Trong lòng ai chẳng có một tiếng rao

21/02/2021
Ngày xưa, ở hẻm, cái lời rao nó quen nhiều khi phát bực. Chỉ đến khi ta xa nó rồi, ta mới thấy nhớ những tiếng rao thân quen ấy đến lạ. Và nhận ra rằng, đời sống đô thị sẽ như thế nào nếu các hẻm phố không còn tiếng rao?

Thế rồi COVID-19 trở lại, nghe đâu làn sóng thứ hai này cũng ghê gớm chẳng kém gì làn sóng ban đầu. Có người nói cũng chỉ vì chủ quan sau khi chặn được làn sóng đầu nên đâm ra mới có làn sóng thứ hai này. Nói vậy cũng phải, mà cũng chưa phải. 

Bao lâu rồi, con người chịu giam mình một chỗ để phòng tránh dịch. Hết giãn cách xã hội, những đôi chân nhớ đường, thương phố phải ào ra đường là đúng thôi. Cái cảnh giam cầm bao giờ chẳng khiến khát vọng bay nhảy trở nên lớn lao thêm nhiều lần. Đằng này, đâu chỉ là bay nhảy cho thoả chí đơn thuần. Nó còn là mưu sinh, nó còn là tồn tại…

Bắt đầu làn sóng thứ hai này thôi, đã bắt đầu có vài nơi trên thế giới thậm chí còn có biểu tình… phản đối đeo khẩu trang. Nghĩ thì thấy nực cười. Dịch bệnh nguy hiểm như thế. Khả năng lây nhiễm dễ dàng nó nhãn tiền như thế. Vậy mà người ta vẫn nỡ lòng nào rủ nhau đi biểu tình chống đeo khẩu trang. 

Nhưng suy cho cùng, giống người là giống vận động. Bỏ vận động thì con người chắc chắn sẽ héo mòn dần. Cái khẩu trang bịt miệng họ cũng khiến cái miệng họ không được vận động như xưa. Bởi, người ta mới đòi bỏ khẩu trang bất chấp mối nguy từ sự chết.

Ảnh: L.G

Đợt COVID-19 thứ hai này chưa đến mức phải giãn cách xã hội toàn quốc như đợt đầu (chí ít là tính đến lúc này) nhưng những âu lo trở lại cũng bắt đầu hằn sâu không thua gì đợt giãn cách xã hội cách đây vài tháng. Tuy vậy, cách thể hiện âu lo cũng có vẻ đã khác nhiều. Người ta không hốt hoảng hoảng đi gom thực phẩm, lương thực dự trữ nữa. 

Cái đó thì dễ hiểu thôi, ở đợt đầu, sau vài ngày đầu "manh động" quá, mọi người bắt đầu nhìn nhận ra sự thực là không đến mức độ phải phòng thủ như chuẩn bị nạn đói đến nơi. Có thể ngồi yên trong nhà đó thôi nhưng nguồn cung thì không thiếu. Và trong sự an tâm về nguồn cung ấy, người ta âu lo chuyện khác, lớn hơn. Đó là chuyện kiếm sống mỗi ngày.

Có bao nhiêu người mất việc do đợt COVID-19 này? Chưa có thống kê nào rõ rệt cả. Và nếu chỉ thống kê những người có một công ăn việc làm duy nhất và bị mất nó chỉ vì dịch thì cũng là chưa đủ. 

Như tôi chẳng hạn, vẫn túc tắc đi làm nhà báo quèn, lương ba cọc ba đồng, nhuận bút chỉ đủ tiền cafe, ăn sáng, điện thoại, tiền điện, nước. Còn lại, bao năm rồi tôi phải đi làm thêm, ở vai trò của một tư vấn viên cho một tập đoàn. 

Cái lương tháng tư vấn viên ấy mới là thứ tôi mang về "nộp tô" cho vợ để cô ấy xoay xở nuôi bốn đứa con và vận hành cả một gia đình. Rồi COVID-19 cũng khiến tôi mất công việc đó đi. 

Khi mà người ta còn không có thể đảm đương được lương cho những nhân sự cố định, vẫn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và buộc phải cắt giảm bớt nhân sự đồng thời giảm lương 30% của những ai còn được giữ lại thì việc trả tiền chém gió cho một ông tư vấn viên là quá xa xỉ. Tôi mất việc ấy. 

Loay hoay chưa kiếm được việc gì để bù đắp lại cho gia đình thì dịch lại bùng phát lần nữa. Chưa nói gì, coi như mất toi năm 2020 này rồi. Muốn tính toán chi thì cũng phải qua năm sau mới tính được, bởi cả nền kinh tế cứ đình trệ thế này. Mà ngày lại ngày trôi qua, hoá đơn cứ dồn về buộc phải chi trả. Nản. Nhiều lúc nghĩ quẩn "chả hiểu mình được sinh ra trên cõi đời này để làm gì".

Trong một chiều cứ bộn bề suy tư, cứ đốt thuốc lá vàng cả tay như bao chiều rồi như thế, tôi chợt nghe thấy tiếng lao xao dưới bếp nhà mình. Hoá ra, vợ đang loay hoay làm pate gan. "Ủa, em làm chi nhiều dữ vậy?", tôi buột miệng hỏi không quên kèm câu nói "nhà mình ăn sao hết?". Vợ tôi trả lời nhẹ nhàng "Em làm để bán. Có mấy người đặt mua rồi nè. Toàn mấy người quen với mấy người cùng trong chung cư". 

À, tôi quên bẵng mất. Từ dạo mình vô dụng vì dịch đến giờ, vợ vẫn loay hoay bán bán buôn buôn mấy thứ đồ nhà làm để xoay tiền chợ. Rồi tôi buông câu đùa: "Thế là làm xong chiều chiều quẩy cái gánh đi bán rong khắp chung cư này à?".

Nói câu ấy xong, lại nghĩ. Cái đời sống chung cư nó lạ thật. Trên mạng, có hẳn một nhóm các cư dân chung cư để mọi người tiện chỗ mà bàn bạc việc chung. Và bắt đầu xuất hiện cả những lời rao bán hàng trên đó. Thế là bà này bán pate cho bà kia thì bà kia lại bán cá cơm kho cho bà nọ… 

Quay quay mấy vòng, cứ tiền lãi của người này thành tiền lãi của người kia. Cả một nền kinh tế chung cư đã được vận hành như vậy, với những dòng tiền đủ để hình dung tới nền kinh tế lớn bên ngoài.

Ảnh: L.G

Mà từ độ dọn về chung cư ở, coi như bặt hẳn không còn được nghe tiếng rao nào. Ngày xưa, ở hẻm, cái lời rao nó quen nhiều khi phát bực. Từ ve chai cho tới thực phẩm; từ ông thợ đụng cho tới mấy bà chở theo gánh trái cây… 

Rồi cả những tiếng rao hủ tíu gõ đêm đêm. Mọi thứ nó cứ va đập vào mình một cách tự nhiên như thế. Chỉ đến khi ta xa nó rồi, ta mới thấy nhớ những tiếng rao thân quen ấy đến lạ. Và nhận ra rằng, đời sống đô thị sẽ như thế nào nếu các hẻm phố không còn tiếng rao? 

Sẽ chỉ còn lại những âm thanh hiện đại nhưng thiếu đi đặc thù riêng của con người trong đó. Sẽ chỉ còn lại là những phố xá vô hồn, đồng phục nhau trong một vẻ đẹp chán chường. Suy cho cùng, cái tiếng rao kia nó cũng chính là một mảng màu văn hoá, khi âm vực của mỗi người rao mỗi khác nhau, âm sắc của mỗi người rao một dị biệt… 

Nó có thể là nhạc của đời, thứ nhạc không cần ký âm, không cần được sắp xếp theo một quy ước nào cả. Và hơn thảy, nó là tiếng Việt, một thứ tiếng Việt có thể quê mùa đấy, nhưng thuần thành…

Rồi tôi quay lại nghĩ về mình. Giả như công việc tôi không còn trở lại thuận lợi nữa, tôi có dám quên sĩ diện mà bước ra đường để sống bằng tiếng rao không? Đơn giản nhất là cầm cây guitar lang thang quán xá, chơi hầu người ta, hay dở không bàn, để kiếm những đồng bạc còm nhưng sạch sẽ nuôi con. Không dám. Không bao giờ dám bước qua sĩ diện để làm điều đó. 

Và chợt thấy những người bán tiếng rao, bán mặt cho đời, bán đôi chân cho mặt đường phố xá đông vui để kiếm sống, và nuôi người thân của mình, quả thực là những con người quả cảm. 

Họ có ước mơ không? Họ có sĩ diện không? Họ có thèm muốn được sống khác hay không? Họ có cả đấy chứ, thậm chí còn mãnh liệt hơn mình. Vậy thì tại sao họ có thể bỏ hết tất cả để đối diện số phận còn mình thì không? Rõ là mình thua họ rất nhiều trong cuộc sinh tồn tàn khốc này. 

Rõ là mình còn hủ lậu lắm khi chính mình cũng từng khen ngợi người phương Tây có thể sẵn sàng hôm nay đang complete chỉnh tề nơi công sở nhưng ngày mai vì thất nghiệp sẽ cầm miếng khăn làm kẻ dọn bàn. Mình ngợi khen nhưng mình không dám làm. Mà không dám dấn thân, đời làm sao đòi nghĩ về thành đạt.

Rồi bây giờ, đập vào mắt tôi là bức ảnh được chia sẻ trên mạng, hình ảnh một cô gái Nga, chắc khoảng gần 30 tuổi, rất đẹp. Nàng tay ẵm đứa con chắc vài tháng, tay dắt đứa nữa cỡ lên ba. Trên lưng nàng là một cái bao lớn màu xanh của những người giao hàng. Họ vẫn sống như thế, không khác gì những người bán hàng rong xứ mình. Và họ vẫn luôn ngẩng cao đầu…

Quà vặt đôi khi là một bữa sớm hôm, một bữa ban trưa, một bữa xê xế chiều… Rất nhiều lần chúng ta được thỏa cái thèm của mình chỉ vì một món quà vặt xinh xinh được chuyển tới mình nhờ một lời rao riêng rẽ. Trong lòng ai chẳng có một tiếng rao để nhớ, để tìm về. 

Sẽ ra sao nếu đời không còn tiếng rao nữa? Nó có khác gì những thương hiệu vĩ đại không còn quảng cáo để làm gì. Đó sẽ là một nền kinh tế đông cứng lại thực sự. 

Vâng, cũng chỉ đợt dịch này thôi, nhiều nhãn hàng cắt giảm ngân sách quảng cáo tới tận cùng. Và kéo theo đó là một loạt công ty truyền thông xất bất xang bang, dẫn tới nhân viên của họ có người phải bị sa thải. Trong số họ, có ai sống bằng lời rao, dù chỉ là rao online trên mạng, trong những ngày khốn khó này? 

Nội câu hỏi ấy thôi, để tôi hiểu rằng, đời sẽ không chỉ vô vị mà sẽ thê thảm hơn nữa nếu chúng ta không rao bán mình. Tất nhiên, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện bán mình bẩn thỉu… 

Tác giả: Hà Quang Minh

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/)

Tin liên quan

15/03/2021
Năm 2021, được Hội VHNT tỉnh chọn là năm sân khấu và âm nhạc Quảng Ninh. Để có mùa âm nhạc bội thu, bên cạnh đẩy mạnh phong trào sáng tác thì cần phát triển lực lượng sáng tác đang còn khá mỏng hiện nay.
14/03/2021
Như một phép thử bản lĩnh nghệ sĩ, khi hình thức biểu diễn truyền thống “đóng băng” trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các show diễn trực tuyến thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số theo kiểu “nhà hát internet”, “nhà hát truyền hình” đã được nhiều nghệ ...