Về quyền sở hữu trí tuệ đối với âm nhạc dân gian

14/05/2017

1. Bối cảnh lịch sử

Mọi người đều biết Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, hiện có 54 tộc người, trong đó tộc người Việt chiếm đa số, khoảng 80% dân số. Tuy nhiên, văn hóa tộc Việt không lấn át hay đồng hóa văn hóa các tộc người thiểu số. Trái lại, trong trường kỳ lịch sử dân tộc, các nền văn hóa của các tộc người Việt Nam đã giao lưu, tiếp biến và bổ sung cho nhau..

Do hoàn cảnh lịch sử phát triển cụ thể của từng tộc người, chỉ có tộc người Việt có được thành phần văn hóa chuyên nghiệp, thành văn và bác học. Văn hóa của 53 tộc người thiểu số còn lại chủ yếu là văn hóa dân gian, mặc dầu ở một vài tộc người như Tày, Thái, Dao, Mường, Êđê, Jrai, Bahnar  cũng đã manh nha xuất hiện một vài cá nhân có tài năng như những mầm mống của thành phần văn hóa chuyên nghiệp. Như vậy, văn hóa dân gian chiếm một tỷ trọng áp đảo trong nền văn hóa cổ truyền các tộc người Việt Nam. Ngay trong văn hóa của người Việt thì văn hóa dân gian cũng chiếm một tỷ trọng lớn. Rất nhiều tác phẩm văn hóa - văn nghệ chuyên nghiệp sau khi ra đời và được phổ biến thì lập tức được “dân gian hóa” như truyện Kim Vân Kiều của cụ Nguyễn Du. Trong xã hội trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến 2/3 dân ở nông thôn thuộc truyện Kiều. Nhiều người thuộc toàn bộ, chẳng những đọc lại từ câu đầu tiên đến câu cuối cùng, mà còn đọc ngược từ câu cuối cùng trở về câu thứ nhất không sai chút nào.

2.  Những đặc trưng của âm nhạc dân gian (ÂNDG)

ÂNDG cổ truyền của các tộc người Việt Nam có những đặc điểm chung mặc dầu văn hóa mỗi tộc người đều có và giữ gìn được những nét riêng biệt. Có thể nêu ra mấy đặc trưng sau đây:

i. Đó là nền âm nhạc được sinh ra trên cơ sở một nền kinh tế nông nghiệp cũ (the old agriculture), độc canh lúa, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường sinh thái thiên nhiên. Tác giả của nó là những người nông dân sống trong những công xã xóm làng cho nên khuôn viên chủ yếu của các hoạt động ÂNDG là các làng (ở người Việt) và các đơn vị xã hội tương đương như bản, pơlây, buôn, phum... (ở các tộc thiểu số).

ii.  Đây là thứ ÂN gắn chặt với các hoạt động thường ngày trong sản xuất và sinh hoạt của người nông dân. Mỗi biểu hiện của ÂNDG thường được sáng tạo để phục vụ một hoạt động thường ngày nào  đó. Chẳng hạn, để ru trẻ ngủ, người ta sáng tạo bài hát ru và chỉ hát bài đó khi cần ru trẻ ngủ. Không bao giờ người nông dân hát ru khi họ đang lao động trên đồng. Vậy ÂNDG là thứ văn hóa nằm ngay trong cuộc sống thường ngày và là một bộ phận không thể tách rời của cuộc sống đó.

iii.  ÂNDG phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm của người nông dân bằng cách tham gia vào làm thành tố của những hoạt động văn hóa dân gian, được thể hiện thông qua những biểu đạt đa yếu tố. Một ngày hội xuân chẳng hạn, chúng ta có thể tìm thấy ở đấy những trình diễn sử dụng các động tác múa trong tiếng hát hay tiếng đàn sáo với những bộ trang phục thêu hay dệt đầy những hoa văn nhiều màu, nhiều đường nét vv… Tất cả những yếu tố đó được sử dụng kết hợp với nhau nhằm tạo ra một tổng thể hoàn chỉnh. Khoa dân gian học gọi đó là phương pháp  sáng tạo theo tư duy tổng thể nguyên hợp (syncretism) .

iv. ÂNDG được lưu giữ bằng trí nhớ của con người. Điều này không phải do người nông dân ngu dốt, không biết chữ mà do cơ chế sáng tạo, truyền bá và tiếp nhận của văn hóa dân gian nói chung và ÂNDG nói riêng quyết định .

v. Cơ chế vận hành của ÂNDG là: các khâu sáng tạo (thường là ứng tác), thực hành, phổ biến, tiếp nhận thường diễn ra cùng lúc và tại chỗ và sự phân công, phân tách giữa các khâu đó không rạch ròi.

vi. Các hiện tượng, các hình thức ÂNDG thường tồn tại dưới hình thức một mô hình. Trên cơ sở đó, khi thực hành, các thành viên công xã có quyền thêm thắt những sáng tạo chi tiết của cá nhân mình

vii.  ÂNDG  là kết quả sáng tạo được kết tinh lại từ nhiều thế hệ thành viên công xã. Nó là sở hữu của toàn cộng đồng. Mỗi thành viên cộng đồng đều có quyền sử dụng bất cứ một hay tất cả vốn ÂNDG của cộng đồng mình. Tuy nhiên không phải mọi thành viên đều nắm được một số lượng các biểu đạt ÂNDG như nhau và cùng có một trình độ thực hành chúng như nhau. Quan sát từ điền dã cho thấy có thể có những nhóm thành viên cộng đồng khác nhau trong vấn đề này. Trước hết là những người có tài năng nổi bật hơn những thành viên khác. Họ là người nắm được nhiều nhất vốn ÂNDG của cộng đồng, có khả năng thực hành hay trình diễn vốn ấy thành thạo nhất với kỹ năng cao nhất, có khả năng sáng tạo, bổ sung làm giàu thêm cho vốn ấy và cũng là người thầy truyền dạy vốn văn hóa đó cho các thế hệ trẻ. Chính nhờ những người này mà di sản ÂNDG của các tộc người Việt Nam được lưu giữ và truyền lại đến hôm nay. Nếu không may một người như thế chết đi thì cũng có nghĩa là toàn bộ kho vốn di sản ÂNDG của cộng đồng mà người ấy nắm được sẽ mang theo xuống mồ và mất đi mãi mãi. Họ có uy tín cao trong cộng đồng. Cộng đồng tin tưởng ở họ, làm theo những điều họ đề nghị và tự hào về họ. Chúng tôi gọi họ là Nghệ nhân dân gian với hàm nghĩa tương đương với danh hiệu “Báu vật nhân văn sống” (Living Human Treasures) cuả UNESCO.

Nhóm thứ hai thường bao gồm những người trẻ tuổi yêu mến vốn ÂNDG của cộng đồng mình hoặc được cộng đồng phân công. Họ chính là những người được các nghệ nhân truyền dạy và có khả năng thực hành vốn ÂNDG. Những người thực hành này đã làm cho vốn ÂNDG của cộng đồng được lưu giữ trong trí nhớ dưới dạng tiềm năng trở thành hiện thực sống động. Bằng những sáng tạo thường thấy dưới hình thức ứng tác, họ góp phần sáng tạo bổ sung, làm phong phú thêm cho kho vốn ÂNDG của cộng đồng. Kinh nghiệm cũng như hiểu biết được tích lũy trong nhiều năm tham gia thực hành sẽ giúp họ trưởng thành dần và đó chính là thế hệ các nghệ nhân tiếp theo. Cũng chính họ là những người duy trì trong thế sống động toàn bộ vốn ÂNDG của cộng đồng. Cùng với các nghệ nhân, họ góp phần vào việc giữ gìn và phát huy vốn đó. Trong tương lai họ sẽ trở thành lớp nghệ nhân mới, nối tiếp việc giữ gìn, việc thực hành và trao truyền vốn ÂNDG.

Về nguyên tắc, chủ sở hữu có tính pháp lý thực ra là toàn thể cộng đồng. Các nghệ nhân và người thực hành đều là thành viên công xã, nhưng nhờ tài năng, nhờ những hiểu biết vừa rộng lại vừa sâu về  ÂNDG, họ trở thành người đại diện cho cả cộng đồng và cộng đồng ghi nhận công lao của họ.

Trong xã hội ngày nay còn có một loại người khác nữa, chia sẻ ở một mức độ nhất định quyền sở hữu đối với các biểu đạt ÂNDG. Đó là các nhà sưu tầm, nghiên cứu. Bằng cách nào đó, họ đến cộng đồng và được cộng đồng cung cấp vốn ÂNDG. Những nguời này được coi là sở hữu về những tư liệu mà họ sưu tầm được.

3. Thực trạng về quyền sở hữu đối với âm nhạc  dân gian ở Việt Nam

Vốn di sản ÂNDG của 54 tộc người Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Nó được Nhà nước tuyên bố bảo vệ, khuyến khích việc giữ gìn, phát huy nó. Tuy nhiên, việc công nhận có tính pháp lý quyền sở hữu ÂNDG thuộc về ai thì lại chưa có văn bản luật pháp nào khẳng định. Tình trạng này đã khiến cho việc sử dụng các vốn ÂNDG rất tùy tiện.

Điều dễ thấy là mọi người không quan tâm đến việc ai là chủ sở hữu của ÂNDG. Trong nguồn gốc, như đã nói ở trên, chủ sở hữu là các cộng đồng công xã. Vì thế ÂNDG tiếp tục được coi là thuộc sở hữu công cộng, nhưng thay vì sở hữu công cộng của cộng đồng xưa kia thì nay trở thành sở hữu toàn dân. Mọi công dân Việt Nam đều tự cho mình quyền sử dụng, khai thác. Ngay cả những thành viên cộng đồng cũng không thấy cần phải bảo vệ vốn di sản ÂNDG của mình, nhất là khi nhân dân được hiểu rằng họ là chủ nhân thực thụ của đất nước.

Những nhà sáng tác văn học nghệ thuật và các nghệ sỹ là những người đầu tiên và hăng hái nhất trong việc này. Theo chính sách của nhà nước, họ “có quyền” được sử dụng ÂNDG làm chất liệu để sáng tác những tác phẩm mới của họ. Thêm nữa, đã từng phổ biến một quan niệm cho rằng ÂNDG sinh ra trong xã hội cũ, nó có những nhược điểm cố hữu không thể chấp nhận được trong xã hội xã hội chủ nghĩa ngày nay. Hai nhược điểm lớn nhất của nó là: + Sinh ra trong xã hội cũ, nó mang nặng hệ ý thức tư tưởng của giai cấp thống trị khi đó là lũ phong kiến và bọn thực dân; + Là sáng tạo của người dân lao động, mà ở ta là nông dân các dân tộc, cả đa số lẫn thiểu số, lại gắn rất chặt với đời sống thường ngày của người dân, nên nó không đạt được đến trình độ kỹ năng và nghệ thuật cao. Nhân danh những người được học hành, đào tạo đến nơi đến chốn, các nhà chuyên nghiệp có nhiệm vụ giúp nhân dân “chỉnh lý, cải biên, nâng cao”. Việc này được gọi là “làm giàu, là cách tân” vốn ÂNDG.

Trên cơ sở nhận thức như trên, các nhà chuyên nghiệp đã sử dụng ÂNDG trong những hình thức thường thấy sau đây:

i. Sử dụng hình thức vốn có của ÂNDG cổ truyền nhưng đặt lời mới mang nội dung mới (đối với âm nhạc, bài hát). Cách làm này được gọi là “bình cũ - rượu mới”. Rất nhiều bài hát bị bỏ lời ca cổ truyền và thay vào đó lời mới. Cách này được sử dụng khá nhiều trong công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước và rất có kết quả, vì những nội dung cách mạng được chuyển tải đến người dân, nhất là người dân vùng các dân tộc thiểu số, bằng những âm điệu, làn điệu, quen thuộc. Tuy nhiên, cũng đã xảy ra những trường hợp gây phản cảm do các nhà chuyên nghiệp chỉ quan tâm đến hình thức thể hiện mà không tìm hiểu ý nghĩa văn hóa xã hội vốn có của hình thức ÂNDG đó. Chẳng hạn, lấy bài dân ca có âm điệu buồn thương để đặt lời ca có nội dung đấu tranh chống quân xâm lược.

ii.  Cách làm thứ hai mà các nhà chuyên nghiệp gọi là “nâng cao, cải biên, cải tiến” với ý định tốt đẹp là “làm giàu, trau chute, tăng cường giá trị nghệ thuật” cho ÂNDG.  Mặt khác, người ta cho rằng ÂNDG vốn mang những yếu tố “lạc hậu, lỗi thời”. Nhiệm vụ của chúng ta ngày nay là phải “hiện đại hóa” nó. Để đạt được mục đích cao cả và tốt đẹp đó, các nhà chuyên nghiệp thường mượn các phương pháp tư duy và các thủ pháp nghệ thuật của các nước “hiện đại” mà thực chất là các nước phương Tây. Việc vay mượn hay giao lưu, tiếp biến văn hóa là quy luật khách quan của sự vận động của mọi nền văn hóa dân tộc. Nhờ việc tiếp thu các yếu tố văn hóa phương Tây, chúng ta có những hình thức, thể loại văn học nghệ thuật khả dĩ có thể hội nhập với thế giới và phần nào giúp chúng ta có những kinh nghiệm trong việc cách tân vốn văn hóa dân gian của mình. Bộ ba vở Chèo Bài ca giữ nước của Tào Mạt do Đoàn Chèo Tổng cục hậu cần dựng là một thành công trên hướng này. Vở Chèo vẫn giữ được những đặc trưng thể loại của nghệ thuật Chèo cổ truyền, nhưng đồng thời lại mang những yếu tố sân khấu kịch đương đại. Rất nhiều vở Chèo được gọi là “Chèo hiện đại” không còn giữ được những đặc trưng của nghệ thuật Chèo cổ. Về thực chất, có thể gọi đó là một thứ “kịch nói pha Chèo”. Diễn biến của nội dung vở được thực hiện chủ yếu qua lời thoại. Thỉnh thoảng người ta tạo tình huống để có thể ca lên một bài, một làn Chèo. Thế mạnh của loại “kịch nói pha Chèo” là ở chỗ nó cho phép diễn tả cụ thể, chi tiết, sâu những xung đột giữa các tính cách và số phận nhân vật, giữa các trạng huống kịch. Tuy nhiên, nó cũng làm mất đi một số đặc trưng cơ bản của Chèo. Mặc dầu vậy, loại “kịch nói pha Chèo”này là một hiện thực phổ biến và nó có công dụng thực tiễn cho cuộc sống hôm nay. Nó có vị trí của mình trong xã hội Việt Nam đương đại.

Có thể dẫn ra một vài trường hợp tương tự nữa. Ví dụ, Quan họ xưa trọng chất lượng giọng hát ”vang - rền - nền - nảy" và hát đối đáp nên không cần có dàn nhạc đệm. Hơn nữa, đã là giao duyên mà lại cứ có cái anh dàn nhạc kè kè bên cạnh thì thực là vô duyên. Nhưng mà ngày nay người ta phải “hiện đại hóa” Quan họ, đưa Quan họ lên sân kháu thì mới “hiện đại”, mới “hoành tráng”. Chỉ tiếc là dàn nhạc đệm cho Quan họ, tuy dùng toàn nhạc cụ dân tộc, nhưng lại phối âm, phối khí theo tư duy và phương pháp hòa thanh Tây phương. Cũng cùng một cách “thêm thắt” là việc cải tiến nhạc cụ để cho các nhạc cụ dân gian trở nên “hiện đại hơn, đa năng hơn” và tiến tới thành lập dàn nhạc dân tộc theo công thức dàn nhạc giao hưởng phương Tây. Theo chủ trương này, để “cải tiến”, người ta lắp thêm dây cho đàn, khoét thêm lỗ cho sáo kèn, đặt thêm ống cho kloong put, t’rưng và đặc biệt, chế tạo các cỡ nhạc cụ thành ba loại cao trung trầm để thành các bộ như trong dàn nhạc giao hưởng vv…và tất cả đều cố làm sao cho các nhạc cụ cải tiến này có hàng âm thanh càng giống hàng âm thanh của nhạc cổ điển châu Âu càng tỏ ra là tiên tiến và hiện đại !? Cách làm thứ nhất và thứ hai đã dẫn đến không ít những sáng tạo không dùng được, nhiều trường hợp kết quả của việc cải tiến thực ra là “cải lùi,” tạo ra những sản phẩm mà Bác Hồ đã gọi là “gieo vừng ra ngô” hoặc “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.  

iii. Cách làm thứ ba được gọi là “phát triển” với chủ trương là “dựa vào chất liệu của ÂNDG để sáng tác các tác phẩm mới”. Cách làm này tuy có tạo ra được một số tác phẩm hay nhưng cũng không hiếm tác phẩm gần như là sự sao chép sản phẩm của ÂNDG và để cho có vẻ là có sáng tạo, tác giả chỉ sửa sang chút ít mà nhiều trường hợp những cái sửa sang đó lại làm hỏng vẻ đẹp vốn có của nguyên bản. Trên thực tế, những trường hợp như thế phải được gọi là sự chiếm hữu của cải của nhân dân thành của riêng tác giả hoặc là tư hữu hóa tài sản văn hóa của cộng đồng.

Tất cả những cách sử dụng  ÂNDG cổ truyền như trên đều ít nhiều làm biến dạng hình thức và sai lạc về nội dung của vốn văn hóa này. Có thể thấy ở đây một nhận thức không đúng đắn và thái độ đối xử không công bằng đối với ÂNDG nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung. Thật vậy! Trong lúc các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thì Nhà nước cấm không được làm khác đi vói nguyên bản, kể cả khi trùng tu tôn tạo. Còn ÂNDG và loại hình văn hóa phi vật thể khác thì người ta tự do xâm phạm với một thiện ý rất hồn nhiên rằng họ đang “nâng cao, làm giàu” đối tượng và đó là “thiên chức lịch sử” của họ. Người ta thường viện cớ rằng văn hóa là thực thể xã hội, nó không “nhất thành bất biến”, ai đó mong muốn giữ nguyên những gì đã có thì e rằng sa vào tư duy “bảo thủ, nệ cổ”. Ở đây có thể có sự hiểu lầm chăng. Chúng ta không phản đối việc sáng tạo nên những cái mới, kể cả trường hợp tự do làm biến dạng các biểu đạt của ÂNDG vì rất tiếc rằng đó lại là chủ trương của Nhà nước tuy rằng về thực chất, đó là một hình thức không công nhận và không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của nhân dân. Nhưng điều tệ hại hơn là: sau khi sử dụng các giá trị và biểu đạt ÂNDG theo các cách nói ở trên, chúng ta không giữ lại những hình thức nguyên bản của những thứ chúng ta đã sử dụng. Tạo ra “kịch nói pha Chèo”, chúng ta không diễn Chèo cổ nữa. Ngày nay thật khó tìm ra được một vở Chèo cổ đúng nghĩa của tên gọi này. Quy luật khách quan của sự vận động của mọi nền văn hóa phải bao gồm hai nhiệm vụ song hành là bảo tồn và phát huy và thừa kế và phát triển. Cần phải bảo tồn nguyên vẹn những gì lịch sử đã tạo nên và truyền lại cho chúng ta và phát huy giá trị của chúng trong đời sống hôm nay. Chúng ta không có quyền và không thể “sửa lại lịch sử”. Nhưng chúng ta có nhiệm vụ tiếp nối lịch sử bằng những sáng tạo của thời đại mình tức là “thừa kế và phát triển”. Bảo tồn nguyên vẹn Chèo cổ để chứng minh rằng trong lịch sử  ngàn năm, ông cha ta đã sáng tạo ra thể loại Chèo. Với “kịch nói pha Chèo” chúng ta chứng minh sự tiếp nối của thời đại chúng ta. Bảo tồn Chèo cổ không loại trừ việc tạo ra “kịch nói pha Chèo”. Cả hai loại hình đáng lẽ phải tồn tại song song. Tiếc thay, mấy chục năm qua chúng ta đã quên mất Chèo cổ. Chúng ta đã đánh mất một giá trị lịch sử của chính mình phải chăng vì chúng ta cho rằng đó là tài sản công hữu trong đó chúng ta cũng có một phần chủ quyền để tự do hành động theo ý riêng?

4.  Một vài kinh nghiệm và kiến nghị

i. Xác định chủ sở hữu: Theo kinh nghiệm của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, chúng tôi công nhận những thực thể và cá thể sau đây tham gia vào sở hữu ÂNDG :

+ Cộng đồng công xã: Như trên đã nói, khuôn viên sáng tạo, lưu truyền, phổ biến, tiếp nhận ÂNDG cổ truyền là các cộng đồng công xã được gọi là làng, bản, buôn, pơlây, phum, sóc vv…(sau đây gọi chung là làng ).Do đó, chúng tôi xác định làng là đơn vị xã hội có chủ quyền sở hữu (ownership) trên vốn ÂNDG của làng mình. Trường hợp nhiều làng có cùng một loại hình ÂNDG thì chúng tôi công nhận vốn ÂNDG của từng làng. Kinh nghiệm điền dã cho thấy, tuy có cùng loại hình ÂNDG nhưng mỗi làng lại thể hiện không hoàn toàn giống nhau.Cùng là làng Quan họ, nhưng Quan họ làng Diềm khác Quan họ làng Bò Sơn.

+  Nghệ nhân dân gian (bearers) là những người được cộng đồng công nhận là người hàng đầu trong việc nắm giữ và thực hành, truyền dạy vốn ÂNDG của cộng đồng.

+  Người thực hành (performers or practitioners) là những người trình diễn, biến những giá trị ÂNDG vốn chỉ được lưu giữ trong trí nhớ được “vật chất hóa - hiện thực hóa”. Ở một số trường hợp, nghệ nhân đồng thời cũng là người thực hành.

ii.  Thực hiện các quyền sở hữu, chiếm hữu: Thể hiện sự tôn trọng các quyền nói trên, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam,  căn cứ vào tư cách pháp nhân được ghi trong Điều lệ và đã được Bộ Nội vụ thay mặt Chính phủ phê duyệt, thực hiện một số biện pháp sau đây:

+  Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội VNDG VN (Masters  of Folk- Culture).

+  Công nhận cộng đồng chủ nhân của vốn ÂNDG là địa chỉ văn hóa dân gian (Traditional Cultural Address) của Hội VNDG VN  và được Hội bảo trợ để duy trì và truyền dạy.

+  Quy định khung thù lao chi trả cho các loại sở hữu theo tỷ lệ phần trăm như sau: nghệ nhân (thường là ông/bà trùm) trả 30%, nhũng người thực hành trả 40% (nhóm những người này thương lượng với nhau để chia số thù lao này). Nếu nghệ nhân đồng thời là người trình diễn thì cộng cả hai chức năng trả  60%. Trả cho cộng đồng làng, nay đại diện là trưởng thôn, 30% nếu có nhóm trình diễn, và 40% nếu nghệ nhân kiêm người trình diễn. Số tiền thù lao cho cộng đồng chỉ được dùng để tổ chức truyền dạy, hoặc tu bổ địa điểm trình diễn hoặc tập tành, sinh hoạt. Người giữ tiền phải báo cáo công khai trước dân làng việc sử dụng số tiền nói trên.

Quy định này được các làng chấp thuận. Ai đến khai thác (TV, Radio, du lịch, nhà nghiên cứu, sưu tầm vv…) đều phải thỏa thuận tổng số tiền thù lao phải trả. Số này sẽ được chia theo công thức nói trên.

+  Hàng năm hoặc theo một định kỳ nhất định, Hội VNDG VN giúp cộng đồng tổ chức các lớp truyền dạy cho lớp trẻ để bổ sung và thay thế những đàn anh, đàn chị đã lớn tuổi và đã lập gia đình .

Trên đây là quan điểm nhìn nhận của Hội VNDG VN và đã được áp dụng trong thực tiễn công tác ở một số đơn vị cơ sở của Hội và được nhân dân đồng tình. Chúng tôi rất vui mừng khi được biết rằng Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó, văn học nghệ thuật dân gian nói chung và ÂNDG nói riêng là một trong những đối tượng được điều chỉnh. Hy vọng rằng những chính sách đúng đắn đó sẽ góp phần to lớn và có hiệu quả thiết thực cho việc bảo vệ, tôn vinh tài năng sáng tạo và trí tuệ dồi dào của ông cha nói riêng và của nhân dân nói chung. Đây đồng thời cũng là biểu hiện của một xã hội công bằng -dân chủ và văn minh.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...