Tôi viết hợp xướng Cửu Long Giang trong nhà lao Phú Quốc

27/02/2017

Trong hội nghị triển khai công tác, anh Lưu Hữu Phước kết luận: “Trước mắt ta phải có nhiều bài hát cách mạng nhưng cũng phải bắt đầu suy nghĩ đến những tác phẩm dài hơi cho sau này”.

Sau hội nghị ít lâu, một tối anh Hoàng Việt mò sang nhà tôi uống trà và bàn bạc công việc. Anh nói: “Mình mới về nên chưa hiểu nhiều về thực tế cách mạng miền Nam, trước đây mình đã viết giao hưởng Quê hương, bây giờ có ý định viết cái thứ hai mang tiêu đề Hạnh phúc.

Độ nửa tháng sau, tôi trình bày ý đồ bản hợp xướng về Cửu Long Giang, anh Hoàng Việt góp ý và động viên tôi. Cuối năm 1966, tôi mang ba lô lên đường về vùng sông nước Cửu Long. Đâu có ngờ buổi sáng hôm ấy là lần cuối cùng tôi gặp anh, vì tháng 12/1967, tôi bị giặc bắt trong trận càn vào xã Tân Lộc, Cà Mau. Vào tù hơn một năm thì hay tin Hoàng Việt đã hy sinh tháng 12/1967 tại Cái Bè, quê hương anh. Thế là ý định sáng tác của hai chúng tôi dở dang.

Khi mới vào tù, tôi dấu biệt tung tích của mình, chỉ khai là giáo viên bình dân học vụ, nên bọn giặc giam tôi ở trại giam anh em chiến sĩ miền Nam. Tuy tôi có viết vài bài hát như Hạnh phúc trong tù, Lao tù nhớ Bác nhưng chỉ truyền cho một hai người. Tháng 9/1969 biết tin Bác Hồ mất, chúng tôi tổ chức truy điệu. Bọn giám thị đánh hơi biết được, nửa đêm, chúng đưa cả đội quân cảnh vào khủng bố, bắt đi biệt giam một số anh em tù nhân. Không may trong số đó có một anh bí thư chi bộ vì bị đánh đập dữ quá đã khai hết tông tích của tôi (lúc này tôi làm bí thư Đảng ủy khu D.6). Chúng bắt tôi tra tấn và nhốt ở biệt giam khu 2 khét tiếng tàn ác nhất Phú Quốc. Tháng 3/1970, chúng đưa tôi về giam ở phân khu D.7 (khu giam anh em sĩ quan miền Bắc). Về đây, tôi mở lớp dạy nhạc cho anh em tù nhân và bắt liên lạc với tổ chức. Lúc đầu bọn giám thị cấm tập trung ba người trở lên. Chơi cờ tướng chỉ có hai người ngồi đánh, người ngồi xem là không được. Nhưng về sau, chúng tôi cứ tập trung tám, chín người nghe kể chuyện Tam Quốc, Thủy Hử, học toán giải phương trình, học nhạc lý v.v… Thấy vậy bọn giám thị cũng lờ đi. Có khi bọn chúng còn tham gia nghe chuyện hoặc học bài nữa. Bảng học thì xới đất lên đổ nước cho ướt rồi lấy cà - mèn chà đi chà lại cho láng rồi viết lên. Cũng nhờ cái bảng học kiểu đó mà chúng tôi đã tiêu thụ một số đất cho anh em đào hầm vượt ngục.

Tháng 8/1970, bọn điều hành trại giam đưa chúng tôi đến đặc ủy phủ tổng thống (trung tâm tình báo CIA) ở số 3 đường Bạch Đằng (Sài Gòn) để dụ dỗ chiêu hồi. Ngồi trên máy bay C.123 từ Phú Quốc về Sài Gòn, hai tay bị còng chắc cứng, tôi ngoái cổ nhìn xuống sông Cửu Long. Tự nhiên một hình tượng nghệ thuật xuất hiện làm tôi hết sức xúc động. Dòng sông nước bạc như dòng sữa mẹ hiền. Dòng sông chín cửa chảy ra biển như bàn tay mẹ hiền xòe rộng ra ôm giữ chặt lấy mảnh đất Nam Bộ trong lòng Tổ quốc Việt Nam. Sự rung động ấy cứ đeo đuổi tôi. Thế là ý định sáng tác bản hợp xướng Cửu Long Giang mà anh Hoàng Việt đã góp ý về cấu trúc và khuyến khích lúc còn ở rừng Tây Ninh, lúc này sống lại mãnh liệt. Tôi cố xua đi mơ ước hão huyền, làm sao hoàn thành được đề tài lớn như thế trong hoàn cảnh chỉ có tấm thân với bộ quần áo tù, không một mảnh giấy trong tay, không một điều kiện tối thiểu để sáng tác.

Sáng hôm sau chúng gọi tôi lên phòng thẩm vấn. Sĩ quan thẩm vấn đưa cho tôi tờ khai sơ yếu lý lịch. Đến phần nguyện vọng tôi ghi: “Thực hiện một nước Việt Nam hòa bình thống nhất độc lập dân chủ và giàu mạnh thật sự, khi ấy tôi được trở về làm việc ở Hội văn nghệ Giải phóng, thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Câu này đến nay tôi vẫn còn nhớ như in, không thêm mà cũng không thiếu một chữ. Sau cuộc thẩm vấn, cảm xúc về Cửu Long Giang lại trỗi dậy. Tôi ghìm lại bằng cách làm bài thơ Đêm xà lim.  Làm xong bài thơ, cảm xúc về Cửu Long Giang lại réo gọi. Như lần trước, tôi khỏa lấp bằng cách viết bài hát Chiều tù rồi Tình đồng chí. Mấy ngày sau, “sóng Cửu Long” vẫn cuộn gào và tôi không thể dứt ra được. Bằng móng tay cái của mình, tôi bắt đầu gạch lên tường vôi âm hình chủ đạo (motif). Có lẽ chỉ trong vòng một đêm đã xong chủ đề. Hôm sau, tôi viết tiếp đoạn tái hiện chủ đề có biến hóa chút ít. Và đây được coi như là chương 1, chương Cửu Long thanh bình gồm có hai đoạn giản đơn:

Mênh mông một dòng sông nước bạc êm đềm

Bát ngát đồng lúa chín óng ánh vàng tơ

Nguồn từ xa, dòng nước Tây Tạng ngàn năm truyền ngấm
con sông anh hùng

Bao la, rặng dừa xanh in hình chân trời

Xanh tươi, miền phù sa nắng sớm chiều mưa

Cửu Long, chung một dòng chín cửa ra khơi

Như bàn tay mẹ đời đời ôm con

Cửu Long, nước thủy triều

Sớm khuya, chài lưới dập dìu trên sông…

Cứ thế, mỗi ngày một ít, rồi nhẩm tới nhẩm lui cho thuộc, bò dần cho hết chương mới nghỉ vài ngày, hát từ trên xuống để kiểm tra lại và thuộc lòng. Hơn một tháng nằm trong xà lim đặc ủy Tổng thống, về cơ bản tôi đã hoàn thành bản hợp xướng Cửu Long Giang gồm năm chương (cấu trúc này có sự góp ý của anh Hoàng Việt).

                      Chương I   - Cửu Long thanh bình

                      Chương II - Cửu Long căm hờn

                      Chương III - Cửu Long vùng lên

                      Chương VI - Cửu Long vinh quang

                      Chương V - Cửu Long trong sáng

Trở về Phú Quốc, tôi báo cáo với Đảng ủy về bản hợp xướng Cửu Long Giang. Lớp học bắt đầu lại, và tôi cũng bắt đầu dạy anh em xướng âm. Anh em gặp giấy vụn như bao thuốc lá, bao xi-măng, bìa các-tông, v.v... đều lượm về cho tôi. Mực thì lấy từ cá mực. Tôi bắt đầu ghi và chỉnh lý lại toàn bộ hợp xướng. Khoảng tháng 10/1971 coi như hoàn thành. Hàng ngày sau 5 giờ chiều, điểm danh xong, anh em tù rủ nhau đến nghe tôi hát Cửu Long Giang toàn bộ dài khoảng hai mươi phút. Có khi đang hát nửa chừng bọn giám thị vào đứng nghe một lúc rồi bỏ đi. Có những cuộc anh em tự tổ chức nhưng không rủ tôi (vì sợ tôi mệt) mà nhờ những anh em học trò của tôi đến hát cho họ nghe. Một sinh hoạt đều đặn, gần như hàng tuần.

Tết năm 1972 lần đầu tiên Cửu Long Giang được biểu diễn bằng một tốp ca nam ba mươi hai người hát ba bè có người chỉ huy. Tôi hết sức hồi hộp lo phản ứng của địch, nếu xảy ra khủng bố đổ máu thì thật đáng tiếc. Buổi biểu diễn gần hai tiếng đồng hồ kết thúc. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Sau đó trong một cuộc lục soát, bọn giám thị lấy được bản Cửu Long Giang (chỉ có nhạc chứ không có lời) và bắt đi ba tù nhân ra thẩm vấn. Họ hỏi: “Hôm tết mấy ông làm cái gì ở trỏng dữ vậy và cái này là cái gì đây”. Một đồng chí nhanh miệng trả lời: “Có gì đâu, nhân ngày Tết anh em tập trung hát xướng vui chơi cho đỡ nhớ nhà, còn đây là bản nhạc Cửu Long Giang của nhạc sĩ Hoàng Việt, anh em nhớ ghi lại để học và hát chơi cho vui vậy mà”. Ý này chúng tôi đã chuẩn bị trước để đối phó khi bị thẩm vấn. Cũng may họ không hỏi gì thêm.

Khí thế chính trị trong tù phân khu D.7 được nâng lên, sinh hoạt tươi vui, phong trào học hành mở rộng. Anh em học nhạc càng phấn khởi, tiến bộ rõ rệt. Chúng tôi tiếp tục tập trung mười, mười lăm người để ca hát. Vài tháng một lần tổ chức biểu diễn ca nhạc, ngâm thơ trong đó thế nào cũng có Cửu Long Giang.

Tết năm 1973 anh em dùng ná thun bắn một cục đất sang trại giam C.7, trong đó giấy mời với nội dung như sau: “Với khí thế xuân chiến thắng năm nay, xin gửi các đồng chí hai trại C.7 và D.7 bản hợp xướng Cửu Long Giang. Năm giờ chiều hôm nay, sau khi điểm danh xong mời các đồng chí ra sát rào để nghe”.

Hàng ngàn tù áo quần màu nâu, rách rưới đến tập trung sát rào ngoài. Qua mười mấy lớp rào kẽm gai dày đặc, những cặp mắt mong đợi hướng cả về phía trại giam B.7.

17 giờ đúng, ba mươi hai diễn viên gọn ghẽ trong bộ quần áo tù xuất hiện trên sân khấu vừa dựng sát hàng rào trong của trại giam B.7. Cái sân khấu dã chiến có một không hai được kê bằng những thùng phuy xăng cắt làm đôi vẫn dùng làm chỗ đi cầu, đi tiểu của người tù ban đêm. Ba mươi hai diễn viên vừa đủ đứng trên sân khấu. Rất đúng giờ và khẩn trương hơn bất cứ buổi biểu diễn nghệ thuật nào, không có người giới thiệu và không có lời khai mạc, tôi đứng dưới đất vung chiếc gậy chỉ huy màu trắng hẳn hoi, và buổi diễn bắt đầu.

Tiếng hát cất lên. Chuỗi âm thanh lô xô như một dòng suối cuộn chảy, chen nối nhau, vang trong gió sương mải miết bay vào khoảng không tít tắp. Biển xanh xôn xao. Biển chắp cánh cho lời hát bay qua những lớp rào kẽm gai. Chúng tôi biểu diễn với sự xúc động thiêng liêng của trái tim mình. Trước mắt chúng tôi có hàng ngàn cặp mắt yêu thương của anh em đồng chí. Trên đầu chúng tôi có bầu trời xanh lộng gió và những cánh chim tự do đang chao liệng. Gần ba mươi ngàn thính giả của ba trại giam nín thở xúc động dõi theo buổi diễn. Anh em tù trèo cả lên nhà cầu, lấy tay làm loa chắn gió. Vì ở xa nên có lẽ anh em chỉ nghe loáng thoáng được những đoạn cao trào. Quân cảnh ở các chòi canh và giám thị không phản ứng gì. Độ hai mươi phút sau, mấy chiếc xe jeep có gắn súng đại liên chạy tới thì cũng vừa lúc chúng tôi hát đến câu:

Cửu Long nước chảy một dòng

Gió mưa giông tố vẫn trong lòng Việt Nam.

Sau này chúng tôi mới biết, sở dĩ bọn giặc không phản ứng là do Hội nghị Paris đã ký kết.

Kết thúc buổi biểu diễn, một tràng pháo tay kéo dài, vang dậy như sấm. Nước mắt giàn giụa trên má tôi. Anh em ào tới ôm chặt lấy tôi. Sáng tác bản nhạc này, tôi đâu dám nghĩ đến buổi công diễn xúc động đến thế.

Hôm nay ngồi viết những dòng này, lòng tôi thấy vô cùng hạnh phúc và xúc động.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.