Ấn tượng Quảng Ninh

23/07/2014

Hội nghị BCH Hội Nhạc sĩ VN lần thứ 10 khoá VIII đã tiến hành tại Quảng Ninh từ ngày 14 đến 18/7/2014.

Sau hai ngày hội nghị tại thành phố Hạ Long với nhiều nội dung thiết thực nhất là những chương trình trọng tâm sáu tháng cuối năm trong đó nổi bật sự kiện "Festival Âm nhạc mới Á - Âu 2014 tại Việt Nam" sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 12/10/2014 tại Hà Nội và thành phố Hạ Long.

Đến nay, Ban tổ chức đã có danh sách cụ thể hơn 100 nhạc sĩ, nghệ sĩ từ 28 quốc gia trên thế giới đăng ký tham dự Festival: Anh, Áo, Azerbaijan, Ba Lan, Đan Mạch, Estonie, Hà Lan, Hàn Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lithuanian, Lào, Mỹ, Na uy, Nga, Nhật Bản, Pháp, Philippine, Singapore, Tactarstan, Tây Ban Nha, Thailand, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Uzbekistan, Úc, Ý và Việt Nam.

Xem hình tại đây: http://hoinhacsi.org/?q=taxonomy/term/21/1851

Buổi chiều 16/7 chúng tôi đến UBND tỉnh Quảng Ninh. Tiếp chúng tôi là bà Vũ Thị Thu Thủy, phó chủ tịch ủy ban. Tiến sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ tịch hội NSVN đã trình bày về kế hoach Festival Âm nhạc Á - Âu sẽ tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh vào tháng 10 sắp tới và đã nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo tỉnh. Buổi tối chúng tôi đi đò ra nhà hàng Hồng Bô nằm trên biển để thưởng thức những món ăn mang hương vị biển Hạ Long.

Xem hình tại đây: http://hoinhacsi.org/?q=taxonomy/term/21/1859

Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm để lên đường đến huyện Bình Liêu. Đó là một huyện biên giới nằm ở phía đông - bắc tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 108km, đa số là ngưới dân tộc thiểu số. Nói vậy chứ người Tày chiếm 58,4% còn người kinh chưa đến 4%, phải gọi người kinh ở huyện này là thiểu số mới đúng! Qua Cẩm Phả, Tiên Yên, con đường dẫn đến Bình Liêu uốn lượn quanh co qua những lưng đồi, qua những triền núi, cuối cùng ngoặt lên một dốc núi cao dẫn vào UBND huyện. Huyện Bình Liêu được thành lập ngày 16 tháng 12 năm 1919, có 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 1 thị trấn và 8 xã (trong đó có 6 xã biên giới). Toàn huyện có 108 thôn, bản, khu phố, với dân số khoảng trên 30.000 người.

Anh Cao Tường Huy, bí thư trẻ trung và năng động đón chúng tôi nhiệt tình và chu đáo. Anh kể về tình hình ở huyện với những khó khăn của đồng bào sống ở vùng sâu vùng xa còn đang nghèo khó. Những hình ảnh ấy hiển hiện ra trước mắt chúng tôi trong buổi chiều khi đi tiếp cận với thực tế.

Xem hình tại đây: http://hoinhacsi.org/?q=taxonomy/term/21/1864

Hai giờ chiều. Chúng tôi đến bản Cốc Lồng, xã Lục Hồn xem hai nghệ nhân hát then cổ. Hai cụ bà khoảng 80 nhưng vẫn còn lanh lợi lắm. Các cụ vừa cầm đàn tính vừa hát, rồi múa như nhớ lại một thời trẻ trung. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn lấy điện thoại ra ghi âm trong khi nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Phạm Ngọc Khôi thì thích chụp hình với các cụ. Còn Minh Châu thì khỏi nói! Đây là dịp để cô săn hình. Những bức ảnh của Minh Châu chụp rất đẹp, nhiều góc cạnh ấn tượng.

Xem hình tại đây: http://hoinhacsi.org/?q=taxonomy/term/21/1869

Nơi chúng tôi đến tiếp theo là nhà văn hoá của bản Nậm Tút, xã Lục Hồn. Ngôi nhà lát gạch bông khang trang, có thể chứa cả trăm người. Các cô gái dân tộc Sán Chay đang đi cấy vội trở về nhà văn hoá để tiếp đoàn. Các cô hát những bài chào mừng, những bài dân ca về tình yêu, về lao động. Lúc đầu các cô còn nhút nhát, đùn đẩy nhau, nhưng khi đã cất lên tiếng ca các cô trở nên mạnh dạn hẳn. Và thế là nhạc sĩ Trần Long Ẩn tha hồ mà ghi âm, còn nhà nghiên cứu lý luận Minh Châu tha hồ mà chụp hình!

Xem hình tại đây: http://hoinhacsi.org/?q=taxonomy/term/21/1873

Anh Lô Văn Chắn, chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyên lại đưa chúng tôi đến bản Phai Làu, xã Đồng Văn. Đây là bản giáp ranh với biên giới, có thể băng qua con suối Phai Làu cách đó một hai trăm mét để đến bản làng đối diện. Các cô gái dân tộc Dao với trang phục truyền thống ra ngồi tiếp đoàn. Trước đám đông các cô có vẻ e lệ.

 Xem hình tại đây: http://hoinhacsi.org/?q=taxonomy/term/21/1876

Chiều xuống. Không gian núi rừng yên tĩnh lạ. Những làn gió mát rượi thoảng qua. Bình Liêu như đang sẵn sàng chờ đón trận bão Thần Sấm đang dần đến. Chúng tôi trở về trên con đường vành đai biên giới uốn lượn ngoằn ngoèo quanh vách núi lúc hoàng hôn.

Buổi tối. Chúng tôi đến gặp gỡ giao lưu với các chiến sĩ biên phòng ở cửa khẩu Hoành Mô. Nơi đây chúng tôi gặp các chàng trai, các cô gái dân tộc Dao và nghe hát những bài ca mới.

Đêm về. Chúng tôi ngủ sớm để sáng hôm sau còn phải vượt bảy tiếng đồng hồ về sân bay Nội Bài kịp chuyến bay về TPHCM.

Đã đến Quảng Ninh nhiều lần nhưng mỗi lần đến vẫn thấy biết bao điều mới lạ. Những toà nhà mới liên tục mọc lên, những công trình mới ngày càng thay đổi diện mạo của các thành phố. Dưới biển, vịnh Hạ Long với cảnh quan luôn thu hút lòng lữ khách. Còn trên rừng, ở những bản làng xôi như Bình Liêu, những người con của núi rừng ngày đêm âm thầm cống hiến, vượt qua khó khăn để vươn tới một cuộc sống tươi đẹp hơn.

Những điều mắt thấy tai nghe đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều ấn tượng.

Hy vọng sẽ có nhiều ca khúc viết tặng Bình Liêu.

Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN HIÊN

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...