Tuổi thơ sơ tán cùng cây đàn (3)

19/09/2016

Khi được về lại Hà Nội lũ chúng tôi vui trào nước mắt… Được trở về nhà dù thời gian rất ngắn nhưng vui vì về nhà mình là nơi có mẹ có các anh chị.


Phù hiệu của Trường Âm nhạc VN những năm 70

Hôm đó là chủ nhật như mọi lần tiếng chuông nhà thờ đổ từ mờ sáng. Nhà bác Thềm lục đục đi lễ, bác gái luôn mặc đẹp hơn ngày thường, chị Hoà và bác trai thì mặc đơn giản. Một điều lạ là khi đi lễ về trên mặt họ cứ như bừng sáng khác lạ - phải chăng Chúa đã tiếp sức cho họ?

Sau này tôi cũng có gặp một vài trường hợp như thế dù không phải ai bước ra khỏi nhà thờ đều đẹp được như vậy. Vẫn biết rằng ai cũng yêu kính Chúa nhưng sau lễ chủ nhật ấy Chúa đã chọn ai? Giống như bọn nhóc tụi tôi yêu âm nhạc nhưng âm nhạc chọn ai? Ai trụ lại như những người thợ chơi đàn? Và ai toả sáng? Mọi sự liên tưởng cứ đan xen chồng chéo vào nhau đến độ sau này mấy người yêu nhạc của Chopin cũng tự hỏi "Chopin sẽ chọn ai?" trong cuộc thi này?...

Tôi lại lan man mất rồi. 

Khi tan lễ sáng chủ nhật cũng là lúc mọi nơi đổ về bán hàng ngay sân nhà thờ với đủ thứ. Ba đứa tụi tôi rủ nhau ra sân nhà thờ xem có thể mua cái gì về làm quà, tôi không còn nhớ Thư và Thái mua gì, riêng tôi mua bánh nếp nhân đậu xanh và còn mua cả khoai tây nữa. Bác Thềm gái dúi thêm cho mỗi đứa dăm củ khoai lang. Bác không nói gì mà quay đi liền... Hình như bác khóc. Bọn nhóc chúng tôi không biết rằng đó cũng là lần cuối với bác, với ngôi nhà đã trở nên thân quen tự lúc nào…

Rồi nơi sơ tán mới, bài vở mới và những niềm vui bé nhỏ của tuổi thơ đã kéo chúng tôi đi, đi mãi... Sau này có một số bạn về thăm Giang Soi nhưng có rất nhiều người không gặp lại được nữa. Nghe đâu bác Thềm trai đi trước, bác gái sống với chị Hoà, chị không lấy chồng vì mặc cảm rằng mình xấu...

Trong đời đã có bao lần ta ân hận? Đã bao lần ta không tìm về quá khứ dù lòng vẫn nhớ? Một năm ở Giang Soi qua nhanh như một cái chớp mắt nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí tôi bởi có quá nhiều biến động trước và sau khi đến đó. Hà Nội đành xếp trong hành trang nỗi nhớ để thay vào đó là cả một miền quê trù phú có tên Giang Soi - nơi mà lần đầu tôi được thấy con bò, con ngỗng, được biết hạt thóc đi ra từ đâu, những ruộng mạ xanh đẹp đến ngỡ ngàng để rồi trở thành cây lúa trĩu hạt... Đâu đó phảng phất mùi rơm, mùi khói....

***

PHÙNG

Khi tụi tôi tập trung về Phùng học tiếp thì cái lán đã được hoàn tất cả tháng trước. Lán có chiều dài khoảng hơn chục mét với lối đi ở giữa và hai bên là những cái phản gỗ cá nhân được đặt trên những cái mễ, tôi không biết vì sao lại gọi là mễ nữa. Hàng ngày vẫn đi lấy cơm như trước nhưng không còn ở với gia đình nào nữa.

Những chiếc phản nỗi nhau nhìn như trại lính! Tôi và Minh Châu nằm cạnh nhau. Châu đựng đồ cá nhân và sách vở trong một cái thùng gỗ xinh xắn, nó luôn gọn gàng ngăn nắp từ chữ viết. Bọn cùng lớp chả hiểu vì sao cứ lớn như thổi mà riêng Châu thì "dậm chân tại chỗ" kiểu bé hạt tiêu, chắc tại nó luôn suy nghĩ chín chắn chứ không lô tô như những đứa khác.

Vô tình mà ba nhóc con nhà "Xét lại" lại học cùng một lớp! Ba của Châu là Huy Vân - một Đạo diễn điện ảnh tài ba với nhiều phim để lại tiếng vang thời bấy giờ. Ông cũng bị bắt khi Châu 10 tuổi - như tôi và Minh Thanh (con chú Hoàng Minh Chính). Bọn trẻ vô tư ăn học chỉ có ba đứa tụi tôi đã sớm phải già...

Nhớ khi trường về Hà Nội… Cả tuần tập hát tập đàn để học sinh sơ cấp chuẩn bị biểu diễn nhưng không biết là biểu diễn ở đâu. Đến ngày lên xe ô tô đi diễn thì ba đứa con nhà "Xét lại" không được đi. Trong đầu bọn tôi cũng đã biết lý do vì sao nhưng cũng chả đứa nào thắc mắc! Đến trưa nghe tiếng xe ô tô ở sân trường tôi ngó xuống thấy các bạn ồn ào như chim vỡ tổ chạy lên cầu thang về phòng, đứa nào cũng vui vẻ cổ đeo khăn quàng đỏ, tụi nó nhao nhao kể chuyện "hôm nay được gặp bác Hồ". Thì ra là vậy, họ không cho tụi tôi (Thanh, Châu, Ánh) đi vì lo tụi tôi hỏi "Bác ơi sao lại bắt bố cháu?", hay họ sợ điều gì khác mà tôi không biết?! Tôi không nhớ là cô giáo nào đưa phần quà cho tôi. Tôi mở ra bên trong có bánh bít quy mùi bơ thơm phức và những chiếc kẹo gói bằng giấy bóng kính nhiều màu sắc! Châu và Thanh có ăn không nhỉ? Tôi thích ăn ngọt và đương nhiên cái gói kia đầy sức hấp dẫn đối với con nít nhất là ở cái thời khốn khó ấy, nhưng tôi đã không động đến chỉ vì thoáng nghĩ "sao lại ăn đồ của bọn đã bắt bố mình?". Và rồi tôi mở gói quà đó ra để lên cửa sổ hành lang cho chim cho kiến ăn... Ngày đó có lẽ chỉ là sự "phản kháng" vụn vặt của một đứa trẻ lên 12 chứ nó cũng chẳng nghĩ được gì hơn thế. Khi cha tôi tuyệt thực trong tù để đòi gặp vợ con thù đến ngày thứ 11 bọn họ cho gặp trên Bất Bạt Sơn Tây, đó là nhà tù của quân đội, trong chiến tranh thì họ giam phi công Mỹ. Trên phòng chờ ở một quả đồi, một ông tên là Tài nói với mẹ tôi: "Những hoạt động của anh chắc chị và các cháu cũng biết, đây là buối gặp mặt gia đình nên tôi khuyên chị và các cháu chỉ nói chuyện tình cảm". Lát sau tôi thấy hai người bộ đội dìu hai bên vì cha tôi không tự đi được sau 11 ngày tuyệt thực, tôi chạy vội xuống chân đồi với bố... Ông gầy hốc hác tiều tuỵ chỉ có ánh mắt là vẫn vậy, điềm tĩnh và sáng, nước mắt tôi đã trực trào nhưng mẹ đã dặn mấy lần là "đừng khóc nhé các con". Tôi ôm bố rồi nói: "Chờ mãi bây giờ nó mới đưa bố ra!". Chính câu nói này mà ngay hôm sau họ mời mẹ tôi lên Bộ Công an: "Chị về dạy lại cháu, là gì?". Mẹ tôi trả lời: “Các anh không học ngoại ngữ nên không biết, là chỉ ngôi thứ 3 vắng mặt!". Một chút nhắc lại mẩu chuyện trong muôn vàn "mẩu chuyện" kết thành nỗi thống khổ của mẹ và cả nhà tôi khi cha tôi bị chính đồng chí của ông hãm hại chỉ vì "bất đồng chính kiến".

Chuyện gia đình tôi trong những năm tháng đó dài lắm, khi khác sẽ kể, bây giờ quay lại với bọn nhóc khi về Phùng nhé!

Vì sống tập thể như vậy nên việc lây chấy lan nhanh kinh khủng! Đứa nào cũng gãi và thậm chí đang ngồi viết bài thì chấy rụng xuống vở. Con bé Hiền học tam thập lục còn bị gọi là " bú rù su su" vì tóc nó rất dày là đứa nhiều chấy nhất! Hầu như đứa nào cũng có một chiếc lược bí, lược như những que tăm dẹt nhỏ xíu đan sít vài nhau, mỗi khi chải tóc từ trên đầu xuống thì thế nào cũng có vài con chấy mắc lại trên lược. Lấy ngón cái gạt "rẹt rẹt" trên trang giấy trắng là lộ rõ kẻ thù gây ngứa rơi xuống! Sau vài lần thì trang giấy đã chuyển sang thành một bức tranh với lốm đốm nhỏ có màu máu... Tôi không còn nhớ đã làm gì để diệt chấy nhưng đúng là ác mộng! Thậm chí là lấy ngón trỏ và ngón cái tuốt chặt một sợi tóc là được vài cái trứng chấy, thả xuống bàn và lấy ngón tay trái giết nó còn kêu "lép bép"....

(Còn tiếp)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...