Trình diễn nhạc kịch “Lá Đỏ” tại Hà Nội

10/04/2017

Vở nhạc kịch “Lá Đỏ” lại được trình diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào tối mồng 5 và 6 tháng 4 năm 2017, nhân kỷ niệm những ngày lễ lớn của Đất nước: 30 tháng 4, mồng 1 tháng 5, và hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957 – 2017).

Tới dự có đồng chí Lê Khả Phiêu – nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; GS.TS Vũ Văn Hiền – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng đông đảo các nhạc sĩ, nghệ sĩ, công chúng Thủ đô…

Thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 1 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Khuyến khích Sáng tác và công bố các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước giai đoạn 1930 – 1975”, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đặt hàng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân viết một vở nhạc kịch (Opera). Đây là một tác phẩm thuộc thể loại sân khấu âm nhạc lớn. Nội dung vở nhạc kịch “Lá Đỏ” kể về tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Thanh niên xung phong trên con đường Trường Sơn huyền thoại trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ câu chuyện bi tráng của 8 chiến sĩ Thanh niên xung phong anh dũng hy sinh trong hang “Tám Cô” trên đường 20 Quyết Thắng những năm chống Mỹ - tác giả đã hư cấu, chuyển thành câu chuyện về 8 cô gái (chuyện thực thì trong 8 người đó có cả nam và nữ) để có điều kiện thể hiện trên sân khấu hình tượng đẹp, xúc động dễ đi vào lòng người. 8 cô biến thành 8 vị nữ thần ở phần vĩ thanh (mang chất huyền thoại).

Chuyện kể rằng: Các cô gái Thanh niên xung phong trẻ trung, hồn nhiên, yêu đời, vào Trường Sơn nhận nhiệm vụ mở đường. Đội trưởng của các cô là Hương – xinh đẹp, có giọng hát hay. Trên cung đường ra trận họ quen Sơn, một chiến sĩ công binh – sinh viên sư phạm văn có tâm hồn lãng mạn, thích làm thơ. Sơn và Hương dần dà có cảm tình với nhau và được đồng đội hùn vào, họ yêu nhau lúc nào không biết.

Trong một đợt cứu hàng, chuyển hàng vào hang, bất ngờ bom dội, quả núi đổ sập lấp kín cửa hang, Hương và các cô gái mắc kẹt trong đó. Sơn cùng đồng đội tìm mọi cách cứu các cô thoát khỏi hang. Trong hang các cô chống chọi với đói khát, giá lạnh… cầm cự được đến ngày thứ 8, rồi mãi mãi ra đi.  

Lúc này nhờ những chiếc Lá Đỏ - bửu bối của thần núi (nhân vật huyền thoại – đại diện cho dãy Trường Sơn, cho cái Thiện) cửa hang được mở ra, các cô gái bay lên như những thiên thần trinh trắng. Sơn gặp lại Hương và các bạn trong sự xúc động bùi ngùi như thực, như mơ. Họ cùng Thần Núi hát vang giai điệu Hào hùng ngợi ca – Tuổi trẻ Trường Sơn – Một thời vang mãi! 

Năm 2016, vở Nhạc kịch “Lá Đỏ” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng và biểu diễn thành công tại Thủ đô Hà Nội. Vở Nhạc kịch đã đoạt 2 giải thưởng lớn: Giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Giải Nhất về Âm nhạc của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Phát huy thành công của vở diễn, Lần này, với những giọng ca nổi tiếng, Hợp xướng, Đoàn Múa và Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tiếp tục giới thiệu tác phẩm âm nhạc về đề tài chống Mỹ cứu nước giải phóng dân tộc với qui mô đồ sộ hoành tráng và  sự góp mặt tham gia của gần 150 diễn viên và nhạc công:

NHẠC KỊCH LÁ ĐỎ: 2 hồi 6 cảnh và vĩ thanh 

Kịch bản văn học: Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

Ca từ: Nguyễn Thị Hồng Ngát - Đỗ Hồng Quân

Âm nhạc: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Dàn dựng sân khấu: NSƯT Nguyễn Hồng Phong

Thiết kế mỹ thuật:  NSƯT Hoàng Hà Tùng

Biên đạo múa: NSND Phạm Anh Phương

Thiết kế ánh sáng: Ngô Thanh Sơn

Thiết kế âm thanh: Tuấn Anh – Trần Luận

Nhân vật và diễn viên:

Hương - cô TNXP có giọng hát hay - nhân vật nữ chính: Ca sĩ Ngô Hương Diệp.

Sơn - anh bộ đội công binh làm thơ hay - nhân vật  nam chính: Ca sĩ Nguyễn Đình Chúc.

Thần núi:  Nhân vật thần thoại đại diện cho núi rừng Trường Sơn: Ca sĩ Nguyễn Huy Đức – Mạnh Dũng.

Cô lái xe: Tiểu đội trưởng Tiểu đội xe không kính: NSƯT  Lê Thị Vành Khuyên

Các nữ thanh niên xung phong:

Nắng: Ca sĩ Phạm Thanh Hà

Lan: Ca sĩ Phạm Thu Giang

Mai: Ca sĩ Nguyễn Phương Đông

Nhu: Ca sĩ Vũ Thị Nga

Thắm: Ca sĩ Nguyễn Thu Hằng

Đào: Ca sĩ Trần Thị Trang

Minh: Ca sĩ Nguyễn Phương Dung

Nhóm công binh:

Nguyễn Anh Vũ (Nhóm trưởng)

Nguyễn Phi Hùng

Hà Ngọc Thiện

Lê Bình Luận

Trần Đăng Dũng

Tô Minh Hải

Tốp thám báo:

Đinh Khánh Cường (Tốp trưởng)

Nguyễn Kiều Thẩm

Trần Ngọc Hiệp

Nguyễn Đình Khánh

Nguyễn Thế Vinh

và các diễn viên trong vai: Thanh niên xung phong, Công binh, Lái xe…

Các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn múa, Hợp xướng, Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trình diễn.

Chỉ huy đêm diễn: NSƯT Hà Mạnh Chung

Nhạc trưởng:  Đỗ Hồng Quân

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...