Tùng Dương và mối duyên đặc biệt với 'Bộ tứ sông Hồng'
Tôi có những kỷ niệm rất đặc biệt với bộ tứ sông Hồng, thật ra gọi là bộ tứ Hà Nội nhưng vì hai năm trước tôi thực hiện liveshow “Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng” nên đã xin phép các chú đổi tên là Bộ tứ sông Hồng. Vì tôi nghĩ sông Hồng là một dòng sông lịch sử đã chảy dài theo năm tháng và gắn bó với con người Hà Nội, những biến động những sự thay đổi của thời thế, của con người nơi đây và đặc biệt là nơi sinh ra cả 4 nhạc sĩ. Đây cũng là mảnh đất đã dung dưỡng những tài năng để các chú trở thành những tác giả lớn như những viên gạch đầu tiên cho nền nhạc nhẹ Việt Nam.
4 nhạc sĩ là 4 màu sắc âm nhạc, 4 chân dung, 4 tượng đài cũng như là 4 trường phái âm nhạc khác nhau và đã có ảnh hưởng tới tôi rất lớn trong việc hình thành và phát triển màu sắc âm nhạc của chính mình.
Năm 1995, khi tôi mới 11 tuổi, giọng hát còn chưa vỡ, vẫn lanh lảnh và chỉ thích hát những bài người lớn, thông qua một người bạn của bố dẫn duyên, tôi có cơ hội gặp hai nhạc sĩ Dương Thụ và Trần Tiến. Hồi đó tôi hát Em ơi Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang, nghe xong hai ông nhận xét: ''Tùng Dương có giọng hát rất đặc biệt nhưng muốn trở thành ca sĩ chuyên nghiệp thì phải chờ vỡ giọng''.
Trước khi ra về, nhạc sĩ Dương Thụ dúi vào tay tôi cuộn băng cát xét của Ru em bằng tiếng sóng còn nhạc sĩ Trần Tiến dúi vào tay tôi tập nhạc có tên gọi Mặt trời bé con, từ đó cho tôi cơ hội biết sâu hơn về âm nhạc các chú. Tôi nghe băng cát xét hàng ngày, tôi lại học qua tập nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến. Dù còn nhỏ nhưng tôi đã được học về âm nhạc của các ông rất sớm. Những bài hát gai góc hay những bài hát tình yêu như Cho em một ngày, Đen và Trắng, Mặt trời bé con, Vết chân trần trên cát, Ngẫu hứng sông Hồng,… tôi đã nghe từ bé và hát nghêu ngao trước gương.
4 vị nhạc sĩ mà tôi yêu mến có những mối duyên tới với tôi rất sớm. Tôi đã nhiễm âm nhạc của họ lúc nào không biết. Trong khoảng thời gian tôi học Học viện âm nhạc quốc gia, xu hướng âm nhạc đang thịnh hành khi đó là nhạc Hoa lời Việt. Các đồng nghiệp của tôi phải hát những bài hát đó thì mới có khán giả và tôi đã từng bị từ chối vì hát nhạc của các ông. Khi hát thử cho các ông bầu, họ đều nói: Em hát rất hay nhưng những dòng nhạc kén người nghe quá, nếu em hát nhạc này sẽ không có khách nên anh đành phải từ chối em. Khi họ hỏi tôi có hát được bài nhạc Hoa lời Việt nào không tôi lại ấp úng, trong cái list của tôi chỉ có những bài tôi hay hát như Không thể có thể, Ly café ban mê, Ngẫu hứng sông Hồng... nên nó không phù hợp với các tụ điểm âm nhạc.
Năm 2018, tôi tri ân các chú bằng 2 đêm nhạc và xin phép đổi tên Bộ tứ Hà Nội thành Bộ tứ sông Hồng. Để thực hiện được chương trình này rất khó bởi phải tụ hợp được cả 4 nhạc sĩ trong khi các ông đã có tuổi và mỗi người sống một nơi. Tuy nhiên, khi tôi nói với các chú là tôi sẽ thực hiện đêm nhạc này thì cả 4 người đều rất đồng tình hưởng ứng.
Tôi nghĩ việc làm một đêm nhạc như vậy là một sứ mệnh. Ngoài sảnh nơi diễn ra đêm nhạc, tôi đã dựng 4 cái cột và viết tên các ông như 4 màu sắc âm nhạc khác nhau mà tôi đã biết. Ví dụ nhạc sĩ Phó Đức Phương tôi chọn màu nâu đất, nó mộc mạc dung dị nhưng vẫn đầy mê đắm, đầy trăn trở về quê hương. Chúng ta nghe những tác phẩm như Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Không thể có thể, Về quê, Chảy đi sông ơi,… những bài hát đều nói về chiều dài lịch sử hay vẻ đẹp quê hương đất nước, cái âm nhạc dân gian nó thấm vào máu thịt xương tủy của các ông. Cho nên màu nâu đất rất phù hợp với màu sắc âm nhạc của Phó Đức Phương, nó hào sảng nhưng vẫn khắc khoải cảm xúc dành cho nơi ông sinh ra hay cho quê hương Việt Nam.
Với nhạc sĩ Trần Tiến màu đen trắng rất phù hợp với những tác phẩm của ông, nó mang tính triết lý cao về thân phận con người về sứ mệnh cuộc đời. Ông viết về những mặt trái của cuộc sống, viết về những thăng trầm của chính mình như là một chuyến du ca của cuộc đời ông vậy. Những sáng tác sau này của chú Tiến mang hơi hướng triết lý nhà Phật như Mưa bay tháp cổ, Sen hồng hư không, Ra ngõ tụng kinh ... phải chăng sự tĩnh tại và giác ngộ Phật Pháp là điều mà cả chuyến hành trình du ca ông luôn kiếm tìm và đã tìm thấy?! Con người khi gần với thiên nhiên, cây cỏ... bỏ qua hết những muộn phiền, những hỷ, nộ, ái, ố ... và buông bỏ hết để cảm thấy an nhiên...
Nhạc sĩ Dương Thụ là màu xanh lam, nó rất lãng mạn, bay bổng nhẹ nhàng và tinh khiết, trong lành. Trong âm nhạc của ông mọi người có thể cảm nhận nó âm tính vì viết về người phụ nữ rất nhiều. Những bóng hồng trong âm nhạc của Dương Thụ rất nhiều, tuy nhiên tôi lại nhìn thấy trong đó là suy nghĩ của một người đàn ông từng trải dám đối mặt với nỗi buồn, những nỗi cô đơn thường trực và ca ngợi sứ mệnh của người phụ nữ trong cuộc đời. Những tác phẩm như Họa mi hót trong mưa. Cho em một ngày, Em đi qua tôi, Hơi thở mùa xuân, đó là những bài hát rất đẹp và nhiều màu sắc tình yêu, nó cũng rất bất diệt, mạnh mẽ.
Màu đỏ dành cho nhạc sĩ Nguyễn Cường vì ông lúc nào cũng chói chang như mặt trời, có cái hào sảng hùng vĩ của núi rừng. Tôi coi ông như là một người khai thác chất liệu văn hoá dân gian đến tận cùng. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng giống như nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông khai thác triệt để lòng tự tôn dân tộc trong tác phẩm của mình. Nó phơi phới rộng mở và cũng có sự bí ẩn như là chính chiếc mũ phớt của ông. Những bài hát như Mái đình làng biển, Hò biển, Đàn cầm dây vũ dây văn, hay Em muốn sống bên anh trọn đời, Ly café ban mê, ông cho chúng ta thấy được sức lay động mạnh mẽ của cái gọi là bản sắc văn hóa Việt. Các sáng tác của họ cho tôi được vẫy vùng trên sân khấu và sau đêm diễn tôi đã làm hài lòng được cả 4 vị nhạc sĩ khó tính này.
Có một kỷ niệm nữa là sau đêm diễn đầu tiên chúng tôi đã đi ăn với nhau và tôi được tụ họp với 4 nhạc sĩ, nghe các ông kể chuyện, những câu chuyện mà bây giờ mới thổ lộ với nhau. Thông qua cơ duyên tôi tổ chức đêm diễn này nên 4 ông được gặp lại, nói những câu chuyện thời trai trẻ. Tôi ngồi mà nước mắt cứ trào dâng vì quá xúc động. Họ như những người cha trong âm nhạc của tôi vậy.
Dù là ở những thế hệ khác nhau nhưng tôi vẫn được các ông chia sẻ, coi mình như một người bạn non tuổi. Nhạc sĩ Trần Tiến khi viết bài mới đã gửi ngay cho tôi: “Bố vừa viết bài Sen Hồng hư không, gửi con nghe demo, thích thì hát” và cuối cùng nó lại thành bài hit được rất nhiều người ưa thích. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cách đây có 3 tháng đưa cho tôi một sáng tác mới nhất có tên ''Mênh mang một khúc sông Hồng''. Tôi có ý định thu âm bài hát này sau khi dịch Covid -19 hết hẳn để gửi tặng cho ông. Tuy nhiên, mới đây qua một người bạn tôi được báo tin nhạc sĩ Phó Đức Phương đang ốm phải nằm viện. Tôi gọi cho bố mình để cùng đến thăm nhạc sĩ Phó Đức Phương ngay. Người tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng mà tôi trân quý vẫn tình cảm và yêu thương tôi như ngày nào, chỉ có tôi là phải nén cảm xúc để những giọt nước mắt không rơi khi nhìn ông hao gầy đi nhiều quá.
Có thể nói cả nhạc sĩ Phó Đức Phương - Trần Tiến - Nguyễn Cường - Dương Thụ đều dành cho tôi những lời khuyên như những người cha người ông dành cho con cháu trong nhà.
Tôi lại tự hào vì âm nhạc Việt Nam có quá nhiều những cá tính âm nhạc mạnh mẽ và màu sắc âm nhạc riêng biệt để cho lớp trẻ sau này có những dòng âm nhạc ôn hòa hơn nhưng vẫn phải cảm ơn các ông bởi bộ tứ sông Hồng như “Vừng ơi mở ra” vậy. Có thể âm nhạc của các ông không có thanh âm cuộc sống ngày hôm nay nhưng những lời ca các ông viết mang tính triết lý hay tư tưởng trong các tác phẩm của các ông đều là những giá trị vĩnh cửu. Tôi nghĩ đó là điều kiện để tác phẩm của họ trở thhttps://vietnamnet.vn/ành bất hủ và là thách thức với bất cứ nghệ sĩ nào. Quãng giọng của người nghệ sĩ nào khi hát cũng phải thể hiện được màu sắc riêng nhưng không thể nào làm mất đi cái phong cách riêng của từng nhạc sĩ.
Những câu chuyện của các nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương không phải chỉ của thời đại đã qua mà còn của hôm nay, của mai sau nữa. Những ca khúc hay một khi đã nằm lòng công chúng, sẽ không bao giờ thuộc về một thời. Chúng là xuyên thời, của mọi thời.
Nhạc sĩ Trần Tiến viết bài hát Lữ khách sông Hồng trong đó có câu: “Lữ khách sông Hồng còn đi mãi, trời đất mang mang cõi hồng hoang, một cánh chim băng áo tả tơi, đường kiếm giang hồ bỗng lẻ loi” khiến tôi đồng cảm. Với tôi 4 ông như những lữ khách sông Hồng luôn luôn là đường kiếm lẻ loi. Họ có những điểm khác nhau nhưng cũng có sự tương đồng. Họ đều đã phiêu du khắp nơi trên giải đất chữ S, để lại những dấu ấn ở những nơi họ đi qua nhưng cuối cùng ai cũng nhận ra dấu vết sông Hồng không thể nào phai mờ, không mất đi đâu được.
Tùng Dương hát trong liveshow Bộ Tứ sông Hồng năm 2018
(Nguồn: https://vietnamnet.vn/)