Tìm trong di sản

13/12/2013

Trước, trong và sau Cách mạng tháng Tám, cho đến ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946 có rất nhiều bài hát thời đó gọi là nhạc phẩm cách mạng, ái quốc ca, anh hùng ca hoặc thanh niên ca... được xuất bản tại Hà Nội với rất nhiều tên tuổi các nhạc sĩ như: Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Quý, Nguyễn Văn Thương, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Thẩm Oánh, Phạm Văn Chừng, Nguyễn Văn Giệp, Nguyễn Hữu Hiếu, Lê Yên, Vân Đông, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Văn Khánh, Việt Lang, Tạ Phước, Vương Quốc Mỹ, Lưu Bách Thụ, Tống Ngọc Hạp, Nguyễn Trần Giư, Cao Thương, Nam Huân, Đào Sĩ Chu, Bạch Bích, Minh Tâm, Thanh Bình, Cao Đình Báu v.v...

Những năm tiếp theo của cuộc kháng chiến trường kỳ, số bài hát cách mạng - kháng chiến ngày càng nhiều cùng với sự xuất hiện các tác giả mới. Thời đó, để phục vụ kịp thời công cuộc kháng chiến, mọi thứ đều rất khẩn trương, trong đó có việc truyền bá các bài hát cách mạng - kháng chiến. Bài hát vừa sáng tác xong, nhạc sĩ đem tập hát luôn cho đơn vị, rồi ca hát và phổ biến truyền miệng tiếp tục trên dọc đường hành quân hoặc tại nơi đóng quân, vì thế các bài hát được lan truyền rất nhanh trên chiến khu và khắp các mặt trận, vùng tự do hoặc vùng địch hậu, thậm chí để phù hợp với địa phương mình, cán bộ tuyên truyền của địa phương còn sửa lời, đưa thêm địa danh quen thuộc vào để bộ đội, du kích và nhân dân dễ nhớ dễ thuộc, miễn là phục vụ được mục đích đánh đuổi giặc Pháp giải phóng quê hương. Vì vậy hiện tượng tam sao thất bản các bài hát này cũng là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, giống như con người, mỗi bài hát có số phận của nó. Ngoài những bài hát đến nay vẫn đi cùng năm tháng, còn có những bài hát hay đã được xuất bản từ Cách mạng tháng Tám, nhưng vì một lý do nào đó không gặp may mắn nên không dược phổ biến rộng, dần dần bị lãng quên, chính tác giả cũng không nhớ và gia đình tác giả cũng không biết. Một số bài đang phổ biến cũng bị biến dạng so với bản gốc, thậm chí đến mức quên cả tên đồng tác giả.

Rất may, với truyền thống văn hóa và lòng yêu nghệ thuật âm nhạc của người Việt Nam, hiện nay đâu đó trong các thư viện hoặc tủ sách gia đình, cá nhân vẫn còn lưu giữ nhiều nhạc phẩm từ thời mở đầu tân nhạc cho đến 1954, trong đó có rất nhiều bài hát cách mạng - kháng chiến. Đó là một phần di sản trong lịch sử âm nhạc Việt Nam cần phải trân trọng, thu thập, giữ gìn và khi có điều kiện cần giới thiệu cho công chúng, bổ sung vào nhạc mục cho các nhạc sĩ, góp phần bảo vệ quyền tác giả cũng như làm tư liệu cho bộ sách Lịch sử âm nhạc Việt Nam trong tương lai.

Trên trang 25 Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 31/2013, nhạc sĩ Huy Trân có viết bài Hồi ức xôn xao một thời thơ ấu. Đọc xong, tôi vô cùng cảm phục và nể trọng anh Huy Trân bởi tình cảm chân thành và sự xúc động mạnh mẽ của anh khi gần 70 năm trôi qua mà anh vẫn hào hứng nhớ lại một thời trai trẻ, nhớ được giai điệu và lời ca bài Du kích quân của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Ngoài trí nhớ phi thường của anh Huy Trân, còn chứng tỏ sức sống mãnh liệt của những bài hát cách mạng - kháng chiến.

Để bổ sung cho bài viết của nhạc sĩ Huy Trân, trên tinh thần tôn trọng lịch sử, bảo đảm tính toàn vẹn và chính xác của tác phẩm, thể hiện sự kính trọng nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và thượng tôn pháp luật bản quyền tác giả, từ tư liệu cá nhân, tôi xin giới thiệu nguyên văn xuất bản phẩm gốc bài Du kích quân của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi xuất bản ngày 26/11/1945 tại Hà Nội.

Xuất bản phẩm gốc này được in trên một tờ bìa cứng, gập đôi, mầu xám nhạt, kích thước dọc 24,5 cm, ngang (khi mở ra) 34,5 cm, trang 1, 4 bỏ trống, trang 2 in bài Diệt phát xít, trang 3 in bài Du kích quân.

Nếu không có bản nào trước đó, thì đây có lẽ là hai nhạc phẩm cách mạng đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được xuất bản tại Hà Nội ngay sau Cách mạng tháng Tám.

Xem những bài liên quan:

  1. Tác giả ca khúc vô danh 70 năm trước
  2. "Người Hà Nội" ơi...

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.