Tìm hiểu về thính giác âm nhạc

28/04/2016

Chữ tài liền với chữ “tai” một vần!

(Kiều - Nguyễn Du)

Ta nói, ta hát, ta chơi nhạc với đôi tai của mình và chủ yếu là với tai phải. Sự khó khăn trong học tiếng ngoại quốc ư? Không thể hát chuẩn hoặc thu hút được thính giả ư? Tình trạng dễ mệt hay tính lười biếng thính giác? Câu trả lời là ở trong tai, nó cũng có những trung tâm bảo dưỡng và những phòng tập thể dục của mình.


ảnh minh họa

Nhà sư phạm lớn Edgard Wilhems phân ra ba loại nhạc sĩ: những người có tai và biết sử dụng nó, những người có tai nhưng không biết sử dụng, những người tai kém nhưng không hề cố gắng để phát triển nó.

Một sự thật hiển nhiên: chúng ta không hề bình đẳng trước âm nhạc. Một số người nghe nhạc tốt hơn những người khác, một số người thậm chí không nghe được gì cả. Nhưng đối với bác sĩ Alfred Tomatis, nhà bệnh học ngữ âm chuyên về sinh lý thần kinh thính giác thì người ta có thể tăng cường đáng kể tiềm lực của tai. Vấn đề không phải là có thính giác tốt hay xấu (đó thuộc về chuyên khoa tai mũi họng) mà là sự nhạy cảm thính giác. Người ta có thể nghe thấy rất rõ ai đó thầm thì cách xa 20 mét nhưng lại không cảm thấy gì hết khi nghe một bản giao hưởng của Brahms. Người ta có thể nghe tốt nhưng không có tai nhạc; như vậy thế nào là một “cái tai tốt”?

Với Valerie Drouot ở trung tâm Tomatis, “có tai”, đó là có thể phân biệt được một cách tinh vi những điều biến tần số (trầm hơn hoặc cao hơn), có được một chức năng tiền đình tốt (tiết tấu), thu bắt được vùng bồi âm (điều quyết định chất lượng và sự phong phú của âm sắc) và có thể thực hiện được một sự kiểm tra rất nhanh chóng cái gì nghe được. Một số người tưởng là mình không có tai vì họ không có tai nghe tuyệt đối, điều đó là sai. Tai tuyệt đối cho phép những người có khả năng này có thể gọi ra tên một nốt nhạc mà họ nghe thấy. “Người ta khổ cực rất nhiều vì nghe thấy tất cả những gì “phô” – nhạc trưởng Emmanuel Krivine than thở - Đó là điều gây ấn tượng mạnh nhưng chả là gì hết, chỉ để lòe người phàm tục”. Tai tuyệt đối rất có ích cho tất cả các nhạc cụ mà trên đó, các nốt không được tạo ra sẵn như violon chẳng hạn, nhưng nó cũng làm phiền trong những loại nhạc mà thanh mẫu (diapason) thay đổi như âm nhạc baroque. Một lỗ tai không tuyệt đối nhưng thông minh đã cầu viện đến thính giác tương đối: xuất phát từ âm la của thanh mẫu, nó biết tái tạo quãng nhạc để có được nốt nhạc muốn tìm.

Nhưng cao độ của âm nhạc không phải là chức năng duy nhất mà âm nhạc đòi hỏi ở lỗ tai. Âm sắc mới là chủ yếu. Và chất lượng của âm sắc, đó chính là sự phong phú về bồi âm của nó. Tomatis đã nghiên cứu bằng phương pháp điện tử giọng hát của nhiều ca sĩ, có biểu đồ chứng minh, ông cho thấy là giọng của Caruso hết sức phong phú về bồi âm. Ngoài ra, nếu như giọng của Caruso là tuyệt đẹp, nếu lối chơi của một nghệ sĩ lớn đàn violon phong phú hơn những người khác thì chính là vì tai họ đã nghe tốt và ưu việt hơn những người khác. Bởi vì giọng hát chỉ bao hàm những gì tai nghe được. Nếu một số người có một âm sắc của giọng hát mờ, xỉn, chính là vì sự nhạy cảm thính giác của họ chứa đựng những méo mó tai hại. Bác sĩ Tomatis đã chứng minh rằng một thính giác suy yếu giữa 500 và 1000 Hz là đặc trưng của một đối tượng thẩm định kém về âm nhạc. Giữa 1000 và 2000 Hz, đó là sự chính xác đã bị tổn hại. Một ca sĩ phải chịu đựng những “lỗ hổng” quá 2000 Hz sẽ không thể kiểm soát được chất lượng của giọng. Đó là trường hợp của Maria Callas vào lúc cuối đời, bà đã đến rất nhiều lần tham vấn bác sĩ Tomatis để chăm sóc chữa chạy.

Cũng như cách thức mà ta có một não bộ cho trái tim (bán cầu phải) và một não bộ cho lý trí (bán cầu trái), đôi tai của chúng ta cũng được chia bên theo hai chức năng riêng biệt. Bên trái điều khiển những xúc động thính giác và bên phải – về ngôn ngữ. Điều quan trọng là tai bên phải cần thống trị vì sự kiểm tra phải được hiệu nghiệm hơn. Các đối tượng mà do một hiện tượng bù trừ hoặc một sư chia bên (Lateralisaton) dở, đã để tai trái chỉ đạo, nên phải chịu đựng thường xuyên các vấn đề diễn đạt hoặc phơi bầy một ngưỡng rất thấp về sự mệt mỏi tâm lý đối với âm thanh. Những người chơi violon tưởng rằng họ nghe bằng tai trái của mình vì nó rất gần với nhạc cụ. Nhưng chính là tai phải đã tham gia phần lớn vào công việc.

GIỌNG HÁT CỦA MỘT CA SĨ CHỈ CHỨA ĐỰNG NHỮNG GÌ MÀ TAI HỌ NGHE THẤY

Bác sĩ Tomatis đã làm việc một thời gian với nghệ sĩ violon trứ danh Zino Francescati. Khi mạch thính giác bên phải của nhà nghệ sĩ lớn này được phong tỏa để thí nghiệm, người ta thấy lối chơi của ông bị rối loạn. Không còn lại gì của ông và nghệ thuật của Francescati. Nói về tai trái của mình, Fracescati phát biểu:

- Tôi không nghe được gì đẹp đẽ từ phía đó.

Bác sĩ Tomatis bèn đưa vào trong phổ thính giác (spectre auditif) của ông một vùng kiểm soát được giới hạn ở 1000 Hz, có nghĩa là chỉ cho can dự vào những mạch âm trầm. Âm thanh của Francescati trở nên nặng và dày. Đáp ứng về mức độ tựa của archet đã khác nhau.

- Không chỉ là điều đó đã gây phiền hà trong tai tôi mà nó còn làm cho tôi không thể động đậy các ngón tay của mình” - nghệ sĩ violon tuyên bố.

Khi nâng cao phổ lên 1500 Hz, âm thanh phát ra từ cây đàn Stradivarius trở thành giọng mũi, sắc và mạnh.

- Tôi bị đau ở cánh tay và có cảm tưởng là cây violon của mình bị vỡ - Francescati thổ lộ.

Đối với bác sĩ Tomatis, chứng minh đã được thực hiện. Người ta có thể thay đổi và làm phong phú một cách đáng kể giọng hát hay lối chơi của một nhạc sĩ bằng cách cải biến khả năng nghe của họ và hệ thống thần kinh đáp ứng hoàn hảo với những yêu cầu như thế. Quy tắc cơ bản là giọng hát, lối chơi đàn chỉ chứa đựng những gì mà tai nghe thấy. Cho nên những người nói rằng: “Tôi hát phô” nhưng tôi “nghe chuẩn” là những người sai lầm; nếu họ hát “phô” thì đó là vì họ nghe “phô”. Những cá nhân rất trơ ỳ với âm nhạc đã phơi bày, trong các cuộc xét nghiệm, những méo mó đến mức tất cả những gì mà họ nghe thấy đều nghịch tai (dissonant). Họ không có một điểm quy chiếu nào, không thể xác lập một ý nghĩa về một chuỗi âm thanh. Người ta càng nghe âm nhạc thì tai càng được giáo dục, nhưng nếu đứa con của bạn, trong sự thất vọng to lớn của bố mẹ, lại tỏ ra vô cảm với âm nhạc, bất chấp mọi cố gắng của bạn thì một loạt các cuộc xét nghiệm ở trung tâm Tomatis dường như cần thiết để biết được rõ ràng đích xác. Với tuổi tác, tai có thể mất đi trương lực của nó, như một bắp thịt, nó cũng cần phải được kích thích. Khi một lỗ tai tự khép đóng, điều đó sẽ diễn ra tuần tự phần cao xuống phần trầm vì những âm cao khích động hơn.

Phẩm chất bẩm sinh của tai tùy thuộc rất nhiều vào ngôn ngữ. Nếu như người Pháp gặp nhiều khó khăn với vấn đề ngoại ngữ (mà đặc biệt là với tiếng Anh), đó là vì ngôn ngữ của họ huy động khả năng phân tích giữa 1000 và 2000 Hz, trong khi đó phần lớn những bồi âm lại nằm giữa 2000 và 4000 Hz, và tiếng Anh chẳng hạn, lại đòi hỏi sự nghe của ta giữa 2000 và 3000 Hz. Còn về các tiếng Slaves, chúng tác động trên một giải phổ đi từ 125 đến 8000 Hz. Vì thế cho nên người Nga rất có năng khiếu ngoại ngữ và âm nhạc!

Có thể sửa chữa được sự bất công về ngôn ngữ này cũng như có thể mài rũa sự nhạy cảm của tai và sửa chữa những sự mất cân đối về tần số. Nhờ có tai điện tử, thành quả của những nghiên cứu của bác sĩ Tomatis, tai có thể nghe thấy những gì mà nó không nghe được. Đối tượng được nghe một cách thụ động bằng ống nghe các loại âm nhạc (thường là của Mozart), trong đó người ta đã tẩy bỏ những tần số trầm để chỉ còn giữ lại những tần số cao với những bồi âm nổi tiếng. Đối tượng đó có thể vẽ, mơ mộng, ngủ, nhưng không được miệt mài vào một hoạt động trí tuệ quá căng thẳng. Một chế độ 2 giờ mỗi ngày trong vài tuần sẽ cho phép đạt được những kết quả ngoạn mục. Gerard Depardieu, người theo đuổi cách điều trị này, đã học Anh văn như thế. Rất nhiều ca sĩ, nhạc trưởng và các nhạc sĩ mà tai của họ thường bị xâm hại đã lánh nạn trong một số tần số tiện nghi và vì vậy, mất đi một sự thính nhạy quý giá, cũng theo đuổi cách chữa trị này.

Bác sĩ Tomatis đã làm rõ ràng một điều là người ta không chỉ nghe bằng đôi tai của mình mà với cả thân thể. Sự rung động của âm thanh được thu bắt bởi khung xương và dội lại trong cơ thể. Vì thế cho nên những người điếc có thể khiêu vũ được trong các discotheque, nhờ ở những sự cộng hưởng của bộ xương. Tại trung tâm Tomatis, sự kích thích điện tử cho tai đi cùng với các bài tập nhằm tìm ra một tư thế nghe khêu gợi sự tham gia của toàn thân thể.

Cũng như vậy, người ta thường không biết là tai không chỉ dùng để nghe. Tai nghe, việc đã đành rồi! Nhưng nó còn có hai chức năng khác kém ấn tượng hơn nhưng cũng hết sức quan trọng: nhờ có tiền đình (nằm ở tai trong), tai trước tiên cho phép giữ được sự thăng bằng và tiếp đó vận hành như một máy phát điện cung cấp cho não. Trong tất cả các giác quan, thính giác đóng góp nhiều năng lượng nhất cho não (nhất là những tần số cao). Nếu tai tốt, giọng hát sẽ phong phú về bồi âm và đóng góp được năng lượng. Nghe Mozart mỗi buổi sáng thức dậy sẽ tốt cho tinh thần, tất cả mọi người đều biết điều đó nhưng cũng là tốt cho sức khỏe.

L

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...