Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020): Đại hội cơ sở khu vực Hà Nội: Khối cơ quan Trung ương
Ngày 8 tháng 4 năm 2015, tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Đại hội cơ sở khu vực Hà Nội gồm khối cơ quan Trung ương với 142 hội viên của 8 đơn vị: Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Hội Văn học Nghệ thuật; Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch; Cục Nghệ thuật Biểu diễn; Nhà xuất bản Âm nhạc; Cục Văn hóa Thông tin cơ sở; Ngành Giáo dục và Các cơ quan lẻ Hà Nội.
Đến dự có Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội; Thiếu tướng – Nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội, và các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội.
Đại hội đã bầu ra Đoàn chủ tịch để điều hành cho Đại hội gồm: Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Giáo sư Vũ Tự Lân và Nhạc sĩ Bùi Gia Tường lên điều khiển Đại hội.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thay mặt Ban chấp hành khóa VIII đọc bản cáo cáo chính trị về những hoạt động âm nhạc của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Các đại biểu đều đồng ý với Bản báo cáo chính trị của Ban chấp hành khóa VIII, một số nhạc sĩ đã phát biểu đóng góp ý kiến cho bản báo cáo và bản Điều lệ sửa đổi:
- Nhạc sĩ Nhất Mai:
Nhất trí với Bản cáo cáo của Ban chấp hành khóa VIII. Về Điều lệ sửa đổi ở Điều 7, trang 48 cần thêm: Hội tập hợp đoàn kết mọi lực lượng hoạt động âm nhạc.
- Nhạc sĩ Hoàng Long:
Đồng ý với bản báo cáo, nhất là về phương hướng và nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới là những công việc rất quan trọng, nhưng cần cụ thể hơn nữa. Cần phối hợp và làm rõ vai trò, vì trí của các cơ quan chức năng quản lý của Đảng và Nhà nước trong các hoạt động âm nhạc, định hướng thưởng thức âm nhạc cho công chúng.
- Nhạc sĩ Vũ Mão:
Đồng tình với bản cáo cáo chính trị của Ban chấp hành khóa VIII, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã làm được nhiều việc quan trọng. Cần phân tích sâu sắc hơn những cái được và chưa được. Về phương hướng nhiệm vụ là rất tốt nhưng cần cụ thể hóa hơn nữa.
Về chuyên môn nghiệp vụ Hội làm rất tốt, nhưng mối quan hệ với các quan chức năng về quản lý âm nhạc còn yếu. Cần bổ sung thêm mục mối quan hệ với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, như giữa Hội và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cần có Quyết định liên tịch về quản lý hoạt động âm nhạc, và còn những cơ quan khác như: Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Đài truyền hình, Đài phát thanh…
Về công tác đối ngoại, cần đẩy mạnh hoạt động với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước láng riềng như: Lào, Campuchia… Ta nên chủ động trong các mối quan hệ, các đầu mối để phối hợp tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa văn nghệ, các đề tài sáng tác…
Về Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc hoạt động rất tốt, tích cực, có hiệu quả, nhưng cũng có khi tích cực thái quá, cần làm việc này có tính khoa học hơn nữa.
Đồng ý với ý kiến của nhạc sĩ Hoàng Long về vai trò vị trí của các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động sáng tác cũng như biểu diễn, thưởng thức âm nhạc của công chúng. Cần tiếp tục bổ sung cho rõ. Cần đẩy mạnh hát Quốc ca và phong trào hát Quốc ca.
- NS Tô Ngọc Thanh:
Về Ban kiểm tra Đại hội cần khẳng định rõ: Đại hội của các Hội chuyên ngành chỉ bầu Ban Chấp hành chứ không bầu Ban Kiểm tra.
- NS Hoàng Công Dụng:
Tôi rất vui mừng và tự hào vì Hội đã làm được rất nhiều việc trong nhiệm kỳ vừa qua. Mừng nhất là trong Bản báo cáo ở phần phương hướng có chú ý mảng sáng tác cho thiếu nhi và âm nhạc dân tộc. Tôi thấy cần có nhiều hơn nữa các cuộc thi sáng tác về đề tài thiếu nhi. Nên thêm vào bản báo cáo mục về quản lý âm nhạc và tham gia vào công tác quản lý âm nhạc. Đẩy mạnh các chính sách khuyến khích các tác giả trẻ có cơ hội trở thành hội viên của Hội.
- NS Lê Đại Thăng:
Đánh giá về kết quả hoạt động của Hội cần nêu khái quát hơn, về nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm cần sâu đậm hơn. Ở phần công tác lý luận phê bình có phần những mặt tồn tại nên đưa vào phần tồn tại chung.
Phần phương hướng, về phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động âm nhạc, cần cho vào một mục riêng. Tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật là một tổ chức Chính trị - Xã hội – Nghề nghiệp có Đảng đoàn khác với các Hội tự do, tự nguyện thành lập khác, không thể xem nhẹ, nên đưa nội dung này để Bộ Nội vụ, Ban Tuyên giáo Trung ương… nắm được.
Hoạt động kinh phí và nguồn lực xã hội hóa của Hội còn yếu, nên đưa vào mục tiêu nhiệm vụ.
Đồng tình với ý kiến của nhạc sĩ Vũ Mão, nên có chương trình phối hợp với các cơ quan chức năng về quản lý hoạt động âm nhạc, định hướng thị hiếu thưởng thức âm nhạc.
Về cuốn sách “90 năm ca khúc Cách mạng Việt Nam" (1930 – 2020), cần bổ sung thêm phần các tác phẩm trong công cuộc xây dựng đất nước và trong thời kỳ đổi mới.
Hội hoạt động sâu rộng và tính chất đặc thù riêng, tránh bình dân hóa chất lượng hội viên. Xét kết nạp hội viên phải quá bán số phiếu của các thành viên Ban chấp hành.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tổng kết:
Rất hoan nghênh và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhạc sĩ, chúng tôi sẽ cùng với Ban thư ký hoàn chỉnh Bản báo cáo cho Đại hội đại biểu toàn quốc. Đại hội hôm nay các nhạc sĩ đã làm việc rất nguyên tắc, công minh để bầu ra các đại biểu đi dự Đại hội chính thức, xin chúc mừng các nhạc sĩ đã trở thành đại biểu chính thức! Thay mặt Ban chấp hành, Ban tổ chức cám ơn các nhạc sĩ.
Xem phóng sự ảnh tại đây: Đại hội cơ sở tại Hà Nội: chùm ảnh 2