Tình ca - Hoàng Việt

29/03/2016

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hoàng Việt đã là nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc mang âm hưởng dân gian như Lá xanh, Ai nghe chiến dịch mùa xuân (1950), Tin tưởng, Đêm mưa dầm (1951), Lên ngàn (1952), Lửa sáng, Nhạc rừng (1953), Mùa lúa chín (1954)... Mỗi bài đều gắn với những bối cảnh lịch sử cụ thể, và qua từng năm, bút pháp của nhạc sĩ càng trở nên điêu luyện hơn. Cái cách mà Hoàng Việt để lại dấu ấn cho người nghe không phải là những khẩu hiệu xơ cứng, mà ngay trong bối cảnh vô cùng khó khăn của cuộc kháng chiến, người ta vẫn thấy một sự vui tươi, nhẹ nhàng đến lãng mạn trong từng ca khúc.

Là một người con của Nam Bộ, Hoàng Việt đã không chỉ dừng lại ở việc xây dựng hình tượng âm nhạc thông qua ngôn ngữ âm nhạc dân gian Nam Bộ, mà còn rất thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ âm nhạc mới để thể hiện những điều muốn nói. Mà Tình ca chính là một ca khúc đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc đời sáng tác của người nhạc sĩ tài ba này.

Đó là vào mùa xuân năm 1957, tiết trời vẫn còn vương vấn cái lạnh của mùa đông xứ Bắc. Người nhạc sĩ Nam Bộ lúc đó đang là học viên của Trường Âm nhạc Việt Nam (13 Cao Bá Quát - Hà Nội). Cảnh xuân, dù trong chiến tranh hay hòa bình, vẫn vốn gợi cho con người nhớ về quê hương với những kỷ niệm chẳng thể phai mờ trong tiềm thức. Hoàng Việt cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bằng trái tim đa cảm của người nhạc sĩ trẻ, nỗi niềm nhớ quê, nhớ vợ, nhớ bạn bè, người thân lúc này bùng lên trong ông mạnh mẽ hơn bao giờ hết.


Tình ca - (Hoàng Việt) - Quốc Hương

Đúng thời gian ấy, một niềm vui trong cái éo le nghịch lý đã xuất hiện. Vui là vì Hoàng Việt nhận được thư của vợ từ Sài Gòn gửi ra chứa đựng bao tình cảm riêng tư. Cái éo le, nghịch lý mà không ai ngờ tới đó là hành trình của bước thư vô cùng ngoằn ngèo, trắc trở: Từ Sài Gòn sang Pari, lòng vòng qua một số nước rồi mới tới Hà Nội.

Ông nhận được thư trong tâm trạng vô cùng phấn chấn. "Ông nghĩ đến nỗi khổ của người vợ phải xa cách chồng, sống trong vòng cương tỏa, o ép của kẻ thù... Một cảm xúc mãnh liệt về tấm lòng thủy chung của những lứa đôi trước phong ba bão táp của cuộc đời, khát vọng về ngày thống nhất đoàn tụ đã bùng lên trong ông. Và, trái tim của người nhạc sĩ đã được cộng hưởng, dồn nén đến đỉnh điểm từ tình yêu quê hương đất nước với tình cảm riêng tư, để một đêm thức trắng cho ra đời bản Tình ca nổi tiếng.

Điều đáng chú ý là, ở thời điểm đó, Tình ca đã gây nên một cơn "chấn động" lớn trong giới âm nhạc nói riêng và giới nghệ thuật nói chung. Nhiều người cho rằng Hoàng Việt "quá liều" trong việc đề cập tới tình yêu đôi lứa, khi mà điều kiện lịch sử chưa cho phép. Điều đó có một phần đúng, nhưng chưa đủ. Bởi, Tình ca của Hoàng Việt ,trong nó chứa đựng nhiều điều hợp lý, mà nói theo lời của Mác thì: cái gì hợp lý sẽ tồn tại. Nhìn sâu hơn, tính hợp lý đó được đặt theo chiều ngang - trục hoành của lịch sử văn hóa âm nhạc nước nhà. Rõ ràng Tình ca là điểm nối giữa cái đã có của quá khứ với hiện tại và cái sẽ có ở tương lai.

"Chim dăng dăng bay ngoài nắng xuân đẹp thay!
Tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây",

Trong những năm tháng trước cách mạng, loại nhạc này có sự phân chia thành ba dòng ca khúc:cách mạng, yêu nước tiến bộ (hoài vọng lịch sử) và tiền chiến (trữ tình lãng mạn). Cũng bởi do hoàn cảnh lịch sử chi phối, nên chỉ sau mấy năm hình thành, dòng ca khúc hoài vọng lịch sử đã hợp lưu cùng dòng ca khúc cách mạng. Riêng với dòng ca khúc trữ tình lãng mạn thì bị đứt đoạn, nhưng nó vẫn âm ỉ cháy trong tâm hồn và ý tưởng của nhiều nhạc sĩ. Như vậy, Tình ca của Hoàng Việt ra đời là sự tiếp nối chủ đề tình yêu của dòng ca khúc trữ tình lãng mạn, tất nhiên là ở một tâm thế khác.

Từ thời điểm đó cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, nhiều nhạc sĩ đã chọn những hướng đi khác nhau để “khai thông” cho dòng ca khúc này mà chúng ta có thể kể đến là:

Hướng thứ nhất, các nhạc sĩ đi vào khai thác đề tài tình yêu trên cơ sở những mô-tip cốt truyện và âm nhạc dân gian miền núi phía bắc. Nhiều bản tình ca: Tiếng sáo gọi người yêu (Nguyễn Đình Tấn), Sao cô em chưa về (Lê Lan), Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý), Chiếc đàn môi (Nguyên Nhung), Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh - Cầm Giang)... ra đời đã nhận được sự cộng cảm lớn của đông đảo công chúng.

Hướng thứ hai, thuộc về Hoàng Việt khi tác giả đã "xông" thẳng vào hai vấn đề then chốt của tình ca mới: nội dung đề tài mang tính cập nhật, (nghĩa là gắn với bối cảnh lịch sử đương đại) và sử dụng ngôn ngữ âm nhạc mới. Như vậy, ở một phương diện nào đó, có thể coi Hoàng Việt là nhạc sĩ đặt nền móng cho sự ra đời của một nhánh tình ca, mà trong đó có sự kết hợp giữa ngôn ngữ âm nhạc mới với không khí của thời đại.

Sau đó ít lâu, hướng thứ ba cũng có nhiều điều giống hướng thứ hai, nhưng lợi thế hơn, an toàn hơn trong cách ứng xử văn hóa với xã hội, lịch sử. Đó là, các nhạc sĩ khai thác nội dung trong thơ đương đại. Hướng này có Nhớ (Lê Yên - Thanh Hải), Nhớ (Hoàng Vân - Nguyễn Đình Thi), Tình em (Huy Du - Ngọc Sơn)...

Dẫu vậy, lịch sử vẫn là lịch sử, có tính quy luật riêng, thậm chí quy luật ấy có đủ khả năng chi phối những hoạt động vật chất lẫn tinh thần của một thời đại. Tình ca, rồi Tình em, hay Nhớ cũng phải lắng dịu một thời gian dài, khi mà lịch sử hội đủ các yếu tố xã hội, nhận thức... thì nó mới được nhìn nhận là những tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật.

Riêng với Tình ca, chúng ta đều phải ghi nhận sự táo bạo trong tư duy của nhạc sĩ Hoàng Việt. Cái tư duy nghịch lý trong cái hợp lý được thể hiện rõ nét cả trong và ngoài tác phẩm. Trong tác phẩm, đầu tiên là cái tôi, cái tình yêu riêng của nhạc sĩ được đề cập:

"Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta. Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn trong phong ba. Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra...".

Rồi ở lời 2 có:

"... Chim dăng dăng bay ngoài nắng xuân đẹp thay! Tan cơn phong ba, lòng đất yên rồi đây. Em hãy nở nụ cười tươi xinh. Như đóa hoa xuân chào riêng anh. Nói nhau nghìn lời qua đôi mắt xanh".

Bây giờ chiến tranh đã đi qua, tình yêu đôi lứa đang lan tràn trong ca khúc Việt, thậm chí là quá ủy mị, thiếu sức sống. Nhưng, ở thời điểm đó, khi các tác phẩm âm nhạc được nhìn nhận dưới hệ quy chiếu của ngôn từ - mà ngôn từ đó luôn được xem xét sức ảnh hưởng đến sức chiến đấu của dân tộc – thì chúng ta mới thấy được sự táo bạo của Hoàng Việt trong cách đặt vấn đề về tình yêu đôi lứa. Chính do cách nhìn mang tính lịch sử mà một số người thời ấy cho rằng Tình ca của Hoàng Việt là “có vấn đề”. Bởi thế, ngay khi được nghệ sĩ Quốc Hương trình bày trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, thì sau đó ít tháng, bài hát được xếp lại trong "kho lưu trữ". Lịch sử vô cùng khắt khe nhưng cũng thật công bằng, mười năm sau, ca khúc Tình ca đã được trả lại với đúng vị trí của nó.

Thật ra, lời trong Tình ca đâu chỉ có tình yêu đôi lứa - cái tôi của nhạc sĩ - mà trong nó đã chưa đựng cái ta cao cả. Cũng như bao nhạc sĩ ở thời đó, tình yêu lứa đôi được hòa vào tình yêu quê hương đất nước: Từ trong chiến tranh gian khổ, tình yêu trong ca khúc của Hoàng Việt càng trở nên sắt son, bền chặt, đơm hoa kết trái; tình yêu đấy không mang chút bi lụy mà gắn chặt với cánh đồng, dòng sông của mảnh đất Nam Bộ - nói rộng ra là quê hương, đất nước, tổ quốc Việt Nam. Hoàng Việt đã “gói” tình yêu của ông như thế này:

"Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa. Đã biến tình đôi ta thành những cánh sao tỏa sáng. Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa. Bến nước Cửu Long còn đó em ơi! Biển lúa nương dâu còn mãi muôn đời. Là còn duyên tình ta với bao tiếng ca, không thể xóa nhòa"…

Dường như sự bộc lộ trên vẫn chưa đủ sức nặng, ông còn viết thêm ở lời hai như để khẳng định tình yêu chân chính sẽ tạo nên sức mạnh, sẽ dệt thành bài ca bất hủ:

"Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa. Xua kẻ thu đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu. Đập tan ngay bao nhiêu đau khổ và chia ly. Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời. Làm một bài tình ca của đôi lứa ta, dâng cả bao đời"…

Có điều trong Tình ca, Hoàng Việt đã dùng lối tư duy "ngược". Thời đó, các nhạc sĩ thường đi từ cái bao la, rộng lớn của cảnh quan, đất nước, sau đó mới đề cập tới tình yêu lứa đôi, tình yêu anh - em, nhưng tình yêu đó là của mọi người chứ không phải của riêng mình. Nói cách khác, cái ta, cái lớn lao phải đặt lên trước, đó là mô thức mang tính khuôn mẫu cho sáng tác thời điểm này.

Nhưng Hoàng Việt không như vậy: bắt đầu từ rung động thật sự từ bản thân, ông đi từ cái riêng đến cái chung, từ cá thể đến cộng đồng, và cuối cùng người nghe vẫn thấy cái tôi và cái ta hòa nhập với nhau, quyện chặt không thể tách rời. Chính bởi lối tư duy này, ở thời nặng về "xét ý suy nghĩa, nhặt chữ đếm câu" nên không ít người cho rằng bài hát có vấn đề về ca từ. Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu và có thể lý giải được.

Sáng tác là vấn đề sáng tạo mang tính cá thể, vì thế mỗi người có khả năng và có cách tư duy riêng để xây dựng nên một phong cách. Hoàng Việt cũng thế, ở Tình ca, ông đã tạo được một dấu ấn rất riêng, dấu ấn ấy là sự kết hợp giữa cái cũ và cái mới, giữa cái truyền thống và cái hiện tại.

Nhìn trên phương diện về đặc điểm của hình tượng âm nhạc, thì Tình ca là một mảng hiện thực của cuộc sống được phản ánh. Tất nhiên, hiện thực ấy không hiện diện trong tác phẩm như những gì đang diễn ra trong cuộc sống, mà nó đã được tác giả nhào nặn bằng các thủ pháp âm nhạc. Thông qua sự rung động từ trái tim, người nhạc sĩ đã xây dựng nên hình tượng âm nhạc mang tính hư cấu, ước lệ, nhưng lại điển hình, toàn vẹn và không bị chia cắt. Dưới góc độ tiếp cận ấy, nếu nhìn vào Tình ca của Hoàng Việt sẽ thấy ba mặt của nội dung được hiển hiện, đó là:

Thứ nhất là Nội dung cụ thể: Ca khúc lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về hành trình gian nan, trắc trở của bức thư người vợ hiền trong Sài Gòn. Tuy nhiên, không theo lối mòn kể lể dài dòng, Hoàng Việt dùng câu chuyện về lá thư làm cái cớ để nhìn vào chiều sâu cuộc sống của những người phụ nữ ở miền nam, trên cơ sở đó hình thành nên giai điệu và lời ca. Đây cũng là một trong những biểu hiện của cái "nghịch lý" trong tư duy để biểu hiện vấn đề.

Thứ hai, nội dung thời đại hay nội dung khách quan cũng được thể hiện rõ trong Tình ca. Đó là thời điểm lá thư tới tay nhạc sĩ vào mùa xuân nơi đất bắc trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Chính hoàn cảnh lịch sử này đã gợi cho nhạc sĩ đề tài về tình yêu.

Thứ ba, khi nghe Tình ca cũng thấy được nội dung tư tưởng của tác giả trong tác phẩm: đó là niềm lạc quan, hân hoan vô cùng. Chẳng hạn:

"Chim dăng dăng bay ngoài nắng xuân đẹp thay! Tan cơn phong ba lòng đất yên rồi đây",

Hay:

"Giữ lấy đức tin bền vững em ơi! Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời"...

Tình ca Hoàng Việt được coi là bức thông điệp của tình yêu trong bối cảnh hai miền đất nước bị chia cắt. Thực tế cuộc sống lại cho ông một kinh nghiệm nữa về cách xử lý “cái nghịch lý trong sự hợp lý” có thể để đạt được mục đích. Đó là không gửi thư trả lời mà viết nên ca khúc, gửi những tiết tấu, giai điệu và lời ca qua làn sóng điện cho người vợ phương xa, và rộng hơn là những người vợ hậu phương đang ngày ngày mong ngóng đợi chờ dáng chồng nơi chiến tuyến.

Cái ý tưởng đó thật độc đáo, và Tình ca của Hoàng Việt, cho dù có lúc bị đứt đoạn, nhưng đến nay, vẫn sống động, lung linh trong bầu trời âm nhạc Việt Nam. Tình ca luôn xứng đáng là một trong những ca khúc mẫu mực viết về đề tài tình yêu đôi lứa. Ở đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái cũ và cái mới, và cao hơn là sự kết hợp giữa tấm lòng của một con người với cái tài năng của nhạc sĩ. Phải chăng chính điều đó đã góp phần làm nên sức sống trường tồn của ca khúc này trong lòng công chúng yêu nhạc? ./.

(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.