Thượng tá, NSƯT Đức Lợi: Duyên nợ với Trường Sa

14/06/2013

... Phải nói ngay rằng, việc phục vụ công tác chính trị của ngành là yêu cầu quan trọng được đặt lên hàng đầu và chúng tôi đã đáp ứng tốt nhiệm vụ này. Thêm nữa, tính chuyên nghiệp còn được thể hiện ở chỗ, khi tham gia các Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, nhiều diễn viên, ca sĩ đã đoạt được những giải thưởng cao. Đến nay đã có 6 nghệ sĩ trong đoàn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT... Theo tôi, đó thực sự là một niềm tự hào đáng kể đối với một đoàn nghệ thuật của một ngành...

Tôi đến gặp Thượng tá, NSƯT Đức Lợi - Trưởng đoàn Ca múa nhạc CAND khi anh và đoàn vừa hoàn thành chuyến đi công tác dài ngày dọc các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Sâm sẩm tối đoàn mới về đến Hà Nội thì ngay trong buổi tối hôm đó đã bắt tay vào tập luyện chương trình ca múa nhạc đặc biệt dành tặng cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa trong chuyến đi công tác đặc biệt của lãnh đạo Bộ Công an do Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu làm trưởng đoàn. "Ra Trường Sa, hát hả hê như một người lính" - Đó là lời tâm sự của NSƯT Đức Lợi khi trò chuyện với phóng viên Văn nghệ Công an trước thềm chuyến đi này.

- Thưa Thượng tá, NSƯT Đức Lợi, theo quan sát của anh, tâm trạng anh chị em nghệ sĩ trong Đoàn Ca múa nhạc CAND trước chuyến đi công tác Trường Sa thế nào?

+ Đây là chuyến đi công tác Trường Sa lần thứ 2 của tôi và cũng là chuyến đi thứ 2 của đoàn ra Trường Sa. Năm 2011, đoàn cũng có chuyến công tác vào đầu tháng 4. Nhiều người trong đoàn đã đi Trường Sa rồi thì nay để các anh chị em khác đi cho có thêm trải nghiệm về một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nói chung, mọi người ai nấy đều có tâm trạng háo hức, chờ đợi một chuyến đi vất vả nhưng sẽ là một kỷ niệm khó quên. Với riêng tôi, nhiều kỷ niệm xúc động trong chuyến đi trước đến nay vẫn còn đọng lại. Tôi thích được ra Trường Sa hát. Bởi nơi ấy, giữa nắng gió, biển trời quê hương, được hát cho những người lính thân thương mộc mạc nghe, tôi lại hát hả hê như một người lính!

- Nghe nói, trong chuyến đi đặc biệt này, Đoàn Ca múa nhạc CAND đã chuẩn bị một chương trình nghệ thuật đặc biệt để biểu diễn ở Trường Sa. Từ trước đến nay đã có rất nhiều đoàn nghệ thuật ra Trường Sa biểu diễn, là đạo diễn của chương trình, anh đã làm gì để chương trình này mang dấu ấn đặc biệt của một đoàn nghệ thuật mang "màu cờ sắc áo" của Lực lượng Công an?

+ Chuyến đi này, Đoàn Ca múa nhạc CAND có tất cả 18 thành viên tham gia, trong đó có các ca sĩ: Minh Lương, Tuấn Quỳnh, Phương Thủy, Hạ Vân, Bích Đào với các ca khúc về biển đảo như: "Khúc quân ca Trường Sa", "Đảo chân mây", "Lướt sóng ra khơi", "Nơi đảo xa", "Tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình". Ngoài ra, anh em nghệ sĩ sẽ thể hiện các ca khúc truyền thống của Lực lượng CAND như: "Chúng tôi là chiến sĩ CAND Việt Nam", "Hành khúc Công an Việt Nam", "Thiêng liêng lời Bác"... Các tiết mục múa "Bèo dạt mây trôi", "Lung linh mai vàng" cũng sẽ như các điểm nhấn mang tình cảm ấm áp của đất liền ra với anh em chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Chuyến đi này, đoàn dự định sẽ biểu diễn ở tất cả các đảo nổi và đảo chìm cùng với 2 nhà giàn.

- Mỗi năm, Đoàn Ca múa nhạc CAND thường có hàng trăm đêm đi đến các đơn vị, các tỉnh trong khắp cả nước để biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ và nhân dân. Với anh, ngoài chuyến đi Trường Sa lần trước rất nhiều kỷ niệm, có chuyến đi công tác nào khiến anh ấn tượng đến tận bây giờ?

+ Anh em trong đoàn chúng tôi đi công tác suốt ấy mà. Tôi nhớ là trước đây, "bà xã" tôi công tác trong Đoàn kịch CAND thôi mà có khi 2 tháng vợ chồng không gặp mặt nhau. Cứ chồng ở nhà thì vợ đi, chồng về đến nhà thì vợ lại vừa đi rồi. Bởi thế có nhiều chuyến đi rất đáng nhớ, song chuyến đi công tác 2 tháng ở Tây Nguyên hồi năm 2004 với tôi và anh em trong đơn vị đã đọng lại nhiều kỷ niệm khó quên nhất. Khi ấy, khắp vùng Tây Nguyên đang có những "điểm nóng Đề Ga", mà nhiệm vụ của chúng tôi là phải đi biểu diễn ở tất cả các buôn làng có điểm nóng ấy. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng biết đó là thời điểm tình hình an ninh trật tự rất căng thẳng, vậy mà trong suốt 2 tháng, hầu như tối nào chúng tôi cũng diễn. Cứ đến mỗi buôn, lại trải bạt ra làm sân khấu, chạy máy nổ lấy ánh sáng, âm thanh khiến côn trùng lao đến bu đầy đầu tóc, quần áo diễn viên, ca sĩ. Có nhiều đêm chúng tôi đi từ điểm biểu diễn về đến Công an huyện để nghỉ ngơi thì trăng đã tà bóng, ai cũng mệt lả và thiếp đi trên xe từ lúc nào...


Biểu diễn văn nghệ tại Đảo Sinh tồn.

- Có ý kiến cho rằng, Đoàn Ca múa nhạc CAND xưa nay mới chỉ đáp ứng được việc phục vụ công tác chính trị của ngành, nếu đem so sánh nhiều đoàn ca múa nhạc chuyên nghiệp trên cả nước thì yếu tố "chuyên nghiệp" còn chưa cao. Ý kiến của anh với tư cách Trưởng Đoàn Ca múa nhạc CAND về chuyện này như thế nào?

+ Theo tôi, ý kiến trên có phần đúng nhưng thực sự là chưa thỏa đáng. Đầu tiên, phải nói ngay rằng, việc phục vụ công tác chính trị của ngành là yêu cầu quan trọng được đặt lên hàng đầu và chúng tôi đã đáp ứng tốt nhiệm vụ này. Thêm nữa, tính chuyên nghiệp còn được thể hiện ở chỗ, khi tham gia các Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, nhiều diễn viên, ca sĩ đã đoạt được những giải thưởng cao. Đến nay đã có 6 nghệ sĩ trong đoàn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT... Theo tôi, đó thực sự là một niềm tự hào đáng kể đối với một đoàn nghệ thuật của một ngành. Gần đây nhất, khi tham gia Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 tại Đắk Lắk do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch tổ chức, Đoàn Ca múa nhạc CAND giành được Huy chương Vàng cho chương trình toàn đoàn "Làm theo lời Bác"; 3 Huy chương Vàng cho các tiết mục: Múa "Hoàn lương" (Âm nhạc: Tuyết Minh; biên đạo: Minh Tiến; biểu diễn: Thu Huyền - Quốc Hòa - Thanh Sương và tập thể múa); đơn ca: "Cho mãi xanh tươi mảnh đất này" (nhạc: Trương Hùng; lời thơ: Phan Gia Liên; biểu diễn: Ca sĩ Minh Lương); đơn ca "Mơ quê" (sáng tác: Nguyễn Tài Tuệ; biểu diễn: Kim Oanh). Ngoài ra, đoàn còn đoạt 2 Huy chương Bạc và Giải do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam trao tặng cho chương trình dự thi xuất sắc. Cũng trong cuộc thi này, tôi đã đoạt giải "Tổng đạo diễn chương trình xuất sắc nhất".

- Thưa NSƯT Đức Lợi, anh chắc là người nằm trong số không nhiều những nghệ sĩ đi lên từ hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng nhưng đã thực sự trưởng thành, có tên tuổi ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Anh có thể chia sẻ về con đường đi đến thành công của mình?

+ Tôi vào ngành Công an đầu năm 1975 ở Nam Định. Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Anh em tôi đều thừa hưởng gien di truyền từ mẹ với một chất giọng tốt. Tôi cũng yêu ca hát từ nhỏ, đến khi vào ngành, ban đầu cũng chỉ là say mê với hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng thôi. Sau đó, tôi chuyển công tác lên Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Hà Nam Ninh và đi Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn ngành tại Phú Thọ. Năm đó tôi đoạt 4 giải Nhất với 4 tiết mục: Đơn ca ca khúc tự sáng tác có tên "Bình yên những con đường"; kịch câm "Ý nghĩa cuộc sống"; tấu nói "Câu chuyện bình thường" và vai Hứa Chu Hạo trong vở kịch nói "Người sưu tầm đồ cổ". Nhưng phải đến khi tôi đoạt Huy chương Vàng trong Hội diễn toàn quốc năm 1984 với bài "Chúng con canh giấc ngủ của Người" của nhạc sĩ Đăng Nước thì tôi mới được nhiều người để ý và đó cũng là bài hát đánh dấu sự trưởng thành của tôi trong con đường ca hát chuyên nghiệp. Sau khi chuyển lên Hà Nội công tác, tôi đã thi đỗ và theo học Khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Con đường của tôi cũng vòng vèo, xa xôi và trên con đường ấy, tài năng là điều không thể thiếu được, song tôi luôn tâm niệm rằng: Với tôi, mọi điều đều bắt nguồn từ sự say đắm với nghệ thuật ca hát và đến nay, điều đó vẫn chưa bao giờ thay đổi.

- Trên con đường ca hát chuyên nghiệp, anh là người thể hiện thành công nhiều ca khúc như "Tình ca Tây Nguyên", "Dấu chân phía trước"... Ngoài ra anh từng đảm nhiệm xuất sắc vai trò lĩnh xướng trong tác phẩm múa "Kể chuyện người cộng sản". Nhưng xem ra, bài hát "Chúng con canh giấc ngủ của Người" mà anh thể hiện luôn đem đến cho khán giả những cảm xúc đặc biệt. Anh có thể chia sẻ thêm về chuyện này?

+ Có được điều này, tôi rất biết ơn cố NSND Quý Dương, là người đã phân tích, hướng dẫn và truyền dạy cho tôi những bài học quý khi thể hiện bài hát này. Khi dựng bài hát này cho tôi, NSND Quý Dương đã phân tích kỹ lắm. Ông bảo rằng, ở những đoạn như "Hãy nhè nhẹ bàn chân" hay đoạn cuối "Bác ơi Bác ngủ ngon lành" phải hát thật nhẹ với giọng giả thanh, lơi nhịp như tiếng nói từ trong trái tim, đáy lòng mình mới thấy được tình cảm thành kính của dòng người vào Lăng viếng Bác và khiến những bước chân như được níu lại. Sau này tôi thấy rằng, với mỗi tác phẩm, nếu được phân tích và "thẩm" kỹ, bao giờ ca sĩ cũng hát hay hơn và "nâng" được tác phẩm lên. Tôi đã đem kinh nghiệm quý mà mình học được vào dàn dựng các chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc CAND và thường đem lại những hiệu ứng rõ rệt.

- Xin cảm ơn Thượng tá, NSƯT Đức Lợi!

(Nguồnhttp://vnca.cand.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...