Tiếng hạc bâng khuâng

05/08/2015

Danh ca Phó Thị Kim Ðức (trong ảnh) rất hiếm khi xuất hiện trên sân khấu. Ðĩa hát duy nhất của bà cũng khó tìm. Người ta không thấy bà trong các cuộc liên hoan.... "Ẩn cư", nhưng bà vẫn bảo tồn nghệ thuật ca trù theo cách riêng của mình. Một giáo trình ca trù hát khuôn đã hình thành sau 29 năm tâm lực. Năm đứa cháu trong dòng họ cũng đang dần trở thành những ca nương, kép đàn. Ở một khía cạnh nào đó, ca trù đang phát triển. Dẫu vậy, tự thẳm sâu, những tiếng lòng chưa bao giờ vợi những bâng khuâng…

Bà hạ tay xuống cỗ phách. Tiếng dùi đập vào cỗ phách của đoạn "lưu không" giòn tan, dồn dập, dồn dập tựa tiếng vó ngựa reo. Chỉ một lần hạ tay, phải dùng dụng cụ chuyên dụng mới ghi hết được có bao nhiêu âm tiết được bật ra từ cả phách cái, phách con. Một kỹ thuật gõ kép, bằng cả hai tay mà Việt Nam giờ chỉ còn có một. Tiếng phách gấp gáp, mà đôi tay vẫn khoan thai, mềm mại đến lạ kỳ. Nét mặt của ca nương tuổi 85 cứ thung dung và những âm thanh dường như không phải từ cổ họng, mà từ gan ruột nảy ra. Chỉ qua một đôi khổ mà người nghe được qua bao cung bậc cảm xúc. Tiếng phách cũng chuyển nhịp. Khi dập dìu như bóng khuê nữ đài các thướt tha, khi cuộn lên như bao nỗi niềm ai oán, khi bảng lảng tựa một bóng chiều mờ sương… Từ khi cụ Quách Thị Hồ qua đời, người ta mệnh danh nghệ nhân Phó Thị Kim Ðức là đệ nhất danh ca. Còn tiếng phách của bà, là "phách Trạng Nguyên", không ai sánh kịp.

Dường như, giai điệu ca trù phảng phất nỗi buồn nên người gắn nghiệp với ca trù thường có cuộc đời sương gió. Bảy tuổi, cô bé Kim Ðức đã theo cha đi hát. Cha bà khi ấy là quản ca của một giáo phường danh tiếng phố Khâm Thiên, là một danh cầm thuộc hàng đệ nhất xứ Bắc thời ấy nghệ nhân Phó Ðình Ổn - đi hát. Không hẳn là không khiên cưỡng trong những phút ban đầu với một cô bé mới lên bảy. Cha bà thương bà lắm khi mỗi canh hát là một lần rút gan rút ruột. Bà còn nhớ năm đấy đói kém. Tiếng hát của "cô đào con" Kim Ðức góp phần đỡ mẹ, nuôi em. Những lời ca, tiếng đàn, nhịp phách cứ thấm dần, thấm dần. Người ta không thể chỉ dựa vào năng khiếu, hay cái gien của gia đình hay dòng họ để thành danh. Người ta cũng không thể chỉ dựa vào khổ luyện, nhất là ca trù cần có những khả năng thiên phú. Rất may, cô bé Kim Ðức hội tụ cả hai yếu tố ấy. Thừa kế di sản của dòng họ sinh ra từ làng ca trù Ngãi Cầu (huyện Hoài Ðức) và sự khổ luyện trong đam mê. Cô bé say sưa với cách nhả chữ buông câu, say sưa với những tiếng tếnh tang trầm đục của cây đàn, và hơn cả là với cỗ phách. Có cỗ phách trong tay, cô bé như tìm được người bạn tri âm, để nói hộ nỗi lòng. Bây giờ khi nhớ lại, bà vẫn thường bảo, không hiểu sao mình lại nhớ được nhiều bài hát mà cha dạy đến thế. Hàng trăm, hàng trăm bài. Mà ai cũng biết thơ ca trù khó thế nào, thơ ca trù được viết bởi những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, hay thế hệ sau như Tản Ðà. Bà mê cái khoáng đạt trong những câu chữ của Nguyễn Công Trứ, cái ngạo nghễ trong thơ Cao Bá Quát… Ðể rồi, 13 tuổi, đã chính thức trở thành một ca nương…

Bà Kim Ðức được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1993. Nhưng tôi vẫn thích gọi bà là nghệ nhân hơn. Bởi cái danh hiệu này phản ánh những quãng éo le trong cuộc đời bà, phản ánh những thăng trầm của nghệ thuật ca trù. Năm 1960 bà về công tác tại Ðài Tiếng nói Việt Nam, và suốt nhiều năm trường, người ta biết đến Kim Ðức với tư cách một… giọng ca chèo đằm thắm, một giọng ngâm thơ truyền cảm. Bà Kim Ðức được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú bởi những đóng góp cho nghệ thuật hát chèo và ngâm thơ chứ không phải ca trù. Suốt mấy chục năm ấy, không ai đoái hoài gì đến ca trù. Dẫu cuộc sống nhọc nhằn, đêm ngày bà vẫn mơ tiếng trầm đục tếnh tang, mơ âm thanh róc rách mà giòn tan của những nhịp phách. Bà bảo, khi nghỉ hưu năm 1986, là lúc bà được trở về nghiền ngẫm lại vốn liếng ca trù. Bà đọc sách. Bà nghe lại những băng ghi âm. Thi thoảng có công việc gì, bà được cán bộ ngành văn hóa mời tham gia, song mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Ca trù chẳng có biến chuyển gì nhiều. Lối hát của bà cao sang quá, người ta bảo bà làm thế nào để dạy lớp trẻ trong một học kỳ hai tháng thôi. Với bà, cỗ phách đánh cho hay cũng mất vài năm học rồi. Vì phách là giọng ca thứ hai của mỗi đào nương. Tiếng phách thay tiếng ca, người ta gọi là ca phách. Có những đoạn lưu không, mình tiếng phách "độc diễn", không tiếng ca, không đàn đệm, mà phải thể hiện bao tâm tình. Mà phải gõ hai tay như một, tay thuận được mười phần, tay không thuận chí ít cũng được bảy tám. Ðấy là chưa nói đến lời ca. Bảo bà dạy hai tháng, cả phách lẫn ca thì khó quá. Người ta bảo bây giờ phải làm giản tiện thôi, cho nó đại chúng, cho phong trào phát triển. Còn bà thì sợ sai mất cái vốn ca trù, vốn uyên áo, thâm sâu… Bà ít diễn. Bà chỉ lên sân khấu khi nào thật sự cần. Bà cũng kén người truyền dạy. Có người đi lại mấy năm bà vẫn một mực chối từ. Bà hiểu từ khi có danh hiệu di sản UNESCO trao tặng, nhiều người đến với ca trù vì mục đích khác. Có người không học bà buổi nào nhưng vẫn nhận là học trò của bà Kim Ðức, danh ca dòng họ Phó! Nhưng bà không bao giờ lắc đầu nếu người ta đến với ca trù vì cái đẹp, bằng đam mê. Bà tham gia nhiều buổi diễn của nghệ sĩ người Pháp gốc Việt EaSola Thủy. Bà đi hát, gõ phách cho đoàn múa của chị suốt mấy năm ở trời tây. Khán giả phương Tây phần nhiều là những người có kiến thức về âm nhạc, họ nhanh chóng nhận ra cái tinh tế, cao sang trong từng kỹ thuật nhả chữ buông câu, trong từng tiếng phách mỏng như tơ tóc. Người học trò chân truyền của bà lại không phải là một giọng ca chuyên nghiệp. Ðó là vợ chồng anh chị Văn Hải – Bạch Dương, những người đều công tác ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Yêu ca trù, chị Bạch Dương lặn lội cả chục năm theo thầy Kim Ðức luyện tập. Những người đến vì cái tâm như thế bà chẳng tiếc gì. Anh chồng ban đầu đi theo vợ, sau cũng mê, và được bà truyền dạy ngón đàn. Nghe có vẻ nghịch lý khi một ca nương lại dạy… đàn. Nhưng lối hát khuôn của gia đình bà truyền lại thì người hát phải thuộc tiếng đàn. Hát khuôn là lối hát kinh điển, đỉnh cao của hát ca trù. Lời ca nào, phải đi kèm với tiếng phách, tiếng đàn ấy theo đúng khuôn khổ. Bà thuộc tiếng đàn, bà giỏi thẩm âm. Thế là bà ký tự hóa những nốt đàn, để học trò đánh, bà chỉ nghe rồi đánh giá được hay chưa được. NSƯT Ðặng Công Hưng - nhạc công Nhà hát Chèo Việt Nam cũng được bà truyền dạy theo lối ấy.

Bây giờ, những gió mưa của cuộc đời đã lùi cả về sau lưng. Bà dành thời gian còn lại cho con cháu, cho dòng họ. Năm đứa cháu, cả cháu ruột, lẫn cháu của những người anh em trong họ, giờ đều là những ca nương, kép đàn. Khi được hỏi, giờ ca trù phát triển rộng về phong trào, nhưng nguy cơ mai một cái tinh hoa, bà chỉ cười: Thì biết làm sao, mình không lo được việc thiên hạ, đành lo việc của gia đình vậy. Ca trù hát khuôn, cái tinh hoa nhất của nghệ thuật ca trù được bà gói ghém trong công trình nghiên cứu, đồng thời là giáo trình đào tạo. Xưa các cụ dạy truyền miệng, nay bà ký tự hóa giúp việc học dễ dàng hơn. Công trình đã hoàn thành sau 29 năm tâm lực. Công trình mà chỉ có người trong nghề mới có thể làm được. Bà bảo, nếu chẳng may bà có hai năm mươi, thì dựa vào bộ tài liệu này, ca trù hát khuôn, vẫn sẽ còn được duy trì…

(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...