Tìm hiểu dàn nhạc Big Band

29/12/2015

Dàn nhạc big band là dàn nhạc có nguồn gốc từ Mỹ khoảng những năm 1920. Đây là loại dàn nhạc lớn có số lượng từ 12 đến 25 người. Dàn nhạc big band thường có một nghệ sĩ đứng đầu được gọi là nhạc trưởng (bandleader). Vị trí này có thể do người chỉ huy dàn nhạc hoặc là nhạc công đảm nhiệm. Dàn nhạc big band thường được chuyển soạn với tổng phổ chi tiết. Các nhạc cụ được soạn với cách sắp xếp bè tỉ mỉ và khoa học. Tuy nhiên, các phần ngẫu hứng độc tấu của các nhạc cụ vẫn được nhạc công ứng tác ngay tại chỗ.

Nguồn gốc

Giai đoạn đầu, dàn nhạc big band hình thành từ các dàn nhạc kèn. Họ thường chơi các thể loại nhạc Dixieland hay những thể loại nhạc diễu hành. Trong những năm 1920, dàn nhạc big band bắt đầu chơi nhạc Jazz bằng cách kết hợp nhiều thể loại âm nhạc khác nhau như ragtime, nhạc blues, nhạc tâm linh của người da đen và nhạc của Châu Âu. Đến giữa những năm 1920, dàn nhạc big band trở nên phổ biến trong nhạc đại chúng. Thời gian này, các dàn nhạc thường kết hợp với các nhạc cụ bộ dây và chơi các giai điệu nhẹ nhàng, êm dịu và có một chút ứng tác. Fletcher Henderson là người có công lớn trong việc phát triển dàn nhạc big band. Ông đã mở rộng biên chế dàn nhạc từ những dàn combo khoảng 4 đến 5 người phát triển thành dàn nhạc lớn. Một số nghệ sĩ dẫn dắt ban nhạc giai đoạn này có thể kể đến như:Paul Whiteman, Ted Lewis, Harry Reser, Leo Reisman, Abe Lyman, Nat Shilkret, George Olsen, Ben Bernie, Bob Haring, Ben Selvin, Earl Burtnett, Gus Arnheim, Henry Halstead, Rudy Vallée, Jean Goldkette, Glen Gray, Isham Jones, James Last, Vincent Lopez.

Cuối những năm 1920, các dàn nhạc big band chơi nhiều tính ngẫu hứng hơn. Thời gian này có nhiều đĩa nhạc được thu âm và chỉ lưu hành trong những người da đen vì nạn phân biệt chủng tộc. Dàn nhạc big band giai đoạn này phát triển mạnh nhất ở ba thành phố là New York, Chicago và Kansas. Các tác phẩm viết cho big band thời kỳ này đã được soạn cẩn thận với những tổng phổ chi tiết. Điển hình như dàn nhạc của Fletcher Henderson, dàn nhạc Cotton Club của Duke Ellington. Một số dàn nhạc thì vẫn chơi các tác phẩm nửa soạn và nửa ngẫu hứng như dàn nhạc của Joe “King” Oliver. Các tác phẩm này được soạn phần chủ đề, các phần khác chơi ứng tác ngẫu hứng.

Giai đoạn những năm 1930 đến 1935, các dàn nhạc được giới thiệu nhiều trên radio và trở nên nổi tiếng như dàn nhạc của Benny Goodman. Thời kỳ này, các dàn nhạc phát triển phong cách swing gắn với giai đoạn lịch sử của Jazz. Các dàn nhạc của một số nghệ sĩ có thể kể đến như: Count Basie, Benny Goodman, Glen Miller

Đến thế chiến thứ hai, các dàn nhạc bắt đầu chơi các phong cách pha trộn với nhạc Latin. Các dàn nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng có thể kể đến như: Dizzy Gillespie, Gene Krupa, Buddy Rich, Gil Evans, Stan Kenton, Johnny Richards, Sun Ra, Gary MacFarland, Charles Mingus, Oliver Nelson, Carla Bley, Mel Lewis Big Band, Rob McConnell.

Biên chế dàn nhạc

Một dàn nhạc big band chuẩn gồm có 17 nhạc cụ chia làm ba nhóm chính:

1. Nhóm nhạc cụ đệm (còn gọi là nhóm tiết tấu – rhythm section): Nhóm này có các nhạc cụ như drums, bass, piano và guitar.

2. Nhóm kèn Saxophones: Có 5 kèn saxophone trong đó có 2 Alto Sax, 2 Tenor Sax và 1 Baritone Sax. Theo sự phân loại nhạc cụ thì các nhạc cụ saxophone thuộc nhóm bộ gỗ [3].

3. Nhóm kèn đồng (brass): 4 kèn trumpets và 4 kèn trombones (trong đó có 1 bass trombone).

Tuỳ vào ý đồ của nhạc sĩ hay người chuyển soạn mà biên chế dàn nhạc có thể thay đổi. Một số dàn nhạc lớn còn có thể có thêm các nhạc cụ bộ gỗ, bộ dây…. Những nhạc cụ có thể được sử dụng trong dàn nhạc big band như: vibes, bass clarinet, French horn, tuba, banjo, accordion và các nhạc cụ nhóm dây như violin, viola, cello. Trong dàn nhạc big band cũng có thể có thêm các ca sĩ. Sau này các nhạc cụ điện tử như đàn phím tổng hợp cũng thường được được thêm vào. Trong một số thể loại nhạc Latin thì một số nhạc cụ gõ percussion được thêm vào như cowbells, congas, tambourines, hay triangles.

Dàn nhạc big band có nhiều biên chế khác nhau. Người ta căn cứ vào số lượng nhạc cụ nhóm brass và nhóm saxophone để gọi tên các dàn nhạc. Điển hình có các dạng dàn nhạc như 4&4, 5&5, 7&5, 8&5 hay 9&5... Số đứng trước là số lượng nhạc cụ nhóm brass, số đứng sau là số lượng nhạc cụ nhóm saxophone.

 

Biên chế 4&4

Biên chế 5&5

Biên chế 7&5

Biên chế 8&5

Nhóm Saxes

2 Alto Sax

2 Alto Sax

2 Alto Sax

2 Alto Sax

1 Tenor Sax

2 Tenor Sax

2 Tenor Sax

2 Tenor Sax

1 Bari.Sax

1 Bari.Sax

1 Bariton Sax

1 Bariton Sax

Nhóm Brass

3 Trumpet

3 Trumpet

4 Trumpet

4 Trumpet

1 Trombone

2 Trombone

3 Trombone

4 Trombone

Ở Việt Nam, cũng đã xuất hiện một dàn nhạc big band như dàn nhạc của nghệ sĩ Quyền Văn Minh ở miền Bắc, dàn nhạc của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn ở miền Nam. Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội cũng quy tụ được các nghệ sĩ trong quân đội tham gia một dàn nhạc big band với đầy đủ biên chế chuẩn và đã trình diễn thành công tiết mục chào mừng Hội diễn toàn quân tháng 8 năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Dàn nhạc big band ngoài biểu diễn các bài hoà tấu nhạc Jazz thì cũng còn được sử dụng để đệm cho một số ca khúc nhạc Jazz. Một số ca sỹ thường hát với dàn nhạc big band như: nhạc công trumpet kiêm ca sĩ Louis Armstrong (1901-1971), Frank Sinatra (1915-1998), Ella Fitzgerald (1917-1996), Nat “King” Cole (1919-1965), Sarah Vaughan (1924-1990), Billie Holiday (1915-1959)…

Một bản nhạc Jazz soạn cho dàn nhạc big band thường có cấu trúc blues 12 ô nhịp hoặc cấu trúc 32 ô nhịp (dạng AABA). Sau phần dạo nhạc ngắn, giai điệu chủ đề chính thường xuất hiện đầu tiên ở lần đầu của cấu trúc. Ở phần chủ đề, các nhạc cụ kèn chơi cùng tiết tấu với nhau nhưng khác cao độ (dạng soli). Tiếp đến là các lần phát triển, ứng tác ngẫu hứng của các nhạc cụ. Sau phần ứng tác là phần cao trào với các kỹ thuật viết phức tạp, hoà âm nghịch, căng thẳng. Các nhóm nhạc cụ đối đáp nhau và chơi đồng âm, quãng tám (dạng tutti) với âm lượng lớn nhất. Phần này thể hiện trình độ, kỹ thuật viết của người soạn nhạc. Sau phần cao trào, tác phẩm dần đi về kết bằng việc nhắc lại chủ đề hoặc đi đến phần mới để kết (gọi là coda).

Dàn nhạc big band với khả năng biểu đạt phong phú đã trải qua gần một thế kỷ phát triển. Nó đã góp phần đưa nhạc Jazz thành một thể loại âm nhạc hàn lâm, chuyên nghiệp với hệ thống lý thuyết và kỹ thuật chuyển soạn rất khoa học. Dàn nhạc big band vừa có được tính khoa học, chặt chẽ trong tập thể nhạc công nhưng đồng thời vẫn có nhiều yếu tố ứng tác ngẫu hứng của các cá nhân. Khai thác hết tiềm năng của dàn nhạc big band là một thách thức không nhỏ đối với bất cứ nhạc sĩ chuyển soạn nào.

MAI KIÊN

--------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ken Pullig & Dick Lowell (2003), Arranging for Large Jazz Ensemble, Berklee Press.
[2] Robert Doezema (1986), Arranging 1, Berklee College of Music.
[3] Từ điển Wikipedia, http://en.wikipedia.org/wiki/Saxophone [truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2014.

(Nguồn: http://www.vnq.edu.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...