Vũ Thắng Lợi: Giọng hát vàng được tôi luyện từ gian khó

17/12/2018

10 năm theo đuổi dòng thính phòng, Vũ Thắng Lợi đã kịp thực hiện một “bộ sưu tập” giải thưởng âm nhạc. Hoạt động nghệ thuật của chàng trai 8x từng trải qua nhiều sóng gió nhưng với sự kiên định trong nghệ thuật, Vũ Thắng Lợi đang gặt hái không ít thành công. Anh được xem là lớp kế cận đầy triển vọng sau thế hệ “đàn anh” là Đăng Dương, Trọng Tấn.

Vũ Thắng Lợi được giới chuyên môn đánh giá là giọng hát đẹp ở dòng thính phòng.

Kỷ niệm 10 năm ca hát, Vũ Thắng Lợi sẽ thực hiện liveshow lớn đầu tiên của mình với tên “Khát vọng” vào ngày 21-12 tới tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô. Chàng trai sinh năm 1985 nói rằng, đó sẽ là mốc âm nhạc đánh dấu sự trưởng thành mới của mình và cũng để khẳng định sự kiên định trong việc lựa chọn con đường âm nhạc.

Để giọng hát “hữu xạ tự nhiên hương”

- Vũ Thắng Lợi muốn thể hiện điều gì trong “Khát vọng”?

- Đó là giấc mơ của tôi trong âm nhạc. Như rất nhiều nghệ sĩ khác, tôi có sự khởi nghiệp khó khăn, có lúc tôi gặp bế tắc không biết rồi con đường âm nhạc của mình sẽ đi đến đâu. “Khát vọng” là điều tôi muốn nói với khán giả của mình: Nghệ sĩ luôn khao khát được hát, được sống với dòng nhạc mình theo đuổi.

- Đêm nhạc tới, anh sẽ hát với thần tượng của mình là ca sĩ Trọng Tấn. Anh có lo rằng mình sẽ bị “lép vế” trước “đàn anh”?

- Tôi không lo lắng nhiều, bởi đây là đêm nhạc của tôi, anh Trọng Tấn sẽ là một trong những khách mời. Chúng tôi sẽ hướng tới mục đích duy nhất là mang tới một đêm nghệ thuật cống hiến cho khán giả. Ở đó, không có sự so bì về tên tuổi hay sức ảnh hưởng. Cá nhân tôi và anh Tấn từng hoạt động nghệ thuật chung với nhau và hát với nhau trong nhiều chương trình. Chúng tôi đã có sự ăn ý nhất định. Tôi vui vì trong đêm nhạc lớn của mình, tôi được hát với đàn anh mà mình ngưỡng mộ.

Vũ Thắng Lợi từng có khởi nghiệp khó khăn.

- Nhưng với sức ảnh hưởng của các khách mời, nhân vật chính có thể biến thành nhân vật phụ. Anh có tính đến điều đó?

- Tôi không tính gì, đêm nhạc chưa diễn ra thì chưa thể nói về việc này. Ở dòng nhạc thính phòng, mỗi ca sĩ sẽ có những khán giả riêng của mình. Tôi tin rằng, khán giả của tôi đến với đêm nhạc vì họ muốn nghe những ca khúc thính phòng, cách mạng mà họ yêu thích. Giá trị cuối cùng của âm nhạc là giọng hát và tinh thần của đêm nhạc. Chúng tôi sẽ nỗ lực để khán giả thăng hoa cùng giá trị ấy.

- Vũ Thắng Lợi là giọng hát đẹp đã được giới chuyên môn đánh giá cao, bằng chứng là nhiều giải thưởng âm nhạc mà anh gặt hái được. Thế nhưng, tên tuổi của anh có vẻ vẫn khá khiêm tốn, anh có giải mã được điều này?

- Tôi nói điều này có lẽ ít người tin nhưng thật sự tôi không quá chú trọng vào sự nổi tiếng. Sự nổi tiếng có nhiều cách lắm và nhiều quan niệm khác nhau, đôi khi cũng phải trả giá nhất định. Tôi muốn giọng hát của mình “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu mình thật sự hát hay thì khán giả sẽ ghi nhận. Chỉ cần bản thân nỗ lực và kiên định với con đường âm nhạc đã chọn. 

- Anh có mâu thuẫn không khi mà nghệ sĩ ai cũng muốn nổi tiếng?

- Tính cách của tôi là vậy. Bản thân tôi cũng sống khép kín, không muốn thể hiện nhiều những gì về cuộc sống cá nhân. 

Không nên mặc chiếc áo quá rộng với mình

- Anh từng có khởi đầu khó khăn?

- Vâng, gia đình tôi nghèo, lại không ai theo đuổi nghệ thuật. Tôi có thiệt thòi hơn các bạn là bố mẹ tôi nhiều tuổi mới sinh ra tôi, giờ bố tôi đã hơn 90 tuổi, mẹ tôi hơn 70 tuổi. Vì thế, bố mẹ cũng chỉ cố gắng nuôi tôi đủ ăn cũng là may mắn lắm.

Ngày bé, tôi đã thích ca hát. Đến năm học lớp 11, tôi nhất quyết xin đi làm thêm công việc bưng bê ở một quán cafe ở quê nhà chỉ vì quán đó có dịch vụ hát cho khách. Thi thoảng, tôi lại xin chủ quán được hát. Tôi không bao giờ quên quãng thời gian đầu tiên đó của mình.

Anh hiện là ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 2, giành nhiều giải thưởng âm nhạc.

- Ai là người truyền cảm hứng âm nhạc cho anh?

- Là bố tôi. Ông không phải là nghệ sĩ, cũng không có năng khiếu ca hát, nhưng ông lại làm những công việc được tiếp cận với nghệ thuật. Thời còn có sức khỏe, ông là một nhiếp ảnh, chuyên chụp ảnh ở các đám ma, đám cưới.

Ông có thói quen chụp xong phải lưu giữ những bức ảnh gốc để làm kỷ niệm, nên khi rửa cho khách 1 bộ, ông lại rửa thêm một bộ nữa để cất giữ. Thói quen ấy khiến ông không có nhiều lãi với nghề nhưng tôi học được ở ông sự trân trọng với công việc mà ông theo đuổi.

Sau này, ông được nhận làm ở một đoàn cải lương, vị trí là bảo vệ. Công việc của ông làm ở đoàn cải lương đã phần nào nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật của tôi khi còn bé.

- Xuất phát điểm khó khăn, có khi nào anh nản trí vì áp lực về kinh tế?

- Khi còn đi học tôi từng nhận lời đi hát đám cưới với mức 30 nghìn đồng để kiếm sống. Sau khi học xong Trường Cao đẳng nghệ thuật Quân đội, tôi đứng trước hai lựa chọn, một là về quê hoạt động nghệ thuật cho đơn vị quân đội ở địa phương, hai là xin ở lại Hà Nội.

Tôi quyết định ở lại Hà Nội để thực hiện giấc mơ của mình. Thời điểm mới ra trường, lương của tôi hơn 1,7 triệu/tháng trong khi tiền thuê nhà còn hơn thế. Tôi nhận lời đi hát ở nhiều nơi để kiếm sống, đôi khi cát-xê chỉ 100- 200 nghìn/buổi. Thời điểm ấy, tôi chỉ lo cho cuộc sống của mình theo từng ngày.

Tôi từng rất nản, nhiều đêm không ngủ được, trở dậy tự hỏi mình: Tại sao không trở về nhà với gia đình, có thể sẽ có một cuộc sống đỡ nặng nề hơn, lại được gần bố mẹ. Rồi tôi gọi điện cho mẹ tâm sự. Mẹ tôi bảo: Con hãy ở nơi nào tốt nhất cho mình. Tôi lại quyết tâm ở lại Hà Nội vì tin tưởng rằng, nơi đây sẽ có nhiều cơ hội cho giọng hát của mình thăng hoa.

Tôi đang công tác tại Đoàn nghệ thuật Quân khu 2, tham gia nhiều hoạt động biểu diễn phục vụ quân đội và nhân dân ở nhiều địa phương. Giọng hát của tôi dần được khẳng định hơn và tôi có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận khán giả.

Bây giờ nhìn lại chặng đường đã trải qua, tôi luôn cảm ơn những thử thách buổi đầu khởi nghiệp vì chúng cho tôi thêm niềm tin, động lực và sự kiên định với nghề.

Sau 10 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, Vũ Thắng Lợi thực hiện liveshow cá nhân vào cuối tháng 12 này.

- Thời điểm nào thì Vũ Thắng Lợi khẳng định được giọng hát của mình?

- Đó là khi tôi giành giải Nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2008, cùng năm đó là giải Ba cuộc thi Tiếng hát mùa thu và giải Người thể hiện ca khúc hay nhất về Hà Nội. Đó là những giải thưởng đầu tiên của tôi trong sự nghiệp âm nhạc. Sau cuộc thi, tôi vẫn loay hoay chưa biết nên làm thế nào để tiếng hát của mình có hướng đi mới. Đó là sự bế tắc của rất nhiều giọng hát trẻ bước ra từ một cuộc thi âm nhạc.

Năm 2011, tôi tiếp tục dự thi Sao Mai và giành giải Nhì dòng thính phòng. Nhưng năm đó, kinh tế đang suy thoái, đời sống âm nhạc trong nước khá chững, gần như không có nhiều hoạt động nổi bật. Nghệ sĩ gặp khó khăn trong hoạt động nghệ thuật. 

Lúc đó, tôi cũng dốc hết số tiền tiết kiệm được để đầu tư cho cuộc thi nên sau đó tôi lại tiếp tục bế tắc trong cuộc sống của mình. Tôi phải bán cây đàn piano mà mình phải chắt chiu mua với giá 20 triệu đồng để tiếp tục trang trải cuộc sống.

Sau này, đời sống âm nhạc tốt hơn, tôi kết hợp làm việc với công ty tổ chức sự kiện Mỹ Thanh thực hiện các dự án. Tôi đi hát nhiều hơn, ra mắt sản phẩm âm nhạc mới và đến giờ, tôi đã có được chút thành công nho nhỏ trong dòng nhạc của mình. Tới đây, liveshow “Khát vọng” là một dự án lớn mà tôi muốn thể hiện để đánh dấu mốc cho sự nghiệp của mình.

- Nhiều nghệ sĩ dòng thính phòng như Trọng Tấn, Lan Anh, Anh Thơ để “sống” được với nghề đã thường xuyên thay đổi hình thức thể hiện, ví như Trọng Tấn giờ đây thường xuyên hát tình ca, nhạc nhẹ, Lan Anh, Anh Thơ cũng hát bolero. Anh có định thay đổi theo xu hướng của khán giả?

- Tôi cũng đã hướng đến những sự kết hợp mới trong âm nhạc, nhưng chắc chắn sẽ không phải là bolero. Ai cũng có sở thích và sự cảm nhận riêng ở những dòng nhạc khác để lựa chọn phù hợp với mình. Tôi sẽ không bắt ép mình hát những gì không thuộc về mình. Nếu cố mặc một cái áo không phải của mình sẽ là lố bịch. Tôi vẫn kiên định với dòng thính phòng, tới đây sẽ có sự thay đổi theo hướng bán cổ điển (semi classic). 

- Cảm ơn anh và chúc anh thành công!

Vũ Thắng Lợi sinh năm 1985, tốt nghiệp trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Quân đội. Anh đang công tác tại Đoàn nghệ thuật Quân khu 2.

Vũ Thắng Lợi đã phát hành album “Tình ca” và tổ chức một minnishow. Anh từng tham gia nhiều chương trình nghệ thuật lớn: Liveshow “Người Hà Nội”, chương trình “Giai điệu Tự hào”, Bài hát Việt, Bài hát yêu thích…

Nam ca sĩ từng có tên trong đề cử giải âm nhạc Cống hiến năm 2015 ở hạng mục “Nghệ sĩ mới của năm”.

Những thành tích của Vũ Thắng Lợi:

- Giải Nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2008;
- Giải Ba cuộc thi Tiếng hát mùa thu và giải Người thể hiện ca khúc hay nhất về Hà Nội;
- Giải Nhì dòng Thính phòng cuộc thi Sao Mai 2011;
- Huy chương vàng cuộc thi nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015;
- Huy vương vàng Hội diễn toàn quân năm 2018.

(Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...