Xuân - Cảm hứng sáng tạo
Trong tổ khúc bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông, mùa xuân liệt vào hàng tuyệt tác của thiên nhiên, đất trời, trở thành nguyên mẫu cho những sáng tác bất hủ đi vào thi ca, văn học, nghệ thuật. Dưới ánh sáng xúc cảm rọi chiếu xuống vùng sáng tạo, bức tranh mùa xuân tiếp tục dệt nên muôn vàn ý tưởng rạo rực, sặc sỡ, đa sắc màu... Không gian mùa xuân chìm đắm trong thế giới kỳ ảo có âm thanh rộn ràng, ngàn hoa khoe sắc thắm... Mùa xuân trở thành khúc ouverture đánh dấu sự khởi đầu cho một vở kịch kéo dài suốt quanh năm.
Trong lĩnh vực sáng tạo, mùa xuân là một mùa ưu ái, quyến rũ. Biết bao nghệ sĩ đem lòng si mê nàng Xuân, mong ước được chạm vào khoảnh khắc hứng khởi của đất trời. Nhạc sĩ lừng danh người Ý Antonio Vivaldi từng viết Tổ khúc “Bốn mùa” và dành tặng cho mùa xuân bản Concerto violon và dàn nhạc, trong đó, chủ đề “Mùa xuân” được trao gửi cho phần hòa tấu của dàn nhạc dây. Những âm thanh trong trẻo, réo rắt, đua chen như suối nguồn tuôn chảy được chuyển tải qua bè violon chủ đạo tạo nên không khí rạo rực, phấn chấn… Cảnh sắc thiên nhiên biến ảo, kỳ thú… Bằng thủ pháp triển khai âm hình (motif) chủ đạo, cảnh sắc hiện lên qua bức màn âm thanh sống động, chân thực, tha thiết, nồng nàn… những bông hoa tuyết tan chảy thành suối trôi lững lờ trên mặt đất phủ đầy cỏ cây, hoa lá… Giai điệu “Mùa xuân” của Vivaldi như khỏa lấp nỗi niềm mong chờ đi qua mùa đông dài dặc. Nó len vào lòng người những liên tưởng đẹp đẽ, khơi gợi, kích thích trí tưởng tượng phong phú. Tác phẩm đã đi vào lịch sử âm nhạc như một tuyệt phẩm bất hủ với nét giai điệu ngập tràn niềm vui tươi, khoáng đạt… bay qua bao vùng văn hóa, xứ sở.
Còn nhạc sĩ thiên tài người Áo Volfgang Amadues Mozart gửi vào thiên nhiên mùa xuân hình ảnh bay bổng, trong sáng, nét hồn nhiên, thơ ngây qua “Khát vọng mùa xuân” với cảnh sắc đong đầy chất thi ca. Tấm thảm mùa xuân được dệt nên bởi những âm thanh trong suốt, trôi bềnh bồng trên nền điệu Valse truyền thống, quyến rũ. Mozart đã phổ nhạc bài thơ "Sehnsucht nach dem Frühlinge" (Khát vọng mùa xuân) của nhà thơ Christian Adolf Overbeck.
“Đến đây nào, tháng năm thân yêu
Và làm cho cây xanh trở lại,
Và khiến những bông hoa tím nhỏ
Bên bờ suối bừng nở vì em…”
Sau khi nhạc sĩ Phạm Tuyên Việt hóa thành:
"Này mùa xuân ơi đến mau đây
Để cho thêm xanh lá cây rừng
Trở về rừng bên suối trong lành
Nhìn hoa đang hé tưng bừng…”
“Khát vọng mùa xuân” đã bay khắp mọi miền đất nước. Giai điệu của ca khúc trở thành những âm thanh ẩn chứa hình ảnh phỏng chiếu của mùa xuân đất trời.
Còn nhạc sĩ người Đức Mendelson thì đắm đuối với cảnh sắc duyên dáng, lộng lẫy của mùa xuân qua tác phẩm “Spring” viết cho đàn piano. Tác phẩm chuyển động đan cài giữa những âm thanh trang sức, nhẹ, mỏng và tuyến giai điệu chính khiến cho tính chất âm nhạc nổi bật trên không gian đa chiều, nhiều họa tiết. “Spring” nằm trong tuyển tập “Bài ca không lời” vốn đã làm nên tên tuổi bất tử của người nhạc sĩ thiên tài này.
Đối với nhạc sĩ Nga Traikovsky, ông thổi hồn vào thiên nhiên, đất trời quê hương bằng tổ khúc viết về 12 tháng cho đàn piano. Mỗi mùa ông dành tặng ba tác phẩm mà mùa xuân có:
January: At the hearth (Tháng Một: Bên lò sưởi)
February: Carnival (Tháng Hai: Lễ hội Maslenitsa)
March: Song of the lark(Tháng Ba: Khúc hát Sơn ca)
Traikovsky phác họa bức tranh thiên nhiên Nga sống động bằng những âm thanh tuôn chảy như suối nguồn. Ông đưa người nghe đến với những thay đổi tinh tế, diệu vợi, viễn du qua miền đất kỳ ảo của thiên nhiên có mùa xuân rạo rực. Traikovsky là một trong những nhạc sĩ có bút pháp tài tình, khéo bộc lộ cảm xúc mong manh, những hình ảnh thắm đượm chất Nga hồn hậu. Người nhạc sĩ này khéo lồng ghép cảnh sắc vào sinh hoạt phong tục truyền thống của người dân. Mỗi tháng như những bài ca ngợi ca cảnh sắc, đất nước con người. Dù không cùng thời gian, không gian, nhưng cảm nhận về mùa xuân ở khắp nơi trên thế giới đều có những điểm tương đồng cho chúng ta kịp nhận ra nhịp thời gian của một vũ trụ liên thông. Đi qua bao năm tháng, tổ khúc Bốn mùa của Traikovsky vẫn đọng lại trong lòng người yêu nhạc, được lấy làm mẫu mực cho những sáng tác viết về mùa bằng bút pháp lãng mạn mang đậm truyền thống dân tộc Nga.
Trong đờn ca Tài tử Nam Bộ, bản nhạc Nam xuân lại đem đến những âm thanh nhẹ nhàng, thanh thoát, chuyển tải qua hơi Bắc tạo cảm giác về một mùa xuân thi vị, nhẹ nhàng như ca dao, gió thoảng êm đềm. Những thủ pháp chuyền ngón nhẹ nhàng, duyên dáng, ơ hờ… như chạm vào tâm hồn nàng xuân… thể hiện được nét đẹp dịu dàng, ưu nhã, thanh tao của mùa xuân xứ sở. Âm thanh ấy gợi cho ta nhớ cố nhân, nhớ những mùa xuân năm nào, xa vắng… mênh mang.
Mọi vùng văn hóa đều có cách thức thể hiện mùa xuân theo cảm nhận, thẩm mỹ từ truyền thống văn hóa. Gia tài âm nhạc về mùa xuân đong đầy trong kho tàng văn hóa thế giới. Nó đưa đẩy con người đến những cảnh sắc lung linh, biến ảo của thiên nhiên hòa chung tiếng nói tình cảm con người. Mùa xuân là điểm khởi đầu phân cực cho chiều dài năm tháng, đem đến cho chúng ta ý niệm về một chu kỳ không đổi. Cùng với những diễn biến bất tận, các mùa khác tiếp tục tham gia vào nhịp điệu đều đặn của thời gian. Từ trong bản chất, mùa xuân đã làm nên tính chất, phẩm tính của mình bằng cảm hứng sáng tạo. Sáng tạo đi giữa làn ranh mong manh của ký ức phôi phai và niềm thôi thúc tạo nên sự thay đổi. Sự trở lại của mùa xuân vừa đánh dấu nỗi niềm của thiên nhiên sau chuyến du hành đi qua bao ngày tháng, vừa thể hiện khả năng hồi sinh mạnh mẽ. Niềm hứng khởi chất chứa nơi mùa đầu như sợi dây vô hình sâu chuỗi dòng thời gian chuyển động không ngừng. Nếu không có mùa xuân, các mùa khác trong năm sẽ lạc mất ý niệm về thời gian. Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thu, Đông tàng, tất cả các mùa quanh năm đều thừa hưởng thành quả của mùa xuân - mùa phỏng chiếu hình ảnh Đấng sáng tạo, gieo xuống mặt đất mầm sống sinh sôi, cho mùa hạ trưởng thành, mùa thu thu hoạch và mùa đông cất giữ. Sáng tạo trở thành bản thể của mùa xuân. Sự chuyển động nhịp nhàng cùng với niềm đam mê và biến ảnh đi qua miền sáng tạo. Xuân về để trình diễn vẻ quyến rũ của mình trước thời gian xê dịch. Cội nguồn của mọi cảm hứng đều khởi đầu bằng những rung động nội tại trước bối cảnh ngoại tại. Trời đất đã rung động trước điều gì để sáng tạo nên khung cảnh mùa xuân? Các bậc hiền triết xa xưa đã gán mọi sự đổi thay, bao gồm cả sự chuyển động của thiên văn, khí tượng, các mùa quanh năm với bản thể vô hình và bản chất vô vi của Đạo. Mùa xuân lại gieo vào lòng người những liên tưởng đẹp đẽ, gây nên xáo trộn nội tâm, dấy lên nguồn cảm xúc dạt dào để họ tiếp tục viết nên những tác phẩm nghệ thuật. Nguồn cảm hứng bất tận về mùa xuân khởi đầu cho sự thay đổi. Nó đem đến cảm thức mới mẻ, tươi trẻ cho đất trời, con người ngập ngừng trước khung cảnh ấm áp, dịu dàng, quyến rũ...