Truyền thông phải cảnh báo nội dung nếu không phù hợp với trẻ
Từ ngày 1-10, khi phát sóng, phát thanh hoặc đăng tải những nội dung không phù hợp với trẻ em, các phương tiện thông tin truyền thông phải có cảnh báo.
Đó là một trong những nội dung đáng quan tâm của thông tư quy định về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.
Thông tư do Bộ Thông tin và truyền thông ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-10.
Bảo vệ trẻ trước sự chồng chéo thông tin
Anh Trần Khánh Hưng - phụ huynh tại Hà Nội - đánh giá những quy định cảnh báo thông tin không phù hợp với trẻ em là rất tích cực.
Bởi lâu nay nhiều người chưa hề có ý thức về việc cho trẻ xem, nghe những nội dung có thể có hại hoặc chưa phù hợp với trẻ.
Nay có cảnh báo thì các bậc phụ huynh sẽ cần phải cẩn trọng hơn, dần dần sẽ tạo ra cho mình một bộ lọc để tự sàng lọc các nội dung khác, kể cả khi không có cảnh báo. Những quy định này là văn minh và đúng đắn, chúng ta thực hiện hơi muộn nhưng là cần thiết. Rất cần những chuẩn mực như vậy (dành cho đối tượng trẻ em nào, có phù hợp hay không), như các chuẩn mực về xếp hạng phim chẳng hạn, để tất cả cùng hiểu rõ và thực hiện. Anh Trần Khánh Hưng |
Điều 16 của thông tư quy định khá chi tiết đối với việc cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo chí, xuất bản phẩm.
Những cảnh báo nội dung không phù hợp có thể bằng nhiều phương thức như âm thanh, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng... nhưng phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nhận biết.
Nội dung cảnh báo phải thể hiện được các khuyến cáo như: nội dung không phù hợp với trẻ em, đề nghị cân nhắc trước khi đọc, nghe, xem; cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn nếu trẻ đọc, nghe, xem.
Chương trình, phim có hình ảnh và chi tiết nhạy cảm, khuyến cáo nên có sự hướng dẫn của phụ huynh khi xem.
Phải ghi rõ các nội dung không phù hợp với trẻ em dưới 6 tuổi, từ 6 đến 11 tuổi, từ 11 đến 16 tuổi.
Các xuất bản phẩm dành cho trẻ em có nội dung về giáo dục giới tính, chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải ghi "cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc" tại trang tên sách hoặc bìa 4.
Lẽ ra những quy định như thế này đã phải được xây dựng từ lâu, đặc biệt là khi bước vào thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin với sự dễ dàng tiếp cận các kênh thông tin trên mạng, truyền hình... Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh bày tỏ |
Người sáng lập câu lạc bộ Đọc sách cùng con góp ý: "Đi kèm với quy định này cần có những hướng dẫn chi tiết không chỉ cho nhà báo, mà cho các bậc phụ huynh.
Hướng dẫn để họ hiểu rõ mức độ quan trọng của việc bảo vệ đứa trẻ trong cuộc sống chồng chéo mạng lưới thông tin - truyền thông, không phẩy tay coi thường được, sẽ dẫn đến những hệ lụy khác mà hậu quả đối với từng em nhỏ có thể nhãn tiền cũng đôi khi không nhìn thấy ngay".
Mỗi nơi sẽ làm một kiểu?
Là một chuyên gia thực hiện các dự án sân khấu cho trẻ em, thạc sĩ Hoàng Duẩn - giảng viên ĐH Văn hóa TP.HCM - cho biết thông tư này chắc chắn có giá trị với phụ huynh và đặc biệt là các em.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Duẩn, để thông tư được thực hiện hiệu quả thì cần chú ý quy định cụ thể rõ hơn, nếu không thì mỗi nơi sẽ làm một kiểu.
Chẳng hạn: Biểu tượng như thế nào? Có cần phải quy định kích cỡ, nội dung biểu tượng theo chuẩn nào không? Có theo một số biểu tượng chung mang tính toàn cầu, hay là biểu tượng mới sáng tác? Ai duyệt biểu tượng?
Cần có một chiến dịch hoặc một đợt truyền thông để người dân hiểu được, quen với việc cảnh báo này và đó cũng chính là một trong những cách làm sao để các gia đình, các bậc phụ huynh quan tâm hơn, có trách nhiệm hơn với việc dạy dỗ con cái mình.
Ông Hoàng Duẩn góp ý: Cần có một nội dung chế tài cụ thể, nếu vi phạm thì phạt thế nào? Phạt có đủ sức răn đe không?
Với các trường hợp không phải trên báo, trên truyền hình, mà là các clip lan truyền trên mạng xã hội đưa những thông tin và hình ảnh nhạy cảm liên quan đến trẻ em thì xử phạt ra sao? Cần xử phạt răn đe đủ mạnh thì thông tư mới có hiệu lực và có tính khả thi.
Viết cho trẻ em trên báo người lớn? Theo ông Nguyễn Khắc Cường - tổng biên tập báo Khăn Quàng Đỏ - tờ báo có nội dung hoàn toàn phù hợp với trẻ em, thông tư này rất đáng hoan nghênh vì sẽ có thêm công cụ để bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, ông kiến nghị: Bộ Thông tin và truyền thông nên thống nhất dấu hiệu cảnh báo cho từng loại hình báo chí: Báo in cảnh báo bằng hình gì? Báo điện tử dấu hiệu ra sao? Báo nói thì âm thanh nào?... Đừng để mỗi cơ quan báo chí làm một kiểu, như vậy sẽ rất khó cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn các em. Bên cạnh đó, cần phân biệt viết về trẻ em cho trẻ em đọc, hay viết về trẻ em cho người lớn đọc? Bởi tác phẩm viết cho trẻ em đọc cũng không nên đăng trên báo người lớn dù với tỉ lệ rất nhỏ. Vì coi chừng các em sẽ "nhân tiện" đọc luôn các bài viết về vụ án, tình yêu, tình dục... thì không hay. Ông Cường cũng băn khoăn thông tư này chỉ mới đề cập đến báo chí, xuất bản phẩm... Làm sao bảo vệ được trẻ em trước rất nhiều nội dung không phù hợp đang được đăng tải tự do trên mạng xã hội? D.Nguyễn ghi |
(Nguồn: http://tuoitre.vn)