Tin buồn miên man

07/01/2016

Những ngày cuối năm 2015 đang lặng lẽ trôi qua, điểm lại sự kiện âm nhạc diễn ra trong năm, nổi lên trên bề mặt của nó có lẽ là tin buồn. Nói theo ngôn ngữ dân gian, làng nhạc Việt năm nay bị trùng, vì phải chứng kiến sự ra đi liên tiếp của hàng loạt tên tuổi danh giá trong nền âm nhạc nước nhà: ngày 24 tháng 6 nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh, hai nhạc sĩ họ Phan là Phan Nhân và Phan Huỳnh Điểu cũng “rủ nhau đi” vào một ngày (29) cuối tháng 6, nhạc sĩ An Thuyên mất ngày 3 tháng 7, còn nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo mất tại Paris ngày 20 tháng 11. Như vậy, chưa đầy mười ngày, đất nước đã mất năm nhạc sĩ, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử.


(Photo: Internet)

Xưa kia, nhạc sĩ thiên tài người Áo Volfgang Amadeus Mozart đang sáng tác dang dở Khúc cầu hồn (Requiem), tác phẩm chưa kịp hoàn thành thì tác giả đã vội vã ra đi. Phải chăng, Mozart đã dám khiêu khích, thách thức tử thần! Còn nhạc sĩ của ta: từ Phan Nhân nổi tiếng với ca khúc “Chú ếch con”, “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, “Thành phố Hồ Chí Minh”… Phan Huỳnh Điểu sau “Trầu cau” thời Tiền chiến, chuyển sang viết nhạc “Cách mạng”, đáng nể với hàng loạt ca khúc phổ thơ, như “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, thơ Dương Hương Ly, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, thơ Hoài Vũ, Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”, thơ Xuân Quỳnh, “Bóng cây Kơnia”, thơ Ngọc Anh, “Sợi nhớ sợi thương”, thơ Thúy Bắc “Những ánh sao đêm”, ca khúc thiếu nhi: “Đội kèn tí hon”, “Nhớ ơn Bác”… nhạc sĩ An Thuyên, tuy là một vị tướng trong quân đội, nhưng dành nhiều tâm huyết cho ca khúc trữ tình, như: “Huế thương”, “Em chọn lối này”, “Ca dao em và tôi”, sáng tác về Hồ chủ tịch có: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo trước sau gắn bó với trào lưu âm nhạc Tiền phong, có ngôn ngữ âm nhạc độc sáng, biến ảo vi diệu như: “Tuyến lửa”, “Bà mẹ Việt Nam”, Mỵ Châu, Trọng Thủy”, “Sóng nhất nguyên”, “Khai giác”, “Suối tranh”, “Căn thức”…, nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê thì trọn đời thủy chung với âm nhạc truyền thống, từ luận án “La Musique Vietnamienne Traditionnelle” đến “Âm nhạc Đông Nam Á”, “Văn hóa với âm nhạc dân tộc”, “Tiểu Phẩm”, “Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam”, “Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy” cùng hàng trăm bài viết nghiên cứu đăng tải trên tạp chí trong và ngoài nước.

Trong số họ, chẳng ai từng trêu ngươi hay đắc tội với thần chết, Diêm Vương, nhưng, “ngày đã hết” thì vẫn phải ra đi. Nhà soạn nhạc người Ý Gioachino Rossini trước giờ phút lâm chung từng đuổi cha xứ đến rửa tội về, vì cho rằng: “Cả đời tôi chẳng đánh sai nốt nhạc nào.” Không có tội thì chẳng phải rửa tội! Dù Rossini vô tội trước sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, vĩ đại của mình, nhưng rốt cuộc vẫn cứ phải chết. Vì, chết thuộc về vũ trụ. Cái thuộc về thế gian này có lẽ là những gì ở lại sau khi con người đã ra đi. Và đây chính là thời điểm bắt đầu cho tiến trình đánh giá, nhìn nhận lại gia tài của người đã khuất.

Theo quan niệm của người Trung Quốc: “Cái quan định luận”, để đánh giá một con người, tiêu chí số 1 là đợi tới lúc đậy nắp quan tài. Tùy thuộc vào giá trị di sản mà người ra đi viết nên ý nghĩa ở lại trong những tháng ngày ngắn ngủi còn tại thế. Tuy nhiên, gia tài âm nhạc nói riêng hay di sản văn hóa, nghệ thuật nói chung không nằm trong giấc ngủ lặng im của tư liệu hay băng âm thanh, cũng không nằm trong giấc mơ của chủ thể sáng tạo, mà tùy thuộc vào mức độ “tỉnh thức” của người thừa kế. Văn hóa, nghệ thuật không lưu truyền bằng hình thức sở hữu mà tuân theo nguyên tắc chuyển đổi giá trị thông qua nhịp cầu trung gian. Công việc kiểm kê, đánh giá di sản một mặt lệ thuộc vào kết quả “giám định” của các nhà lý luận, phê bình âm nhạc, một mặt chịu sự thay đổi của người sử dụng, những ai quan tâm đến lĩnh vực âm nhạc. Nếu giá trị nghệ thuật ngủ yên trong sự thờ ơ, lãng quên thì đất nước vẫn hoang vu trên vẻ nguy nga, tráng lệ của kho báu. Tình trạng này đã xảy ra lâu dài, từ tài nguyên thiên nhiên cho đến nhân văn, đặc biệt là nguyên khí quốc gia tụ hội nơi những bậc hiền tài. Còn thành phần nghịch tử, “phá gia chi tử” lại liên tục được “đầu thai” khiến cho nhiều di sản rơi vào cảnh tan hoang, “vườn không nhà trống”, không người thừa kế quạnh hiu. Dinh dưỡng tinh thần cũng giống như vật chất, nó cần đi qua con đường duy nhất là thừa kế để chuyển đổi giá trị. Sau khi “dưỡng chất” thấm vào cơ thể, nuôi dưỡng cơ quan thẩm mỹ mới có khả năng tác động ngược trở lại khách thể, rồi sản sinh ra hiệu ứng dây chuyền nhằm bổ sung vào chuỗi giá trị. Như vậy, vòng tuần huần của di sản được lưu chuyển và ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình tiếp nhận. Nếu di sản dừng lại ở công tác bảo tàng, lưu trữ, kể cả tư liệu vang thì chẳng khác nào thi thể được ướp trong nhà xác hiện vật. Chúng sớm muộn sẽ ra đi cùng với chủ nhân và khi đó, tin buồn nối tin buồn, miên man trên khắp vùng xứ sở.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...