Vẫn còn dòng chảy Francophone trong âm nhạc
Cách đây chưa lâu, hồi tháng 5/2015, tại Sân khấu Cargo (TP.HCM) diễn ra một cảnh tượng ít thấy khi hơn 500 khán giả, phần lớn là người Việt, đến xem màn trình diễn của nữ ca sĩ Irma. Đó là đêm cháy vé ở Cargo. Chính Irma cũng ngạc nhiên vì sự đón tiếp nồng nhiệt này. Bởi không đến từ những dòng chảy đại chúng, cô đến từ Pháp.
Irma sẽ còn ngạc nhiên hơn nếu biết rằng trong số những công chúng Việt hôm ấy có nhiều người đã bay sang Singapore để xem cô diễn trước đó ít ngày, sau đó lại theo cô bay về Hà Nội xem show đêm đầu tiên ở Việt Nam và rồi lại vào TP.HCM để xem show cuối của cô tại đây.
Hình ảnh ấy phần nào cho thấy, trên phương diện Francophone (cộng đồng Pháp ngữ), Việt Nam vẫn còn rất lưu luyến dòng chảy ấy, dù nó đang ngày bị mai một.
Quá khứ bừng sáng
Âm nhạc Pháp hiện diện tại Việt Nam đã hơn nửa thế kỷ khi theo bước của những đoàn quân lê dương, nhất là tại Sài Gòn. Cuối thập niên 1950, tại Sài Gòn nhạc Pháp trở thành loại nhạc thịnh hành nhất.
Song thời ấy Edith Piaf hay Yves Montand đã bị xem là lạc hậu. Francophone toàn tòng phải là Dalida, người đã đến Sài Gòn vào năm 1958. Thời ấy, bất cứ ca sĩ Việt nào muốn thành công cũng đều lấy những nhạc phẩm của Dalida trình bày và cả cách hát cũng phải luyến láy điệu đà với những chữ “ư” được uốn cong.
Phong trào ngày càng lớn dần, hàng loạt nhóm nhạc ra đời đẫm mùi Pháp mà đại diện tiêu biểu là The Rockin’ Stars, The Black Caps, Les Vampires… Đây là những nhóm nhạc nổi bật nhất trong thời kỳ phôi thai của nhạc trẻ Việt Nam, gây tiếng vang lớn trong giới trẻ và tiên phong cho việc thúc đẩy nhiều nhóm nhạc trẻ ra đời sau đó trong khoảng từ 1960-1962.
Nữ ca sĩ Patricia Kaas trong lần biểu diễn tại Việt Nam hồi tháng 5/2014
Năm 1963 có thể xem là thời kỳ mở đầu cho chu kỳ hoàng kim nhất của nhạc Pháp tại Việt Nam. Lúc ấy Teenagers Club của cố ký giả Trường Kỳ được thành lập, quy tụ những công chúng trẻ yêu nhạc.
Đây là một trong những câu lạc bộ tiền phong đưa nhạc trẻ thế giới, đặc biệt là nhạc Pháp, vào Việt Nam, từ những album đầu tay của Sylvie Vartan, Francoise Hardy được đưa lên đài phát thanh đến những nhạc phẩm Tous Mes Copains, Tous Les Garcons Et Les Filles, J’suis D’accord… nằm lòng trong giới trẻ.
Cũng trong năm 1963, tạp chí âm nhạc danh tiếng của Pháp, Salut Les Copains xuất bản số đầu tiên. Đối với giới trẻ Francophone, đây là tạp chí mở đầu cho phong trào Ye-ye với những thần tượng mới: Johnny Hallyday, Sylvie Vartan, France Gall hay Francoise Hardy. Chính tạp chí này đã đỡ đầu cho những tên tuổi của làng nhạc Pháp thành công nội địa và lan tỏa khắp thế giới trong đó có Việt Nam.
Những ban nhạc Việt được thành lập thời kỳ 1960 nặng chất thân Pháp (Francophone), như các nhóm Les Fanatiques (Công Thành), Les Penitents (Ngọc Tuấn, Nguyễn Kiên, Trần Văn Phúc, Tuấn Khanh), Les Vampires (Đức Huy, Elvis Phương) toàn lấy tên Pháp và hát nhạc Pháp.
L’aventura xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1972, trong tập sách nhạc Tình ca nhạc trẻ với lời Việt chuyển ngữ tựa đề Lãng du của nhạc sĩ Nguyễn Duy Biên. Đôi song ca đầu tiên trình bày là Duy Quang & Julie (sau đó đến Minh Xuân - Minh Phúc, Thanh Lan…) và được chào đón nhiệt liệt.
Năm 1974 ca khúc này được in thành tờ nhạc bướm và 2.000 bản bán hết veo, đến giờ nó vẫn là một trong những tờ nhạc được dân sưu tầm săn lùng.
Thời những năm đầu 1970, nhạc trẻ Sài Gòn bắt đầu chuyển khuynh hướng chơi nhạc, sau một thời gian chuyên cover thì bây giờ được nâng cấp lên thành soạn lời Việt cùng những sáng tác Việt hoàn toàn. L’aventura lúc ấy đại diện cho một thời kỳ mới với phong trào nhạc trẻ bùng nổ khắp nơi.
Tiếp theo nó là những bài hát như Tình mình như giá diêm (Le Prix Des Allumettes - Vũ Xuân Hùng & Thế Dung song ca), Hãy đến cùng âm nhạc (Laisse Aller La musique - Nguyễn Chánh Tín song ca cùng Bích Trâm)… rất được ưa chuộng.
Cùng lúc với Adamo, Jacques Brel, Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Claude François, Christophe… trở thần thần tượng ở các nước Pháp ngữ, thì cũng có một loạt ca sĩ ở Sài Gòn nổi tiếng với các bài hát của họ, tiêu biểu là Thanh Lan, Elvis Phương, Jo Marcel, Paolo, Julie…
Nhưng tất cả những miêu tả đó chỉ là bề ngoài. Về sâu xa, sở dĩ nhạc Pháp được ưa chuộng ở Việt Nam vì ở giai đoạn bắt đầu tràn vào, nó rất giống… nhạc Việt (ở miền Nam trước 1975).
Từ giai điệu, nội dung ca từ đều không xa lạ với những gì có trong nhạc Việt khi đó, vì thế nhiều phiên bản lời Việt bám theo nguyên gốc - như rất nhiều bài do các nhạc sĩ Phạm Duy, Vũ Xuân Hùng soạn lời - cho cảm tưởng đó dường như là nhạc Việt thịnh hành lúc ấy.
Nhưng âm nhạc Pháp tại Việt Nam chỉ đến đấy thì bị ngắt quãng từ năm 1975. Và sau đấy, nó tồn tại nhưng trong một cách thức khác...
Từ xa vọng lại
Sau năm 1975, âm nhạc Pháp không còn tồn tại ở Việt Nam như một thực thể trực tiếp nữa. Tuy nhiên thập niên 1980, Pháp vẫn giữ cho mình một địa thế âm nhạc vững chắc với những đại diện có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Pháp ngữ.
Những đại diện ấy, như Jean-Jacques Goldman, Anne-Marie David, Nicole Croisille, Jean-Jacques Lafon…, tiếp tục đến Việt Nam qua những phiên bản Việt ngữ của Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Ngọc Lan, Kiều Nga… từ hải ngoại.
Nhạc hải ngoại lúc ấy, dù nảy nở ở những thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới, đã không đi tìm đường ra với quốc tế mà quay về, dừng lại, trung thành với những giá trị cũ theo một tinh thần bảo hoàng hơn vua. Cùng với nhạc tiền chiến, nhạc bolero, nhạc “sang”, hàng loạt các ca khúc oldies của nhạc Pháp, Anh, Mỹ cũng được khai thác không mệt mỏi suốt nhiều thế hệ ca sĩ.
Nhưng càng ngày nhạc Pháp càng mất đi sự ảnh hưởng khi xu thế CantoPop lấn lướt. Nhưng cho dù xu thế thay đổi thì lớp công chúng nhạc Pháp vẫn còn khá đông đảo. Những chương trình nhạc Pháp tại các hội quán, của trung tâm văn hóa Pháp… vẫn có đông người đến thưởng thức. Những nghệ sĩ như Quang Vĩnh, Thanh Hoa hàng đêm trình bày nhạc trữ tình Pháp ngày xưa vẫn có lượng người nghe nhất định.
Fanpage “Nhạc Pháp” của một số bạn trẻ lập trên Facebook khá nổi tiếng với gần 130 nghìn người tham gia.
Năm 2013, khán phòng 2.300 chỗ của Nhà hát Hòa Bình kín đặc vì sự xuất hiện của nam danh ca Christophe. Lúc ấy Christophe đã nói một câu khiến nhiều người phì cười khi ông chuẩn bị hát bài kinh điển của mình, Aline, “Bài này tôi đã sáng tác 50 năm, tôi đã quên mà giờ quý vị vẫn còn nhớ”.
Tâm lý hoài niệm này, tuy thế, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay tại Pháp bây giờ, tâm lý hoài niệm thời vang son đang lên đến đỉnh điểm. Tờ Le Figaro phải tự hỏi rằng “Phải chăng người ta đang sợ mất trí nhớ, người ta đang cuộn mình lại, người ta đang rút vào quá khứ để mưu cầu một hiện tại tốt đẹp?”.
(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)