Thực trạng đội ngũ những người làm lý luận phê bình VHNT ở các Hội

14/01/2018

 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - Tổng Biên tập Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, có bài nhận định về đội ngũ hoạt động lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay ở các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trên cả nước nhân Hội thảo Thực trạng đội ngũ hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay do Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương vừa tổ chức tại Hà Nội.

Mười năm gần đây, tôi - một người hoạt động, lý luận phê bình văn học chuyên nghiệp ở Viện Văn học được chuyển công tác về cơ quan Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phụ trách quản lý Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam với nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động lý luận - phê bình của Tạp chí này nói riêng và cùng với các văn nghệ sĩ làm công tác lý luận phê bình của các Hội VHNT thuộc 63 tỉnh thành và 10 Hội VHNT chuyên ngành trong cả nước, tập hợp thành một đội ngũ chăm lo việc viết, đăng tải các loại bài vở thuộc về nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT trên các trang Tạp chí của Hội.

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam qua các nhiệm kỳ do các Chủ tịch Trần Hoàn, Vũ Giáng Hương rồi Nguyễn Hữu Thỉnh đứng đầu đã liên tiếp mở các Hội nghị, các lớp tập huấn về công tác báo chí của các Hội VHNT và gần đây là mở các Trại viết chuyên đề về lý luận, phê bình về VHNT (từ 2014 đến nay đã mở được 3 Trại viết Lý luận, phê bình với hơn 80 lượt người dự, mỗi đợt khoảng 10 ngày, cuối mỗi đợt trại viên có viết bài thu hoạch và được cấp chứng chỉ) nhằm nâng cao chất lượng bài vở và trình độ nghiệp vụ của hoạt động báo chí văn nghệ cũng như bồi dưỡng lực lượng viết Lý luận - phê bình của các Hội VHNT tỉnh, thành phố. Là người theo dõi các hoạt động lý luận - phê bình VHNT của các Hội VHNT và các Tạp chí VHNT của các Hội, chúng tôi có mấy nhận xét về thực trạng đội ngũ những người làm lý luận - phê bình VHNT ở lĩnh vực này như sau:

Sự phân bổ lực lượng nghiên cứu lý luận phê bình: vấn đề cốt tử về tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu lý luận phê bình

Lực lượng nghiên cứu, lý luận phê bình các chuyên ngành nghệ thuật khác nhau phân bổ không đồng đều về số lượng và chất lượng.

Trong các ngành nghệ thuật, ngành văn học sở hữu một lực lượng nghiên cứu, lý luận, phê bình và tác phẩm luôn luôn nhiều hơn các chuyên ngành khác, có chất lượng cao hơn vì đây là ngành phê bình có truyền thống từ lâu đời. Kế đến có thể nói tới các chuyên ngành khác có lịch sử phát triển đáng kể, gần gũi với văn học là: sân khấu, mỹ thuật và âm nhạc. Các ngành khác: điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc là những ngành nghệ thuật mới mẻ, ngôn ngữ nghệ thuật có những đặc thù riêng, không phải ai ai cũng thấu hiểu ngay được, nên lực lượng nghiên cứu lý luận phê bình và tác phẩm có phần ít hơn.

Trên lĩnh vực đào tạo cũng vậy. Các trường đại học về khoa học xã hội thường có khoa Ngữ văn hay khoa Văn học liên quan đến hoạt động nghiên cứu, lý luận phê bình văn học. Còn các trường cao đẳng hoặc đại học về các ngành nghệ thuật khác, ít quan tâm đến việc đào tạo những người thuộc chuyên ngành lý luận phê bình các ngành nghệ thuật đó, nếu có thì cũng có ít người mặn mà theo học, hoặc đeo đẳng học xong ra trường không làm nghề theo chuyên môn đào tạo.

Trong khu vực báo chí, xuất bản liên quan đến văn học, nghệ thuật cũng vậy: số bài vở, tác phẩm về nghiên cứu, lý luận phê bình văn học bao giờ cũng chiếm số lượng nhiều hơn so với các ngành nghệ thuật khác. Ở Trung ương, lực lượng phê bình các chuyên ngành văn học nghệ thuật được phân bố rải rác trong các Hội VHNT chuyên ngành; Hội chuyên ngành nào cũng có Ban hoặc Hội đồng Lý luận, phê bình của chuyên ngành đó với một số hội viên lý luận phê bình nhất định của chuyên ngành đó.

Hàng năm các Hội VHNT chuyên nghành trong khi xét giải thưởng VHNT của Hội mình đều quan tâm đến việc xét giải trao cho các công trình nghiên cứu lý luận, phê bình đã xuất bản trong thời gian qui định của giải. Trong khi đó, ở các Hội VHNT tỉnh, thành phố thì chủ yếu là lực lượng nghiên cứu phê bình văn học, còn nghiên cứu lý luận phê bình về các chuyên nghành nghệ thuật khác thì hầu như vắng bóng, trong khi lực lượng sáng tác về các chuyên nghành nghệ thuật đó không phải là không có ít nhiều.

Tính chuyên nghiệp của những người viết nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật không đồng đều.

Do công tác đào tạo, thực thi khác nhau và đặc thù về lao động nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật của các ngành khác nhau, nên số người viết nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT chuyên nghiệp gắn bó lâu dài với nghề là rất ít và hiếm, phần nhiều là tay ngang kiêm nhiệm hoặc tùy hứng, không ổn định.

Thế nào là người chuyên nghiệp nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT? Theo tôi hiểu, chuyên nghiệp trong lĩnh vực này là những người được đào tạo bài bản, chính qui trong các trường đại học về khoa học xã hội, về nghệ thuật hoặc có năng khiếu, kiên trì tự học, rèn luyện và thể nghiệm ngòi bút. Họ thường đảm nhiệm việc giảng dạy, nghiên cứu biên tập tại các trường đại học, Viện nghiên cứu, ở các cơ quan báo chí hoặc xuất bản chuyên ngành về VHNT. Họ có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với các tác phẩm, công trình VHNT, có mối quan hệ gắn bó với các văn nghệ sĩ trong chuyên ngành. Nghiên cứu, lý luận phê bình là nghề và nghiệp của những người này, chúng đeo đuổi gắn bó với họ một cách đam mê, tâm huyết đến suốt đời.

Nhưng không phải ai cứ có học, có đọc, có viết là trở thành người nghiên cứu lý luận phê bình chuyên nghiệp. Nghề viết nghiên cứu, lý luận, phê bình rất kén chọn người; phải có những điều kiện cần và đủ mới có thể đảm đang được công việc một cách xuất sắc. Đó là: năng khiếu, tài năng bẩm sinh và do rèn luyện, dùi mài, kiến thức uyên bác, đa năng; kỹ năng và sự thành thục, điêu luyện trong thể hiện độc đáo sự bình giá về tác phẩm VHNT, về văn nghệ sĩ trên một văn bản nghiên cứu, lý luận, phê bình dồi dào chất văn thu hút người đọc. Người tài trong nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật luôn luôn là của hiếm như lá mùa thu vậy! (xem bài "Phê bình văn" của Hoài Thanh viết năm 1935, trong đó ông nhắc nhở viết nghiên cứu, lý luận, phê bình không phải là viết a dua, theo đòi người khác mà phải có tài, có bản lĩnh chỉ viết những điều người ta chưa nói, chưa viết và viết một cách độc đáo, có chất văn, khiến người đọc ngạc nhiên, cảm động, thích thú).

Tóm lại nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT cần có một kiến văn phong phú, uyên bác của một cây bút chuyên nghiệp, dồi dào bản lĩnh nghề nghiệp.

Họ cần được đào tạo chu đáo hoặc tự đào tạo công phu, có tài năng và phẩm chất nghệ sĩ của chuyên ngành mà mình nghiên cứu, lý luận phê bình. Đồng thời họ cũng cần có một năng lực diễn đạt siêu phàm bằng ngôn ngữ nói, viết về các vấn đề thuộc chuyên ngành, nghệ thuật mà mình quan tâm để bài viết có ý tứ, có sức thu hút, có tính văn học và khả năng lôi cuốn người đọc tranh luận, đối thoại. Nói cách khác, họ phải là nhà văn viết nghiên cứu, lý luận, phê bình về VHNT.

Từ trước đến nay, trong thời kỳ VHNT hiện đại ở ta, những cây bút viết nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT xuất sắc trên các lĩnh vực chuyên ngành nghệ thuật là rất hiếm, còn dừng lại ở hàng hai con số, trong đó có những ngành nghệ thuật những người như vậy chỉ ở hàng một con số (như ở các chuyên nghành: múa, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc...)

Vì vậy những người nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT cần nỗ lực hơn nữa, thể hiện tính chuyên nghiệp của tài năng và tâm huyết với VHNT, là văn nghệ sĩ đồng nghiệp, đồng hành với văn nghệ sĩ sáng tạo, cầm bút, nghiên cứu, lý luận phê bình về tác gia, tác phẩm, khuynh hướng vận động của nền VHNT Việt Nam hiện nay, thúc đẩy khai mở sự sáng tạo những tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Một số sách phê bình

Để đào tạo bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT "made in Vietnam"

Xây dựng và thực thi chiến lược đào tạo những chuyên gia nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT (đào tạo ở các trường Đại học về Khoa học xã hội và nhân văn, về nghệ thuật, đào tạo sau đại học ở trong nước và cử đi đào tạo ở nước ngoài)

Xây dựng ngành Việt Nam học, đào tạo người Việt Nam, người nước ngoài là chuyên gia nghiên cứu về VHNT Việt Nam, góp phần quảng bá các giá trị VHNT Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổ chức đội ngũ các nhà nghiên cứu theo các nhóm thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu các cấp (cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp quốc gia, cấp liên kết quốc tế) trong đó thực hành đổi mới tư duy và phương pháp nghiên cứu VHNT đối với di sản VHNT của dân tộc, đối với tinh hoa nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT ở nước ngoài, theo các hướng mở "tìm về dân tộc và hội nhập quốc tế"

Chăm sóc đội ngũ phê bình VHNT trẻ đảm đương việc phê bình, định giá các tác phẩm mới xuất bản, các tác giả mới xuất hiện ở các vùng miền trong cả nước; phát hiện, bồi dưỡng các tài năng nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật song song với phát hiện các tác giả VHNT trên lĩnh vực sáng tác. Đề cao tranh luận nghệ thuật khách quan và khoa học, có văn hóa, trên báo chí trong Tọa đàm, Hội thảo khoa học các cấp.

Từ trên cái nền rộng của hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình, phát hiện bồi dưỡng những nhà lý luậncó tài, có khả năng khái quát, tổng hợp, kiến tạo những khía cạnh lý thuyết mới từ thực tiễn VHNT của dân tộc, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận VHNT trên phạm vi toàn cầu. Từng bước xây dựng vị thế của VHNT Việt Nam nói chung, nghiên cứu lý luận phê bình VHNT Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

(Nguồn: http://toquoc.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...