Về bài hát “Đi học” với bản phối của Quốc Trung
Nam nhạc sĩ vẫn bảo vệ quan điểm âm nhạc trong việc làm mới bài ca thiếu nhi nổi tiếng, dù bị chỉ trích gay gắt từ khán giả.
Tiết mục Đi học trong chương trình "Giai điệu tự hào" số thứ năm, phát sóng ngày 31/5 do Quốc Trung dàn dựng, vấp phải sự chỉ trích gay gắt của khán giả. Với chất giọng khàn, ca sĩ Hải Bột hát sai lời và sai nhạc khi phối hợp với dàn nhạc dây (xem video). Quốc Trung cũng đứng ra giải thích rằng, anh đã đổi nhịp của ca khúc từ 2/4 sang nhịp 3/4. Anh hướng phần phối mới này đến những người trẻ tuổi. Nhưng khán giả và giới chuyên môn không đồng tình về cách làm này của anh.
Quốc Trung giải thích về việc phối mới bài hát Đi học trong chương trình "Giai điệu tự hào"
số thứ năm.
Không chỉ giới chuyên môn chê ngay trong chương trình, khán giả cũng chê bai bản dàn dựng mới này. Họ lên tiếng chỉ trích Quốc Trung bóp méo tinh thần ca khúc. Khán giả Nguyễn Hiền nhận xét: "Chế lại nhịp điệu của bài hát, còn hát sai lời như vậy mà gọi là đổi mới, phá hủy bài hát thì đúng hơn. Tôi vẫn thích Đi học phiên bản cũ, mặc dù tôi thuộc thế hệ trẻ".
Một khán giả lớn tuổi ý kiến: "Tôi đã ngoài 40 tuổi, tuy nhiên tôi không bảo thủ. Các bài hát xưa được phối khí mới nhưng hát truyền cảm thì vẫn thấy hay. Tuy nhiên bản phối Đi học được dàn dựng và hát trong Giai điệu tự hào quá tệ, phá hỏng tác phẩm. Đây có thể coi là một thất bại của Quốc Trung".
"Bài hát mô tả quãng đường đến trường của một cô bé miền trung du ngây thơ, đáng yêu bị Quốc Trung biến thành một bài hát u ám não nề". Nhiều cụm từ "không chấp nhận được", "thảm họa", "bản phối tệ", "phá nát" được đăng trên mạng xã hội, Facebook khi nhận xét về cách dàn dựng tiết mục Đi học của nhạc sĩ.
Vấp phải sự phản đối kịch liệt của mọi người, Quốc Trung vẫn bảo vệ quan điểm âm nhạc của anh. "Tôi đã lường được phản ứng của khán giả và ngay cả lúc ghi hình tôi cũng biết là người lớn tuổi sẽ phản ứng như thế nào. Bài hát có những phần cố định về nhạc và lời, còn về tinh thần thì nó phụ thuộc vào cách thể hiện và cá tính của ca sĩ. Nghệ sĩ có bản lĩnh là người dám và đưa được tinh thần riêng của mình vào tác phẩm để có được dấu ấn với khán giả thay vì chỉ làm người thợ hát", anh nói.
Quốc Trung cũng chia sẻ quan điểm khi phối mới bài Đi học. Theo nhạc sĩ, lời và giai điệu của bài hát là một không gian tĩnh lặng yên bình, có một chút cô đơn và hồi tưởng. Gần như ai cũng thuộc lòng ca khúc này. Vì thế, nhạc sĩ muốn mang lại cho người nghe một trạng thái khác: "hồi tưởng về tuổi thơ, những ngôi trường, tháng ngày đầu tiên đi học, và về những người thân đã không còn bên họ hôm nay". Từ đó, bản phối mới không nói lên tâm trạng tung tăng hớn hở, ồn ào của đám trẻ đến trường.
"Tôi không nghĩ bản phối mới hiện đại. Nó khá là cổ điển. Tôi muốn khán giả có thể tưởng tượng ra những không gian êm đềm của riêng họ, điều mà đôi khi rất khó tìm trong thời đại hiện nay". Theo Quốc Trung, nếu khán giả nghe với một trạng thái độc lập mà không bị dẫn đường bởi những lối mòn, định kiến thì sẽ cảm nhận được điều anh nói, cảm nhận được không gian, câu chuyện của những người đi trước.
Nhạc sĩ cũng giải thích về việc hát sai lời ca khúc Đi học. Anh cho biết, anh là người trực tiếp thu âm cho Hải Bột. Và họ đã làm việc đúng với văn bản mà Quốc Trung mua ở hiệu sách.
Lời bài hát mà Quốc Trung đã sử dụng trong bài phối mới của mình.
Về việc chọn thành viên nhóm Quái Vật Tí Hon thể hiện ca khúc Đi học, Quốc Trung giải thích, Hải Bột là người có chất giọng tình cảm của một người có nhiều trải nghiệm.
"Người kể chuyện của tôi không phải là một cô bé như mọi người nghĩ trước đây. Người kể chuyện của tôi là người đàn ông kể về tuổi thơ của mình, giống như tác giả của bài thơ là một cậu bé 15 tuổi", Quốc Trung chia sẻ.
(Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net)