Tiếng ting ning đã tắt

19/06/2018

Có một lần bất chợt tôi gặp Thảo Giang trên chuyến bay Hà Nội – Plei Ku. Anh trở về sau một chuyến lưu diễn nhiều nơi, thậm chí cả nhớp nhoáng sang Thái Lan. Những cuộc lưu diễn mà như lời anh: “chỉ có hai chiếc vé máy bay đi về và đủ tiền mua cho con gái một món quà nho nhỏ”. Nhưng Thảo Giang vẫn rất phấn khởi vì được đem tiếng ting ning của mình giới thiệu với bà con khắp nơi.

Là bạn diễn từ những năm 70 của thế kỷ XX ở Đoàn ca múa Tây Nguyên, nhưng sau ngày giải phóng chúng tôi ít gặp nhau. Tôi ở lại Hà Nội học đại học thanh nhạc rồi về Đăk lăk; trước đó, Thảo Giang đã theo Đoàn Đam San về Gia Lai. Những ngày cùng ở Đoàn, tôi là diễn viên đơn ca, Thảo Giang đệm đàn accordeon, đàn t’rưng. Những tiết mục đơn ca của Kim Nhớ, H’Ben, của tôi thành công, nhiều lần được khán giả yêu cầu hát lại, là có sự hỗ trợ không ít với kỹ thuật nảy, vuốt, vê giòn tan trên cây đàn t’rưng và sự phụ họa rất có duyên của anh. Bạn bè đồng nghiệp trong đoàn thường hay trêu chọc: “tại Thảo Giang thích Linh Nga nên mới diễn ăn ý với nhau đến thế”.

Quả tình chúng tôi rất thân thiết, không chỉ vì người vợ trước của anh – Thanh Bình - là bạn đồng môn thanh nhạc với tôi, con gái đầu lòng H’Bin của anh trùng ngày sinh nhật với tôi, mà anh thật lòng thương quý tôi như người em gái. Tất nhiên chúng tôi không đến nỗi để cho cô vợ hay ghen của anh ấm ức, nhưng tình cảm bạn bè thân thiện cũng đủ để trở thành đôi bạn diễn luôn ăn ý với nhau. 

Năm 1990, tại Liên hoan Gặp gỡ Cao nguyên ở thành phố Đà Lạt, anh làm tôi không chỉ rùng mình mà còn ứa nước mắt vì những chùm âm thanh réo rắt, trong vắt, tuôn chảy từ những ngón tay tài hoa, khiến cho cây đàn ting ning như biết hát, biết nói, làm trái tim người ta khóc cười. Tiết mục được tặng Huy chương Vàng. Và Thảo Giang bảo: “Chiếc huy chương lần ấy giá trị nhất so với hàng loạt Huy chương Vàng, Bạc mà anh đã từng có trong nhiều kỳ hội diễn”, bởi sự tâm đắc với nhạc cụ dân gian của khán giả, và những giọt nước mắt của tôi.

Tôi chưa có dịp nào ngồi lâu mà hỏi anh sao lại bỏ đàn t’rưng mà chuyển sang ting ning như thế? Nhưng có thể đó là do nỗi ám ảnh nhớ rừng núi, nhớ những cây đàn nứa treo nơi suối nước đuổi thú, đuổi chim. Nỗi nhớ đến khắc khoải không cho anh ăn ngon ngủ yên đấy thôi. Hồi đó có người đã chê và bảo anh là “hâm” nữa. Bởi không ít những diễn viên người dân tộc thiểu số Tây Nguyên ở Đoàn mong muốn, thậm chí phản ứng đến gay gắt với ban lãnh đạo để được học, được chơi nhạc cụ phương tây như clarinette, oboi, violon… Nhưng chỉ có Thảo Giang là người được học hành nghiêm chỉnh lại chán đàn tây mà quay về đàn dân tộc mà thôi.

Ngày đất nước thống nhất, theo đoàn Đam San trở về quê hương Plei Ku, Thảo Giang vẫn là một nhạc công đàn t’rưng. Anh đã có nhiều dịp về lại Plei Bơ Dâu (huyện Măng Giang, tỉnh Gia Lai) của mình. Ra đi từ thuở còn niên thiếu, nên bây giờ về anh sững sờ trước những sinh hoạt âm nhạc dân gian phong phú của buôn làng, đặc biệt là cây đàn ting ning (còn gọi là đàn goong). Những đêm trăng sáng, Thảo Giang được chứng kiến các chàng trai Bâhnar lang thang trong plei, tay gảy đàn tha thiết mời gọi bạn tình. “Con trai nó gảy đàn đã hay, mà con gái nhận ra tiếng đàn của người yêu cũng giỏi nữa. Không phải người mình thương cánh cửa nhà sàn không mở đâu nhé”, Thảo Giang kể vậy. Anh đâm ra mê mẩn cây đàn ting ning và lần mò học các nghệ nhân cách làm đàn.

Là một nhạc công đàn acoodeon đã qua lớp đào tạo tại Trường Âm nhạc Việt Nam, Thảo Giang không bằng lòng với những hàng âm đơn giản của cây đàn nguyên gốc. Anh dựa vào đàn accordeon để nghiên cứu cải tiến sao đàn ting ning cũng có thể chơi được những bản nhạc chung của nhạc Việt. Rồi cái bầu đàn nữa, làm thế nào cho nó thực sự là chiếc bầu cộng hưởng, đưa cả âm thanh điện tử khuyếch đại vào được, mà vẫn không làm mất đi tính năng độc đáo của cây đàn ting ning? Làm sao để mở rộng âm vực? Chơi được cả những nốt nhạc nửa cung? Lên dây thế nào cho phù hợp với những cây đàn khác? Có hòa tấu được cùng với dàn nhạc chuyên nghiệp không? Xử lý mối mọt “ăn” tre nứa và bầu đàn như thế nào?

Mất 5 năm trời biếng ăn, ít ngủ, im lặng cưa cưa, gọt gọt, gảy tình tang suốt ngày đêm như người bị ma ám, nhận về mình sự giận dỗi của cả hai đời vợ. Thảo Giang vẫn gắn bó với cây đàn.

Đàn cải tiến thành công rồi, lại đến nỗi lo tác phẩm. Trước đây nhạc sĩ Nhật Lai còn sống, thường sáng tác nhạc không lời cho dàn nhạc dân tộc của đoàn Đam San, gặp cây đàn này chắc ổng mừng “hết lớn”. Còn bây giờ mấy ai tin vào sức biểu cảm của đàn goong cải tiến để mà viết bài cho chứ? Đã gọi là đàn mà không chơi được những bản nhạc hoàn chỉnh theo lý thuyết âm nhạc chung của thế giới, không hòa tấu được với những loại đàn khác, thì còn gọi gì là cải tiến nữa? Một lần nữa Thảo Giang lại cặm cụi bắt tay vào sáng tác bài bản cho cây đàn.

Đầu tiên anh chọn những bài dân ca Bâhnar, Jrai, thêm thắt vào chút chút để “khoe” tính năng của cây đàn. Thành công có được ở Đà Lạt khiến anh tự tin hơn. Hàng loạt ca khúc viết trên âm điệu dân ca Tây Nguyên, rồi tiếp đến những bản nhạc không lời viết cho đàn t’rưng của các nhạc sĩ đi trước, được Thảo Giang mày mò chuyển thể cho đàn ting ning. Cho đến lúc anh có hẳn một danh mục hàng chục tác phẩm biểu diễn dài, gặt hái kha khá thành công, với những ngón đàn tài hoa, điêu luyện trên cây đàn yêu quý của mình. Cùng với “nó” ông đi khắp trong và ngoài nước, giới thiệu với bạn bè vẻ đẹp của âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Ở Liên hoan Âm nhạc dân gian Châu Á tại Đài Loan, anh biểu diễn cả làm lẫn chơi đàn ting ning ngay tại chỗ, khiến bạn bè các nước vô cùng thích thú.

Biểu diễn được vài năm, cái tính hay suy nghĩ lại làm khổ Thảo Giang. Nhưng lần này là việc làm sao truyền dạy được cách diễn tấu đàn ting ning cải tiến này cho các thế hệ sau? Chọn ai được khi mà đàn ghi ta điện, đàn organ đang ngày càng trở thành mốt yêu thích của thanh niên các dân tộc Plei Ku? Tìm mãi rồi cũng có Y Tư, diễn viên múa đã lớn tuổi của Đoàn, chịu theo học nghề. Tiếp tới con trai của Y Tư là Y Giang Tuyn, trong một lần tham gia hội diễn văn nghệ ở trường, được Thảo Giang động viên, nên đã theo anh tập luyện. Chiếc Huy chương Vàng khiến cậu bé phấn khởi, quyết tâm học hết ngón đàn của bác Thảo Giang (sau này Y Giang Tuyn tốt nghiệp Đại học Văn hóa, trung cấp thanh nhạc và rẽ sang con đường làm ca sĩ). May thay, lại có con trai của nhạc sĩ Kpă Y Lăng ở thành phố Hồ Chí Minh, tự nguyện chuyển từ đàn ghi ta sang học ting ning với Thảo Giang. Nhờ vậy, Y San trở thành một tay chơi đàn dân tộc rất nổi tiếng và thành một nhạc sĩ viết khí nhạc rất thành công. Nỗi lo thất truyền không còn nữa, anh vui vẻ bày hết mọi ngón nghề cho con cháu ngay ở cả làng Pơ Yâo của mình.

Cho đến ngày mái tóc xoăn bồng bềnh năm nào đã trở nên bạc trắng, hết tuổi biểu diễn rồi, Thảo Giang xin chuyển về Trường văn hóa nghệ thuật Gia Lai dạy đàn t’rưng, đàn ting ning. Hơn 70 mùa rẫy. Sức khỏe ngày một giảm sút, mắt đã gần như mù hẳn, nhưng anh mãn nguyện rồi, vì đã có nhiều thế hệ học trò chơi đàn ngày một hay hơn. Những lúc đôi tay còn linh hoạt, có điều gì vui buồn, anh lại mang đàn ra gảy. Tiếng ting ning của Thảo Giang vẫn réo rắt và tài hoa lắm. Dường như tất cả tâm tư của anh gói gọn trong những tiếng đàn ấy.

Bạn bè văn nghệ Gia Lai gọi anh là “người Bâhnar lãng mạn cuối cùng ”. 

Hôm nay con người lãng mạn ấy bay về cõi mang lung rồi.

Vĩnh biệt người nghệ sĩ tài năng và tâm huyết với nghề.

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...