Về Bắc Giang xem "ngủ bọn" quan họ

17/09/2018

Trong tổng số 49 làng Quan họ cổ của vùng Kinh Bắc được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” đại diện của nhân loại, Bắc Giang có 5 làng Quan họ cổ đều thuộc huyện Việt Yên,4 làng: Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ thuộc xã Ninh Sơn và Sen Hồ thuộc thị trấn Nếnh.

Vùng Kinh Bắc xưa, bao gồm tỉnh Bắc Ninh ở bờ Nam sông Cầu và tỉnh Bắc Giang ở bờ Bắc Sông Cầu cái nôi của Dân ca Quan Họ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Cùng với 5 làng cổ, Bắc Giang còn có thêm 13 làng khác thuộc huyện Việt Yên có hội đủ các yếu tố của một làng Quan họ với đầy đủ không gian sinh hoạt, lề lối và phong tục chơi quan họ của của người Kinh Bắc xưa.

Các liền chị Quan họ xúng xính trong áo mớ ba, mớ bẩy, đầu vấn khăn mỏ quạ

Về Quan họ để được say nghĩa, say tình

Đã lâu rồi, tôi mới lại có cái cảm giác lâng lâng, xốn xang đến lạ, bởi những câu dân ca mộc mạc mà đằm thắm tính người Quan họ. Người Kinh Bắc nói chung, Bắc Giang nói riêng vốn trọng chữ "Tình" nên mọi cử chỉ, hành động, lời nói đều rất cẩn trọng, ý nhị và nó được thể hiện một cách tinh tế qua từng câu hát trong hơn 200 làn điệu Quan họ cổ và hàng ngàn dị bản đang được bảo tồn, lưu giữ và phát huy trong nhân dân.

Theo các nhà nghiên cứu thì không gian quan họ ở bờ Bắc sông Cầu rất rộng lớn, còn lưu giữ nhiều giá trị của di sản văn hoá Quan họ đặc sắc của vùng Kinh Bắc. Ở những làng quê này, không biết tự bao giờ, Quan họ đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa trong đời sống thường ngày.

Các liền anh trong canh hát Quan họ ở huyện Việt Yên

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ở thôn Bùi Kép và Bùi Bến xã Yên Lư, huyện Yên Dũng và thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa còn nhiều nghệ nhân đi hát quan họ từ lúc trẻ. Riêng ở Việt Yên hiện có hàng trăm cụ ông, cụ bà có độ tuổi từ 70 đến gần 100 vẫn hát và đang tìm mọi cách trao truyền lại cho thế hệ trẻ.

Trải qua bao thời gian, hát Quan họ vẫn giữ được những nét đặc trưng, tinh hoa của một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và được các liền anh, liền chị hát thể hiện trong những dịp hội làng. Đặc biệt, phong tục và những quy định nghiêm ngặt về lề lối sinh hoạt của người quan họ trong một canh hát đối đáp, hát hội hay trong tục :ngủ bọn" theo các gọi của người quan họ vẫn được thực hành gần như nguyên vẹn. Chỉ riêng ở huyện Việt Yên có 130 nghệ nhân có thể hát Quan họ đúng bài bản với những niêm luật và lối hát của lề lối Quan họ cổ là hát không nhạc đệm và khi hát, gọng ca phải vang- rền-nền-nẩy, vốn là đặc trưng trong cách hát của người Quan họ mà người xưa ví tiếng hát quan họ như "hạt ngọc trong cốc pha lê".

Điều thú vị nữa là làn điệu dân ca quan họ rất phong phú nên trong canh hát đối đáp bao gồm cả đối đáp nam nữ, đối giọng và đối lời. Và mỗi canh hát như vậy thường được mở đầu bằng điệu hát mời nước, mời trầu để thể hiện tình cảm, sự trọng thị của chủ với khách trước khi bắt đầu canh hát. Và thường một canh hát được chia làm 3 chặng: chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối. Ở hình thức hát hội thì có hai hình thức hát vui và hát thi. Ngoài ra trong quan họ còn có các hình thức khác như hát lễ thờ, hát cầu đảo, hát giải hạn, hát mừng, và hát kết chạ (kết bọn hay ngủ bọn quan họ), mà theo các cụ nghệ nhân, xưa kia, một canh hát Quan họ thường kéo dài tới 3 đêm liền nên mới người xưa mới gọi "ngủ bọn" quan họ là vậy.

Cơi trầu têm cánh phượng của người Quan họ

Bảo tồn và phát huy vốn cổ trong điều kiện hiện nay

Là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận vào ngày 30-9-2009, song Dân ca Quan họ cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác không tránh khỏi những khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của Di sản trong điều kiện hội nhập và phát triển kinh tế như hiện nay.

Theo các nghệ nhân, Quan họ mới ngày nay có nhạc đệm nên dễ nghe, dễ hát, phóng khoáng, rộng rãi hơn và có phần dễ đi vào lòng người, trong khi đó, Quan họ cổ rất khó bởi lối hát, lối chơi, Để hát được Quan họ cổ hay thì người hát phải thực sự đam mê, giọng hát không chỉ hay mà trong cách phát âm, nhả chữ phải làm sao cho tiếng hát thật vang, rền, nền, nảy và phải thể hiện tình cảm của mình say với câu hát. Hơn nữa, hát Quan họ cổ phải theo lề lối bắt buộc cho nên người chơi quan họ phải thuộc rất nhiều làn điều và các thể cách khác nhau. Một canh hát đối đáp của Quan họ cổ thường là bắt đầu vào hát, rồi đôi bên quan họ phải hát đối với nhau. Bài hát lúc đầu là hát những câu chào hỏi, hát theo giọng La rằng, sau đó là đến hệ thống giọng sổng, giọng vặt (giọng này chiếm phần lớn và là phần chính trong canh hát đối) và cuối cùng là hệ thống giọng giã (giã bạn) kết thúc một canh hát. Để trở thành một cặp hát và hát được với nhau thì giọng của hai người phải như một, ăn khớp vào nhau nên cần phải tập luyện nhiều, tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt niêm luật của lối hát, lối chơi quan họ thì mới hát đôi và hát đối được với nhau. Chính vì vậy tục kết chả, ngủ bọn quan họ vẫn luôn được các liền anh, liền chị thực hành và mở rộng để trao truyền.

Khó khăn chung là vậy, xong lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cùng các cơ quan ban ngành cũng như người dân đã có nhiều phương cách duy trì và phát triển Di sản trong nhân dân bằng nhiều hình thức trao truyền, quảng bá, thậm chí cả hình thức xã hội hóa để mở rộng phạm vi sinh hoạt văn hóa của người Quan họ ra các vùng lân cận chỉ với mong muôn duy nhất là bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của Quan họ.

Không chỉ ở làng quan họ cổ, mà ở hầu khắp các làng, xã bên bờ Bắc sông Cầu thuộc tỉnh Bắc Giang, dân ca Quan họ đã ăn sâu vào tâm thức và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người dân. Đặc biệt hơn, trong các lễ hội thì phần hội bao giờ cũng có các liền anh, liền chị ở các làng tổ chức hát Quan họ. Tiêu biểu như hội hát canh Quan họ trong chùa làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên). Lễ hội này các anh hai, chị hai của làng duy trì gần hai chục năm nay. Lễ hội đã thu hút hàng trăm nghệ nhân từ khắp vùng về tham dự. Có thể khẳng định chắc chắn rằng đây là sân chơi Quan họ theo 10 đời có một không hai ở vùng Bắc sông Cầu. Đến nay, toàn huyện Việt Yên có 25 CLB hát Quan họ được thành lập. Hàng năm, huyện đều tổ chức liên hoan tiếng hát Quan họ, thu hút hàng trăm nghệ nhân và liền anh, liền chị đến từ 40 làng, CLB Quan họ trong, ngoài tỉnh tham dự. 

Hiện tỉnh Bắc Giang đang tập trung khôi phục, bảo tồn 5 làng Quan họ cổ đã được công nhận và 13 làng đã được xác định thêm từ năm 2006, với mong muốn phục dựng lại toàn bộ hình thức hát đối đáp cổ truyền ở các làng quan họ. Để làm tốt công tác bảo tồn thì ngành văn hóa tỉnh Bắc Giang cũng đã và đang phối hợp các địa phương xây dựng một số câu lạc bộ hát quan họ ở các làng Thổ Hà, Trung Đồng, Hữu Nghi, Nội Ninh, Giá Sơn, Sen Hồ thuộc huyện Việt Yên; tiếp tục đưa Quan họ trở về cộng đồng các làng, xã, gắn với không gian sinh hoạt văn hoá truyền thống, với môi trường đã sản sinh và nuôi dưỡng di sản trong lịch sử, làm sao để Quan họ mãi mãi trường tồn trong nhân dân, trong cộng đồng.

(Nguồn: http://danviet.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...