Ước có nhiều bài hát xứng tầm "Thành phố đáng sống"
Đà Nẵng là một bức tranh thiên nhiên đa sắc với đủ cả núi đồi, rừng rú, đồng bằng, sông ngòi, biển đảo… Thành phố được bao quanh bởi đèo Hải Vân “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” ở phía Bắc và bán đảo Sơn Trà nổi tiếng với rừng nguyên sinh quý hiếm phía Đông Bắc; quay sang hướng Đông là cả chuỗi bãi tắm thiên nhiên đẹp mê hồn và quần đảo Hoàng Sa vừa giàu tài nguyên vừa nhiều lợi thế kiểm soát thủy đạo; xuôi xuống Đông Nam còn có danh thắng huyền thoại Ngũ Hành Sơn và đô thị cổ kính Hội An ngự ở phía Nam, lượn lên phía Tây là khu du lịch Bà Nà với hệ thống cáp treo dài nhất thế giới.
Hội tụ tinh hoa đất trời, Đà Nẵng như viên ngọc lấp lánh được đính ngay chính giữa dải đất hình chữ S. Ở vị trí điểm nối các tuyến giao thông - đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không, thành phố này có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng. Là một thương cảng và quân cảng lớn từ thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng đã bị Pháp tấn công đầu tiên vào năm 1858, mở màn cho cuộc xâm chiếm Việt Nam. Cũng Đà Nẵng là nơi Mỹ đổ bộ những tốp lính đầu tiên vào năm 1965 và mảnh đất địa thế đặc biệt này lập tức biến thành căn cứ quân sự của Mỹ. Đến nay một phần địa phận Đà Nẵng là huyện đảo Hoàng Sa vẫn không được bình yên vì những diễn biến phức tạp trong cuộc tranh chấp chủ quyền quốc gia.
Đà Nẵng lưu giữ trong mình chứng tích hàng nghìn năm tuổi của nền văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa. Có thể tìm thấy nơi đây những di sản vật thể với cả một hệ thống đình, chùa, miếu, tháp cổ, nhà thờ, làng nghề…, và các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có các loại hình âm nhạc đặc sắc như dân ca dân vũ Chăm, truyền thống tuồng, bài chòi…
Đà Nẵng được coi là “thành phố đáng sống nhất” của Việt Nam theo bình chọn của Tạp chí du lịch danh tiếng Live and Invest Overseas, một điểm du lịch hấp dẫn, cởi mở, thân thiện, năng động, luôn hướng tới cải thiện môi trường thiên nhiên và chất lượng sống. Rất truyền thống nhưng cũng vẫn trẻ trung, thành phố này sẵn sàng mở cửa trước các làn gió mới trong âm nhạc. Còn nhớ cách nay 25 năm (1993), Đà Nẵng là nơi đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay đã tổ chức Liên hoan các ban nhạc nhẹ toàn quốc. Đời sống âm nhạc Đà Nẵng hiện khá đa dạng với hoạt động của các tụ điểm ca nhạc, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Nhà hát Trưng Vương… và gần đây còn có thêm các kỳ lễ hội pháo hoa quốc tế với phần nhạc nền đa sắc từ các quốc gia khác nhau.
Vài dòng tóm lược trên phần nào chứng tỏ cảnh tượng thiên nhiên, địa thế chiến lược, sự kiện lịch sử, truyền thống văn hóa, đời sống xã hội… - có bao nhiêu thứ gợi mở cảm hứng sáng tác cho giới nhạc. Ấy vậy mà lâu nay vẫn thấy trăn trở một câu hỏi: tại sao Đà Nẵng chưa có được cho riêng mình một bài hát xứng tầm “địa phương ca”, “thành phố ca”, như Hà Nội đã có Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp)…; như nhiều tỉnh thành khác đã có Quảng Bình quê ta (Hoàng Vân), Thành phố hoa phượng đỏ (Lương Vĩnh - thơ: Hải Như), Những cô gái Quan họ (Phó Đức Phương), Hà Tây quê lụa (Nhật Lai), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Nha Trang mùa thu lại về - Văn Ký…
Thực tình bài hát về Đà Nẵng không thiếu.
Một trong những tác giả viết nhiều nhất về Quảng Nam - Đà Nẵng là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Với ý nguyện được rắc tro trên sông Hàn, con cháu đã đưa ông về nơi đây để mãi mãi được ở lại cùng quê cha đất mẹ. Cũng ở lại mãi mãi với quê hương là tình yêu của ông gửi vào các ca khúc: Đà nẵng ơi! Chúng con đã về - một bài hát như đối lại lời thề của Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi bảo tồn sông núi, rồi tiếp đến Quảng Nam yêu thương, Đà Nẵng là nỗi nhớ, Tiếng hát từ Đà Nẵng, Hát về thành phố quê hương, Có ai về Quảng Nam...
Tình yêu Đà Nẵng cũng đong đầy trong tác phẩm của nhiều nhạc sĩ khác: Người Đà Nẵng - Phan Ngọc, Đà Nẵng quê ta giải phóng rồi - Nguyễn Đức Toàn, Sông Hàn vang tiếng hát - Huy Du, Chiều Đà Nẵng - Trần Hoàn, Sông Hàn tình yêu của tôi và Đà Nẵng yêu thương - An Thuyên… Không thể bỏ qua sáng tác của những người con Đà Nẵng: Đà Nẵng tình người - Nguyễn Đình Thậm, Tình yêu Đà Nẵng - Trần Ái Nghĩa, Sông Hàn trong tôi - Thái Nghĩa… Kể không xuể, chỉ cần tra Google những bài hát có danh từ Đà Nẵng trong tiêu đề thôi cũng ra vài chục ca khúc rồi.
Được biết mới đây Hội Âm nhạc Hà Nội vừa làm “bà đỡ” cho một loạt bài hát về Đà Nẵng chào đời ngay tại Nhà Sáng tác Đà Nẵng: Đà Nẵng thành phố tôi yêu - Mạnh Hồ, Đà Nẵng đẹp mãi trong ta - Nguyễn Văn Thành, Thành phố tôi yêu - Nguyễn Xuân Sinh, Chuyện tình sông Hàn - Đặng Tài Tuệ, Dù mai em về đâu - Ngọc Hòa (phỏng ý thơ Nghiêm Thị Hằng), Phố cổ - Vũ Thiết (lời thơ: Trịnh Công Lộc).
Cũng ngay tại “nhà hộ sinh” Nhà Sáng tác Đà Nẵng vào tháng 7-2018 sẽ còn tiếp tục ra đời những tác phẩm mới về Đà Nẵng, và vai trò “bà đỡ” lần này thuộc về Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Còn nữa, Lễ phát động sáng tác ca khúc về Đà Nẵng vào 6-2018 (được biết đã là cuộc thứ 3) nếu có sự tham gia của toàn thể hội viên Hội Âm nhạc Đà Nẵng như lời kêu gọi của Ban Chấp hành Hội Âm nhạc Đà Nẵng, thì số lượng bài hát về thành phố này chắc chắn còn tăng đột biến!
Song lượng nhiều mà bài hát để đời liệu có được bao nhiêu?
Đề tài đâu có thiếu bởi như đã nêu trên, Đà Nẵng có nhiều thứ lắm: truyền thống, lịch sử, môi trường, con người, văn hóa… Đặc biệt lúc này người dân cả nước luôn canh cánh tình hình bất an trên biển đảo và cái tên Hoàng Sa đã trở thành một trong những biểu tượng cho tinh thần bảo vệ chủ quyền đất nước. Đà Nẵng cũng là điểm nhạy cảm không chỉ với công cuộc chống tham nhũng - một vấn đề mang tầm quốc gia, mà còn cả trong việc bảo vệ môi trường sinh thái - vấn đề toàn cầu của thế kỷ XXI.
Đề tài không thiếu, người tài người tâm huyết cũng không thiếu. Vậy thì do đâu?
Ca khúc về Đà Nẵng chưa đủ sức lan tỏa, chất lượng sáng tác chưa đủ hấp dẫn, ca sĩ nổi tiếng không trụ lại quê hương, chương trình ca nhạc chưa đủ đáp ứng nhu cầu, tính chuyên nghiệp của các đoàn nghệ thuật địa phương còn yếu, thị hiếu thưởng thức âm nhạc của người dân chưa cao… Đó là những nhận định thường gặp trên báo chí. Chẳng riêng Đà Nẵng, ở đâu cũng vậy thôi: lời trách cứ về những thiếu hụt trong đời sống âm nhạc cứ dồn cả vào người sáng tác, biểu diễn và thưởng thức, còn một nhân vật cực kỳ quan trọng lại luôn được né tránh: người quản lý.
Người sáng tạo (bao gồm cả sáng tác và biểu diễn) có tận tâm tận lực với nghề đến mấy đi nữa, người thưởng thức (bao gồm công chúng và cả các nhà lý luận phê bình âm nhạc) có yêu nhạc say nhạc đến mấy đi nữa mà thực tế vẫn không có một môi trường âm nhạc đúng nghĩa, thì mọi nỗ lực cá nhân của những đối tượng bị trách cứ rất khó đạt được hiệu quả mong muốn. Để khắc phục mọi yếu kém nói trên cần gây dựng một môi trường âm nhạc lành mạnh. Để có được môi trường âm nhạc tốt lành, vai trò quyết định lại thuộc về người quản lý các cấp (gồm cả quản lý hành chính và quản lý văn hóa nghệ thuật - trong đó có các sở văn hóa và giáo dục, các nhà hát và đoàn nghệ thuật, các trung tâm và cơ sở văn hóa nghệ thuật, các tổ chức đào tạo nghệ thuật và các trường phổ thông, các cơ quan truyền thông phát thanh - truyền hình - báo chí -xuất bản và đương nhiên cả Hội Văn học nghệ thuật thành phố, Hội Âm nhạc thành phố).
Đà Nẵng nổi tiếng dám nghĩ dám làm để thành phố có tốc độ phát triển mau chóng với khát vọng trở thành đô thị cấp quốc tế. Không nhẽ chúng ta chỉ lo phần xác thuộc vật thể nhìn thấy được, còn phần hồn phi vật thể là văn hóa - trong đó có nghệ thuật âm nhạc - lại thẩy xuống hàng thứ yếu?
Đà Nẵng dám đầu tư nhiều tiền của cho dung nhan bộ mặt thành phố để đẩy mạnh ngành du lịch, không nhẽ một trong những yếu tố hấp dẫn du khách nhất là âm nhạc thì lại tiếc tiền tiếc của?
Chúng ta không chỉ ước cho Đà Nẵng có nhiều bài hát hay, còn hơn thế nữa, chúng ta tin rằng một Đà Nẵng trong tương lai sẽ có thêm các nhà hát, trung tâm văn hóa, trường đại học âm nhạc; có sự đầu tư mạnh tay khích lệ sáng tạo và quảng bá tác phẩm; có các chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc gia và quốc tế để thu hút người tài đến với Đà Nẵng; có những dự án đào tạo mầm non âm nhạc và giáo dục âm nhạc phổ thông để dân trí ngày một cao…
Chúng ta cũng mong cho giới âm nhạc Đà Nẵng trong tương lai thường xuyên có các chuyến đi thực tế sáng tác; các cuộc liên hoan quy mô quảng bá tác phẩm hay của Đà Nẵng và về Đà Nẵng; các giải thưởng giá trị vật chất cao dành cho tác phẩm hoặc tác giả đã hết mình tô điểm cho vẻ đẹp tinh thần của Đà Nẵng.
Để những ước ao trên thành hiện thực, chúng ta - với tư cách người dân rất yêu thành phố xinh đẹp này - trước hết mong mỏi lãnh đạo các cấp của Đà Nẵng đều là nhà quản lý có tâm, có tầm nhìn và dám đầu tư kinh phí xứng đáng cho những ước mơ.
13-07-2018