Tình trạng cẩu thả trong in ấn tác phẩm âm nhạc

27/06/2017

Tác phẩm âm nhạc sau khi thể hiện dưới dạng văn bản đã trở thành sản phẩm văn hóa mang thuộc tính tự trị, độc lập, thậm chí trước cả tác giả xét với tư cách chủ thể thẩm mỹ.

Công việc chép nhạc tuy không phức tạp, nhưng phải được thực hiện một cách cẩn trọng, nghiêm túc, chính xác. Bởi vậy, công việc này trước kia thường giao cho những người làm âm nhạc chuyên nghiệp. Nhiều thầy, cô giáo ở Nhạc viện Hà Nội từng đảm nhận công việc chép nhạc. Họ coi đây như một hoạt động phụ trợ, thầm lặng, vừa góp phần tăng thêm thu nhập, vừa đóng góp thiết thực cho đời sống văn hóa.

Trên thực tế, viết nhạc tuy dễ mà khó. Khi chiếc máy tính chưa phổ cập, việc chép nhạc hoàn toàn thực hiện bằng biện pháp thủ công. Nó đòi hỏi người chép vừa phải cẩn thận, tỉ mỉ, vừa trình bày đúng quy tắc, thẩm mỹ. Nốt nhạc viết ra đều tay, phù hợp với “văn phạm” trong ngôn ngữ âm nhạc. Nhân viên biên tập Nhà xuất bản âm nhạc xưa kia hầu hết đều xuất thân từ Nhạc viện. Sau khi ngành xuất bản “Xã hội hóa”, lĩnh vực này bắt đầu xuất hiện nhiều gương mặt mới, máy tính phổ cập tiếp tục giúp cho công việc chép nhạc thực hiện dễ dàng hơn. Bất kể người trong hay ngoài giới âm nhạc đều có thể tham gia. Tất nhiên, người sử dụng sản phẩm không hề quan tâm đến người tạo ra nó là ai, làm nghề gì, mà chỉ quan tâm tới chất lượng. Hai vấn đề này tự nhiên móc nối với nhau và cho thấy, khi những người không am hiểu về âm nhạc tham gia vào hoạt động này càng đông thì sự yếu kém về cả số lượng lẫn chất lượng càng nhiều. Bên cạnh đó, sau khi chiếc máy tính hỗ trợ cho việc chép nhạc càng tiện lợi, căn bệnh cẩu thả, thiếu trách nhiệm càng nặng. Vì thế, những ấn phẩm chứa lỗi đầm đìa có điều kiện thuận lợi “đầu thai” và đến tay người sử dụng. Như vậy, vấn đề đã rời khỏi địa hạt âm nhạc lọt sang lĩnh vực văn hóa.

Những lỗi thường gặp

Ấn phẩm âm nhạc xuất hiện trên thị trường tập trung vào các loại: Sách công cụ, Tuyển tập ca khúc, Tác phẩm viết cho nhạc cụ độc tấu, trong đó, sách in tác phẩm âm nhạc chiếm số lượng chủ yếu, nhất là tác phẩm viết cho nhạc cụ độc tấu, ca khúc. Đối với tác phẩm văn học, do sử dụng ngôn ngữ phổ thông, nên dù xảy ra sai sót, lỗi chính tả, đa số người đọc vẫn có khả năng tự điều chỉnh hoặc biết cách tiêu dùng bằng tư duy phản biện. Còn đối với tác phẩm âm nhạc, do phục vụ nhu cầu thiểu số, trong đó, những người có khả năng thẩm định tính chất đúng đắn lại càng ít ỏi, nên ngẫu nhiên nó trở thành vùng đất màu mỡ cho những sai sót phát sinh. Nhiều lỗi hớ hênh, ngớ ngẩn đi vào ấn phẩm, như:

Lỗi về khóa

Lỗi về khóa xảy ra trong phạm vi tác phẩm viết cho đàn piano. Vì, nhạc cụ này sử dụng hai khóa: khóa son và pha khác nhau, nên trong trường hợp chép nhạc bằng vi tính có thể xảy ra hiện tượng nốt nhạc tự do chọn vị cao độ, chứ không hề được khống chế, kiểm soát theo âm vực mà mỗi khóa đảm nhận. Ngoài ra, ở đàn piano cũng như nhạc cụ khác, nhằm tránh nhiều dòng kẻ phụ, người viết sẽ thay thế bằng cách hạ thấp hoặc nâng cao quãng tám và ghi thêm ký hiệu 8va… phía trên hoặc bên dưới. Như vậy, người đàn sẽ tự tìm đến quãng tám thực tế, còn nốt nhạc biểu thị trên khuông nhạc được hiểu theo nghĩa tương ứng cao độ, nhưng khác quãng 8. Cách viết này giúp cho việc thị tấu trở nên dễ dàng hơn. Trên thực tế, có những tác phẩm mà dòng kẻ phụ lên tới cả 5, 6 dòng. Khi ấy người đàn sẽ phải “căng mắt” ra đếm dòng kẻ phụ. Sở dĩ trong âm nhạc sử dụng các khóa khác nhau cũng nhằm mục đích giảm thiểu sự xuất hiện nhiều dòng kẻ phụ. Nếu dòng kẻ phụ sử dụng một cách thoải mái, tất cả nhạc cụ đã có thể chỉ cần dùng chung một khóa, không cần thiết phải có thêm khóa pha, khóa đô (Alto và Teno), bên cạnh khoa son. Điều này có thể liên hệ tới cách ghi hệ số đếm ở chữ Hán, như chữ “Nhất” biểu thị bằng một gạch, “Nhị”: hai gạch, “Tam”: ba gạch và mười, trăm, ngàn, vạn, triệu… sẽ là cả một đống gạch! Khi đó, công việc ngồi đếm “gạch” vụn hoặc dòng kẻ phụ đã ngốn hết thời gian dành cho việc tìm hiểu ý nghĩa ẩn chứa đằng sau phù hiệu hay ký hiệu.   

Lỗi đẳng âm, hoa mỹ

Đẳng âm là hai âm có cùng cao độ, nhưng khác nhau về tên gọi. Đẳng âm thuộc phạm trù giọng, điệu. Mặc dù, xét về cao độ, không có sự khác biệt giữa hai nốt đẳng âm, như la giáng và son thăng; mi giáng và rê thăng… Nhưng, khi đặt chúng vào giọng điệu cụ thể nhằm xác lập vai trò, vị trí thông qua các mối quan hệ thì hai âm có cùng cao độ buộc phải viết tên khác nhau. Chẳng hạn như tác phẩm viết ở giọng La thứ, trường hợp âm bậc 7 thăng nửa cung thì phải viết là son thăng, chứ không thể viết: la giáng. Vì, son thăng có mối quan hệ gần gũi với la trong giọng La thứ. Khoảng cách và mối quan hệ họ hàng giữa các bậc âm và giọng điệu quyết định tính chất, tên gọi cũng như địa vị của chúng. Đó là nguyên tắc về giọng. Còn theo khuynh hướng di chuyển, các bậc âm, hàng âm, như ở giọng đô trưởng, từ đô đi xuống phải qua si, rồi si giáng, la… Trong trường hợp này, si giáng không thể viết thành la thăng. Đối với nốt hoa mỹ, nếu có dạng hình thái thêu, như: la - la thăng - la bình, phải viết là: la - si giáng - la; rồi son – son giáng - son phải viết là: son - pha thăng - son; hình thái thoát, như: son - son thăng - pha phải viết là: son - la giáng - pha… Những cách viết trên giống như nguyên tắc chính tả trong văn tự. Tất cả những sai phạm như vừa trình bày đều xảy ra nhan nhản trên các bản nhạc, kể cả những cuốn sách đã trở thành kinh điển, mẫu mực.

Lỗi liên kết trường độ

Theo nguyên tắc, người ta có thể liên kết nhiều nốt nhạc thành từng nhóm, như các nốt móc đơn, chùm 3, nốt móc kép, móc đơn và móc kép, móc tam và móc đơn... Những tổ hợp này không chỉ giúp liên kết nốt nhạc thành từng tổ, mà còn thể hiện mô hình tiết tấu dưới dạng âm hình. Trong nhạc hát, do gắn với lời ca, nên việc liên kết lại phải tham chiếu đơn vị ca từ tương ứng. Trong thực tế, nhiều tác phẩm nhạc hát đã viết giống như nhạc đàn, bất kể ca từ phía dưới ra sao, giai điệu phía trên cứ tự do liên kết với nhau. Tất nhiên, lỗi này dễ dàng xảy ra khi sử dụng máy tính chép nhạc. Vì, có nhiều trường hợp, dấu liên kết tự động kết nối với nhau. Nhằm tránh tình trạng này, người sửa bản “bông” phải cẩn thận, cho dù đã xem xét kỹ trước đó.

Lỗi minh họa

Việc minh họa trang bìa vốn chẳng lỗi lầm gì khi đứng ngoài văn bản. Nhưng, xuất phát từ chức năng minh họa, nên nó lại có liên quan ít nhiều đến nội dung ấn phẩm, từ đó, yếu tố “họa” phải thể hiển được nội dung cần “minh”. Nếu tranh, bìa minh họa dừng lại ở tính chất trang sức có lẽ nên đặt trong một bối cảnh khác, chứ không thể nằm ngoài bìa trang sách. Chẳng hạn như cuốn: “Phương pháp đệm đàn piano & organ” của Hồ Đăng Tín (Nxb Văn Nghệ), tranh minh họa trước Lời nói đầu là hình tác giả ôm cây đàn guitar; Cuốn: “Ngâm thơ và nghe ngâm thơ” của Thạch Cầm (Nxb Văn hóa – Văn nghệ) có nội dung đề cập tới cây đàn chủ lực trong nghệ thuật ngâm thơ là đàn tranh thì trang bìa vẽ tác giả ôm cây đàn nguyệt… Tình trạng “ấm ớ hội tề”, “ông chẳng bà chuộc”, “Đầu Ngô mình Sở” này tràn lan trên kệ sách. Có lẽ, chúng chẳng làm phiền lòng ai, nhưng nhìn rộng ra cả nền văn hóa không khỏi thấy tính chất kỳ dị và bất thường một cách bình thường. Cứ đà này tiến triển, trong tương lai không chừng xuất hiện “Tuyển tập Etude Chopin” với bìa minh họa là vận động viên chơi Tennis!

Quan đó thấy rằng, thái độ nghiêm cẩn trong nhiều hoạt động, từ giáo dục đến môi trường văn hóa đã bị bỏ qua, coi thường. Hậu quả của nó đã để lại trên những sản phẩm vốn đong đầy giá trị văn hóa, nhưng lại mắc lỗi đầm đìa. Dấu vết này sẽ đi vào lịch sử để làm bằng chứng cho một thời đại chạy theo những mục tiêu to tát, nhưng thiếu thái độ nghiêm túc trong hoạt động văn hóa.         

Nước ta vốn có tiếng khắt khe trong hoạt động kiểm duyệt, nhưng những lỗi kỹ thuật thuần túy ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, gián tiếp tới đời sống văn hóa lại bị thờ ơ, phớt lờ. Nhà quản lý và người tiêu dùng dường như nhìn về những phía khác nhau, từ đó góp phần cho sự ra đời hàng loạt sản phẩm yếu kém trà trộn vào lĩnh vực xuất bản gây nhiễu loạn, hỗn tạp trong đời sống văn hóa.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...