Xẩm, chèo, cải lương, quan họ vào cuộc 'tiêu diệt Corona'

09/04/2020

Cùng với âm nhạc hiện đại, các nghệ sỹ trong làng nghệ thuật truyền thống như xẩm, chèo, cải lương, quan họ cũng bước cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cùng với cộng đồng cả nước.  

Xẩm Sai “Tiêu diệt Corona”

Các nghệ sỹ nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn bài Tiêu diệt Corona. Ảnh: Nhóm Xẩm Hà thành cung cấp.

Nhóm Xẩm Hà thành đã khiến những người yêu nhạc truyền thống ngạc nhiên và thích thú khi trình làng MV (music video) xẩm "Tiêu diệt Corona". Trong tác phẩm xẩm sai (thường được sử dụng trong các bài đả kích những thói xấu trong xã hội) đầy hóm hỉnh này, người nghe bắt gặp nhiều câu nói vui quen thuộc vẫn được cộng đồng mạng sử dụng trong những ngày vừa qua, trong đó có câu “thần chú” hài hước: “Corona xa ta ra”.

Bài hát cũng phê phán một số cá nhân có hành động, lời nói chưa chuẩn mực, không hợp tác với cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch, đồng thời, nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn như: “Không nên đi lại, tụ tập đông người, có việc quan trọng, rời nhà bước ra, cách xa hai mét…”.

Đặc biệt, bài xẩm cũng nhấn mạnh, chính tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm từ trên xuống dưới của cả dân tộc sẽ có tính chất quyết định trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này: “Chính quyền kiên quyết/ Y tế tiên phong/ Truyền thông nối cánh/ Tin nhanh đến muôn nhà” hay “Doanh nhân chung sức/ Nghệ sỹ chung tay/ Nhân dân cùng góp/ Cảnh giác nêu cao/ Phòng dịch khắp nơi nơi/ Corona mà thò ra/ Là ta cùng diệt hết”. Rồi những lời căn dặn của cha ông ta như: “Thương lấy bí cùng, bầu ơi thương lấy bí cùng, nét đẹp ghi nhớ dang tay đón kiều bào, ấy là hay nhất”…

Nhạc sỹ Nguyễn Quang Long, người sáng tác bài xẩm “Tiêu diệt Corona” chia sẻ, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các ban, ngành trong cuộc chiến chống COVID-19 và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của mọi tầng lớp nhân dân thì anh thật sự xúc động khi nhìn hình ảnh những chiến sỹ, cán bộ hỗ trợ phòng chống dịch sẵn sàng nằm đất để nhường chỗ ăn, chỗ ngủ cho người cách ly ở khu vực tập trung, rồi những người dân tình nguyện mang lương thực, nhu yếu phẩm đến tặng cho những người làm nhiệm vụ… Từ tình cảm ấy, anh viết nên những câu hát đầu tiên trong bài Xẩm “Tiêu diệt Corona”.

Ngay sau khi viết xong, anh cùng các nghệ sỹ trong nhóm Xẩm Hà thành và ê kíp của đạo diễn Nhật Giang đã thu âm, ghi hình để hoàn thành MV cho bài xẩm này và giới thiệu đến công chúng cả nước.

Làng chèo chống dịch

Các nghệ sỹ đất chèo Thái Bình cũng góp vào “mặt trận” chống COVID hai bài chèo thú vị. Bài "Chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID” - theo làn điệu Đào Liễu do Trương Công Đỉnh soạn lời. Bài chèo có đoạn “Chung sức chung lòng, nhân dân ta cả nước bình tâm chung sức chung lòng tên khắp non sông đồng tâm nhất trí, COVID sợ gì, ta sẽ đập tan mong mọi người chớ có hoang mang…”.

Bài chèo thứ hai có tên “Bài ca chống giặc dịch COVID” - theo làn điệu Xẩm Xoan của soạn giả Mai Văn Lạng với những lời ca như: “Khắp chốn nơi nơi thành thị buôn làng cùng nhau chống dịch muôn vàn hiểm nguy… Bác sỹ lương y khắp nơi gian khó quản gì, bao nhiêu lực lượn chung sức chung lòng âm thầm ngày đêm… Cô vy bị đánh tơi bời…”.

Hai bài chèo chống dịch COVID được các nghệ sỹ chèo của Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình thể hiện và ra mắt công chúng.

Bên cạnh hai ca khúc chèo, Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình còn thực hiện một ca cảnh chèo đặc sắc mang tên “Chống dịch như chống giặc”. Ca cảnh chèo “Chống giặc như chống dịch” có độ dài hơn 8 phút, hoàn toàn là lời mới liên quan đến việc chống dịch COVID-19. Ca cảnh sử dụng bởi 3 làn điệu tương ứng với 3 bài chính xuất hiện trong ca cảnh theo thứ tự đầu tiên là làn điệu Xẩm Xoan; tiếp đến là làn điệu Cách Cú và cuối cùng là làn điệu Ngũ Phúc. Cả ba bài đều do nghệ sỹ Hồng Vân soạn lời và các nghệ sỹ trong câu lạc bộ chèo Trung tâm thanh thiếu niên tỉnh Thái Bình thể hiện.

Nghệ sỹ Hằng Nga, Giám đốc Trung tâm, đồng thời là một nghệ sỹ - giảng viên chèo, cho biết, việc sử dụng 3 làn điệu này tạo hiệu ứng rất tốt lan tỏa tới từng người nghe, cách bảo vệ phòng chống dịch dễ nhớ, dễ hiểu và thật dí dỏm tạo sự đoàn kết và quyết tâm.

Điều đặc biệt là các nghệ sỹ thể hiện ca cảnh chèo “Chống giặc như chống dịch”  đều là học sinh trung học phổ thông, các em hiện đang sinh hoạt tại Trung tâm. Để tuân thủ quy định tránh tập trung đông người, các em tự hóa trang, tự biểu diễn và tự quay phim tại nhà, sau đó gửi phần đã quay về và Trung tâm để người có chuyên môn dựng hình và hoàn thiện tác phẩm.

Nghệ sỹ Hằng Nga chia sẻ, Trung tâm thực hiện những bài chèo, ca cảnh chèo về chống dịch COVID-19 với mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào các hoạt động phòng, chống dịch chung của Thái Bình cũng như của cả nước, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là các thanh thiếu niên. Đồng thời, Trung tâm cũng mong muốn mang âm nhạc dân gian vào những nội dung mang tính chất tuyên truyền về dịch, góp phần đưa nghệ thuật chèo đến cùng công chúng để bảo lưu và gìn giữ nghệ thuật chèo.

Nghệ sỹ cải lương vào cuộc

Mới đây, bài ca cải lương có tên “Thiên thần áo trắng chiến thắng Corona” của soạn giả Lê Thế Song được Nghệ sỹ Ưu tú Hoàng Tùng (Nhà hát Cải lương Việt Nam) và nghệ sỹ Xuân Hồng thể hiện khi xuất hiện trên mạng, đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của công chúng. Phần lời bài ca cải lương ca ngợi công đức của các bác sỹ - những thiên thần áo trắng không quản ngại gian nguy lao lên tuyến đầu giành lại sự sống cho bao người.   

Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Tùng chia sẻ, với khí thế cả nước chống dịch như chống giặc, soạn giả Lê Thế Song đã viết bài ca cải lương “Thiên thần áo trắng” nhằm khích lệ tinh thần những y, bác sỹ, họ là những chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 đặc biệt nguy hiểm. Với mong muốn chia sẻ một chút tình cảm, đồng thời thể hiện lòng ngưỡng mộ, biết ơn đội ngũ y, bác sỹ, Hoàng Tùng đã cùng nữ nghệ sỹ Xuân Hồng thu âm bài ca này.

Theo nghệ sỹ Hoàng Tùng, thông qua bài ca cải lương “Thiên thần áo trắng chiến thắng Corona” hai nghệ sỹ cùng ê kíp sản xuất muốn gửi gắm niềm tin vững chắc rằng “dịch bệnh COVID-19 sẽ bị đẩy lùi để đất nước và nhân dân Việt Nam lại được sống trong thanh bình và hạnh phúc.

NDND Bạch Tuyết trong clip tân cổ “Ông bà anh thời COVID-19

Trước đó, Nghệ sỹ Nhân dân Bạch Tuyết, nữ nghệ sỹ được mệnh danh là “Cải lương chi bảo” của Việt Nam, đã giới thiệu với khán giả clip tân cổ “Ông bà anh thời COVID-19” trên  kênh YouTube của mình. Tác phẩm được chị cảm tác từ ca khúc nhạc chế “Ông bà anh yêu nhau thời COVID” được viết lại lời mới trên nền nhạc ca khúc “Ông bà anh” của nhạc sỹ Lê Thiện Hiếu. 

“Trống cơm” phiên bản COVID

Ca sỹ Kyo York, ca sỹ người Mỹ đang sinh sống tại Việt Nam, cũng gây bất ngờ với công chúng khi ra mắt MV “Trống cơm - chống COVID-19” song ngữ Việt - Anh.

Phiên bản “Trống cơm - chống COVID-19” được hòa âm, viết lời Việt bởi nhạc sỹ Khúc Đạo Minh, phần lời tiếng Anh do ca sỹ Kyo York chuyển ngữ. Trong nền dân ca Bắc Bộ, “Trống cơm phiên bản COVID-19 gây ấn tượng với giai điệu vui tươi, rộn rã trên nền nhạc của bài dân ca Bắc Bộ “Trống cơm”.

Trong MV, Kyo York mặc áo dài truyền thống của người Việt Nam, thể hiện và truyền đi thông điệp tích cực: "Mọi người cố gắng lắng nghe, không nên tiếp xúc, hãy tránh xa Corona… Dịch này sốt có dấu hiệu bị ho khan. Dịch này có chứng khó thở ở trong tim…”. Bài hát cũng khuyến cáo người dân không nên đến nơi đông người, mang khẩu trang, rửa sạch tay với xà phòng, không chạm tay vào mắt mũi miệng, kịp thời khai báo nếu có dịch bệnh, kết nối yêu thương, chung tay, chung sức, chung lòng, quyết thắng đại dịch…  

MV “Trống cơm - chống COVID-19”  phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh ra mắt đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem với những phản hồi tích cực. Đa số ý kiến cho rằng  Kyo York đã cho ra mắt MV đúng thời điểm và khen ngợi về những thông điệp ý nghĩa trong ca khúc này. 

Các nghệ sỹ chia sẻ, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, mỗi người trong chúng ta đều mong muốn được góp sức cùng đất nước vượt qua đại dịch này và các nghệ sỹ của nghệ thuật truyền thống cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy. “COVID-19 là đại dịch toàn cầu, nên tất cả các nghệ sỹ ai cũng muốn góp một phần khả năng sở trường của mình vào công cuộc phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. Và các nghệ sỹ của dòng nhạc dân tộc cũng hòa cùng với âm nhạc cả nước, góp tiếng nói hưởng ứng chiến dịch diệt dịch này”, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long chia sẻ.

(Nguồn: https://baotintuc.vn/)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...