Tiếng chuông nhà thờ trong ca khúc Việt Nam

10/02/2015

Tháp chuông cao vút và tiếng chuông nhà thờ ẩn chứa nhiều thông điệp cất lên sớm sớm, chiều chiều theo nhịp quay đều đặn của thời gian đã trở thành đối tượng để các nhạc sĩ nắm bắt, cảm nhận, mô tả trong tác phẩm âm nhạc của mình.

Chuông là nhạc khí, đồng thời là một bộ phận cấu thành kiến trúc của nhiều tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó có đạo Thiên chúa. Đạo Thiên chúa là tôn giáo phổ quát toàn thế giới, được truyền vào Việt Nam từ thế kỷ XVI và nhanh chóng trở thành thành tố văn hóa của Việt Nam, với những đặc trưng riêng, như kiến trúc nhà thờ, kinh thánh, lễ hội,... Nhà thờ Thiên chúa giáo, với đặc trưng là một tháp cao vút, trên đỉnh có cây Thánh giá. Quả chuông được treo trong tháp này, nên gọi là tháp chuông. Nhà thờ nào có 2 tháp chuông, cũng có nghĩa là nhà thờ đó có 2 quả chuông. 

Có lẽ, không một người Việt Nam nào lại không một lần được nghe tiếng chuông nhà thờ. Tiếng chuông ngân nga, quấn quýt trong những khóm tre làng, ngân rung trên những nóc phố rêu phong. Tiếng chuông nhà thờ không chỉ là những nốt nhạc thánh thiện, mà còn là tiếng lòng, là nỗi niềm của những con chiên – những con người đủ mọi tầng lớp trong xã hội vút qua tầng không trung bao la để tới Thiên Chúa. Tháp chuông cao vút và thứ âm thanh thiêng liêng, thanh bình, ẩn chứa nhiều thông điệp cất lên sớm sớm, chiều chiều theo nhịp quay đều đặn của thời gian ấy đã trở thành đối tượng để các nhạc sĩ nắm bắt, cảm nhận, mô tả trong tác phẩm âm nhạc của mình. Kho tàng âm nhạc hiện đại Việt Nam (mảng ca khúc) cho tới nay, tuy chưa có ai thống kê hết, nhưng cũng có thể khẳng định là có tới vài chục ngàn ca khúc đã đi vào đời sống của đất nước song, mới chỉ có 2 bài hát viết về/có “tiếng chuông nhà thờ”. Đó là bài hát: “Tiếng chuông nhà thờ” – nhạc và lời của Nguyễn Xuân Khoát và bài “Làng tôi” – nhạc và lời của Văn Cao.

Nếu chỉ nghe / căn cứ vào tên gọi của 2 ca khúc, ta dễ dàng thấy / biết ngay, chỉ có bài hát “Tiếng chuông nhà thờ” là viết trực tiếp về “tiếng chuông nhà thờ”. Song, khi nghe / đọc ca từ, ta mới thấy là trong bài “Làng tôi” của Văn Cao cũng có “tiếng chuông nhà thờ”. 

Nói văn học nghệ thuật là “thư ký của thời đại”, phản ánh chân thực, sinh động muôn mặt của đời sống con người, quả rất đúng với hai tác phẩm / bài hát “Tiếng chuông nhà thờ” và “Làng tôi”. “Tiếng chuông nhà thờ” được Nguyễn Xuân Khoát sáng tác năm 1946, “Làng tôi” được Văn Cao sáng tác năm 1947. Vào thời điểm này, nhân dân ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, theo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Hồ Chủ tịch. Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai này, thực dân Pháp đã không từ một thủ đoạn dã man nào, giết hại nhân dân ta, đốt phá bệnh viện, trường học và cả các chốn linh thiêng, trong đó có các nhà thờ Thiên chúa giáo. Là những người yêu nước, tham gia cách mạng từ những ngày đầu giành chính quyền, thời gian này, hai nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Văn Cao đều trong đoàn quân kháng chiến (trên mặt trận văn hóa văn nghệ), đều tận mắt chứng kiến tội ác dã man của giặc Pháp, tận mắt nhìn thấy những làng mạc tuy còn nghèo khó, nhưng bình yên của những vùng thôn quê của những người lao động chân chất, hiền lành, cần cù chịu khó, nay bị giặc Pháp đốt tan hoang. Bằng xúc cảm nghệ thuật, bằng tài năng của mình, hai nhạc sĩ đã phản ánh thực tế ấy, đã tố cáo tội ác dã man ấy của thực dân Pháp trong sáng tác của mình. Và, cũng bằng xúc cảm nghệ thuật của một chiến sĩ cách mạng với niềm tin vào sự toàn thắng của cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta, tin vào ngày mai tươi sáng của đất nước, của xóm làng, họ cũng thể hiện niềm tin chiến thắng ấy trong tác phẩm. Tất cả những điều đó, được cả hai nhạc sĩ thể hiện qua một hình tượng trung tâm là “tiếng chuông nhà thờ”. Mỗi khi tiếng chuông nhà thờ rung / ngân / buông thể hiện / đem lại sự thanh bình, yên vui của làng mạc, của đất nước, nhắc nhở cầu Chúa ban phước ơn lành cho nhân loại. Nhưng trong những buổi chiều vắng tiếng chuông nhà thờ ngân, bởi quân Pháp đã phá tan nhà thờ, đã đem súng đặt thay chuông trên các gác cao đền thánh, tàn phá làng mạc, giết hại dân lành, trong đó có những con chiên ngoan đạo của Chúa, đưa đến cảnh tượng đau xót “ngập bao xương máu tơi bời”, “đồng không nhà trống tàn hoang”. Không ôm đồm kể lể nhiều, cũng không xa vào miêu tả chi tiết sự hy sinh, những mất mát đau thương không giấy bút nào có thể tả hết mà giặc Pháp đã gây cho nhân dân ta, mà chỉ thông qua một “Tiếng chuông nhà thờ” thôi, người nghe cũng có thể cảm nhận hết những gì cuộc chiến đang diễn ra, những gì mà giặc Pháp đã gây ra cho nhân dân ta, những đau thương, mất mát mà nhân dân ta đã trải qua. Đó là cái tài chọn sự kiện trung tâm, chọn tình tiết mang tính đặc trưng nhất làm hình tượng nghệ thuật của những nhạc sĩ tài năng như Nguyễn Xuân Khoát và Văn Cao.

Xin đi vào hai ca khúc này để thấy rõ những điều đó.

Trong ca khúc Tiếng chuông nhà thờ, ngay những ca từ mở đầu bài hát, Nguyễn Xuân Khoát đã cho người nghe biết tội ác của quân Pháp (âm nhạc nhịp rất chậm):

Tiếng chuông nhà thời

“Thánh đường tôn nghiêm
Giặc sàm tới chiếm
Gác cao đền Thánh
Đặt súng thay chuông
Hung ác bạo cuồng
Tàn sát dân lành
Giê - su Ma – ri - a lạy Chúa tôi”

Tiếp theo, Nguyễn Xuân Khoát đi vào mô tả cuộc sống của giáo dân trước khi giặc Pháp tới xâm lăng, lao động và sinh hoạt tôn giáo, trong / theo một nghi thức đã thống nhất là tiếng chuông nhà thờ. Ý nghĩa của tiếng chuông nhà thờ; nói cách khác, tiếng chuông nhà thờ có tác dụng / báo hiệu / “nói gì” / chuyển tải thông tin gì với bà con giáo dân? Điều này được Nguyễn Xuân Khoát nói rất rõ, đó là:

- “Tiếng buông hồi chuông nhắc nhở cầu Chúa ban phước ơn lành cho nhân loại”,

- “Tiếng buông hồi chuông tươi cười nối duyên đôi lứa uyên ương lập gia đình”,

- “Tiếng buông hồi chuông nhân từ vui đón rửa tội tổ tông trẻ sơ sinh”,

- “Tiếng buông hồi chuông rĩ rền đưa cất linh hồn kẻ chết về thiên đường”.

Nhưng Nguyễn Xuân Khoát không kể liền tù tì 4 ý nghĩa / 4 “lời nói”ấy / 4 thông điệp ấy của tiếng chuông nhà thờ mà, mở đầu mỗi “tiếng buông hồi chuông” ấy là hai câu điệp ngữ:

“Đây xưa nay ngày nhặt ngày những hồi chuông
Đây xưa nay ngày lại ngày tiếng tiếng buông”

hoặc:

“Đây xưa nay ngày nhặt ngày
Đây xưa nay ngày lại ngày tiếng tiếng buông”

Ca từ của cả đoạn này trong bài hát như sau:

“Đây xưa nay ngày nhặt ngày những hồi chuông
Đây xưa nay ngày lại ngày tiếng tiếng buông
Tiếng buông hồi chuông nhắc nhở cầu Chúa ban phước ơn lành cho nhân loại.

Đây xưa nay ngày nhặt ngày
Đây xưa nay ngày lại ngày tiếng tiếng buông
Tiếng buông hồi chuông tươi cười nối duyên đôi lứa uyên ương lập gia đình.

Đây xưa nay ngày nhặt ngày những hồi chuông
Đây xưa nay ngày lại ngày tiếng tiếng buông
Tiếng buông hồi chuông nhân từ vui đón rửa tội tổ tông trẻ sơ sinh.

Đây xưa nay ngày nhặt ngày
Đây xưa nay ngày lại ngày tiếng tiếng buông
Tiếng buông hồi chuông rĩ rền đưa cất linh hồn kẻ chết về thiên đường”

Với cách kết cấu này, Nguyễn Xuân Khoát đã làm dầy / phong phú cảnh tượng sinh hoạt rất đỗi thanh bình của giáo dân trước khi giặc Pháp đến. Và, khi giặc Pháp đến, tất cả những sinh hoạt trên, cảnh tượng thanh bình trên không còn, thì tội ác của giặc Pháp càng đầy, càng khủng khiếp, càng đáng lên án hơn:

“Thế mà giờ đây thánh đường tôn nghiêm
Giặc sàm tới chiếm gác cao tòa thánh
Đặt súng thay chuông
hung ác bạo cuồng tàn sát dân lành
Tàn sát dân lành”

Tội ác của giặc Pháp không làm cho nhân dân ta / giáo dân ta run sợ, đầu hàng. Trái lại, nhân dân ta / giáo dân ta đã vùng lên đấu tranh để bảo vệ xóm làng, bảo vệ thánh đường, để cho tiếng chuông nhà thờ lại ngân lên mỗi sớm, mỗi chiều. Với niềm tin mãnh liệt vào cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc, Nguyễn Xuân Khoát đã khẳng định cuộc kháng chiến sẽ thành công, tiếng chuông nhà thờ - nhạc thánh lại buông, lại rung trong cuộc sống bình yên:

(âm nhạc nhịp đi)
“Nhưng rồi đây rồi đây kháng chiến thành công,
nhưng rồi đây rồi đây kháng chiến thành công

(âm nhạc chậm – say mê)
Nhạc thánh buông lơi đổ tiếng vàng,
đời đời ấm đọng gác nghiêm trang”. 

Qua bài hát “Tiếng chuông nhà thờ”, với những mô tả rất chi tiết từng cung bậc khác nhau của tiếng chuông nhà thờ trong đời sống giáo dân đạo Thiên chúa, cho thấy Nguyễn Xuân Khoát là người am hiểu rất sâu về tôn giáo này.

Đối với nhạc sĩ Văn Cao, ông sáng tác bài Làng tôi sau bài “Tiếng chuông nhà thờ” của Nguyễn Xuân Khoát 1 năm. (trước đó, ông đã có “Tiến quân ca” (hiện là Quốc ca Việt Nam) sáng tác năm 1944, “Bắc Sơn” sáng tác năm 1945). Hầu như mỗi người Việt đều sinh ra từ làng, đều có một ngôi làng thân thiết của riêng mình. Làng là một không gian sinh tồn – một không gian văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp – nông thôn Việt Nam, với hình tượng thân thương, quen thuộc: cây đa – giếng nước – sân đình. “Làng tôi” – ngôi làng của Văn Cao không có những hình tượng ấy. Ngôi làng của ông / mà ông mô tả trong bài hát là một miền “đồng quê yêu dấu”, rất đỗi thân thương, bình dị, với “xanh bóng tre”, với “bóng cau”, với “con thuyền” và “một dòng sông”, và “từng tiếng chuông ban chiều / tiếng chuông nhà thờ rung”. Hình ảnh này được Văn Cao mô tả trong Đoạn I (của bài hát có 3 đoạn):

“Làng tôi xanh bóng tre từng tiếng chuông ban chiều,
tiếng chuông nhà thờ rung.
Đời đang vui đồng quê yêu dấu,
bóng cau với con thuyền một dòng sông”.

Làng tôi

Nhưng rồi, cũng như tình cảnh những ngôi làng mà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát mô tả trong bài hát “Tiếng chuông nhà thờ”, chiến tranh ập đến, “giặc Pháp tới làng triệt thôn”, “phá tan nhà thờ” khiến cho “Đường ngập bao xương máu tơi bời, đồng không nhà trống tàn hoang”, “chiều vắng tiếng chuông ngân”.

Không cam chịu làm nô lệ, căm thù giặc Pháp đốt phá làng quê, người dân làng Văn Cao (tất nhiên là có cả các giáo dân) đã vùng lên đánh Pháp (Đoạn II):

“Làng tôi theo đoàn quân du kích, cướp ngay súng quân thù trả thù xưa.
Bao căm hờn từ xa quê nhà
Rừng chiều nhớ cánh đồng chiều xưa
Từ xa quê trong lớp cây già, lòng quê còn thấy buồn đau”.

Và ngày chiến thắng đã đến, nói đúng hơn, Văn Cao đã hình dung cái ngày ấy nhất định sẽ đến, quê hương nhạc sĩ được giải phóng (Đoạn III): 

“Ngày diệt quân Pháp tan là lúc tiếng chuông ngân, tiếng chuông nhà thờ rung.
Làng tôi cùng đoàn quân chiến thắng đánh tan lũ quân thù về làng xưa.
Dân tưng bừng chặt tre phá cầu
Cùng lập chiến lũy đào hầm sâu
Giặc chưa tan chiến đấu chưa thôi, đồng quê chào đón ngày mai”. 

Đúng như mong đợi/niềm tin/cũng là dự đoán thiên tài của hai nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Văn Cao, sau 9 năm kháng chiến gian khổ, với không ít hy sinh, với chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngôi làng của Văn Cao được giải phóng, ngôi nhà thờ mà Nguyễn Xuân Khoát đề cập đến, tháp chuông không phải là chỗ để súng liên thanh, chuông nhà thờ lại treo trên chỗ cũ của nó và tiếng chuông nhà thờ lại rung/ngân/buông theo những nghi thức thường hằng của nó. Song, ở miền Nam, từ năm 1954, và sau đó từ ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã gây chiến tranh xâm lược, tái diễn lại cảnh tàn phá làng quê và giết hại dân lành như thời thuộc Pháp, và có phần dã man hơn. Không biết bao nhiêu nhà thờ bị bom đạn Mỹ phá hủy. Không biết bao nhiêu tháp chuông nhà thờ đổ nát vụn. Tiếng chuông nhà thờ tắt lịm. Nhưng rồi, phát huy truyền thống chống Pháp, nhân dân hai miền Nam Bắc đã đoàn kết chiến đấu trường kỳ, đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo được khôi phục, nhiều tháp chuông được dựng lên. Tiếng chuông nhà thờ lại làm xứ mệnh thiêng liêng, cao cả của nó. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ấy, cũng đã có hàng vài ngàn ca khúc ra đời, song ca khúc viết về “Tiếng chuông nhà thờ” không hiểu vì sao, không được các nhạc sĩ sáng tác? Phải chăng, hai ca khúc “Tiếng chuông nhà thờ” và “Làng tôi” của Nguyễn Xuân Khoát và Văn Cao - hai nhạc sĩ bậc thầy trong làng nhạc Việt viết quá hay rồi, không ai dám viết nữa?

Có thể lắm chứ!

Riêng tôi, tôi không tin và, hy vọng sẽ có thêm những bài hát hay nữa về “Tiếng chuông nhà thờ”./.

(Nguồn: http://vanhien.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.