Xuân hát tình ca

01/03/2013

GĐX - ”Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến thăm một lần/ Bao lũ chim rừng, họp đàn trên khắp bến xuân…” [1]

 

 

 

Này là Bến xuân, bến tình, bến em, hay nơi chốn của khởi nguyên? Xuân, Tình, hay Em? Mùa của bắt đầu.
Mùa Em…
Mùa Tình…
Mùa Xuân…
Mùa sáng tạo.
Mùa mới.
Mùa vui.
Mùa cái đẹp hiện thành.
Mùa xuân đầu tiên.

Mùa xuân đầu tiên, em thấy không, là một bắt đầu của bắt đầu, vậy mùa xuân đầu tiên ấy đã trở thành nguyên ngôn linh thánh làm câu thần chú vận hành vũ trụ bao la ngoài kia. Như em vận hành tình ta. Để sáng tạo ra tình yêu, một báu vật kỳ diệu mà thượng đế trao tặng cho loài người. Như hơi thở muôn đời bí ẩn của vũ trụ. Như như Mùa xuân.

Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về.[2]

Xuân dặt dìu hay én dặt dìu? Mùa xuân làm chủ ngữ, mùa xuân dặt dìu, cái dặt dìu của én. Người nhạc sỹ “Bến xuân” ngày nào, giờ, mượn hình ảnh một tặng phẩm, một nhân vật, một yếu tính của Xuân để hữu hình hóa cái thanh tân trong suốt hư không ấy. Mùa xuân theo én về, mùa xuân thổi vào én cái hồn của vạn vật, làm khởi bừng hương sắc. Xuân cũng là mùa băng tan. Mùa rền rĩ sáng tạo. Từ băng về với nước ấm lòng suối. Về với nguyên ngôn. Như cái dặt dìu của điệu valse chậm rãi mà da diết, điềm đạm mà nồng nàn, lả lướt mà cuồng si. Như Mùa xuân.

Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên.

“Mùa bình thường” = “mùa vui” = “mùa xuân”, đó cũng là con đường sáng tạo. Là thứ nước đã đun sôi để nguội. Là Mùa bình thường, nhưng cái bình thường đã được gọi tên, được người nghệ sỹ nhặt về chưng cất, nâng niu. Đã rền rĩ đau. Đã sáng tạo. Để thăng hoa thành mùa vui – Mùa xuân. Vỡ òa trong cái đầu tiên. “Khói bay”, “gà đang gáy”, “trưa nắng vui”… tất cả là khoảnh khắc hiện thành của sự vật. Là cái mới, là niềm vui. Nước mắt như một thứ tinh chất của quá trình sáng tạo, cái ấm nồng tan ra từ băng. Như mùa xuân tươi non nụ mầm thoát thai từ Đông tàng Hạ trưởng. Như em. Như em.

Nước mắt trên vai anh giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.

Sự sáng tạo đẩy đời lăn đi, tạo sinh cái mới, niềm vui, và cái đẹp. Và từ đó, Đời nở ra tươi thắm Mùa xuân. Trò chơi ấy ẩn giấu sự hồi sinh.

Nghệ thuật cũng là một trò chơi. Chơi là chơi, không có tại sao[3]. Chỉ khi bỏ lại những thứ hữu hình ngoài kia, em mới có thể rỗng rang mà mê đắm trong trò chơi sáng tạo. Tận tâm trong cuộc chơi của riêng mình, em sẽ lại đóng vai người quản trò, để cuộc chơi cứ xoay vòng, bất tận điệu hoan ca.

Lý ôm đàn nghêu ngao hát Chênh vênh, rồi Thương, rồi Chưa ai… Mối tình Tiên Dung – Chử Đồng Tử liệu có đủ làm men say sáng tạo cho cô gái nhỏ hoài rong chơi?

Lưu Thiên Hương ghi dấu ở Người hát tình ca.
Nguyễn Văn Chung có Nhật ký của mẹ…

Người nhạc sỹ mù mò mẫm trên từng phím đàn vẫn ngày ngày chạy chữa cho đời bằng từng nốt nhạc rơi thẳm vào chiêm bao.

Chàng lãng tử viết nhạc như những cánh hoa dại làm quà tặng cho đời… Âm thầm, huyền diệu, thiêng liêng. Nơi tinh cầu xưa, ông hoàng bé nhỏ chơi với triết lý của mình. Trẻ thơ mà minh triết. Nơi chợ đời nhiễu nhương cơm áo, anh chơi với tiếng guitar, với những cung bậc của mùa, của đời, của bè bạn bên anh. Hồn nhiên mà ảo diệu.

Anh Trôi. Lả lướt với hư không. Như trăng, như trăng trôi vào đêm[4]. Để hoàn nguyên một chỉnh thể của vũ trụ. Nơi đó không còn ranh giới của có – không, được – mất mà viên thành một đóa sen hồng vừa nở giữa hồn tôi. Chắt chiu những giọt đời để hiện thành cái đẹp. Trôi, để hồn tôi tái sinh. Trong một đóa sen hồng. Như mùa thay lá mới.
Anh viết để gió lên, để sương óng ngời, để hơi thở em ngọt thu[5]…

Bởi vì còn có em, nên tình yêu sẽ thăng hoa.
Bởi vì còn có anh, nên mùa xuân sẽ sinh thành.

Bởi vì còn có nghệ thuật, nên vũ trụ bừng dậy thanh xuân, mỗi lần mùa về.
Xuân.


Chú thích
[1] Văn Cao, Bến xuân
[2] Văn Cao, Mùa xuân đầu tiên
[3] Heidegger
[4] Bài hát “Trôi”. Nhạc: Thanh Bình-Lời thơ: Dương Xuân Định
[5] Bài hát “Ngày gió lên” -Nhạc Châu Đăng Khoa-Lời thơ: Vĩnh Phúc

(Nguồnhttp://www.giaidieuxanh.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.