Tưởng nhớ anh linh Đại tướng - Những giai điệu nghiêng mình

21/10/2013

Đất nước trầm xuống, không gian lắng sâu. Tất cả như dừng lại, chỉ còn tiếng nhạc “ Chiêu hồn tử sĩ” vang lên thay lòng người tiễn biệt Đại tướng.

Giới nhạc Việt Nam trong niềm tiếc thương vô hạn cùng với dòng lệ tuôn trào là những giai điệu cuồn cuộn nấc lên chảy theo mạch đập tin tức và dòng người dài như vô tận trong lễ quốc tang một trong những vị anh hùng của dân tộc. Tôi may mắn đươc nghe những tiếng lòng xuất thần của đồng nghiệp vang lên trong những giây phút trang nghiêm của lịch sử: Những bài ca thẫm đẫm nước mắt nhưng rất đỗi hào hùng bật dậy thành những khúc ca bi tráng, hào sảng. Những con tim âm nhạc thắt lại cho những giai điệu nghiêng mình! Người đã ra đi để lại muôn vàn tiếc thương/ Người đã ra đi để lại muôn vàn chiến công/ Vươt qua phong ba, muôn trùng bão tố/ Vượt qua gian nguy, muôn ngàn gian khổ/ Người vẫn hiên ngang đứng vững giữa cuộc đời/ Người vẫn yêu thương sáng mãi giữa lòng người…Giai điệu bài hát Khúc quân hành tưởng niệm của tôi cứ tuôn chảy như một Hành khúc tang lễ rồi bật dậy với cao trào Vì yêu nước non Văn hóa thành Võ/ Vì thấu lòng dân Võ hòa thành Văn/ Tên người là một khúc Anh hùng ca/ Tên người là một khúc Quân hành ca. Những âm hưởng hào hùng vang lên như một điệp khúc mà mọi người hát mãi về Người!Tôi trân trọng đặt bài hát trong khung kính viền dải lụa đen, lặng lẽ xếp hàng theo dòng người vào viếng Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu và trao cho Ban lễ tang tại đây. Ra về, tôi mung lung trong những suy nghĩ về vị tướng của lòng dân ấy rồi đi tới công viên Bách Thảo lúc nào không hay. Bỗng tôi giật mình thấy mình đứng ở nơi cách đây hơn nửa thế kỷ Bác Hồ đã chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng cùng quần chúng nhân dân hát vang Bài ca Kết Đoàn trong dạ hội chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là ngày 3/9 năm 1960 và giới âm nhạc cách đây 4 năm đã vinh dự được phép lấy ngày này là Ngày Âm nhạc Viêt Nam.Thật kỳ lạ, cách đây đúng một tháng, một ngày trong chương trình kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ IV tại Nhà hát lớn Hà Nội đã vang lên Bản hợp xướng Có một khu rừng như thế của nhạc sĩ Doãn Nho viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những kỷ niệm về Mường Phăng nơi Đại tướng đặt sở chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ và ngày nay đồng bào nơi đây gọi là Khu rừng Đại tướng. Tôi bỗng nhớ tới bức hình nhạc sĩ Doãn Nho ngồi bên Đại tướng gương mặt sáng ngời, đầy hứng khởi và nghiêm cẩn trong bộ quân phục mang cấp hàng đại tá. Phải chăng những tình cảm thiêng liêng ấy đã tạo cho Ông có những nguồn lực sáng tạo trong tác phẩm này?

Đại tướng ra đi để lại muôn vàn tiếc thương cho đồng bào và chiến sĩ ta nhất là những cựu chiến binh - những người ngày nào đã được gặp Đại tướng, chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng - Đào Hữu Thi là một trong những người có vinh dự đó. Kỷ niệm Trường Sơn với trọng điểm A.T.P với sự xuất hiện của Đại tướng giữa những cô gái TNXP vây quanh và khóc mong Đại tướng nhanh ra khỏi khu vực nguy hiểm này làm Đào Hữu Thi cảm xúc viết ra những dòng giai điệu đầy xúc động , chan chứa tình yêu thương cao cả trong bài hát Anh Văn của đồng đội thể hiện được những cung bậc tình cảm với vị tướng tài của quân đội. Viết tới đây, tôi lại nhớ những phút giây thiêng trong những ngày đó, nhạc sĩ Lê Tịnh, cựu chiến binh của miền Tây Bắc mang đến cho tôi một bài hát mới với bản viết tay còn chưa ráo mực, bài hát có nhan đề Nhớ Anh! Mưa mắt. Anh hát say sưa, đầy cảm xúc; lời ca và giai điệu đưa người nghe trở về với những kỷ niệm Điện Biên ngày nào, đất và người nơi đây như vẫn còn tuơi nguyên trong trận chiến lịch sử.Cùng với nhiều nhạc sĩ khác, tôi thực sự ấn tượng với những tác phẩm của Lê Gia Hiếu Hát về vị Đại tướng của nhân dân (Thơ của Tống Minh Lung}, Tướng quân Võ Nguyên Giáp của Bùi Hoàng Yến, Trí dũng song toàn của Vũ Trung (Thơ của Vũ Minh Hiến ), Hát về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Nguyễn Văn Thuấn, Đại tướng của chúng ta của Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Hoàng Anh Tú (Thơ Nguyễn Quang Vinh )… Bài hát của các anh vang trên làn sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam làm vơi đi những giọt nước mắt và làm đầy thêm tình cảm với một con người huyền thoại. Tôi cũng hết sức bất ngờ với bài hát của nhạc sĩ An Thuyên trong những ngày đau thương này. Anh đã ghìm đươc nỗi đau để bật lên một Tiếng đàn thể hiện một khía cạnh của một tâm hồn cao cả: tính nhân văn của một vị tướng hòa bình! Bài hát như vẽ lại bức tranh Đại tướng ngồi thanh thản chơi đàn, lướt trên những phím đen trắng của cuộc đời bão táp. Âm điệu của bài ca cũng thanh thản nhưng vẫn trầm xuống với sự sâu lắng, vô thường.

Ôi! Trong tôi giờ đây vẫn vang lên, vang lên một cách dữ dội những âm hưởng đa chiều về những bài ca đi theo anh linh Đại tướng. Phải chăng đó là những giai điệu đang nghiêng mình trước một thiên tài quân sự, trước một người anh hùng của một dân tộc anh hùng!

Tháng 10/2013

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...