Tự do và sở hữu trong hoạt động sáng tác

02/07/2020

Đọc tác phẩm: “Tư tưởng hiện đại” của nhà thơ Bùi Giáng, tôi không khỏi ngạc nhiên trước nhiều đoạn văn được tác giả viết như lời “mộng mị”. Chúng cung cấp cho độc giả dữ liệu phong phú giúp nhận diện một tác giả, đồng thời cho thấy tinh thần thượng tôn quyền tự do sáng tạo bấy giờ. Tinh thần đó dường như đã phai lạt, thậm chí biến mất sau năm 1975.

Thái độ trọng thị đối với người sáng tạo vô cùng cần thiết trong hoạt động nghệ thuật. Tự do và sở hữu vốn là hai quyền không tách rời nhau. Nếu bảo hộ quyền sở hữu mà không tôn trọng quyền tự do sáng tạo thì khó thể biết một tác phẩm sinh ra như thế nào? Nó có thực sự là đứa con tinh thần của người sáng tạo hay không? Giống như hoạt động sản xuất vật chất, tiền đề của luật bảo hộ quyền sở hữu đối với người có tài sản là sài sản ấy phải thuộc sở hữu người được bảo hộ. Trên cơ sở đó, người có tài sản mới được quyền chuyển nhượng, mua bán, trao đổi hoặc trao tặng… Đối với lĩnh vực sản xuất tinh thần, tác phẩm nghệ thuật được bảo hộ bởi quyền sở hữu trí tuệ, song nếu quyền tự do sáng tạo không được tôn trọng, tác phẩm sinh ra chưa chắc đã thuộc người có quyền sở hữu. Ví dụ, một tác phẩm thơ ca hay tiểu thuyết, trong quá trình kiểm duyệt, người biên tập tự ý chỉnh sửa, cắt xẻo “của quý” của tác giả. Khi ấy tác phẩm ra đời tuy nhận được sự bảo hộ của luật sở hữu trí tuệ, nhưng lại không đúng ý đồ tác giả. Kết quả là luật sở hữu trí tuệ đã bảo hộ sản phẩm không hoàn toàn thuộc người có quyền sở hữu.

Trên thực tế, khi quyền tự do sáng tạo không được tôn trọng thì quyền sở hữu cũng không còn nguyên nghĩa. Chẳng hạn, tác phẩm đứng tên người A, nhưng do người B, C, D… gia công, chỉnh sửa, thậm chí bóp méo ý đồ, ý tưởng của người sáng tạo (A). Khi ấy tác phẩm giống như đứa con sinh ra bởi một cuộc “quần hôn”, “đầu Ngô mình Sở”. Tác phẩm tuy nhận được quyền bảo hộ (sở hữu trí tuệ), nhưng do quyền tự do sáng tạo không được tôn trọng, nên đã bị bức hại trước khi “lọt lòng”. Bởi vậy, quyền tự do và sở hữu phải tiến hành song song nhằm tránh tình trạng chia cắt tiến trình sáng tạo theo tư duy tuyến tính.

Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức L.V. Betthoven trong lần thưởng thức tác phẩm của mình do người học trò trình diễn, nghệ sĩ này đã làm sai lạc tác phẩm của thầy, sau buổi biểu diễn kết thúc, Betthoven đã góp ý khéo rằng: “tác phẩm của tôi được anh đàn rất hay, nhưng anh nên thông cảm cho tác giả của nó vẫn muốn nghe tác phẩm của mình như nó được sinh ra”. Trở lại tác phẩm “Tư tưởng hiện đại” của nhà thơ Bùi Giáng, nếu nhìn theo nhãn quan thời đại, rõ ràng nhiều đoạn văn trong tác phẩm “chưa ổn”, song, đứng ở góc độ văn hóa, nó đã nhận được sự hậu thuẫn của luật pháp nhằm bảo vệ quyền tự do sáng tạo. Qua đó giúp cho người đọc hiểu, tiến sâu hơn vào địa hạt tư tưởng của tác giả, đồng thời có thể liên hệ rộng ra cả một thời đại.

Hiện tại, quyền sở hữu đã được pháp luật bảo hộ, nhưng quyền tự do sáng tạo vẫn chưa được tôn trọng, đề cao đúng mức. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa, văn nghệ. Tương ứng với nó là tình trạng lạm quyền trong hoạt động kiểm duyệt. Từ vai trò “bà đỡ”, hoạt động kiểm duyệt đi tới chỗ “cầm cân nảy mực”, cắt xén, tự làm sai ý đồ, bóp méo tư tưởng, ý tưởng của tác giả. Nếu làm phép so sánh, tư tưởng một thời đại phải lớn hơn một tác giả, song ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, xuất phát từ định kiến xã hội mà tư tưởng của tác giả bị trói buộc bởi tư tưởng thời đại. Nhiều hiện tượng cho thấy, do sự hẹp hòi của thời đại mà có tác giả, tác phẩm bị đẩy ra bên lề đời sống, tồn tại vất vưởng, thậm chí bị tước mất quyền hội nhập xã hội, ví dụ như nhiều tác phẩm văn chương lãng mạn một thời đã phải chịu trận. Khi thời đại, xã hội có nhiều dòng chảy đan xen nhau, điều kiện tiên quyết là hai bờ tư tưởng phải rộng. Nếu hai bờ tư tưởng hẹp, nó không đủ sức chứa để làm nên sự phong phú của đời sống.

Trong hoạt động sáng tạo, cơ hội của con người bình đẳng với nhau. Xã hội thị trường dựa trên nền tảng cạnh tranh và quan trọng là, chúng ta cạnh tranh nhau về cơ hội tự do sáng tạo. Thực tế chỉ ra, người phát minh, sáng chế ra chiếc tàu thủy có xu hướng không thích người khác làm ra tàu hỏa; người làm tàu hỏa không thích người làm ra chiếc ô tô; rồi các hãng ô tô, xe buýt truyền thống không ưa xe Grap, Uber… Nếu luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giành cho các hãng tàu, xe mà không bảo hộ quyền tự do sáng tạo, nhất là sáng tạo cơ hội, rất có thể cuộc cạnh tranh tiếp tục rơi vào tình trạng lũng đoạn bởi các “ông nhớn”, như dịch vụ viễn thông chẳng hạn. Tự do sáng tạo làm nên cơ hội cho các cá nhân, tổ chức, quốc gia tham gia vào quá trình cạnh tranh. Trước tình hình này, nhiều dân tộc đã biết chớp thời cơ làm nên cơ hội trong cuộc cách mạng khoa học, công nghệ. Tất nhiên, cũng có quốc gia, dân tộc vì nhiều lý do đã bỏ lỡ cơ hội, đặc biệt là cơ hội tự do tư tưởng nhằm tạo nên bước đột phá trong hoạt động sáng tạo. Đây vừa là trở ngại, vừa là thách thức đối với nước ta. Nếu không muốn tụt hậu so với thời đại, thế giới, hoạt động kiểm duyệt cần “lùi một bước” để vượt qua chính mình. Nhiều trường hợp kiểm duyệt đã gây trở ngại, thậm chí cản trở bước tiến của văn học nghệ thuật. Tình trạng kiểm duyệt lạm quyền khiến cho nhiều đứa con tinh thần bị “sảy thai” hoặc đem đi “chấn thương chỉnh hình” trước khi chào đời. Chúng ta không phủ nhận vai trò kiểm duyệt, nhưng nhân danh “kiểm duyệt” đi đến chỗ can thiệp thô bạo vào quá trình sáng tạo chẳng khác nào hành vi tự ý làm sai lệch kết quả trong hoạt động y khoa. Bởi vậy, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tự do sáng tạo phải thực hiện song hành, một mặt đảm bảo cho sản phẩm sáng tạo được bảo hộ, tránh bị xâm hại, mặt khác bảo đảm quyền tự do sáng tạo được phát huy nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm ra đời đúng như mong muốn của người sáng tác. Hai quyền này tuy hai, nhưng thực chất là một trong hoạt động sáng tạo, từ đó làm cơ sở cho sự phát triển phong phú, đa dạng của đời sống văn hóa nghệ thuật.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...