Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam: lên vị thế tương xứng trong nghề nghiệp ở khu vực và thế giới

17/01/2020

Sáng 14 tháng 1 năm 2020, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã tổ chức Lễ tổng kết hoạt động năm 2019 và phương hướng công tác năm 2020.

Tới dự có: ông Nguyễn Văn Hạ - Phó Cục trưởng Cục An ninh - Chính trị - Nội vụ, Bộ Công An; ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục bản quyền - Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch; nhạc sĩ Phó Đức Phương - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, thường trực Hội đồng cố vấn; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam; ông Hoàng Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Phó Giám đốc chi nhánh phía Nam; nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành Trung ương; Hội bảo vệ bản quyền ca sĩ biểu diễn; Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Văn học Việt Nam; Hiệp hội sao chép Việt Nam; Hiệp hội Điện ảnh Việt Nam, cùng các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh - truyền hình; đặc biệt là sự hiện diện của gần 300 nhạc sĩ, đại diện cho 4.300 tác giả thành viên của Trung tâm.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội, các nhạc sĩ lão thành: GS Chu Minh, Tiến sĩ Doãn Nho, đông đảo các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ khu vực Hà Nội, phóng viên các báo, đài Trung ương và Hà Nội…

 Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), 17 năm qua từ con số 0 tác quyền với số thành viên  hơn 200 tác giả, đến nay, VCPMC là Tổ chức đại diện Quyền tác giả âm nhạc của gần 4.300 thành viên trong nước. VCPMC cũng đã ký hợp tác song phương với 77 (CMOs), Tổ chức quản lý tập thể quyền của Thế giới ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoạt động của VCPMC đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và công ước của quốc tế mà Việt Nam là thành viên chính thức của CISAC, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC.

Năm 2019, VCPMC vinh dự có mặt trong Cuộc họp Đại hội đồng Liên minh CISAC - Tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) và là đại diện duy nhất cuả Việt Nam tại cuộc họp này, và được vinh dự báo cáo tài chính tại Cuộc họp Đại hội đồng Liên minh CISAC. VCPMC cũng đã tham gia nhiều Hội thảo tập huấn về hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, đồng thời được tham dự những Hội nghị quan trọng về việc phát triển và mở rộng hoạt động bảo vệ quyền tác giả trong thời đại công nghệ số toàn cầu, diễn ra ở các nước: Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippine….

Trong năm 2019, Trung tâm đã đạt được những kết quả trong các hoạt động:

Về công tác đối ngoại, VCPMC đã ký thỏa thuận ủy quyền song phương, hợp đồng hợp tác với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản (Publishers) với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc).

Cử nhân sự tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên minh CISAC và hội thảo tập huấn về hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc vào hai ngày 28/5, 29/5/2019 tại Nhật Bản (có 40 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc thành viên CISAC mở rộng tham dự).

Thường xuyên trao đổi thông tin với các CMOs trong việc xác minh tác phẩm, hỗ trợ công tác cấp phép của các bên. Tham gia các chương trình hội thảo, tập huấn tại nước ngoài do Cisac tổ chức bao gồm các nội dung liên quan đến bản quyền, hoạt động cấp phép sử dụng, phần mềm lưu trữ, đối soát tác phẩm; đón tiếp các phái đoàn CMOs và Publishers đến làm việc tại Việt Nam nhằm hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn sử dụng phần mềm.

 Về công tác phát triển hội viên, số lượng thành viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC trong năm 2019 là 270 tác giả. Tổng số thành viên viên ký hợp đồng uỷ quyền tại VCPMC đến nay là 4.259 tác giả, trong đó có 1.465 tác giả phía Bắc, 2.794 tác giả phía Nam.

Trong năm 2019, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là: 133,574,344,418 đồng, tăng 28% so với năm 2018, trong đó: Phân phối, chi trả: Trong năm 2019, VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền (đã trừ phí quản lý) là: 68,345,692,878 đồng.

Năm 2019, Trung tâm đã đạt được nhiều kết quả tốt trong các hoạt động: Cấp phép các lĩnh vực/loại hình kinh doanh dịch vụ có sử dụng nhạc nền; Lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật; Lĩnh vực phát thanh, truyền hình; Lĩnh vực file - midi karaoke; Lĩnh vực trực tuyến, tăng cường rà soát, phát hiện các kênh Youtube và link vi phạm quyền tác giả để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả; Về sử dụng âm nhạc trên mạng xã hội Facebook; Pháp lý, xử lý vi phạm; Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật…

Đặc biệt trong dịp gặp mặt thân mật này, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã tặng quà Tết cho một số các tác giả thành viên và đại diện các gia đình nhạc sĩ, nhà thơ có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe không tốt.

Ghi nhận những nỗ lực vượt trội của VCPMC trong thời gian qua, Hội Nhạc sĩ Việt nam đã quyết định trao tặng Bằng khen cho VCPMC nhằm khích lệ, động viên Ban lãnh đạo cũng như tập thể cán bộ, nhân viên VCPMC.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong phát biểu tại buổi lễ đã chúc mừng thành công thắng lợi của Trung tâm với những nỗ lực của toàn bộ cán bộ nhân viên, kỹ thuật viên của Trung tâm trong năm 2019: “Mỗi một năm đà phát triển của Trung ngày một đi lên, chất lượng của công việc càng đi vào thực chất và cũng đúng với định hướng cũng như mục tiêu của Trung tâm là bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đánh giá cao kết quả hoạt động của Trung tâm cũng như năng xuất lao động của Trung tâm trong thời gian qua. Một trong những lĩnh vực mà Trung tâm phát triển hiện nay có hướng tốt là công tác đối ngoại, công tác bản quyền ở lĩnh vực quốc tế, mở rộng mạng lưới quan hệ với các đơn vị đồng nghiệp quốc tế; nâng cao công nghệ, sử dụng những phương tiện kỹ thuật tiên tiến, rất minh bạch và khoa học... Đó chính là nguồn lực đưa vị thế của Trung tâm lên ngang tầm các quốc gia trên thế giới”.

Phát huy những kết quả đạt được, VCPMC đã đề ra kế hoạch hoạt động năm 2020 như sau:

Lập kế hoạch chỉ tiêu năm 2020, cân đối và phân bổ chỉ tiêu các lĩnh vực cấp phép phù hợp tình hình thực tế và sự thay đổi công nghệ, hình thức sử dụng âm nhạc.

Lập kế hoạch triển khai tập huấn, tuyên truyền và cấp phép sử dụng quyền tác giả âm nhạc tại thành phố Đà Nẵng năm 2020; báo cáo và đề nghị phối hợp với Cục Bản quyền tác giả, với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Hiệp hội khách sạn để triển khai thực thi quyền tác giả tại địa bàn thành phố Đà Nẵng, từng bước phối hợp mở rộng đến tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh/thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương trong công tác tập huấn, tuyên truyền, thực thi bảo hộ quyền tác giả; sắp xếp lịch thu tác quyền tại các tỉnh, thành phố, quận/huyện đã và đang triển khai.

Triển khai phương thức đo đếm số lượng, tần suất sử dụng tác phẩm ở lĩnh vực phát thanh - truyền hình, làm cơ sở để đàm phán, thỏa thuận phù hợp với các Đài, đặc biệt để giải quyết tồn đọng nhiều trường hợp ở các Đài do còn chưa thống nhất phương thức tính theo lượt sử dụng, dẫn đến tình trạng chậm trễ ký hợp đồng và chi trả tác quyền trong một số năm gần đây.

Thử nghiệm và áp dụng phương thức, công nghệ đo đếm số lượng và lượt sử dụng tác phẩm ở các lĩnh vực trực tuyến.

Áp dụng triệt để các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật, khởi kiện và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các trường hợp cố ý làm trái quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ về thực hiện nghĩa vụ “xin phép và trả tiền” khi sử dụng quyền tác giả (liên quan đến các trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân mua bản ghi để sử dụng nhưng viện cớ đã mua “bản quyền bản ghi” để né tránh, không xin phép, không trả tiền sử dụng quyền tác giả, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của các tác giả); trên cơ sở đó, làm rõ và thông tin đầy đủ đến các tác giả thành viên và các đơn vị sử dụng các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc Sky Music thời gian vừa qua cũng như một số vụ việc tương tự phát sinh gần đây, giúp các đơn vị sử dụng tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan một cách đầy đủ, rõ ràng, tránh nhầm lẫn dẫn đến có hành vi xâm phạm quyền.

Chú trọng công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên; đẩy nhanh tiến độ tái ký các hợp đồng ủy quyền theo mẫu hợp đồng ủy quyền mới cập nhật ở cả 2 miền, củng cố cơ sở pháp lý nhằm quản lý khai thác và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên VCPMC.

Cập nhật, bổ sung biểu mức nhuận bút nhằm phù hợp với sự thay đổi của công nghệ và các lĩnh vực sử dụng âm nhạc trên thực tế nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của các tác giả, báo cáo thông qua ý kiến Hội Nhạc sĩ Việt Nam để triển khai, thực hiện.

Cử nhân sự đi dự các khóa tập huấn, đào tạo, hội thảo ở nước ngoài để đáp ứng yêu cầu công việc.

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...