Tìm về bản sắc
Sau một thế kỷ vật lộn với công cuộc Hiện đại hóa, âm nhạc truyền thống nước ta đã thay đổi về cơ bản mà nhìn lại chặng đường đi qua không khỏi thấy ngỡ ngàng. Sự ra đời của Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956, tiền thân của Nhạc viện Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia ngày nay đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp nước nhà. Mặc dù dựa trên mô hình giáo dục âm nhạc của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, nhưng sản sinh trên cơ tầng văn hóa sở tại với điều kiện đặc thù, nên từ lâu cơ sở giáo dục âm nhạc này đã mang bản sắc văn hóa Việt Nam, mà một trong những đặc điểm cơ bản là hiện tượng cộng sinh giữa âm nhạc Cổ điển phương Tây và âm nhạc Cổ truyền Việt Nam. Chính vì lẽ đó, tình trạng không tương thích cục bộ đã làm nảy sinh nhiều vấn đề trong hoạt động thực tiễn. Đứng ở góc độ văn hóa, nó tạo tiền đề cho những đổi thay mà sau này phải tiến hành công tác định dạng, tái thiết lại bản sắc.
1. Những ngộ nhận về bản sắc
Nhiều người làm nghiên cứu đã tổng kết nền âm nhạc dân tộc thế kỷ XX là giai đoạn: Hiện đại hóa = Phương Tây hóa. “Đề cương Văn hóa năm 1943” đề ra mục tiêu xây dựng nền: “Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung” với ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa.” Trong quá trình chuyển hóa đi suốt thế kỷ XX, văn minh phương Tây trở thành hình mẫu cho chúng ta học hỏi, noi theo, đồng thời, xác định “tính chất dân tộc”, nằm ở “hình thức”, từ đó cho phép tiến hành cuộc “đại phẫu” đối với nền âm nhạc truyền thống. Trường Âm nhạc Việt Nam trở thành “phòng thí nghiệm” thực hiện ca ghép “nội dung” mới (Tây) vào “hình thức” cũ (Ta) trên thực thể những nhạc cụ truyền thống. Vào giai đoạn này, hầu hết các nhạc cụ truyền thống, từ nhạc khí hơi, như sáo trúc, đàn K’long put… đến nhạc cụ gõ, đàn t’rưng, đàn tam thập lục, nhạc khí dây: đàn tỳ bà, đàn tứ… đều trải qua quá trình cải biến hay còn gọi là cải tiến. Có lẽ, chỉ trừ cây đàn bầu độc chiêu của Việt Nam do những đặc điểm riêng mà thoát khỏi ca “ghép tạng” đau đớn mang tính lịch sử. Đàn bầu có duy nhất một dây và sử dụng hệ bồi âm, nên không có cách nào cải hóa được ngôn ngữ của nó. Mặc dù, trong suốt quá trình bảo lưu “giọng nói” của mình, đàn bầu cũng trải qua nhiều lần thay đổi ê chề với sự lồng ghép ngô nghê theo kiểu “Đầu Ngô mình Sở”, “nâng cấp” phần hồn nhằm thỏa mãn nhu cầu những người giàu lòng nhiệt thành đối với công cuộc cải tiến nhạc cụ truyền thống. Bộ phận khuếch đại âm thanh tham gia, củng cố âm lượng cũng không cưỡng chế được tâm hồn Việt của cây đàn bầu. Có lẽ, đây là cây đàn mang thân phận của văn hóa Việt Nam, có khả năng vượt qua chướng ngại suốt chiều dài lịch sử, chuyên chở bản sắc văn hóa truyền đời.
Điểm gặp gỡ trong công cuộc cải tiến nhạc cụ là: dân tộc về hình thức, “tân dân chủ” về nội dung. Tân dân chủ là một khái niệm du nhập từ phương Tây, vì thế, cũng dễ hiểu khi nhạc cụ ta gắn phím định âm Tây theo thang 12 âm chia đều (Bình quân luật). Tại điểm giao kết này, âm nhạc truyền thống nhiều khi trở nên ngớ ngẩn. Vì, có những cây đàn, xét về hình hài thì rõ Ta, nhưng cất lên “tiếng nói” ngọng như ông Tây, bà Đầm! Hình hài Cổ - Kim, Đông – Tây kết hợp không những không thể sản sinh ra sự thay đổi về chất, mà còn tạo nên những thay đổi hết sức ngộ nghĩnh, hợm hĩnh cả hình thức lẫn nội dung, như cây đàn tứ chẳng hạn. Đàn tứ đại còn có biệt danh “Tứ đại dở hơi”, vì có bốn dây lớn mô phỏng cây đàn guitar bass. Sự chung đụng, trà trộn, lẫn lộn giữa những điểm không tương thích nhau của hai thực thể nhạc cụ truyền thống Tây và Ta đã sản sinh ra tình cảnh khập khiễng, chông chênh về thẩm mỹ. Nhạc cụ Ta dù có thay đổi “nội dung” thế nào cũng khó thể biến thành “nhạc cụ Tây”.
Suy xét lại quá trình phản chiều, việc cải biến nhạc cụ Tây thành Ta theo xu hướng “Dân tộc hóa” lại tỏ rõ sự thành công qua trường hợp cây đàn “Ghi ta phím lõm”. Cây đàn này từ lâu đã trở thành thành viên chính thức trên sâu khấu Cải lương, lấn át, thậm chí “thôn tính” cả dàn nhạc Đờn ca Tài Tử truyền thống. Đàn Ghi ta phím lõm thuở ban đầu ra đời từ ý tưởng thay thế đàn Mandoline, vốn có âm sắc kim, nhưng không khai thác được khả năng biến âm, vì phím nhỏ, khoét nông, khó triển khai kỹ thuật rung, nhấn… Chưa kể, hộp cộng hưởng của đàn Mandoline nhỏ, âm lượng hết sức hạn chế. Đàn Ghi ta phím lõm đã khắc phục được những khuyết điểm này, đồng thời tạo ra nhiều bước đột phá, từ ngón đàn đặc trưng, khả năng biến hóa phong phú, ngôn ngữ thuần Việt, xuất hiện nhiều tên tuổi xuất chúng, như cây Ghi ta Văn Vĩ, Văn Giỏi… Nói tóm lại, quá trình “Dân tộc hóa” nhạc cụ phương Tây đã đem lại kết quả thành công, một phần thưởng xứng đáng trong sáng tạo văn hóa.
Nghệ thuật truyền thống và âm nhạc phương Tây song hành bên nhau qua những năm tháng đi từ “thôn tính”, “đồng hóa”, “mâu thuẫn” đến “cộng tồn”…Nó cho thấy có những vấn đề có thể hóa giải, bên cạnh nhiều mẫu thuẫn vẫn tích tụ. Kết quả “thỏa thuận” văn hóa sau giải pháp triết trung, nền âm nhạc truyền thống phải hy sinh cá tính riêng để hòa nhập với âm nhạc phương Tây. Điều này hiển nhiên dẫn tới những thay đổi căn bản trong lòng âm nhạc truyền thống, đặc biệt là tiếng nói, ngôn ngữ đặc trưng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến linh hồn dân tộc. Ngoại trừ những nhạc cụ có khả năng biến đổi linh hoạt cao độ, như đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh… còn những nhạc cụ định âm đóng khung cố định trong thang âm Bình quân thì việc diễn tấu nhạc cổ vô cùng khó khăn. Đứng ở góc độ hình thức, trực quan sinh động dễ dàng nhận biết bản thể truyền thống vẫn ngự trị trên thực thể nhạc cụ truyền thống, song lẩn sâu xuống lòng hiện tượng, công cuộc “cải tiến” đã đi vào phần cốt lõi, đó là nội dung biểu cảm của ngôn ngữ âm nhạc truyền thống, cũng như tâm hồn dân tộc. Nhạc cụ truyền thống, nhất là nhạc cụ định âm khó thể duy trì bản thể khác biệt khi mà “nội tạng” bị chuyển hóa, cấy ghép “cơ quan” mới. Hơn thế kỷ trôi qua, âm nhạc truyền thống thực sự đã làm cuộc da đổi thịt với tâm hồn khác lạ, vất vưởng bên trong lớp vỏ truyền thống.
2. Văn hóa biến đổi gien
Thuật ngữ văn hóa biến đổi gien đã trở nên quen thuộc trong giới nghiên cứu văn hóa. Nó nhằm chỉ tình trạng đứt gãy lịch sử và sự biến đổi nội hàm những giá trị mang tính truyền thừa. Nhiều di sản văn hóa truyền thống phải lang thang trong không gian văn hóa xa lạ hoặc lưu vong trên chính quê hương mình. Tất nhiên, tình trạng xê dịch không gian sinh hoạt, chuyển hóa bối cảnh chưa hẳn gây nên tình trạng đứt gẫy mà điều quan trọng lại thuộc về sự chuyển động bên trong thực thể từng dạng thức nghệ thuật. Như trên đã đề cập hiện tượng thay đổi cấu trúc nội tại của nhạc cụ cổ truyền, hệ thống 7 cung đều bị xóa bỏ, thay vào hệ thống thang âm 12 âm Bình quân. Cách làm mới ấy vô hình trung đưa “linh hồn” âm nhạc truyền thống đi di trú, thoát khỏi “thể xác” hiện hữu. Kết quả đó tạo nên tình trạng đứt gãy văn hóa, thay đổi thói quen thẩm mỹ, gây ra nhiều ngộ nhận trong hoạt động thực tiễn. Việc đưa âm nhạc truyền thống đi “sơ tán” không chỉ ảnh hưởng tới giá trị nội tại của từng loại hình nghệ thuật, mà còn xóa đi ranh giới khu biệt giữa các vùng miền. Sau năm 1975, cả hai cơ sở đào tạo âm nhạc miền Trung và miền Nam đều nhất loạt thay đổi theo xu hướng chung, nhân rộng kết quả thể nghiệm trên nhạc cụ truyền thống. Đứng trước cuộc va chạm, đụng độ giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây chưa hẳn gây hậu quả nghiêm trọng nhờ cơ chế phòng vệ tâm lý hình thành sau cú “shock” văn hóa. Song, vấn đề lại nảy sinh từ ý thức tự giác và lòng nhiệt huyết của người trong cuộc muốn dịch chuyển bản sắc, cố gắng đưa âm nhạc dân tộc tiến gần tới âm nhạc phương Tây, các hình thức hòa đàn truyền thống thay thế bằng tư duy hòa thanh, giao hưởng hóa biên chế, tổ chức dàn nhạc… Những điểm nhấn mới cần khuyến khích trên phương diện thể nghiệm, sáng tạo, nhưng sai lầm đi từ chỗ thay thế chủ thể bằng khách thể.
Bên cạnh đó, tư duy bảo tồn nhằm mục đích phục vụ hoạt động du lịch cũng phát huy cao độ tình trạng biến tướng của nhiều loại hình nghệ thuật. Việc sáp nhập sinh hoạt văn hóa vào hoạt động thương mại có tác động tích cực đối với công cuộc bảo vệ di sản truyền thống. Song, vấn đề mang tính quyết định là phải hướng tới xây dựng hành lang an toàn cho di sản nghệ thuật, chứ không nên lấy lợi ích trước mắt để hủy hoại thành quả lâu dài của lịch sử. Chúng ta nên khu biệt giữa di sản nghệ thuật truyền thống và những màn trình diễn giả cổ. Khi di sản âm nhạc truyền thống rời khỏi môi trường sinh thái vốn có để xâm nhập xã hội đô thị, bước lên sân khấu hiện đại buộc phải trải qua những thay đổi về bối cảnh văn hóa. Song, những người làm văn hóa, nghệ thuật cần thiết kế sinh thái nhân văn truyền thống (một cách tự nhiên) nhằm tái hiện tinh thần truyền thừa, tránh ngộ nhận hay nhập nhằng giữa truyền thống và hiện đại gây tác hại, xáo trộn thị hiếu thẩm mỹ, đặc biệt đối với những di sản đang trải qua quá trình phục hồi để thích nghi. Nói cách khác, không cho xảy ra tình trạng đứt gãy văn hóa và tập quán thưởng thức trong quá trình phục hiện di sản nghệ thuật. Rất nhiều di sản sau khi được người dân biết đến lại đứng trước nguy cơ “làm mới” một cách tai hại, những “cảnh diễn điện tử”, trình bày theo “sự chỉ đạo sáng suốt” của người làm truyền hình gây nên tình trạng méo mó, giả dối, xa rời truyền thống. Xu hướng này cần quy hoạch vào vùng giải trí, chứ không nên phát triển theo khuynh hướng nhập nhằng giữa di sản truyền thống cần bảo vệ và dịch vụ văn hóa khai thác nhằm phục vụ quảng bá hình ảnh du lịch. Quan trọng hơn, những người làm văn hóa nên ý thức được tính chất sống còn của một di sản lệ thuộc vào giá trị nội tại, độc nhất vô nhị của chúng. Mỗi loại hình di sản chuyển tải bức thông điệp của quá khứ, thông qua thực thể hiện hữu nhằm phơi bày giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tâm linh… trở thành tiếng nói cộng thông qua từng thế hệ. Giá trị nội tại của chúng trở thành gien truyền thống, lưu truyền qua thời gian lịch sử, không gian văn hóa. Xuất phát từ những ngộ nhận trong việc “chọn mẫu”, đặc biệt là tác động của truyền hình mà bộ phận công chúng đang ngày càng xa rời với bản sắc truyền thống.
Sau hàng loạt di sản thế giới được công nhận, như “Nhã nhạc”; “Ca trù”, “Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Đờn ca Tài Tử”; “Ví giặm Nghệ Tĩnh”… chúng ta chắc hẳn đã có những phản tỉnh nhất định, bởi, hàng loạt loại hình nghệ thuật truyền thống từng bị bạc đãi đem vinh quang về cho đất nước. Những “đứa con” cưng nhận được sự sủng ái trong các tổ chức âm nhạc quyền uy lại không hề mảy may chạm vào được “vòng nguyệt quế” này. Song, câu chuyện nghệ thuật truyền thống biến đổi gien vẫn còn đó, treo lơ lửng trước mắt mọi người.
3. Định dạng lại bản sắc
Đứng ở góc độ nhận thức, sự phát triển nền âm nhạc đương đại đi theo khuynh hướng kế thừa giá trị truyền thống kết hợp tinh hoa văn hóa nhân loại. Trên thực tế, âm nhạc của ta có thực sự kế thừa truyền thống và hấp thu tinh hoa nhân loại? Như trên đã chỉ ra tình trạng đưa âm nhạc truyền thống đi “sơ tán” thực hiện từ thế kỷ trước, sự kế thừa giá trị truyền thống trong nhiều trường hợp mới dừng lại ở góc độ hình thức. Phần nhiều, các cây đàn cổ truyền đã bị cải biên, đánh cắp linh hồn. Chúng không hoàn toàn nói ngôn ngữ, chuyển tải thông điệp của tiền nhân, đồng thời sa sút nghiêm trọng trước thực trạng cải lương, chú trọng dáng vẻ bề ngoài. Bên cạnh phần xác ít nhiều còn na ná truyền thống thì phần hồn đã lai căng, biến đổi. Thang âm truyền thống hầu như không được bảo lưu bên trong các cơ sở đào tạo âm nhạc từ lâu đã trở thành Phòng thí nghiệm để tiến hành phẫu thuật, cấy ghép “ngũ tạng” âm nhạc phương Tây vào thể xác nhạc cụ truyền thống. Hiện tượng đàn tỳ bà cải tiến trở thành truyền thống mới, sáo đục lỗ theo thang âm bình quân bay bổng trên sân khấu chuyên nghiệp… đã không còn xa lạ. Nó không chỉ làm biến đổi bản thể nhạc cụ truyền thống, mà còn thay đổi cả thẩm âm của người tiếp xúc. Bởi vậy, đằng sau phong trào phục dựng di sản truyền thống, còn đấy những lo ngại thuộc về thói quen văn hóa. Nếu như việc phục dựng di sản cổ gặp khó khăn bao nhiêu, thì việc uốn nắn, thay đổi thói quen thẩm mỹ còn khó khăn gấp bội. Vì, người nghe nói chung đã “chấp” vào thứ âm thanh cố định của nhạc Tây. Lay chuyển về nhận thức cũng chưa chắc hóa giải sức tác động vào vùng sâu thẳm của thói quen thẩm mỹ. Đây là một chướng ngại mà văn hóa nước ta sẽ phải vượt qua, nếu không muốn để giá trị truyền thống đứng bên ngoài tòa thành trì văn hóa dân tộc.
Nói về kế thừa tinh hoa nhân loại: cho đến hiện tại, những tổng kết về tinh hoa âm nhạc thế kỷ XX lác đác xuất hiện có chừng mực. Trong khi chúng ta hối hả tiến lên trước tác động của các hiện tượng văn hóa mới xô nhau, dồn dập. Bối cảnh đó không khỏi đem tới cảm nhận rõ rệt về tình trạng gấp rút, vộ vã trong khuynh hướng tiếp biến văn hóa. Những giá trị vượt qua sự thử thách của thời gian một cách thắng lợi chưa kịp tổng kết, quan tâm định hướng tương lai thì dạng thức mới đã ồ ạt du nhập, nhiều trào lưu nhanh chóng bị bão hòa. Tinh hoa văn hóa tiếp thu thời gian qua thực chất là những giá trị phổ biến. Kế thừa giá trị truyền thống dừng lại ở phần xác, tinh hoa nhân loại thay thế bằng các hiện tượng phổ biến, vậy thì mục tiêu phấn đấu của cả nền văn hóa âm nhạc nói chung còn treo lửng lơ như những ước mơ cần biến thành hiện thực và hiện tại vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh hững hờ đi giữa thời đại này.