Trần Hiếu - kẻ lãng mạn cuối cùng của thế kỷ trước

25/10/2016

Có lần anh kể bố mình và bác Giáp (Võ Nguyên Giáp) học cùng trường, chuyên đá cầu với nhau, rất thân thiết. Bác rủ bố lên chiến khu, bố không đi vì đẻ tám đứa con lận. Bố là hiệu trưởng Hàng Than ngày đó suốt ngày nói chuyện yêu nước với học sinh bị bọn Tây ghét lắm. Chuyện này tôi không được kiểm chứng vì hai cụ đã mất.

Nhưng chuyện anh đánh nhau với Nguyễn Cao Kỳ thì có. Họ học chung trường Chu Văn An. Kỳ hay bắt nạt học sinh lớp dưới, bạn bè cử anh đến đánh nhau với Kỳ. Sau này Tướng Cao Kỳ về thăm quê, vì ông ta thích nhạc tôi do Hà Trần hát bên Mỹ, nên tôi có dịp hỏi ông. Tướng Kỳ chỉ cười cười bảo, hồi đó mình khoái đánh nhau thật, nhưng không nhớ có đụng Trần Hiếu không. Ông này to con lắm, lại giỏi quyền Anh nữa. Anh tôi không cao lắm nhưng cái lưng to bè giống mẹ, khỏe vô địch. Nhà hát mỗi lần chuyển đàn piano là phải đợi có anh, một mình một đầu thay sức bốn người.

(NSND Trần Hiếu. Nguồn: internet)

Thần tượng của anh là anh hùng Samson nào đó thời ấy. Đại loại là một anh chàng có sức mạnh vô địch, vai u, thịt bắp kiểu phim hành động Mỹ bây giờ, chống lại bất công, bênh vực người nghèo, được người đẹp ngưỡng mộ đem lòng si mê, đại loại vậy. Cái hình anh vẽ Samson rất đẹp, choán nguyên bức tường cao 5 mét ngoài sân ngôi nhà cổ của chúng tôi ở phố Ngõ Gạch. Bố đặt tên anh Trần Trung Hiếu, đứa con thứ hai trong nhà, thế mà như số phận. Bố mất sớm, chỉ có anh gánh vác thay bố bên mẹ nuôi chín miệng ăn ngày tản cư, loạn lạc 1947.

Mẹ kể: Anh gánh hai thúng muối to đùng vượt qua bốt đồn Tây về được vùng tự do, bán đi mua gạo nuôi cả nhà. Phố Ngõ Gạch ngày đó, các bà tiểu thương đói hàng, lại phải gọi thằng Hiếu con bà Đốc học về Hải Phòng vùng tạm chiếm, xì xồ tiếng Tây để mua xi măng về cứu cả phố.

Anh chẳng biết gì về cuộc sống xung quanh ngoài việc luyện thanh, dạy học và hát phục vụ nhân dân. “Hiếu mặc quần thủng đít” là cái tên thời ấy bạn bè trêu anh. Trừ bộ quần áo diễn lúc nào cũng được giặt ủi phẳng phiu, một đôi giày diễn bóng lộn và cây đàn được lên dây chính xác... còn lại là cuộc sống rách rưới, bụi đời như người lính.

Nơi nào cần tiếng hát là có anh. Từ nơi có ba anh lính xạ thủ cheo leo trên nóc cầu Long Biên, đối mặt với hàng chục phản lực Mỹ ném bom, anh cũng tới làm… người thứ tư, không phải để bắn, mà để hát. Công trường, nông trường, chiến trường, biên giới, hải đảo, sân khấu hợp tác xã, sân khấu trường đại học, sân khấu khắp ngũ châu, lục địa đều có mặt Trần Hiếu.

Anh đi hát cho chính sách ngoại giao của cụ Hồ. Hát cho nhân dân anh yêu quý với đồng lương đói rách. Ai cũng yêu anh vì Chú voi con ở bản ĐônAnh quân bưu vui tính. Báo Nga ca ngợi anh Hò kéo thuyền trên sông Vonga hát hay hơn đại danh ca Chaliapin nước họ. Đồng nghiệp thì phục anh ở khúc tự sự Con quỷ Mephistopheles. Ngoài Trần Hiếu không ai hát nổi khúc opera kinh điển này.

Chắc chắn lúc đó anh đã quên cô con gái Trần Thu Hà bé bỏng, giọng như mèo kêu ở nhà, mẹ mất sớm không ai dạy dỗ chăm sóc. Anh chỉ biết có hát! Hát có lẽ là hạnh phúc duy nhất của anh. Thế giới của anh là tiểu thuyết, phim ảnh, và những giai điệu, lời ca đẹp... Ngoài ra không còn gì nữa. 

Mới đây thần chết suýt lôi anh đi, anh mới giật mình. Samson khỏe như thế rồi cũng ngã bệnh, kiếm cầm không nổi... Anh tôi không biết nịnh, không biết làm hồ sơ xin xỏ, chức giáo sư cũng vuột khỏi tay vì không có tiền. Số tiền cuối cùng còn lại trong sổ tiết kiệm, anh lo thuốc cứu vợ lâm bệnh nặng. Vợ mất cũng là trắng tay.

Bây giờ anh mới chợt hiểu, ngoài Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp âm nhạc cách mạng, anh còn có hai con, còn có mộ chị Huyền, mộ bố mẹ ngoài cánh đồng quê nhà. Còn có các em gái ruột thịt, fan cuồng của anh, tóc đã bạc trắng, bệnh tật đầy mình, còn có thằng em Trần Tiến xa cách mấy chục năm trời, vẫn trực bên giường bệnh anh. Giây phút yếu đuối nhất, cận kề cái chết, lần đầu tôi thấy anh khóc: “Tiến ơi, nhà giờ chỉ còn hai anh em”. Bây giờ anh mới giật mình và chợt hiểu vào cái tuổi 80 với vài giọt nước mắt đắng cay muộn màng, chảy dài. Dù sao, cũng chẳng ai trách anh. Anh chẳng có lỗi gì ngoài việc Trời bắt anh là kẻ lãng mạn cuối cùng của thế kỷ trước. Anh vẫn còn trong trái tim hàng triệu con người đi cùng đường với anh, thế kỷ mộng mơ ấy.

Nhân dân yêu anh vì anh ngốc, cả lứa các anh những nghệ sĩ hồn nhiên và ngốc, suốt đời chỉ có âm nhạc và một trái tim nhỏ nhoi, vắt hết giọt máu cuối cùng tặng nhân dân. Nhân dân đi theo quan tài của những người yêu họ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Quý Dương, bạn anh và nhiều, nhiều người như thế. Những dòng người tiễn biệt dài vô tận như tiếng tơ lòng của các anh: day dứt, dai dẳng. Không nỡ chia lìa cõi thế gian đẹp đẽ này. Anh vẫn là anh hùng Samson của cả nhà, là đứa con hiếu thảo của mẹ, là người trung với nước đúng như bố đặt tên anh: Trần Trung Hiếu.

(Trích sách Ngẫu hứng - Trần Tiến, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và First News)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...