Văn nghệ sĩ ở chiến trường Điện Biên Phủ

18/04/2014

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ có một số lượng không nhỏ văn nghệ sĩ đã cùng “ra trận” với bộ đội. Cùng với cây súng, lời ca tiếng hát của họ đã thúc giục, cổ vũ bộ đội chiến đấu, giành chiến thắng. Nhiều nhạc sĩ cũng đã tạo dựng được tên tuổi trong những ngày tháng ác liệt ấy.

Bài 1: Lời ca trên đường ra trận

Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến trường, những văn nghệ sĩ vẫn đem lời ca tiếng hát cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ.

Hát cho chân bớt mỏi

60 năm đã qua, nhưng những chiến sĩ - văn công của Tổng cục Chính trị, văn công của các đại đoàn, vẫn đầy xúc cảm khi nhớ lại những ngày hành quân cùng bộ đội lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Trần Đình (bí danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Hầu hết những nam nữ văn công thời ấy tuổi mười tám đôi mươi, người nhỏ nhất khoảng 15 tuổi, đang học dở trường làng nơi tản cư, theo tiếng gọi lên đường ra trận.


Bà Trần Thị Ngà.

Tháng 11/1953, đội văn công Đại đoàn 308 do Đội phó Đào Hồng Cẩm (nổi tiếng với vở kịch Chị Nhàn, Nổi gió) chỉ huy đã lên đường (đội trưởng Lương Ngọc Trác lúc ấy đi dự liên hoan văn nghệ ở nước ngoài). Mỗi người ngoài ba lô cá nhân thì vác theo 3 - 4 kg gạo, ống nước bằng tre, một quả lựu đạn và một cái xẻng để đào hầm. Khi đi không tập trung như chiến dịch Hòa Bình mà phân tán xuống các tiểu đội, vừa để thâm nhập quần chúng vừa để sáng tác, biểu diễn phuc vụ bộ đội.


Bà Ngọc Diệp.

“Hành quân gian khổ vô cùng, có lúc đổ gục vào nhau. Đi gần như suốt đêm đến hai, ba giờ sáng, khi nhìn thấy ánh sáng le lói thì mừng lắm. Cảm giác khi tìm được một bãi đất phẳng, phạt cây rồi đào hầm, trải lá, đặt lưng xuống sao mà sung sướng”, bà Ngọc Diệp, văn công Đại đoàn 308 kể.

“Chiến trường gian khổ thế nhưng chưa khi nào bị đói, điều này là nhờ đồng bào Tây Bắc. Đồng bào sẵn gạo nếp, mặc dù ăn mãi cũng nóng ruột, gạo tẻ ưu tiên cho ai bị ốm. Nhưng đấy là chiến công của đồng bào Tây Bắc, đã hết lòng ủng hộ bộ đội”, bà Ngọc Diệp nhớ lại.

“Mặc dù phải hành quân liên tục, mỗi ngày đi hàng chục cây số, nhưng chỉ cần mươi phút nghỉ giải lao là tranh thủ biểu diễn cho bộ đội”, bà Trần Thị Ngà, văn công Tổng cục Chính trị nói. Những bài hát, vở kịch, điệu múa thường được biểu diễn khi ấy là: Qua miền Tây Bắc, Chiến sĩ ca, Em bé chăn trâu, Em bé Mường La, Nông dân là quân chủ lực, Thời cơ đến, Mừng Đảng Lao động ra công khai, ca kịch về chị Nguyễn Thị Chiên, múa Nông tác vũ (một điệu múa của Trung Quốc), múa xòe Thái... Tiếng hát tha thiết, sâu lắng, thúc giục, cổ vũ, tràn đầy nhiệt huyết, rạo rực lòng người. Một sức mạnh vô hình khiến những trái tim non trẻ quên đi mệt nhọc, thấy đường bớt xa, chân bớt mỏi.

“Trên đường đi, chúng tôi còn thay nhau kể chuyện cho bộ đội nghe. Tôi kể những mẩu chuyện trong những trích đoạn của tiểu thuyết nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy”, về tinh thần chiến đấu của Paven, về tình yêu. Tôi nhớ mãi câu nói đầy ấn tượng của nhân vật này: Mỗi người chỉ sống một lần, sống sao cho không ân hận. Những câu chuyện như thế khiến chân bước mau hơn”, bà Ngọc Diệp nói.

Có lúc, trong ánh sáng mờ mờ của ánh trăng qua tán cây, những nam nữ văn công trẻ tuổi múa những điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển. Điệu múa xòe Thái khiến không khí trở nên vui nhộn hơn. Hát múa một lát như thế rồi lại tiếp tục lên đường.

Biễu diễn không cần sân khấu

Chiến trường ác liệt, không phông màn, chỉ cần một vạt đất nhỏ bằng phẳng là đã có thể múa hát, đóng kịch. Sân khấu có lúc ở trong rừng, có khi dưới hầm. Có lúc hát múa ngay trong lán chỉ huy, thậm chí tận dụng chỗ trống xoay nòng pháo 105 ly để biểu diễn, bộ đội từ các ngách của chiến hào ai biết thì tới xem. Cũng có lần biểu diễn chỉ có vài người xem.


Bà Trần Thị Ngà chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
khi Đại tướng đến thăm Xưởng phim Quân đội năm 1990.

“Chúng tôi biểu diễn cho bộ đội, dân công làm đường, biểu diễn cho thương binh. Trang phục biểu diễn thời ấy làm gì có. Sau chiến thắng Him Lam, được bộ đội chuyển cho một số trang phục của dân tộc Thái để múa xòe”, bà Trần Thị Ngà kể.

Hóa trang lúc ấy cũng rất đơn giản. Giấy gói hương xin của dân đem thấm nước thay son và phấn hồng, dùng nhọ nồi vẽ mắt. Khi múa, cần áo trắng có viền cổ màu đen hoặc làm răng đen thì xin giấy than đánh máy thừa để làm.

Múa xòe Thái “rề son sí la” cần những quả chuông đeo trên ngón tay. Nhưng vì không có đạo cụ nên chúng tôi mượn nắp bật lửa của bộ đội, đem xâu hai, ba cái vào nhau, khi múa phát ra tiếng kêu nghe rất vui tai. Cũng vì thế mà điệu múa xòe Thái được bộ đội gọi vui là múa “xòe bật lửa”, bà Diệp kể.

Cứ như thế, các đoàn văn công và chiến sĩ tiến gần hơn tới lòng chảo Mường Thanh. Suốt tuyến đường, xe thồ, người gánh gạo, gánh đạn đi như ngày hội. Chỗ này chỗ kia vẳng tiếng hỏi nhau: Ở tỉnh nào đấy? Thái Nguyên. Phú Thọ đây. Đi chiến dịch mà chẳng sợ gì cả. Khí thế lên rất cao. “Chưa khi nào thấy lực lượng dân công đông như thế, suốt cả một đoạn đường dài dân công nườm nượp. Họ hát “hò lờ” rất vui ”, bà Ngọc Diệp nói.

Khi các trận đánh lớn nổ ra: Him Lam, Độc Lập, đồi A1..., các đoàn văn công ở lại phía sau cùng dân công làm đường, mỗi đội chỉ được cử rất ít văn nghệ sĩ đi vào trận địa. Văn công của Tổng cục Chính trị, văn công của các Đại đoàn 304, 308, 316, 312, 351 (pháo binh) tập trung lại một chỗ, hàng ngày lấy sỏi dưới suối lót đường.

Ngày 7/5/1954, Điện Biên Phủ toàn thắng. Chiều 8/5, khi đang làm đường cùng dân công, chợt một chiếc xe đít vuông chở tướng Đờ Cáttơri (de Castries) đi qua, tất cả văn nghệ sĩ chạy ùa lên vệ đường xem mặt viên tướng Pháp. Đội văn công của Đại đoàn 308 khi ấy có Vũ Hướng (sau này là giáo sư âm nhạc) biết tiếng Pháp, lại gần xe hỏi: Ai là Tướng Đờ Cát? Không biết Vũ Hướng có nhận được câu trả lời nào không. Nhưng sự việc ấy cho đến bây giờ, không riêng gì với bà Ngọc Diệp, bà Trần Thị Ngà mà với nhiều người có mặt lúc đó chẳng khác nào phần thưởng lớn sau chiến thắng. Và với họ, những chàng trai, cô gái văn công thuở nào bây giờ đều đã trên dưới 80 tuổi, nhưng những ngày tháng dưới bầu trời Điện Biên Phủ năm xưa vẫn là một mảng ký ức không phai mờ.

(Nguồn: http://baotintuc.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...