Vai trò của sáo trúc trong nghệ thuật chèo
Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống Chèo bế bụng đi xem
Chẳng thèm ăn chả, ăn nem
Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát Chèo.
Nghệ thuật Chèo là một loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu và phát triển mạnh ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Nghệ thuật Chèo được bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sinh hoạt của nhân dân ta từ hàng ngàn năm nay và nó đã chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân qua nhiều thế hệ. Chèo chứa đựng trong nó hàm lượng trí tuệ sáng tạo nghệ thuật mẫu mực, được nhiều lớp người dân sáng tạo nên.
Bốn câu ca dao trên đã thể hiện được phần nào niềm đam mê Chèo của người dân Việt Nam. Chèo là nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống của họ từ bao đời nay. Mỗi dịp tết đến xuân về ha ynhững dịp lễ hội được tổ chức tại làng xã, hễ nghe thấy tiếng trống Chèo là bà con lại nô nức kéo nhau ra sân đình, sân chùa để xem. Tự thân Chèo sau một quá trình phát triển khá dài đã trở thành bộ môn nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Sự độc đáo không chỉ ở trò diễn, tích diễn mà nó còn độc đáo trong từng ý tứ của làn hát nên hàng trăm năm qua người ta thường rủ nhau đi xem hát Chèo, nghe hát Chèo rồi mới xem diễn Chèo.
Chèo được người dân yêu thích vì lối diễn gần gũi, giản dị, tích trò được lấy từ những câu chuyện có thật trong cuộc sống, bằng thủ pháp ứng diễn tạo ra được một hình tượng nhân vật sơ lược nào đó được người xem chấp nhận. Đặc điểm nổi bật nhất của thủ pháp ứng diễn là diễn đến đâu thì vận lời nói, lời hát, điệu múa và cách diễn đến đấy làm cho người xem luôn thấy được sự mới mẻ, phong phú, hấp dẫn trong từng màn, từng cảnh. Mục đích của ứng diễn là làm trò nhại để mua vui. Nhại người xung quanh, người trong làng xã, cũng có khi nhại cả thần tiên… mang đến cho người xem những tiếng cười sảng khoái sau một ngày lao động vất vả, cảm nhận chân thật, gần gũi như chính cuộc sống của họ đang được tái hiện trong vở Chèo vậy. Trải qua nhiều năm với nhiều biến cố thăng trầm, đến nay nghệ thuật Chèo vẫn tồn tại vàphát triển cùng với sự phát triển của nhiều loại hình nghệ thuật khác. Không chỉ giới hạn ở cácvở Chèo cổ, tích cũ, ngày nay đã có rất nhiều vở Chèo mới được các nhạc sĩ viết để phù hợpvới thời đại. Một số tác phẩm thay lời mới trên làn điệu cũ.
Các phương tiện truyền thông cũng đã góp công lớn trong việc đưa Chèo đến gần hơn với khán giả, nhất là khán giả trẻ qua cách trình bày mới mẻ, hiện đại. Chèo đã và đang có mặt trong nhiều lễ hội lớn nhỏ diễn ra trên toàn quốc cũng như quốc tế. Một số lễ hội như Festival Huế do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tại Huế, chuỗi Road show do Tổng cục Du Lịch Việt Nam tổ chức tại nhiều quốc gia khác nhau là những lễ hội lớn mà trong đó có sự tham gia của âm nhạc dân gian nói chung, Chèo nói riêng.
Như vậy, Chèo giờ đây không chỉ diễn ở sân đình hay trong các nhà hát mà với sự “tự làm mới” mình, Chèo đã có thể bước lên những sân khấu lớn mang tầm quốc gia và quốc tế, tạo được sức lan tỏa rộng hơn tới khán giả giúp cho việc bảo tồn và phát huy nền nghệ thuật quý giá này của dân tộc được hiệu quả hơn trong đó luôn có sự góp mặt của Sáo trúc.
Trong cuốn “Đến với nhạc Chèo”, tác giả Đôn Truyền đã viết: “Việc diễn kể chuyện kịch mang ý nghĩa cứu cánh, còn âm nhạc mang tính phương tiện phục vụ sự diễn đạt của diễn viên khi kể” [37; tr. 33]Hay trong cuốn “Âm nhạc sân khấu Chèo nửa cuối thế kỷ XX”, tác giả Nguyễn Thị Thanh Phương đã viết: “Trong dàn nhạc Chèo, tiêu thường đệm cho những nét ngâm thơ, đặc biệt hợp với giọng điệu lãng đãng, hoài cổ…Mầu âm của Sáo trong sáng, dân dã…Nếu để dọn giọng cho diễn viên bắtvào hát thì không gì chuẩn mực hơn”
Âm nhạc là một thành tố hết sức quan trọng, là phần hồn không thể thiếu của nghệ thuật Chèo,nó có khả năng khắc họa hình tượng nhân vật thêm rõ nét. Trong dàn nhạc Chèo, bộ gõ chiếm vị trí quan trọng nhất. Dân gian có câu “vụng Chèo khéo trống”… câu nói này ngụ ý dù diễn viên Chèo diễn có vụng, có sơ xuất chỉ cần người chơi trống chắc nhịp, điều tiết nhịp độ vở diễn chuyển màn, chuyển cảnh hợp lý thì vẫn coi như vở Chèo thành công. Bộ gõ quan trọng là thế, tuy nhiên nó lại khó có thể tạo được hiệu quả trong việc thể hiện tính trữ tình của nhân vật. Do vậy, Sáo trúc cùng với một số nhạc cụ khác đã gánh trách nhiệm truyền tải thông điệp nội tâm sâu lắng và phong phú này. Với âm sắc gần giống với tiếng người, Sáo trúc thườnggiữ vị trí bè giai điệu, khi thì gợi hơi, khi thì điểm xuyết, lúc lại dẫn dắt len lỏi cùng giọng hát của diễn viên bằng thủ pháp bè tòng làm tăng thêm phần hấp dẫn, truyền cảm giữa người diễn và người thưởng thức.
Từ dàn nhạc Chèo thưở sơ khai chỉ với vài ba nhạc cụ Trống, Sáo, Nhị đến nay, dàn nhạc đã phát triển đông hơn rất nhiều với các cây như Tam thập lục, Thập lục, Bầu, Sáo, Nhị, Nguyệt, Tam con, Trống… dù dàn nhạc nhỏ hay lớn thì đều có sự góp mặt của Sáo trúc. Với âm sắc đa dạng, phong phú Sáo trúc có thể thể hiện rất tốt các cung bậc cảm xúc trong Chèo.
Nói đến Sáo trúc, người ta thường liên tưởng đến cảnh làng quê yên bình với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Bức tranh em bé chăn trâu thổi Sáo với cây đa, bến nước, sân đình đã lột tả được những nét đặc trưng của nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn Miền Bắc Việt Nam nói riêng.
Cây Sáo trúc có từ bao giờ? Ai là người chế tạo ra nó là một câu hỏi cho đến nay vẫn chưa có lời giả đáp. Chỉ biết rằng, theo truyền thuyết từ thời xưa, xưa lắm rồi, trong vườn của anh nông dân nghèo nọ có trồng một khóm trúc. Một đêm mùa hè, anh nông dân nghe thấy những âm thanh vi vu, réo rắt phát ra từ bụi trúc sau nhà, lúc thì cao vút, lúc lại trầm trầm dìu dặt. Ngỡ có nàng tiên nào giáng trần đang hát trong vườn nhà mình, anh nông dân tò mò vạch từng khóm trúc để tìm. Tiên đâu không thấy mà chỉ thấy những âm thanh kỳ diệu đó được phát ra từ một ống trúc khô đã bị mối xông một lỗ tròn. Mỗi khi có gió thổi mạnh thì từ các lỗ tròn nhỏ đó phát ra âm thanh cao vút, khi gió nhẹ thì chính từ những lỗ thủng đó lại tạo ra những âm thanh trầm trầm, dìu dặt. Thấy hay, anh nông dân bèn chặt ngay đoạn trúc đó đem về và tập thổi hơi của mình vào đó. Anh liền khoét thêm từng lỗ cho các ngón tay để mở ra, đóng vào tạo ra nhiều âm thanh khác nhau. Cây sáo trúc ra đời từ đó. (trích: Giới thiệu cây sáo trúc của NSƯT Ngọc Phan; tài liệu nội bộ, Đài tiếng nói Việt Nam 1995) [28; tr. 2].
Trong cuốn “Lịch sử âm nhạc dân gian cổ truyền”của Nguyễn Viêm cũng có thông tin về nguồn gốc của cây Sáo: “Trong các di vật khảo cổ khai quật được thuộc thời kỳ Hùng Vương, ta cũng đã nhìn thấy được hình bóng của những nhạc cụ hơi làm bằng tre nứa như: khèn, sáo.” [39; tr. 74]… “Người ta đã thấy ống tiêu khắc trên bệ đá chân cột ở chùa Phật tích trong dàn nhạc tám cây. Tiêu đã tham gia Đường thượng chi nhạc và nhóm Nhạc huyền ở các triều hậu Lê và Nguyễn”. [39; tr. 75].
Trong cuốn “Âm nhạc cung đình Việt Nam”, GS-TS Tô Ngọc Thanh cũng ghi lại thông tin về thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng bốn nghìn năm: “Trên mặt các trống đồng loại I có các hình khắc chìm. Ở đây ta tìm thấy các hình người hóa trang bằng lông chim dài đang thổi khèn, chơi sênh...” [34; tr. 22]. Từ những thông tin trên có thể thấy các nhạc cụ thuộc họ hơi đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm, trước cả thời kỳ Bắc thuộc.
Mặc dù chưa khẳng định được chính xác Sáo trúc ra đời khi nào và ở đâu nhưng chúng ta chắc một điều rằng Sáo trúc là một nhạc cụ đa năng trong kho tàng nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Với khả năng diễn tấu phong phú, giàu sức biểu cảm, Sáo trúc xuất hiện trong rất nhiều thể loại âm nhạc từ sáng tác mới cho đến âm nhạc cổ truyền. Trong ba thể loại nhạc cổ Chèo, Huế, Cải lương thì Sáo trúc hợp với Chèo hơn cả. Bởi tính năng đặc biệt, độc đáo có thể đảm nhiệm được nhiều vị trí trong dàn nhạc nên sự thể hiện từng hoàn cảnh sân khấu Chèo của Sáo trúc đã mang lại hiệu quả đặc sắc và ấn tượng, khẳng định được vị trí quan trọng của nó trong dàn nhạc Chèo.
1. Sáo trúc và nghệ thuật hòa tấu trong dàn nhạc Chèo
Trong dàn nhạc Chèo xưa, các nhạc công thường dùng Sáo ngang 6 lỗ và Tiêu là phương tiện biểu diễn chủ yếu. Việc sử dụng Sáo 6 lỗ để xử lý đúng sắc thái về hơi Chèo, ngón Chèo là hết sức quan trọng. Ngày nay, tuy đã có Sáo 10 lỗ rất thuận tiện cho việc diễn tấu nhưng hầu hết các nhạc công Chèo vẫn sử dụng cây Sáo ngang 6 lỗ và Tiêu để trình diễn các làn điệu Chèo.
Khi thể hiện một làn điệu Chèo theo phương thức hòa tấu, không có phần diễn xướng của diễn viên thì vai trò của Sáo trúc lúc này được thể hiện linh hoạt hơn. Có lúc giữ vị trí giai điệu nhưng cũng có lúc giữ vai trò là cây đệm cho giai điệu. Với lợi thế đa dạng về màu sắc (tiêu, sáo trầm, trung, cao) Sáo có thể hòa tấu với nhiều nhạc cụ khác nhau như Tranh, Bầu, Nhị, Gõ, Tam thập lục…một cách dễ dàng, điều này khiến cho Sáo trúc là một nhạc cụ không thể thiếu trong dàn nhạc Chèo truyền thống.
Khi hòa tấu tốp nhạc nhỏ chỉ với 3 cây nhạc cụ ví dụ như Sáo, Nhị, Trống ngoài những câu Sáo chơi giai điệu thì nó còn đảm thật tốt bè tòng. Tiếng Sáo tòng bám sát giai điệu sẽ tạo cho bè giai điệu thêm dày, thêm chắc.
Khi hòa tấu tốp nhạc với nhiều nhạc cụ hơn ví dụ như 5 cây Trống, Nguyệt, Tranh, Bầu, Sáo. Lúc này đàn Bầu và Sáo trúc là hai cây nhạc cụ thay phiên nhau đi bè giai điệu, Tranh và Nguyệt chuyên việc tòng theo, kê theo. Ngoài việc tòng bám sát giai điệu cùng với Tranh và Nguyệt, Sáo còn có thể ngẫu hứng một số nét giai điệu mới, đan xen hoặc đối đáp với bè giai điệu, vừa tôn lên vẻ đẹp của bè giai điệu, vừa tạo cảm giác đỡ nhàm chán, một màu của bài nhạc.
Khi hòa tấu với một dàn nhạc lớn, có thể là 10 nhạc cụ hoặc hơn, bè giai điệu gồm Nhị, Sáo, Bầu… bè đệm gồm Tranh, Nguyệt, Tam thập lục, Tam con, Trống… Lúc này ngoài việc cùng với Nhị, Bầu thay nhau dẫn giai điệu, Sáo có thể thoải mái ứng tác, thoải mái trổ ngón ngẫu hứng chứ không bị gò bó như khi hòa tấu cùng tốp nhạc 3 cây hoặc 5 cây. Lúc nương theo bè tòng, lúc đối đáp với bè giai điệu hoặc Sáo cũng có thể nghỉ hẳn một câu nhạc để tạo cảm giác lắng đọng rồi vào câu nhạc sau hoặc trổ sau.
2. Độc tấu Sáo trúc trên lòng bản
Với các kỹ thuật phong phú của mình, Sáo trúc hoàn toàn có thể chơi tốt các làn điệu Chèo một cách độc lập và hiệu quả. Nó có khả năng diễn tả được đầy đủ các tính chất, hình tượng trong Chèo mà không làm mất đi chất Chèo vốn có. Sự khéo léo của người nhạc công ở đây là khi tấu lên một làn điệu Chèo với rất nhiều nốt và kỹ thuật được thêm vào giúp cho làn điệu Chèo sinh động hơn nhưng vẫn không làm nhòe giai điệu gốc.
Hiện nay, tại các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp như Học viên Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội… đều có chương trình đào tạo Sáo trúc với làn điệu Chèo cổ truyền, các đợt kiểm tra đánh giá cuối kỳ đều là thi độc tấu trên lòng bản, điều này cho thấy tầm quan trọng của Sáo trúc đối với nghệ thuật Chèo là không nhỏ.
3. Sáo trúc đệm tòng cho hát
Trong sân khấu ca kịch truyền thống nói chung cũng như sân khấu Chèo nói riêng, ngoài việc tấu nhạc nền cho diễn xuất, lúc chuyển màn, chuyển cảnh thì công việc chính của dàn nhạc là đệm tòng cho diễn viên hát.
Sáo trúc lúc này nắm vị trí rất quan trọng. Sáo luôn theo sát và đồng điệu với giai điệu của làn hát, làm cho làn hát được dày hơn hoặc Sáo cũng có thể vút lên những nét nhạc tương đồng với giai điệu để tôn được vẻ đẹp riêng của làn hát.
Sáo trúc thường đảm nhận việc gợi hơi để người hát bắt vào chuẩn giọng, tiếp đó là tòng theo hát, hát thế nào tòng thế ấy, lúc thì đối đáp, lúc thì nương theo. Tình huống nào, hoàn cảnh nào hợp với âm sắc của Sáo gì thì ta sử dụng Sáo ấy. Đây là một lợi thế lớn của bộ hơi.
Trong trường hợp người hát đoản hơi thì Sáo trúc chính là nhạc cụ có thể ngân nga giúp cho người hát lẩn hơi, hoặc khi người hát sai hơi thì Sáo trúc cũng là nhạc cụ tấu chuẩn cao độ để kéo diễn viên trở lại đúng giọng. Do Sáo được chế tạo đúng với âm chuẩn của thanh mẫu nên nó có lợi thế hơn hẳn so với Nhị và Bầu về mặt giữ cao độ. Sáo luôn là nhạc cụ lấy âm chuẩn cho cả dàn nhạc Chèo.
Có thể nói, vai trò của Sáo trúc trong nghệ thuật Chèo là vô cùng quan trọng. Đệm tòng cho hát Chèo hay hòa tấu trong dàn nhạc Chèo hoặc độc tấu Chèo trên lòng bản, dù ở vị trí nào Sáo trúc cũngluôn khẳng định đượctầm quan trọng của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ngọc Phan (1995), Giới thiệu cây Sáo trúc, Đài tiếng nói Việt Nam, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Thanh Phương (2004), Âm nhạc Chèo Nửa cuối thể kỉ XX, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Hà Nội.
- Tô Ngọc Thanh (1999), Âm nhạc cung đình Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
- Đôn Truyền (2001), Đến với nhạc Chèo, Viện sân khấu, Hà Nội.
- Nguyễn Viêm (1996), Lịch sử Âm nhạc dân gian cổ truyền, Nxb Viện nghiên cứu Âm nhạc, Hà Nội.
- Triệu Tiến Vượng (2007), Phong cách âm nhạc truyền thống trong giảng dạy Sáo trúc tại Nhạc viện Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ nghệ thuật học, Nhạc viện Hà Nội
(Nguồn: http://www.spnttw.edu.vn)