kết nhau, họ ngồi bên nhau cất tiếng hát tâm tình, thổ lộ tình yêu: “Em ở bản nào/Cách vài ngọn núi/Anh muốn biết giờ đây em đang thêu khăn hay lên rẫy/ Để nỗi nhớ đốt lòng anh như lửa cháy đốt trên nương…/Tình đã trao sao phải đợi đến chợ phiên mới gặp nhau/ Mùa này hoa lê trắng/ Trắng tình ta như hoa rừng…/ Để nỗi nhớ cứ theo mây lang thang trên triền núi/ Cho lòng anh muốn… gửi tới em tiếng đàn này nói thay lời chung thủy…”. Những đôi trai gái người H’Mông tay trong tay, mắt đắm đuối trong nhau và chìm trong đắm say si mê của giai điệu thương yêu nồng nàn những câu hát giao duyên .

Cả một miền rừng Tây Bắc với rất nhiều dân tộc, mỗi dân tộc đều có những bài dân ca giao duyên nói lên tình yêu đôi lứa mang sắc thái riêng độc đáo của dân tộc mình. Mùa xuân, mùa tình yêu, bất kể ai khi lên vùng Tây Bắc, đến các lễ hội dân tộc, không thể không đắm mình vào những điệu hát ấp ủ một tình yêu đẹp, để rồi từ đó là những chuyện tình đâm chồi non, nảy lộc biếc, ra hoa thơm, kết trái ngọt…

Và rồi say, say như uống những ly rượu của miền rừng Tây Bắc, như bừng lên ngọn lửa đam mê khao khát… Mùa xuân, mùa tình yêu, Tây Bắc và những câu hát giao duyên cháy lòng người./.

(Nguồn: http://vov.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...