Việt Nam lần đầu tiên tổ chức “Festival Âm nhạc mới Á-Âu 2014“
“Festival Âm nhạc mới Á-Âu” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra tại Hà Nội và thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) từ ngày 8-12/10.
Đây là lần đầu tiên, một Liên hoan Âm nhạc với quy mô lớn và lâu đời như “Festival Âm nhạc mới Á-Âu” (New music Festival “Asian – Europe”) được tổ chức tại một quốc gia châu Á. Festival sẽ bao gồm một chuỗi những buổi hòa nhạc với các thể loại, hình thức khác nhau, từ Giao hưởng, Thính phòng, Dân gian, Dân tộc, Nhạc kịch, Vũ kịch, Hợp xướng đến các ca khúc trẻ.
PV VOV.VN đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Festival về “Festival Âm nhạc mới Á-Âu”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và nhà soạn nhạc người Nga Rashid Kalimullin trong
Festival Âm nhạc mới Á-Âu năm 2011
PV: Thưa nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân“Festival Âm nhạc mới Á-Âu” đã có 20 năm hình thành và phát triển với 11 lần được tổ chức ở châu Âu. Vì sao lần này, Festival lại quyết định tổ chức ở châu Á, mà cụ thể là Việt Nam?
NS Đỗ Hồng Quân: “Festival Âm nhạc mới Á-Âu” là một diễn đàn âm nhạc có uy tín trên thế giới, do Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga và Hội Nhạc sĩ Cộng hòa Tatarstan khởi xướng từ năm 1993, định kỳ tổ chức 2 năm 1 lần. Qua 11 lần tổ chức, đã có 45 quốc gia tại 2 châu lục tham gia. Những tác phẩm biểu diễn trong Festival nhận được sự đón nhận và đánh giá cao của công chúng.
Sau khi kết thúc Festival lần thứ 11 tại thành phố Kazan, Cộng hòa Tatarstan vào tháng 4/2013, các đại biểu đưa ra ý kiến nên tổ chức hàng năm, định kỳ luân phiên giữa các quốc gia châu Á và châu Âu. Việt Nam được ưu ái là quốc gia đầu tiên tại châu Á tổ chức sự kiện âm nhạc lớn, mang tầm quốc tế này.
Đây là kết quả xứng đáng sau một thời gian chúng ta phát triển nền khí nhạc. Những tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam trình bày tại Festival nhận được cảm tình của các đại biểu. Ngoài ra, chúng ta có một lực lượng nhạc sĩ sáng tác khí nhạc đã thành danh và được thế giới đón nhận, tạo ấn tượng tốt cho Việt Nam như nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Thiện Đạo, Ca Lê Thuần... Các đại biểu đánh giá Việt Nam là nước có nền âm nhạc phát triển và là điểm sáng về khí nhạc tại châu Á.
PV: Festival quy tụ một lượng lớn các nhạc sĩ cũng như những tác phẩm khí nhạc. Liệu Việt Nam có đủ thực lực cũng như sức lực để tổ chức tốt “Festival Âm nhạc mới Á-Âu” lần thứ nhất hay không, thưa nhạc sĩ?
NS Đỗ Hồng Quân: Tôi có thể khẳng định rằng, Việt Nam hoàn toàn đủ thực lực để tổ chức Liên hoan lần này. Chúng ta có thuận lợi là được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ về các khâu tổ chức. Về chuyên môn, chúng ta có thể tập hợp được những nghệ sĩ biểu diễn trong nước xuất sắc để phối hợp với các nước bạn như nghệ sĩ Violon Bùi Công Duy, Linh Chi, Chỉ huy dàn nhạc Lê Phi Phi, Vũ Nhật Tân… và cả những nhạc sĩ nổi tiếng trong nước cũng rất nhiệt tình.
Chúng ta cũng được các nước bạn tin tưởng, gửi tác phẩm tham dự. Đến thời điểm này, đã có khoảng 200 nhạc sĩ đến từ 30 quốc gia đăng ký tác phẩm tham gia Festival tại Việt Nam. Đây đều là các tác phẩm mới, được sáng tác từ đầu thế kỷ XXI trở lại. Điều khó nhất chính là về nội dung, phải làm sao biên tập và dàn dựng chương trình biểu diễn trên những tác phẩm đã có.
Festival Âm nhạc mới Á-Âu năm 2011 tại Kazan, Cộng hòa Tatarstan
PV: Theo nhạc sĩ, đối với các nhạc sĩ của Việt Nam, “Festival Âm nhạc mới Á-Âu” liệu có phải là cơ hội hiếm có?
NS Đỗ Hồng Quân: “Festival Âm nhạc mới Á-Âu” là cơ hội rất quý đối với các nhạc sĩ của Việt Nam. Đã lâu rồi, chúng ta không có dịp nhìn nhận lại về âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam. Thông qua liên hoan, các nhạc sĩ, nghệ sĩ có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu và tiếp thu những giá trị tinh hoa âm nhạc mới.
Bên ngoài những tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng, chúng tôi cũng rất vui mừng khi nhận được sự hưởng ứng của lớp nhạc sĩ trẻ như Trọng Đài, Đặng Hữu Phúc, Đức Trịnh… Đây cũng là dịp để chứng minh cho các nước bạn thấy khả năng và trình độ của Việt Nam. Song song với việc phát triển thanh nhạc thì khí nhạc Việt Nam vẫn có bước tiến rõ rệt. Sự đào tạo bài bản trong thời gian qua đã tạo nên một lực lượng có khả năng ngang với khu vực và thế giới. Bản đồ khí nhạc của Việt Nam tuy không phát triển rực rỡ nhưng bài bản, có sự đầu tư, chăm sóc và đang tỏa sáng.
Tổ chức được Festival cũng là một bước tiến, mở đầu cho những liên hoan quốc tế và liên hoan khu vực sau này, nhằm góp phần phong phú cho đời sống âm nhạc và hướng tới trao đổi những tác phẩm âm nhạc mà ít khi chúng ta có điều kiện để tiếp cận.
PV: Dù nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam vẫn đang có bước tiến vững chắc nhưng dường như, khí nhạc chưa nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng? Festival lần này liệu có góp phần cho sự thay đổi nhận thức của đại đa số công chúng với khí nhạc không, thưa ông?
NS Đỗ Hồng Quân: Có thể nói, các tác phẩm khí nhạc là nền tảng của âm nhạc, là thượng tầng trong kiến trúc âm nhạc. Những nhà soạn nhạc nổi tiếng trên thế giới như Beethoven, Tchaikovski, Mozart… đều sáng tác cho khí nhạc, tức là cho nhạc cụ chứ không phải cho giọng người. Nó cũng không phải là thứ âm nhạc phục vụ cho quảng đại quần chúng mà phải có hiểu biết về khí nhạc mới có thể thưởng thức được.
Với “Festival Âm nhạc mới Á-Âu”, ngoài những chương trình Giao hưởng, hòa nhạc Thính phòng, vẫn có chương trình Nhạc trẻ Việt Nam và Quốc tế, chương trình Hòa nhạc các nhóm nhạc dân gian các dân tộc… cho đông đảo khán giả. Ngoài những suất diễn buổi tối, chúng tôi tăng cường một vài suất diễn vào ban ngày ở các khung giờ khác nhau.
Qua Festival lần này, chúng tôi hy vọng sẽ dần lấy lại sự cân bằng của khí nhạc với âm nhạc hiện đại, góp phần giúp người dân nhận thức đúng hơn về vị trí và vai trò của khí nhạc trong đời sống.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân./.
Trong khuôn khổ Festival sẽ có 5 chương trình biểu diễn chính thức và một số chương trình hòa nhạc với nhiều tác phẩm ở các thể loại. - Lễ khai mạc và chương trình hòa nhạc Giao hưởng vào lúc 19h30 ngày 8/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. - 2 chương trình hòa nhạc Thính phòng Việt Nam và Quốc tế vào 20h ngày 9-10/10 tại Phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia VN. - Nhạc trẻ VN và quốc tế, Hòa nhạc các nhóm nhạc dân tộc vào lúc 20h ngày 11/10 tại Nhà hát Việt – Nhật (Hạ Long, Quảng Ninh). - Lễ bế mạc và hòa nhạc Gala Concert vào lúc 19h30 ngày 12/10 tại Nhà hát Lớn HN. |
(Nguồn: vov.vn)