VCPMC: Dâng hương tưởng niệm Anh linh các Anh hùng - Liệt sĩ tại Côn Đảo
Sau những ngày đầu ra quân mừng Xuân Canh Tý 2020, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã dành những ngày nghỉ cuối tuần, tổ chức cuộc gặp gỡ 3 miền: Bắc - Trung - Nam, bằng chuyến về nguồn - Dâng hương tưởng nhớ và tri ân công đức Anh linh các Anh hùng - Liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương; thăm Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo và những thắng cảnh nổi tiếng ở nơi từng được coi là “Địa ngục trần gian” trong những năm kháng chiến.
Thiếu tướng - Nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội NSVN; Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Ủy viên BCH, nguyên Giám đốc TT; Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Ủy viên BCH -Tổng Giám đốc TT; Phó TGĐ Hoàng Văn Bình cùng toàn thể cán bộ, nhân viên VCPMC Dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Cuộc gặp gỡ đầu năm 2020 không chỉ là dịp để các cán bộ, nhân viên của Trung tâm có dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn và cùng chung sức, đồng lòng vì một nhiệm vụ cao cả - đó là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tác giả - chủ sở hữu tác phẩm, của những thành viên đã tin tưởng ủy thác cho VCPMC.
VCPMC chụp ảnh lưu niệm tại Nhà Chúa đảo
Chọn điểm đến là Côn Đảo - nơi từng được biết đến với tên gọi "Địa ngục trần gian" là mong muốn của Ban Tổng Giám đốc Trung tâm, nhằm tạo cơ hội cho thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử dân tộc, về sự hy sinh anh dũng và quả cảm của lớp lớp những người chiến sĩ cộng sản, đã hy sinh quên mình để dành lại độc lập - tự do cho dân tộc, mà ngày nay, mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm đều phải có ý thức, trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện bản thân, hoàn thành tốt công việc mà mình đã lựa chọn, để đóng góp sức mình dựng xây Tổ quốc.
Theo thống kê không đầy đủ, có khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ từng bị giam cầm, tù đày và hy sinh tại Côn Đảo - mảnh đất thấm đẫm đau thương, khiến cả thế giới bàng hoàng khi sự thật được phơi bày.
Cũng chính nơi đây, Bố đẻ của Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc Trung tâm từng bị giam cầm, tra tấn dã man tại chuồng cọp trong suốt thời gian gần 7 năm tù khổ sai...
Đến với Côn Đảo là đến với những trang sử hào hùng của dân tộc, in đậm máu và nước mắt của nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng trung kiên trên vùng đất này, thông qua các di tích lịch sử còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, trở thành điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà của cả du khách quốc tế.
Các thành viên trong đoàn chăm chú nghe hướng dẫn viên Khu Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo nói về quá trình hình thành hệ thống nhà tù và những đòn tra tấn man dợ của thực dân, đế quốc.
Ngược dòng thời gian, Nhà tù Côn Đảo được Thống đốc Nam kỳ Bonard ký quyết định thành lập ngày 1/2/1862. Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập.
Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần.
Hệ thống nhà tù Côn đảo bao gồm: Trại 1, còn có các tên gọi: Banh III, Lao III, trại Bác Ái, trại Phú Thọ; Khu chuồng cọp, chuồng gà; Trại 2: Còn được biết đến qua các tên Banh I, lao I, trại Cộng Hòa và sau cùng được gọi là trại Phú Hải, xà lim (hầm đá), hầm xay lúa, khu đập đá... Đây là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo, nơi đây mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử; Trại 3: Còn gọi các tên: Banh II, Lao II, Trại Nhân Vị, Trại Phú Sơn; Chuồng cọp Pháp;Trại 4: Còn gọi là Banh III phụ, Lao III phụ, trại Phu Bác Ái, trại Phú Tường, gồm 08 phòng giam tập thể; công trình phụ: nhà bếp, nhà kho, bệnh xá và sân vườn.
Trại 5 còn gọi là trại Phú Phong; Trại 6, còn gọi là trại Phú An; Trại 7: Còn gọi là trại Phú Bình hay “Chuồng cọp kiểu Mỹ”; Trại 8: Còn gọi là trại Phú Hưng; Trại 9: Khi Mỹ - ngụy đang cho đổ bê tông nền, đúc cột dựng trại, thì Hiệp định Paris ký kết nên trại này đã bị bỏ dở; Cùng với đó, Khu biệt lập Chuồng Bò được hình thành năm 1876 nhằm mục đích phục vụ nhu cầu nuôi bò cung cấp thực phẩm cho bộ máy cai trị tù. Ngoài ra còn sử dụng hầm phân bò này để ngâm người tù như một biện pháp tra tấn hành hạ. Sang thời Việt Nam Cộng hòa, khu chuồng bò, còn được gọi là trại An Ninh Chuồng Bò, trực thuộc Trại 4. Cùng với hệ thống nhà tù là các Sở tù; Khu nhà Chúa đảo; Cầu Ma Thiên Lãnh; Cầu tàu 914 lịch sử; Công quán; Nghĩa trang Hàng Dương. Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo là một di tích có giá trị tố cáo chế độ thực dân, đế quốc đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Nhà tù Côn Đảo cũng là “Trường học Cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sĩ Cộng sản trên trận tuyến nhà tù, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).
Một số hình ảnh trong chuyến đi: