Tìm lại không gian nghệ thuật cho bài chòi

14/05/2019

Những biến tướng của bài chòi đang khiến nó mất đi vẻ đẹp nghệ thuật vốn có của di sản văn hóa độc đáo này.

"Gió xuân phảng phất cành tre, bà con cô bác cùng lắng nghe bài chòi" là câu hát quen thuộc được nghe mỗi khi đến dải đất miền Trung, tìm hiểu về nghệ thuật bài chòi. Tổ chức UNESCO đã công nhận "Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, không gian đúng chuẩn cho nghệ thuật bài chòi đang dần mai một. Cách hiện đại hóa bài chòi để thích ứng với hoạt động du lịch đang là mối đe dọa lớn.

Thú vui tao nhã còn không?

Xuất phát từ hình thức sinh hoạt giải trí của cộng đồng làng xã, bài chòi được xem là thú vui tao nhã của người dân miền Trung vào dịp hội hè. Qua biết bao thế hệ tôn tạo, bài chòi đã nhanh chóng trở thành bộ môn nghệ thuật chứa đựng triết lý sống, tư tưởng gắn kết cộng đồng, nuôi dưỡng lòng vị tha và thúc đẩy tính sáng tạo trong sản xuất, đời sống của người lao động.

Nghệ thuật bài chòi luôn thu hút khán giả tại các tỉnh miền Trung (Ảnh: Thanh Hiệp)

Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 28 nhóm hoạt động biểu diễn nghệ thuật bài chòi, trong số đó, tỉnh đã hình thành 22 hội chơi bài chòi dân gian được UBND cấp xã bảo trợ, quản lý và có hơn 150 nghệ nhân đang hoạt động về lĩnh vực bài chòi dân gian. Còn các tỉnh, thành khác ở khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận có gần 100 nhóm hoạt động biểu diễn nghệ thuật bài chòi.

Trong sự biến động của đời sống đương đại, loại hình nghệ thuật bài chòi đã dần mai một, thậm chí không gian đúng chuẩn cho bài chòi dân gian có nguy cơ biến mất. Những thế hệ nghệ nhân, những người thực hành nghệ thuật bài chòi dân gian, được coi là những "di sản sống", "thư viện sống" đã lần lượt qua đời vì tuổi tác. Trong khi đó, thế hệ trẻ dù được tiếp cận với bài chòi nhưng chưa ý thức rõ việc giữ gìn không gian cho bộ môn này, dẫn đến những biến tướng.

Mất dần tính nghệ thuật

Từ khi kết hợp với du lịch, sự hiện đại hóa ngôn ngữ đưa vào bài chòi đã khiến bộ môn này mất đi tính nghệ thuật. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật bài chòi, được gọi là các anh chị hiệu, ngày nay hoạt náo như một MC (dẫn chương trình) của tấu hài, nói năng dung tục, phát ngôn bừa bãi làm giảm đi tính nghệ thuật vốn có của bài chòi. Nhạc đệm của bài chòi thường là những làn điệu "xuân nữ", "xàng xê", "cổ bản"… nay được đệm bằng nhạc trẻ, nhạc rap thật khó chịu. Chưa nói đến tính sát phạt đỏ đen, kích thích người chơi ăn thua, các anh chị hiệu thời nay nhìn vào thẻ vẽ vời suy đoán bằng những câu hát dung tục, khiến người xem đỏ mặt tía tai.

Giải pháp phải đồng bộ, lâu dài

Đau lòng như từng nhìn thấy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ bị biến tướng một thời, GS-TS Trần Quang Hải cho rằng không gian văn hóa của các làng xã hiện nay đang dần dần bị biến dạng dưới tác động của quá trình đô thị hóa khiến cho không gian thực hành nghệ thuật dân gian, trong đó có bài chòi, bị biến đổi. Theo GS-TS Trần Quang Hải, để di sản nghệ thuật bài chòi dân gian được bảo tồn và phát huy các giá trị, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, lâu dài. "Cần xây dựng kế hoạch sưu tầm, thống kê, kiểm kê và hệ thống hóa tư liệu bằng kỹ thuật hiện có nhằm lưu giữ, tránh sự biến mất, mai một di sản nghệ thuật bài chòi dân gian. Phải sưu tầm và phục dựng những giá trị chuẩn xác của bài chòi để đưa vào trình diễn trong các lễ hội văn hóa của các tỉnh, thành ở miền Trung. Cần nhất là sớm xây dựng một nhà hát hoặc sân bãi đúng chuẩn cho nghệ thuật bài chòi, nhằm giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này" - GS-TS Trần Quang Hải nêu ý kiến.

ThS Phạm Thị Thu Hà, Trường ĐH Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), nhận thấy xu hướng kinh doanh du lịch văn hóa đang lan rộng, bài chòi dân gian cũng được đưa vào các chương trình giới thiệu văn hóa địa phương với du khách, đây chính là cơ hội để bài chòi dân gian truyền thống khẳng định vị trí của mình và phát triển. Thế nhưng, đời sống của đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên bài chòi phải ổn định thì họ mới có thể nuôi sống nghề và làm công tác truyền dạy. 

Cần rất nhiều nỗ lực, tâm huyết

PGS-TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng: "Từ hiện trạng này phải cần rất nhiều nỗ lực, tâm huyết mới có thể bảo tồn và phát huy giá trị của bài chòi ở từng địa phương. Các biện pháp bảo vệ cần phải đa dạng, linh hoạt, nhiều chiều và lâu dài. Trước hết, cần nâng cao hoạt động quảng bá; tăng cường giáo dục cho công chúng trẻ hiểu rõ cái hay, giá trị của nghệ thuật bài chòi, từ đó yêu mến và chung tay bảo vệ di sản. Cần có cơ chế, chính sách xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Trước mắt, chúng ta cần gấp rút hỗ trợ cho các nghệ nhân cao tuổi còn nắm giữ nhiều bài bản của nghệ thuật bài chòi để họ có thể truyền dạy lại cho thế hệ sau".

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...