Van Cliburn, người chinh phục những trái tim Nga

12/04/2013

Vladimir V. Putin và Cliburn sau lễ trao Huân chương Hữu nghị của LB Nga cho nghệ sĩ tại Điện Kremlin năm 2004.

Van Cliburn, nghệ sĩ piano huyền thoại người Mỹ, vừa qua đời ngày 27-2 tại nhà riêng ở Fort Worth, Mỹ, do bệnh ung thư xương. Cách đây 55 năm, Giải nhất tại cuộc thi Tchaikovsky lần thứ nhất đã khiến ông trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm và mang đến cho ông một sự nghiệp thành công và giàu có, tuy có phần ngắn ngủi.

Khi đó Cliburn là một chàng trai Texas 23 tuổi cao lêu đêu. Kỳ tích của Cliburn ở Moscow được xem như một chiến thắng của Mỹ trước Liên bang Xô viết vào cao điểm của chiến tranh lạnh, khi người Mỹ còn chưa hết sốc sau sự kiện Liên bang Xô viết phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới vào năm 1957.

Khoảng 100.000 người đã xếp hàng ở Broadway, New York để tổ chức một cuộc diễu hành chào đón Cliburn trở về từ cuộc thi. Trước Cliburn, chưa từng có nghệ sĩ nào được chào đón long trọng như vậy. Trong buổi lễ ăn mừng chiến thắng ở Tòa thị chính, Thị trưởng Robert F. Wagner tuyên bố rằng, “với đôi bàn tay mình, Van Cliburn đã gieo vào lòng người những âm thanh đầy xúc cảm lan tỏa khắp thế giới, làm tăng danh tiếng của chúng ta với các nghệ sỹ và những người yêu âm nhạc ở khắp mọi nơi”.

Chiến thắng của Cliburn được đề cao qua một loạt bài viết sống động trên The New York Times của Max Frankel, lúc đó đang thường trú ở Moscow. Loạt bài của ông thuật về quá trình thi đấu của Cliburn – chiếm ưu thế ở những vòng đầu, rồi vào tới vòng chung kết và trở thành người được công chúng Nga yêu quý, ôm ghì lấy trên đường phố và gửi đến những cơn mưa hoa và thư – đã làm dấy lên kỳ vọng lớn lao [trong công chúng Mỹ] khi ông vào tới vòng chung kết.

Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1999, “The Times of My Life and My Life With The Times”, nhà báo Max Frankel đã nhắc tới loạt bài của mình về chiến thắng của Cliburn ở Moscow đăng trên The New York Times: “Công chúng Xô viết ngưỡng mộ Cliburn không chỉ bởi tài năng nghệ thuật mà còn bởi quốc tịch của ông; tình cảm dành cho ông là một cách an toàn để bày tỏ tình cảm đối với nước Mỹ.”

Frankel nói, ông “đã đặt ra một câu hỏi rõ ràng rằng liệu chính quyền Xô viết có để cho một người Mỹ hạ gục những đối thủ xuất sắc người Nga hay không.”

“Bây giờ chúng ta đã biết [Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng] Khrushchev đích thân phê duyệt chiến thắng của Cliburn,” ông viết, “đưa Van trở thành một người hùng nơi quê nhà và một biểu tượng của bước trưởng thành trong quan hệ giữa hai nước.”

Cliburn lúc đầu không biết gì về những khía cạnh chính trị của giải thưởng.

“Ồ, tôi chưa bao giờ nghĩ đến tất cả những điều đó,” ông kể lại vào năm 2008 trong một buổi trả lời phỏng vấn với The Times. “Tôi chỉ biết đến những con người thân thiện, ngọt ngào, và đam mê âm nhạc.” Người Nga, ông nói thêm, “làm cho tôi nhớ đến người Texas.”

Cliburn là một nghệ sỹ piano tài năng thiên bẩm, đôi tay khổng lồ của ông có sải ngón dài lạ thường. Ông đã phát triển cho mình một kỹ thuật chơi đàn điêu luyện, khai thác âm điệu ấm áp khác thường, biểu lộ sự nhạy cảm âm nhạc sâu sắc. Ở giai đoạn đỉnh cao, lối chơi của ông thể hiện chất nhiệt tình Lãng mạn dâng trào, một chất men được tạo ra bởi sự tiết chế đầy lý tính mang đặc thù Mỹ. Nghệ sỹ piano xuất chúng người Nga Sviatoslav Richter, một giám khảo của cuộc thi năm đó, miêu tả Cliburn như một “thiên tài” - từ mà “tôi không dùng dễ dãi khi nói về các nghệ sĩ.”

Mặt trái của thành công sớm

Nhưng nếu cuộc thi Tchaikovsky đem lại bước đột phá cho Cliburn thì nó đồng thời cũng hủy hoại ông. Dựa quá nhiều vào bản năng âm nhạc xuất sắc của mình, ông không phải là mẫu nghệ sỹ đặc biệt thích tìm tòi, và sự phát triển của ông bị đóng khung bởi thành công ban đầu. Khán giả ở khắp mọi nơi đều muốn nghe ông chơi những tác phẩm đã giúp ông giành chiến thắng, bản piano concerto số 1 của Tchaikovsky và bản piano concerto số 3 của Rachmaninoff.

“Khi giành thắng lợi ở cuộc thi Tchaikovsky, tôi mới 23 tuổi, và mọi người đều nói về điều đó,” Cliburn đã nói như vậy vào năm 2008. “Nhưng tôi cảm thấy như mình đã đoạt giải từ 20 năm nay rồi. Thật xúc động khi được mọi người săn đón. Nhưng điều đó cũng gây áp lực.”

Những khám phá tiếp theo để mở rộng danh mục biểu diễn của Cliburn ngày càng thiếu tính ổn định. Những năm 1960 ông biểu diễn ít dần. Năm 1978, ông từ giã sân khấu; và chỉ trở lại vào năm 1989, nhưng cũng rất hiếm khi biểu diễn.

Harvey Lavan Cliburn Jr. sinh ra tại Shreveport, Louisiana, vào ngày 12-7-1934. Là con độc, Van bắt đầu học piano với mẹ, vốn là một nghệ sỹ piano, từ năm lên ba. Bốn tuổi, cậu đã tham gia những buổi biểu diễn của sinh viên. Năm Van lên sáu, gia đình cậu chuyển đến Kilgore, nơi chỉ có khoảng 10 nghìn dân ở bang Texas. Dẫu cho cha của Van hy vọng con trai trở thành nhà hoạt động y tế truyền giáo, ông vẫn nhận ra định mệnh của cậu bé dành cho âm nhạc, vì vậy ông đã làm thêm một phòng tập cho cậu tại gara ô tô.

Cậu bé mũm mĩm 13 tuổi Cliburn đã chiến thắng trong cuộc cuộc thi toàn bang để giành được quyền biểu diễn với dàn nhạc Houston Symphony và cậu đã chơi bản concerto của Tchaikovsky. Nghĩ rằng con trai mình phải được học với giáo viên giỏi hơn và có quan hệ rộng rãi hơn, mẹ của Cliburn đưa con tới New York, nơi cậu tham gia các lớp tài năng ở trường Juilliard và được cấp một suất học bổng khóa dự bị của trường. Nhưng cậu cương quyết từ chối học cùng với bất kỳ ai ngoài mẹ mình, vì vậy hai mẹ con lại quay trở về Kilgore.

Với lòng kính trọng hết sức cảm động, Cliburn đã nói đến ảnh hưởng mẹ ông trong tư cách là một người thầy và cho rằng chất tao nhã trữ tình trong lối chơi của mình là được thừa hưởng từ bà. “Mẹ tôi có một chất giọng tuyệt đẹp,” ông kể, “Bà thường xuyên nói với tôi rằng thứ nhạc cụ đầu tiên chính là giọng nói của con người. Khi con chơi đàn, [âm nhạc] không phải ở những ngón tay. Con phải tìm thấy giọng hát – ‘con mắt của âm thanh’, bà gọi nó như vậy.”

Năm 16 tuổi, ông đã cao hơn 1m9. Ông đau khổ rời xa các môn thể thao một cách có ý thức, bởi lo sợ đôi tay mình bị hỏng. Sau này ông nhớ lại rằng cuộc sống bên ngoài gia đình hồi niên thiếu của mình như “địa ngục trần gian”.

Năm 17 tuổi, cuối cùng ông cũng chấp nhận học bổng của trường Juilliard và đến New York. Theo học nhà sư phạm gốc Nga Rosina Lhevinne, ông chỉ học lấy bằng diploma thay vì lấy bằng toàn phần nhằm tránh phải học đủ 60 tiếng học trình kiến thức ngoài âm nhạc. Ngay cả những người bạn thân của ông cũng kể rằng ông ít khi tò mò về những vấn đề ngoài âm nhạc.

Giành chiến thắng tại giải Leventritt* năm 1954 là một thành tựu lớn của ông. Mặc dù được tổ chức hằng năm, nhưng đã ba năm rồi cuộc thi chưa trao giải thưởng nào bởi ban giám khảo không thấy ai xứng đáng. Nhưng ban giám khảo gồm những tên tuổi như Rudolf Serkin, George Szell và Leonard Bernstein đều thống nhất trong cách đánh giá Cliburn.

Cùng năm đó, ông tốt nghiệp trường Juilliard và lẽ ra phải bắt đầu học các khóa sau đại học. Nhưng những cam kết biểu diễn sau khi giành giải Leventritt đã buộc ông phải đi lưu diễn triền miên. Năm 1957, người quản lý của ông ở hãng Columbia Artists muốn ông thực hiện một chuyến lưu diễn ở châu Âu. Nhưng bà Lhevinne khuyên ông tham dự cuộc thi Tchaikovsky lần đầu tiên.

Khoản tài trợ 1.000 USD từ Chương trình Martha Baird Rockefeller hỗ trợ âm nhạc đã được dùng để trang trải cho chuyến bay tới Liên bang Xô viết. Còn các khoản chi khác của thí sinh ở Moscow đều được chính quyền Xô viết tài trợ.

Người được nhân dân Nga yêu mến

Người Nga bày tỏ tình cảm nồng ấm của mình với Cliburn ngay từ những vòng sơ khảo. Có điều gì đó thật đáng yêu trong sự tương phản giữa vẻ trẻ con lóng ngóng với sự say mê hết mực mỗi khi ông biểu diễn. Bên cây đàn, ông ngả người xa khỏi bàn phím, nhìn chằm chằm vào khoảng không, mái đầu nghiêng nghiêng như thể trong trạng thái mê đắm đau đớn. Suốt trong những đoạn nhanh của bản nhạc, ông cúi người, gần như nhìn thôi miên vào những ngón tay. Trong đêm chung kết, khi Cliburn trình diễn bản piano concerto số 1 của Tchaikovsky - mà sau đó trở thành tác phẩm “thương hiệu” của ông cùng một tác phẩm độc tấu của Dmitry Kabalevsky (viết cho cuộc thi) và bản piano concerto số ba 3 của Rachmaninoff, khán phòng như bùng nổ với những tiếng hô “Giải nhất! Giải nhất”, còn Emil Gilels, một thành viên ban giám khảo, bước ra sau sân khấu ôm chầm lấy ông.

Trong buổi tiếp đón ở Điện Kremlin, Khrushchev đã ôm chặt Cliburn. “Sao anh lại cao thế nhỉ?” Khrushchev hỏi. “Bởi vì tôi là người Texas,” Cliburn đã trả lời như vậy.

Giải nhất của ông trị giá 25.000 rúp (khoảng 2.500 USD). Ngay lập tức, ông tới tấp nhận được những lời đề nghị biểu diễn.

Thu nhập của ông cho mùa diễn 1958-59 lên tới mức 150.000 USD. Buổi hòa nhạc sau cuộc thi của ông tại Carnegie Hall vào ngày 19-5-1958, với nhạc trưởng Kiril Kondrashin và dàn nhạc Symphony of the Air, trình diễn lại những tác phẩm ở vòng chung kết, được truyền trực tiếp trên sóng Đài phát thanh Nhạc cổ điển của New York WQXR. Ông cũng ký một hợp đồng với hãng RCA Victor, và bản thu âm piano concerto số 1 của Tchaikovsky đã bán được 1 triệu bản chỉ trong vòng một năm.

Bình luận về bản thu âm này trên tờ The Times năm 1958, nhà phê bình Harold C. Schonberg viết, “Cliburn đã biểu lộ mình là một nghệ sỹ piano có tiềm năng được kết hợp giữa trình độ điêu luyện bậc thầy và năng lực cảm thụ âm nhạc hiếm thấy”. Tuy nhiên sau đó Schonberg lại tỏ ra dè dặt: “Nếu như có điều gì đó còn thiếu trong màn trình diễn này thì đó là một chút hoàn thiện về sự linh hoạt, điều chỉ có thể đến sau nhiều năm trình diễn trước công chúng.”

Nhưng không điều gì có thể giảm bớt sự nổi tiếng của Cliburn trong những năm cuối 1950. Ông thu được khoảng 5.000 USD cho hai buổi biểu diễn tại Hollywood Bowl, một con số hết sức ấn tượng vào thời đó, và chơi cùng với dàn nhạc Moscow State Symphony tại Madison Square Garden cho hơn 16.000 người nghe.

Ngay từ năm 1959, những nỗ lực mở rộng danh mục biểu diễn của ông đã không được đón nhận. Năm đó, trong một buổi biểu diễn gây quỹ của New York Philharmonic tại Carnegie Hall do Bernstein chỉ huy, Cliburn chơi piano concerto số 25 của Mozart, concerto của Schumann và concerto số 3 của Prokofiev. Bình luận trên The Times về buổi diễn này, Howard Taubman nói màn trình diễn tác phẩm của Mozart “gần như gây thất vọng hoàn toàn”. Chỉ có tác phẩm của Prokofiev là thành công, ông viết, và ca ngợi sự sống động và hoa mỹ trong lối chơi của Cliburn.

Bình luận về buổi biểu diễn bản concerto “Emperor” của Beethoven năm 1961 cùng dàn nhạc Philadelphia Orchestra dưới sự chỉ huy của Eugene Ormandy, Schonberg viết, “Đó là lối chơi của một chàng trai già cỗi, thiếu vắng hoàn toàn tinh thần tuổi trẻ hoặc vẻ vui tươi của lứa tuổi.”

Bất chấp những lời chỉ trích, Cliburn đã cố gắng mở rộng danh mục biểu diễn, chơi các bản concerto của MacDowell và Prokofiev cũng như những tác phẩm độc tấu của Samuel Barber, Chopin, Brahms, Beethoven và Liszt. Nhưng sự trưởng thành và hoàn thiện về mặt nghệ thuật mà người ta kỳ vọng ở ông lại không đến như mong đợi. Hình ảnh cá nhân của Cliburn dường như cũng trở nên kém hấp dẫn. Những năm cuối thập niên 1950, gương mặt trẻ thơ ngoan đạo, lành mạnh, khỏe khoắn của Clinburn là hợp thời. Nhưng với giới trẻ Mỹ cuối thập niên 1960, ông dường như có vẻ thiếu tự nhiên và cứng nhắc...

Một cuộc thi mới

Nhiều nghệ sỹ piano sau đó đã cố gắng học theo Cliburn, đi tới thành công từ chiến thắng ở các cuộc thi quốc tế. Nhưng rất nhiều nhà phê bình và nhà sư phạm đã chỉ ra tiền đề và giá trị mà các cuộc thi mang lại chỉ có tác dụng cổ vũ cho thứ nghệ thuật thiếu cá tính, sự tỏa sáng hời hợt và những màn trình diễn chú trọng vào tính an toàn. Tuy nhiên, năm 1962, một số nhà bảo trợ nghệ thuật và doanh nhân của TP Fort Worth, Texas, đã khởi xướng cuộc thi quốc tế mang tên Van Cliburn để vinh danh người hùng của quê hương mình. Giờ nó vẫn là cuộc thi nổi tiếng và sinh lợi nhiều nhất trong số những cuộc thi thuộc loại này.

Năm 1978, ở tuổi 44, Cliburn, bấy giờ đã là một người giàu có, tuyên bố rút khỏi các cuộc biểu diễn. Ông cùng mẹ chuyển tới sống trong một ngôi nhà tráng lệ ở Fort Worth, nơi ông thường tổ chức những buổi tiệc thâu đêm.

Khi còn trẻ, Cliburn từng có mối tình ngắn ngủi với một nữ nghệ sỹ giọng soprano cùng trường Juilliard. Sau đó ông rất thận trọng về tình trạng đồng tính của mình. Nhưng từ năm 1966, ông tỏ ra công khai hơn khi ở tuổi 32, ông gặp chàng trai 19 tuổi Thomas E. Zaremba.

Những chi tiết về cuộc tình của họ bùng nổ trên báo chí vào năm 1996, khi Zaremba khởi kiện Cliburn, đòi bồi thường “nhiều triệu USD”, theo Fort Worth Star-Telegram. Zaremba, khi đó đã chuyển đến Michigan và trở thành chủ một doanh nghiệp trong ngành tang lễ, tố cáo rằng trong suốt 17 năm quan hệ với Cliburn, ông đã đóng vai trò là cộng sự và nhà quảng bá tên tuổi cho Cliburn, và rằng ông đã chăm sóc cả mẹ của Cliburn, người qua đời năm 1994 ở tuổi 97. Vụ kiện cuối cùng đã bị bác bỏ.

Cliburn trở lại sân khấu vào năm 1987, nhưng những buổi biểu diễn tiếp theo của ông diễn ra không thường xuyên. Ngày 21-5-1998, trong lễ khánh thành một phòng hòa nhạc ở Fort Worth, Cliburn chơi bản concerto số hai của Rachmaninoff với dàn nhạc Fort Worth Symphony, nhưng bất ngờ quên chương kết và đổ sụp trên sân khấu. Ông được đội y tế hậu trường cho thở oxy đưa đi bệnh viện.

“Đó là một cú giáng mạnh và gây hoảng loạn,” một người bạn của ông tên là John Ardoin, nhà phê bình của Dallas Morning News, đã nói vào thời điểm đó. “Một sự kiệt quệ và hoảng loạn đến cùng cực. Van mới có một buổi độc tấu hai ngày trước, một buổi biểu diễn hạng nhất, sang trọng, với sự hiện diện của tất cả những nhân vật chính trị và văn hóa nổi bật của Texas, và ông bị choáng ngợp bởi tất cả những điều đó.”

Lần cuối cùng Cliburn xuất hiện trước công chúng là vào tháng 9 năm ngoái, khi ông phát biểu tại một buổi hòa nhạc ở Bass Performance Hall, Fort Worth, kỷ niệm 50 năm thành thành lập Van Cliburn Foundation. Ông ra đi để lại người bạn tình Thomas L. Smith từng chung sống với ông trong nhiều năm.

Cliburn để lại một bộ các bản thu âm được phát hành với số lượng lớn suốt những năm qua. Đặc biệt là bản thu âm trực tiếp buổi trình tấu bản concerto số 3 Rachmaninoff tại Carnegie Hall sau cuộc thi Tchaikovsky, được nhà phê bình Schonberg ca ngợi bởi sức mạnh kỹ thuật, sự cân bằng trong âm nhạc, và “chất trữ tình nam tính không bị ảnh hưởng bởi sự lập dị”.

Schonberg sau đó còn nói thêm, có tính tiên đoán, rằng: “Dù cuối cùng Cliburn đi tới đâu thì đây vẫn sẽ là một điểm vĩ đại trong sự nghiệp của anh; và nếu vì lý do nào đó anh không bộc lộ được hết tiềm năng của mình thì anh sẽ vẫn luôn có cái mốc này để nhìn lại.”

* Cuộc thi mang tên nhà luật học Leventritt từng là một cuộc thi quốc tế danh tiếng dành cho các nghệ sĩ piano và violin cổ điển, được tổ chức ở New York từ năm 1939 và đến năm 1981 thì ngừng lại. Về sau, Cuộc thi Cliburn ngày càng nổi tiếng hơn Cuộc thi Leventritt, mặc dù người ta vẫn đánh giá rằng Cuộc thi Leventritt có chất lượng cao hơn và tạo ra được nhiều tài năng hơn.

Thanh Nhàn dịch từ http://nytimes.newspaperdirect.com/epaper/viewer.aspx.

(Nguồnhttp://www.tiasang.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...