Vài nét về nhạc sĩ trẻ và nhạc trẻ hôm nay

12/08/2013

Có lẽ nếu chỉ cần nghe 4 chữ "nhạc trẻ Việt Nam" là người nghe sẽ nghĩ ngay đến những bài hát nhạc thị trường, nhạc chợ dễ dãi của nhiều ca sĩ trẻ chưa qua trường lớp đào tạo, với những ca từ "anh", "em", ủy mị, ướt át, thậm chí là cả những "thảm họa âm nhạc" với những bài hát có tựa đề gây sốc kiểu "Kiếp đàn bà thân xác đàn ông", "Theo tình tình phụ, phụ tình tình theo", hoặc "Thế giới thứ ba"...

Năng động, hiện đại

Thế nhưng nếu công bằng nhìn nhận, nhạc trẻ Việt Nam đâu chỉ có những bài hát thất tình với những ca từ vô nghĩa, mà trong dòng nhạc trẻ Việt thời gian qua vẫn có những ca sĩ trẻ thể hiện thành công những tác phẩm mới và được thị trường đón nhận khá tích cực, có thể kể đến các ca sĩ như Nam Cường, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Thùy Chi, Bảo Thy, nhóm nhạc V.Music…; nhạc sĩ trẻ có Nguyễn Hải Phong, Khắc Việt, Nguyễn Hồng Thuận, Lê Cát Trọng Lý...

Nhạc trẻ Việt Nam nếu hiểu đúng nghĩa thì chất trẻ trung là nằm ở giai điệu tươi mới, các bài hát được hòa âm phối khí theo phong cách hiện đại như Pop, Pop rock hoặc R&B. Mặc dù, ca từ tuy chưa giàu chất thơ, nhưng các ca khúc mới vẫn mang màu sắc tình yêu lãng mạn, tràn đầy hơi thở của nhịp sống năng động và hiện đại.

Để hát những bài nhạc giải trí hiện giờ, ca sĩ dường như cũng rất trẻ, bởi thế nhiều người cho rằng nhạc trẻ là nhạc "teen", hay đơn giản, nhạc "teen" là tiêu biểu của dòng nhạc trẻ. Tuy nhiên khi dòng nhạc "teen" đang làm bão hòa thị trường âm nhạc giải trí vốn không có định hướng, thì nó càng khiến định kiến về dòng nhạc trẻ trở nên nặng nề hơn.

Theo nhạc sĩ Đức Trí, nên phân biệt đâu là loại hình âm nhạc giải trí, đâu là loại hình nghệ thuật. Với những ca khúc mang tính giải trí, người ta chỉ nghe vì tò mò mà không để lại một ý nghĩa nào. Nhạc sĩ Đức Trí cho biết thêm trong loại hình giải trí vẫn có một giá trị nghệ thuật nhất định, chỉ nếu khi ta đi quá giới hạn đó sẽ trở nên cái gọi là "lố bịch trong âm nhạc".

Và hẳn nhiên những tác phẩm nhạc trẻ hiện nay của Khắc Việt như Tìm lại bầu trời, Suy nghĩ trong anh; hay của Nguyễn Hải Phong với Đôi giày vải, Tan biến, Đường cong vẫn là những nhạc phẩm có giá trị nghệ thuật và được đánh giá cao cả về ca từ lẫn giai điệu.

Dưới một góc độ không quá khắt khe, nhạc trẻ cũng đã mang lại một làn gió mới cho đời sống âm nhạc Việt Nam nói chung tại thời điểm hiện nay. Tất nhiên, trong giai đoạn vàng thau lẫn lộn, trong số nhiều bài hát giải trí nặng tính thị trường, vẫn có những tác phẩm được đánh giá cao, đặc biệt là qua các cuộc thi tuyển lựa giọng hát.

Chân dung một thế hệ

Nếu những nhạc sĩ thế hệ trước 1975 ở miền Nam với trào lưu viết nhạc phản chiến, có lúc là sục sôi, giục dã, có lúc là bi lụy, thể hiện khắc khoải tâm trạng của những người sống trong thời kỳ chia cắt, khổ đau, thì giờ đây, sau gần 4 thập kỷ, những thế hệ nhạc sĩ trẻ tiếp bước mang trong mình một tâm thế khác hẳn. Họ là những nhạc sĩ trẻ, lớn lên trong thời bình, họ đến với âm nhạc bằng nhiệt huyết mới, chủ đề họ hướng tới là sự thanh bình, yên ấm, ở đó là quê hương, là tình yêu, là tình người, họ gửi gắm vào những ca khúc của mình thông điệp phản ánh giá trị của cuộc sống hiện đại.

Trong số những nhạc sĩ trẻ này, có người sinh ra trước 75, có người sinh ra sau 75, nhưng một điểm chung nhận thấy là những sáng tác của họ đều trong sáng, giản dị; trong những tác phẩm của họ không hề bắt gặp sự "gồng mình" giục dã và nhiều khi cứng nhắc của dòng nhạc đỏ, và ở đó cũng không thấy sự ủy mị, não nề của dòng nhạc vàng.

Từ giai điệu cho đến câu từ đều toát lên hơi thở của thời cuộc, họ mang những gì của cuộc sống thực tại, thổi vào đó lời nhạc ý thơ để từ đó, chúng ta có những cái tên như: Đỗ Bảo, Quốc Bảo, Lê Minh Sơn, Giáng Son, Anh Quân, Đức Trí, Võ Thiện Thanh…; và gần đây là Nguyễn Hải Phong, Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung, Lê Cát Trọng Lý hay Đinh Mạnh Ninh… Ngoài tình yêu và sự đam mê dành cho âm nhạc, thì chính những thế hệ nhạc sĩ này cũng góp phần định hình cũng như làm đa dạng thêm cho nhiều dòng nhạc của Việt Nam.

Cùng góp phần vào sự đa dạng của các dòng nhạc hiện đại, những nhạc sĩ lớn lên sau 75 cũng đặt những hòn gạch đầu tiên cho trường phái dân gian đương đại,

Trong số những nhạc sĩ trẻ như Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Hà An hay Giáng Son…

Trong âm nhạc của họ, chỉ thoáng nghe, người ta đã cảm nhận được sức lôi cuốn của sự dân dã, mộc mạc trong cảnh làng quê Việt Nam, từ hình ảnh: chuồn chuồn ớt, con cò, giếng làng cho đến cặp ba lá, quạt giấy... Người nghe như được đắm mình vào một khung cảnh quê xưa.

Với những tác phẩm nổi tiếng như Con cò, Bên bờ ao nhà mình, Chuồn chuồn ớt, À í a, Quạt giấy, hay Giấc mơ trưa..., các nhạc sĩ trẻ tuổi của dòng nhạc này đã khéo léo sử dụng chất liệu dân gian bằng làn điệu dân ca, hoặc âm hưởng dân gian; đồng thời lồng vào đó những tiết tấu và nhịp điệu hiện đại, đương thời.

Trẻ trung hiện đại

Ngoài các nhạc sĩ đã đạt được "độ chín" trong sự nghiệp sáng tác của mình, những nhạc sĩ 8X, 9X sinh ra trong thời bình có cái nhìn khác hẳn về thời cuộc, những chủ đề họ tìm đến thường là những gì của cuộc sống hiện tại, qua lăng kính của mình, họ thổi vào đó một làn gió trẻ trung, hiện đại với các thể loại nhạc như pop, R&B hay dance.

Bằng những chủ đề "xưa như trái đất" như tình yêu, quê hương, cuộc sống, gia đình… nhưng người nghe cảm nhận được một sức sống mới căng tràn. Và điểm đặc biệt ở các nhạc sĩ trẻ tuổi là họ đã biết khai thác tối đa hình thức âm nhạc online để quảng bá đến người nghe nhạc.

Những tác giả như Nguyễn Hồng Thuận, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hải Phong… đã là những cái tên không thể thiếu mỗi khi nhắc đến thế hệ nhạc sĩ trẻ tuổi hiện giờ; chẳng hạn như nhạc phẩm Đường cong của Nguyễn Hải Phong.

Dù còn nhiều lời khen chê, nhạc trẻ Việt Nam trong ngắn hạn vẫn chưa có lối đi rõ ràng, nhưng chắc chắn trong dài hạn, với những ca sĩ có tài thực sự, cộng với sự phong phú và nhiệt huyết trong các sáng tác của các nhạc sĩ trẻ, nhạc trẻ Việt Nam sẽ cất cánh. Chúng ta, cùng tin điều đó thành hiện thực.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam 30)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...