Trích tự truyện của nghệ sĩ Ái Vân: kỳ 3 - Ngôi sao nhạc nhẹ
Tôi rất phục ai đã đặt tên cho dòng nhạc pop ở Việt Nam là nhạc nhẹ. Tìm được từ như vậy là rất giỏi. Chẳng những nó Việt hóa được một dòng nhạc Tây mà còn thâu tóm cả 2 dòng nhạc đang bị tẩy chay là nhạc vàng và nhạc xanh. Thực ra 2 dòng nhạc này là một, chỉ là cách gọi. Sau năm 1975, để cho lọt các bài hát bị coi là nhạc vàng, người ta gọi đó là nhạc xanh. Lại vẫn một cách gọi rất giỏi!
Nhạc nhẹ hồi sinh
Nhạc nhẹ Việt Nam - tức dòng nhạc Tây lời ta - khởi đầu từ những năm 1930 với tên tuổi các nhạc sĩ: Tư Chơi, Canh Thân, Lê Yên, Văn Chung, Lê Thương, Nguyễn Văn Thương... và các ca sĩ Ái Liên, Năm Châu, Kim Thoa, Năm Phỉ... Họ chính là “thủy tổ” của nhạc nhẹ Việt Nam. Sau năm 1954, nhạc nhẹ miền Bắc tắt tiếng, nhạc nhẹ miền Nam tiếp tục phát triển.
Nói tắt tiếng là nói không ai công khai ca hát dòng nhạc này. Thực tế, nhạc nhẹ chưa bao giờ tắt tiếng. Các ca sĩ miền Bắc như Vũ Dậu, Thúy Hà, Mạnh Hà, Vân Khánh đã hát những bài hát của Liên Xô như “Ca-chiu-sa”; “Chiều hải cảng”; “Cây bạch dương”; “Ka-lin-ka”; “Cuộc sống ơi, ta mến yêu người”... với phong cách tươi trẻ không khác gì nhạc nhẹ sau này. Dòng nhạc nhẹ vẫn âm thầm chảy với cái áo khoác che chắn của nhạc đỏ.
Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ trung ương trong chuyến lưu diễn năm 1983.
(Ảnh tư liệu của tác giả)
Đến năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc bùng nổ, nhu cầu ca khúc chính trị lên cao, đồng thời các nhóm ca khúc chính trị ra đời cả Nam lẫn Bắc. Những ca khúc “Hãy cho tôi lên đường”, “Lời tạm biệt lúc lên đường”, “Bài ca người lính”, “Đồng đội”, “Những ánh mắt mang hình viên đạn”, “Ngày mai anh lên đường”... làm tinh thần người lính và tình yêu Tổ quốc lên cao như thời trước năm 1975. Sự phát triển rầm rộ của các nhóm ca khúc chính trị, được nhà nước thừa nhận và khuyến khích, thậm chí có cả liên hoan ca khúc chính trị, là cái cớ tuyệt vời cho nhạc nhẹ hồi sinh.
Năm 1978, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (Hiệu trưởng Trường Âm nhạc Việt Nam kiêm Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) quyết tâm hồi phục nhạc nhẹ. Thầy đã đưa các học trò của thầy từ nhạc viện về nhà hát. Nhà hát Ca múa nhạc của thầy Thương lập các nhóm xung kích đi biểu diễn khắp nơi. Từ đó, cái tên nhạc nhẹ ra đời, đồng thời ra đời luôn Đoàn Nhạc nhẹ 1 với các ca sĩ: Mạnh Hà, Quang Huy, Lệ Quyên, Vũ Dậu... Sau đó, thầy Thương “triệu” tôi từ Nhà hát Tuổi Trẻ về, rồi thêm Quang Thọ về nên phát triển thành lập thêm Đoàn Nhạc nhẹ 2. Ít lâu sau đi biểu diễn thì ca sĩ đoàn 1, đoàn 2 nhập luôn thành một đoàn.
Nhạc nhẹ thực sự hồi sinh từ đó.
Lập kỳ tích vàng son trong gian khó
Năm 1975, Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn từ thời cũ đổi thành Trường Quốc gia Âm nhạc TP HCM, năm 1981 đổi thành Nhạc viện TP HCM. Bộ môn Thanh nhạc của trường chủ yếu đào tạo dòng nhạc classic giống mô hình Nhạc viện Hà Nội. Thành phần giảng viên thoạt đầu từ ngoài Bắc vào và tốt nghiệp nước ngoài về. Lúc này, dòng nhạc miền Nam đang theo dòng nhạc classic của miền Bắc. Có thể nói nhạc nhẹ miền Nam đang ẩn mình và chỉ tỏa sáng bằng những ngôi sao đơn lẻ. Những năm 1981-1982, chị em Bảo Yến, Nhã Phương cùng Ngọc Bích, Thy Nga đã bắt đầu tung hoành khắp nơi trên sân khấu phía Nam với phong cách nhạc nhẹ rồi.
Nhờ nhạc nhẹ miền Nam đang ẩn mình chưa bùng nổ, sân khấu ca nhạc ngoài Bắc mà tiêu biểu là Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ trung ương thành công vang dội bởi từng ngôi sao không chỉ biết tỏa sáng cho riêng mình mà mọi người đã kết hợp với nhau, phụ họa cho nhau một cách tự nguyện, ăn ý và vô cùng ấn tượng. Điều đó làm nên thành công lớn khiến Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ trung ương đã làm mưa làm gió suốt nhiều năm của thập kỷ 1980, đánh đâu thắng đó. Hà Nội vốn khó tính mà vẫn nhiệt liệt đón chào Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ trung ương. Phòng vé hôm nào cũng trong tình trạng “cháy vé”.
… Hôm diễn ở Công viên Thống Nhất (TP HCM), đang diễn thì mưa tầm tã, khán giả không ai bỏ về, họ núp dưới gốc cây, hiên nhà để xem bằng được. Năm 1981, đoàn nhạc nhẹ được “thử lửa” một chuyến xuyên Việt. Đi diễn cuốn chiếu bắt đầu từ Huế đi thẳng vào Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Tuy Hòa, Phan Thiết, ngược lên Buôn Ma Thuột, sau đó đi vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp rồi chặng cuối ở TP HCM... Không nơi nào khán giả không đón chào.
Đoàn đi trên chiếc xe Ba Đình cũ kỹ, trang bị của đoàn rất yếu. Loa chỉ có 2 loa sắt, 2 loa thùng của Đức, nghe rất “phọt phẹt”. Ánh sáng thì như người toét mắt, tối mù, mỗi khi đến những bài nhạc sôi nổi thì lắp giấy bóng kính xanh đỏ rồi tắt bật hoặc một người đứng xoay xoay cái filter lắp giấy màu theo tiếng nhạc xập xình một cách rất đơn sơ. Thế nhưng, đoàn đã được khán giả đón chào nồng nhiệt theo cách không thể tưởng tượng được, quả là như một giấc mơ. Nơi nào cũng diễn 2-3 suất. Đặc biệt, lên Pleiku, có hôm diễn 4 suất: sáng 1, chiều 1, tối 2. Hồi này đa số đều diễn ở sân khấu ngoài trời, có những lúc trời mưa, mọi người vẫn xếp hàng chờ mua vé, dứt khoát không chịu về. Diễn ở Buôn Ma Thuột, ngày 2 suất, suất 1 diễn xong khán giả chờ ngoài rất đông để xem suất 2. Khi mở cửa xem suất 2 là ào hết vào, xô đẩy nhau. Anh em hậu đài phải cầm thúng đi nhặt giày dép trả lại cho khán giả.
Sau chuyến đi xuyên Việt thành công, Đoàn Nhạc nhẹ năm nào cũng có ít nhất một lần đi biểu diễn xuyên Việt, chưa lần nào thất bại. Các nghệ sĩ hát hết mình, tìm cách đổi mới phong cách hát và múa, hát và nhảy, phối khí và nhạc đệm đều có những bước tiến dài.
Những năm 1980-1982, nhạc Việt được mùa giải quốc tế. Khởi đầu là Đặng Thái Sơn được giải nhất trong cuộc thi Chopin ở Ba Lan 1980, Tôn Nữ Nguyệt Minh đoạt giải ba tại cuộc so tài B. Smetana ở Tiệp Khắc, rồi đến Ái Vân đoạt giải thưởng lớn ở cuộc thi International Schlagerfestival Dresden 1981, Lệ Quyên được giải hát bài Tiệp Khắc xuất sắc nhất trong cuộc thi Intertalent ở Tiệp Khắc năm 1981, Lê Dung được giải Người hát dân ca hay nhất trong cuộc thi Tchaicovsky ở Liên Xô. Nhờ hàng loạt giải thưởng quốc tế mà cuối năm 1981, Giám đốc nhà hát Nguyễn Văn Thương cho Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ đi diễn báo cáo xuyên Việt. Chuyến đi thành công chưa từng thấy. Nhờ báo chí đưa tin các giải thưởng âm nhạc, khán giả đi xem rất đông, ở bất kỳ nơi nào cũng diễn 2-3 suất một ngày. Mệt mà vui, có nhiều tiền lại càng vui. Vui nhất là được chú Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư Thành ủy TP HCM) đón tiếp Đoàn Ca múa Nhạc nhẹ rất chân tình.