Tuổi thơ sơ tán cùng cây đàn (2)

13/09/2016

Kỷ niệm 60 năm Trường Âm nhạc Việt Nam

(Tiếp theo)

Nỗi nhớ nào rồi cũng nguôi ngoai, nỗi buồn nào rồi cũng đến lúc phải khép lại...

Bọn nhóc chúng tôi đã qua một mùa đông ẩm ướt, không ai không nhớ cái rét căm căm lạnh buốt thấu xương của miền Bắc. Những ngày mưa phùn trời âm u nhưng vẫn đều đặn những buổi lên lớp học đàn, học các môn phụ và hàng ngày học văn hoá như các trường phổ thông bên ngoài - có nghĩa là chúng tôi học bằng hai các bạn bên ngoài, tối đến học và làm bài văn hoá, rảnh ban ngày lúc nào thì tập đàn.

Ở Giang Soi có Nhà Thờ cổ kính rất đẹp, hai bên Nhà Thờ là hai cái ao nước trong vắt, cứ sáng Chủ Nhật là nơi cả bên Lương bên Giáo đều tụ về sân nhà thờ bán hàng, chủ yếu là trái cây và một vài loại bánh như bánh nếp nhân đậu xanh ngon tuyệt. Lũ chúng tôi còn nằm nướng bởi sáng Chủ nhật không phải đi học thì nghe chuông nhà thờ đổ, ba chị em rủ nhau ra sân nhà thờ đứa mua nải chuối đứa mua cái bánh,cây mía... Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết tiêu tiền.

- Con chào Cha ạ!

- Các con đang học gì thế? - Cha hỏi khi thấy tôi và Thư cầm cuốn Địa lý lớp 4

- Dạ,chúng con đang học về đồng bằng Bắc bộ ạ.

- Các con có biết vì sao gọi là đồng không? Ta chỉ thấy lồi lõm chứ có thấy bằng phẳng đâu?

Tôi và Thư im tịt...

Đó là mẩu đối thoại giữa chúng tôi với Cha - Người chăn dắt con chiên tại giáo sứ này. Bọn tôi rất ít có cơ hội gặp Cha. Sau này nghe nói khi Cha mất họ phải đặt quan tài riêng cho Cha vì Cha to cao hơn người!

Nhà cô Thuý dạy đàn tranh bạn Thương Vân ngay gần Nhà Thờ và các bạn Vân, Châu ở cùng cô luôn. Cô cũng là người " quản lý" lũ nhóc. Cô nói các cháu nên viết nhật ký mỗi ngày và tất nhiên không ngày nào chúng tôi bỏ, bởi đã xa cha mẹ thì việc nghe lời thầy cô là phải rồi. Riêng bạn Minh Châu piano còn vẽ bên cạnh những dòng nhật ký, khi thì con mèo kéo cello, khi thì con cáo có cái đuôi thật đẹp chơi violon, bạn ấy vẽ thật ấn tượng... Còn Anh Thái viết ngày nào cũng như ngày nào, đại loại "sáng nay thức dậy tôi đánh răng rửa mặt...", sau này còn có vụ làm thơ nữa...

Tôi muốn nhắc đến U Cân.

Người lo đi chợ cho từng bữa ăn của chúng tôi là bác Cân mà cả lũ vẫn yêu mến gọi là "U Cân ". Bác không còn trẻ nhưng là người nhanh nhẹn khỏe mạnh. Những bữa ăn ngon miệng với canh sắn hầm thịt bằm, canh bắp vải, canh su hào, dưa cải kho, thịt kho, cá kho... cứ nối đuôi nhau chui vài bụng chúng tôi... để cả lũ đứa nào cũng hồng hào! 

Ngày đó lớp tôi có bạn Mai Loan là xinh nhất vì má lúc nào cũng hồng với nước da trắng. Mấy chục sau này gặp lại nhau cả bọn "ôn nghèo kể khổ " rồi hỏi hồi xưa đứa nào yêu sớm nhất thì bạn Phan Hồng Minh piano tự thú "tao yêu sớm nhất!". Cả bọn hỏi vậy mày yêu năm lớp mấy? Yêu ai? Minh cười cười nói "tao yêu từ năm lớp 4, tao yêu Mai Loan!". Minh là con trai út của bác Phan Huỳnh Điểu. Bác gái ước một có một cô con gái nhưng đến năm đó lại là trai vì thế mẹ bạn ấy toàn may áo hơi con gái một chút cho Minh, Nó cũng bé như tôi nên chẳng để ý mặc cái gì trên người miễn sao là ấm. Minh ngồi cạnh tôi trong lớp học văn hoá, nó mặc áo khoác màu hồng cổ cánh sen và trên nền vải bông là những hình con thú bé bé... Bọn lớp hay chế “Hồng Ánh - Hồng Minh", nó tức quá liền kẻ một hàng trên mặt bàn ngăn cách giữa tôi và nó. Tôi cũng tự ái dứt khoát chẳng thèm chơi...

Một ngày đang đi từ nhà bác Thềm sang nhà bạn Thương Vân và Minh Châu, thì tự nhiên lù lù ba thằng con trai: anh Phúc Khàn cello, anh Hồng Hà (anh của Minh) và bạn Tú Anh accordéon chặn lại!

- Ê, ma mới bóc tem! Mày tên là gì? - Phúc khàn nói.

- Mày có nói không! - Anh Hà quát. Tôi mím môi để không bật khóc nhưng nước mắt đã lưng tròng.

- Thôi cho nó đi, mới thế mà đã nhè - cậu Tú Anh ra cái vẻ ta đây.

Sau này khi sơ tán về Phùng cũng chính những người bạn người anh này lại bảo vệ bọn con gái chúng tôi. Những khuya sớm cả lũ được về Hà Nội phải đi bộ qua quãng đường lầy lội thì mấy anh lại vác hết guốc dép cho cả bọn bì bõm lội ra đường chờ xe... Nếu Minh đọc được dòng này hẳn cậu ấy sẽ mỉm cười bởi quá khứ ấu thơ đã gắn kết chúng tôi thành một đại gia đình, dù cho chúng tôi mỗi đứa mỗi ngả...

Trở lại chuyện U Cân. Trưa hôm đó vì cả ba đứa đều thích ăn cháy cơm nên rủ nhau đi lấy cơm sớm. Cô Xuân nhà bếp nấu cơm vào một cái chảo bằng gang, khi cơm chín cô xúc cơm vào một cái thúng nan to và sau cùng thì úp lên trên thúng cơm những tảng cháy lấy từ chảo. Vừa vào bếp ăn bọn tôi giật mình khi thấy một nửa thân người nằm ngay giữa nhà ăn. Nhìn kỹ thì đúng thế nhưng được buộc ở phần bụng và hai ống chân. Hỏi ra mới biết U Cân đạp xe qua làng bên mua rau củ thấy họ mổ lợn U liền vào mua. Mùa đông U mặc hai quần cho ấm nên khi thấy họ bán thịt lợn mới mổ U nảy ra ý định cởi bỏ một cái quần rồi tống chỗ thịt vào hai ống quần buộc lại, treo lên xe đạp về... Từ bữa đó bọn sơ cấp chúng tôi hay nói "hôm nay mình ăn thịt U Cân".

khi đã lớn, đã làm mẹ và đi làm có lương, cứ mỗi lần nhớ về quãng thời gian này tôi tự hỏi tình yêu nào đã khiến cho những người như U Cân, cô Xuân và các thầy cô khác đã yêu thương và chăm lo cho chúng tôi đến vậy, từ cách ngồi, đi đứng, từ nét chữ thanh đậm và cả những ân cần... Phải chăng tình người khi đó nó đẹp tự nhiên như vốn có và mọi người tin nhau, tin và gửi gắm những đứa con bé bỏng cho họ - những người thầy người cô đáng kính!

Chúng tôi nên người từ những năm tháng đó!

Nỗi nhớ nhà cũng nguôi ngoai dần với hàng đống bài vở vừa văn hoá vừa đàn - Cuộc sống như dòng sông bất tận...

***

- Xong chưa Ánh ơi, Thư ơi, lâu thế? - Tiếng con Anh Thơ gọi từ ngoài cồng, nó không dám vào vì sợ đàn ngỗng "sư tử" của nhà bác Thềm. Tôi và Thư vội vã lao ra, bên ngoài còn có Thương Vân, Minh Châu, Mai Loan và một vài đứa nữa, cả lũ ra Mạnh Bồn tắm trước giờ vào học văn hoá buổi chiều.

Mạnh Bồn là một cái ao lớn, tất nhiên bây giờ mà nhìn lại chắc nó không phải vậy, nó chỉ lớn trong con mắt bọn nhóc mà thôi. Cả bọn bỏ quần áo trên bờ và lội xuống nghịch nước thì đúng hơn là bơi vì chẳng đứa nào biết bơi. Làn nước mát cuốn hút chúng tôi, tiếng cười giòn khi té nước trêu nhau...

Ôi niềm vui của "tự do" không bị ai quản lý khiến lũ nhóc ham chơi quên mọi lời dặn của các cô phụ trách, quên cả hiểm nguy nếu lỡ có đứa nào "xảy chân". Rồi việc gì đến cũng phải đến khi cái Thơ bị đỉa chui vào…, giống như Chị Chu Thận Đức từng bị. Chúng tôi bị một phen hú vía. Vụ đi bơi ở Mạnh Bồn từ đó kể như chấm dứt! 

Sau vụ này tụi tôi vẫn đi học sớm nhưng chuyển sang đi hái dâu, chọn những trái chín đen đem về ngâm đường. 

Dân thôn Giang Soi trồng dâu để lấy lá nuôi tằm ,nhà nào cũng có những cái nong rất lớn trải đầy lá dâu. Còn gì thú vị hơn khi ngắm những con tằm trắng nõn đang ăn lá, chiếc lá dâu cứ mất dần hình hài chỉ còn lại cọng.

Chị Hoà con bác Thềm chỉ cách cho chúng tôi từ lúc chọn kén. Chị lấy hai kén bỏ vào trong một cái bát úp lại và hai con ngài từ trong kén chui ra "cưới nhau" rồi đẻ trứng... Những con tằm bé xíu màu xanh và lớn dần chuyển thành màu trắng khi chúng nhả tơ cuốn quanh mình cho đến khi thành cái kén khép kín.

Chị Hoà tiếp tục chỉ cho chúng tôi cách lấy tơ như thế nào. Chị lấy một chén nước hơi âm ấm, thả cái kén vào đó rồi dùng một chiếc đũa tre khua mấy cái là một sợi tơ bám vào đầu đũa, chỉ việc kéo ra cuộn vào một lõi giấy, sợi tơ không hề đứt để cuối cùng chỉ còn lại một con nhộng... Nhà bác Thềm không lấy tơ mà bán nguyên kén, cái màu vàng, cái màu trắng trông thật thích mắt.

Khi gõ những dòng chữ này tôi không nhớ rõ tôi đã ép những sợi tơ vàng óng đó vào đâu, vào quyển sách học hay cuốn nhật ký? Ký ức vẫn mãi là ký ức, nó chẳng còn vật chứng nào để "trình làng" khoe với mọi người.

Cứ có thời gian là tụi nhóc chúng tôi tham gia với gia đình bác như giã gạo với Chị Hoà. Tôi còn nhớ một tay níu cái dây trên đầu để chày rơi xuống cối và rồi lại thả ra để cả sức nặng toàn thân lên cây gỗ đầu kia của chày để nâng nó lên... Cứ thế gạo và cám tách nhau ra. Bác gái xoay xoay cái nia thật khéo để chỉ còn hạt gạo ở lại. Tôi với Thư và Thái phụ bác nhặt thóc còn sót trên những hạt gạo ấy. Đang nhặt thóc thì bác trai gọi:

- Đứa nào đi qua nhà bên mua cho bác chai rượu!

Tôi vội đỡ lấy chai thủy tinh trên tay bác, còn bác thì đi trước đuổi đàn ngỗng cho tôi. Qua bên đó tôi gặp anh Phúc Khàn cũng đi mua rượu cho bác chủ nhà anh ấy. Anh Phúc khi đó học cello bác Tân (nghe nói bác đã để lại trong cuộc kháng chiến chống Pháp một cái chân bên phải), rồi học lên cao hơn thì anh Phúc học chú Vũ Hướng, (nói về chú Hướng hay chú Bùi Gia Tường thầy giáo của tôi, chú Hoàng Dương thầy dạy cello của các bạn Trinh, Hảo..., chắc sẽ viết vào một dịp khác).

Năm thứ nhất sơ cấp chúng tôi đã học hầu hết những bài dân ca tiêu biểu cho từng miền do cô Nguyệt Anh dạy. Đến giờ tôi vẫn thuộc "Lý chiều chiều", "Lý con sáo", "Ngồi tựa mạn thuyền"..., những làn điệu ấy đã theo chúng tôi suốt cuộc đời chẳng thể nào quên...

Chú Tiến dạy xướng âm tụi tôi gầy hóp má với nước da miền Duyên Hải. Chú dạy rất hay và dễ hiểu đến mức tôi toàn điểm tối đa cả xướng âm lẫn ghi âm (chính tả). Bọn nhóc chúng tôi đã phải nghe chính tả trí nhớ và hợp âm 3 nốt... Con bé Trang con cô Ánh dạy piano khi đó có 4-5 tuổi mà đã nói rõ tên từng nốt khi bọn tôi gõ trên piano, kể cả hợp âm. Trang con cô Ánh và Tú con cô Nguyệt Anh thường xuyên chí choé với nhau, sau này Mai Trang dạy piano ở Nhạc viện TP HCM, Tú thì tôi không biết em ấy có còn chơi đàn hay không....

Việc học đàn gần như không thể đẩy nhanh tốc độ được, nó không thể muốn là được ngay. Tôi thấy Anh Thư ngồi miệt mài bên piano, khi đó bạn ấy học bác Vượng. Bác theo trường nhạc nốt năm đó thôi vì tuổi đã lớn và sau đó tôi không còn thấy bác dạy nữa nhưng tôi không bao giờ quên bác. Ở bác Vượng đọng lại như một định nghĩa về một phụ nữ Hà Nội xưa - điềm tĩnh và quý phái!

Bất cứ ai học từ sơ cấp Trường Nhạc đều biết vợ chồng bác Tòng dạy violon và cô Tấn dạy môn Sinh. Bác Tòng tuy không dạy bọn tôi nhưng bác thường nhắc "hãy chăm chỉ lao động và đừng lo hỏng tay. Bác đã từng kéo cả cái xe bò giúp dân mà chơi đàn vẫn tốt, chỉ cần khi tập đàn các cháu hãy thả lỏng bàn tay cánh tay".

Dạy piano sơ cấp còn có bác Minh Thu, mẹ của anh Thiện violon và bạn Bích Trinh cello, đã bao học sinh piano trưởng thành từ tay bác!

Khi bọn nhóc chúng tôi không còn là "ăn nhờ ở đậu" dân làng mà đã như thành viên của từng gia đình cũng là lúc chúng tôi phải rời xa họ để chuyển về Phùng gần Hà Nội hơn. Ở Phùng chúng tôi sống theo "lán" chứ không còn ở nhà dân như Giang soi nữa. Cuộc sống tập thể từ đó bắt đầu với những va chạm mới nhưng cũng đầy thú vị...

Kỷ niệm với Giang Soi chắc chắn còn rất nhiều chuyện để kể, về người dân hiền hoà nhân hậu, về thầy cô đã truyền cho chúng tôi bao kiến thức như thầy Thiệp, cô Chúc, cô Minh, cô Thảo... Và cả về những ngôi nhà, những lối đi bằng gạch đỏ, những sân phơi thóc, những bể nước mưa...

Hy vọng ai đó sẽ viết thêm để nhớ mãi một thời thơ bé với cây đàn của mình.

Ánh Hồng Vũ's photo.

 

 

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...