Vô tư 'mượn' hòa âm
Đạo giai điệu, đạo ca từ dễ dàng bị kết tội, trong khi đạo beat (nhạc đệm) lại gây tranh cãi.
Ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã thừa nhận dùng beat của bài hát có sẵn để sáng
tác ca khúc - Ảnh: Độc Lập
Nhiều nhạc sĩ uy tín khẳng định Sơn Tùng M-TP đã đạo nhạc beat. Ngay bản thân Sơn Tùng M-TP cũng thừa nhận sáng tác bị ảnh hưởng bởi bản beat có sẵn của bài hát Because I miss you (của tác giả Jung Young-hwa). Trong khi, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) kết luận bài hát Chắc ai đó sẽ về không vi phạm quy định của pháp luật.
Luật không rõ ràng
Luật Sở hữu trí tuệ chỉ quy định chung chung cho các tác giả bài hát, chứ không có bất cứ quy định cụ thể nào cho nhạc sĩ hòa âm, phối khí. “Các nhạc sĩ thường thỏa thuận trực tiếp với nhạc sĩ phối khí, nên ít khi nhạc sĩ phối khí đòi hỏi quyền tác giả. Ban đầu, người ta chỉ coi trọng tác giả viết giai điệu, sau rồi mới đến tác giả viết lời như các nhà thơ, chứ nhạc sĩ phối khí thì chưa”, đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN nói. Đến giờ, rất ít nhạc sĩ có ý thức bảo vệ tác quyền cho các bản hòa âm phối khí. Cách đây vài năm, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã đi đăng ký tác quyền cho 3.000 ca khúc mà anh đã phối khí. Sự việc này gây xôn xao cả giới làm nhạc trong nước khi ấy.
Việc mượn beat để ứng tác tác phẩm là đạo nhạc. Cách làm này tạo ra những sáng tác giả dối, từ đó nền âm nhạc sẽ tràn ngập các tác phẩm phái sinh hàng nhái, triệt tiêu lao động sáng tạo và môi trường đào tạo âm nhạc Nhạc sĩ Đỗ Bảo |
Trong khi, với một nền âm nhạc chuyên nghiệp, bản quyền được quy định rõ ràng trong từng khâu: viết lời, giai điệu, hòa âm - phối khí. “Một bài hát là sự kết hợp của nhiều yếu tố như bản phối (nhạc đệm - beat), giai điệu, ca từ, ca sĩ”, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương nói. Nói như vậy để thấy nhạc sĩ phối khí có vai trò quan trọng đối với một ca khúc. Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho rằng: “Hòa âm, phối khí chiếm tới hơn 50% thành công của bài hát, nhất là đối với các bài hát mang tính giải trí”. Còn theo nhạc sĩ Việt Anh: “Đôi khi họ (nhạc sĩ hòa âm, phối khí - PV) là người quyết định thành bại cho cả tác phẩm”.
Chính việc chưa coi trọng nhạc sĩ phối khí và khe hở luật đã dẫn tới việc nhạc sĩ vô tư “mượn” beat mà vẫn có thể cãi lý với luật.
Đạo nhạc kiểu mới
Đã có không ít nhạc sĩ Hàn Quốc liên hệ qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN yêu cầu làm rõ việc nghệ sĩ VN sáng tác dùng beat của họ. “Sau đó phía nghệ sĩ phải xin lỗi và trao đổi tiền tác quyền nên mọi chuyện mới im ắng”, đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN cho hay. Trong bức thư điện tử, người đại diện phía Công ty FNC Entertainment (Công ty quản lý nghệ sĩ Jung Young-hwa) có nói rõ “nhận thấy sự tương đồng trong lập trình, quy trình” dù không xem đây là việc “ăn cắp bản quyền”. Nhưng chỉ cách đây vài tháng, một nhà sản xuất Hàn Quốc đã phẫn nộ khi biết Sơn Tùng M-TP sử dụng nhạc beat mà không xin phép.
Chỉ mới tháng trước, Ban tổ chức chương trình Bài hát Việt cũng đã quyết định rút giải thưởng Bài hát tháng của ca khúc Tương tư của nhóm FB Boiz trong live show Bài hát Việt tháng 9 vì phát hiện ca khúc này được sáng tác dựa trên nền nhạc beat sẵn có từ một nhạc phẩm Hàn Quốc. Nhạc sĩ Phúc Bồ, Trưởng nhóm FB Boiz, khi đó đã thay mặt nhóm, nhận lỗi với ban tổ chức và gửi lời xin lỗi tới khán giả. Anh tự nhìn nhận, đây là thói quen xấu từ khi còn hoạt động underground.
“Đối với tôi, việc mượn beat để ứng tác tác phẩm là đạo nhạc. Cách làm này tạo ra những sáng tác giả dối, từ đó nền âm nhạc sẽ tràn ngập các tác phẩm phái sinh hàng nhái, triệt tiêu lao động sáng tạo và môi trường đào tạo âm nhạc. Điều này là không đáng nếu các tác giả này có tài năng”, nhạc sĩ Đỗ Bảo bày tỏ. Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương chia sẻ ý kiến: “Thầy giáo tôi, một nhạc sĩ chuyên nghiệp về hòa thanh đã nhận xét mà tôi thấy rất đúng: việc này giống như nhập phụ tùng của nước ngoài lắp thành sản phẩm của VN. Đó không phải là sản phẩm sáng tạo của các bạn. Đây là cách các ca sĩ nghiệp dư thường dùng để viết nhạc, vì vừa nhanh, đỡ tốn công, lại chẳng phải học hành gì”. Ý kiến các nhạc sĩ cho rằng nếu chấp nhận cho việc đạo beat cũng có nghĩa cổ súy cho kiểu sáng tác rất xấu. “Điều đó sẽ đẩy ca nhạc sĩ nhạc trẻ Việt đến chỗ lười biếng, dễ dãi. Sự lộng giả thành chân và sự hèn kém sẽ bao phủ môi trường âm nhạc. Các cơ quan quản lý cũng vất vả hơn rất nhiều sau này”, nhạc sĩ Đỗ Bảo nói.
(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn)